Câu chuyện quy định về tiền điện tử và blockchain của Hoa Kỳ dường như vẫn chưa có hồi kết. Crypto và blockchain lần đầu tiên trở thành ‘tin hot’ khi ICO bùng nổ vào năm 2017 và 2018. Kể từ thời điểm đó, SEC bắt đầu chú ý đến khả năng bán token chứng khoán không được kiểm soát. Hơn nữa, đợt tăng giá gần đây của Bitcoin và thông báo về Libra của Facebook đã khiến vấn đề quy định điều chỉnh tiền điện tử một lần nữa trở thành tiêu điểm cho các nhà quản lý Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mặc dù các cuộc thảo luận vẫn diễn ra rất sôi nổi, nhưng không có kết luận chắc chắn.
Việc thiếu quy định định hướng rõ ràng đã khiến nhiều nhà phê bình dự đoán Hoa Kỳ sẽ tụt lại phía sau các quốc gia khác trên đường đua giành vị trí nhà lãnh đạo trong không gian đổi mới fintech. Nhưng với rất nhiều sự tập trung vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều đó có thực sự xảy ra không? Có phải các quốc gia khác đang tiến về phía trước nơi Hoa Kỳ đang bị đình trệ?
Vâng, không phải ở đâu cũng như vậy. Ví dụ, các tin tức cho thấy Ấn Độ đang trên bờ vực thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với tiền điện tử. Nhưng có nhiều khu vực pháp lý khác trên khắp châu Âu và châu Á hiện đang được chứng minh là thân thiện hơn với đổi mới fintech so với Hoa Kỳ. Dưới đây là một vài ví dụ về các quốc gia đang thu hút đầu tư fintech và tài năng kinh doanh từ Hoa Kỳ.
Thụy Sĩ
Công ty đầu tư mạo hiểm Swiss Crypto Valley mới đây đã công bố chi tiết báo cáo hàng quý về 50 công ty blockchain hàng đầu của đất nước. Theo đó, quốc gia Alpine hiện có 6 công ty blockchain lớn nhất thế giới, bao gồm Ethereum, Cardano và DFinity. Tổng giá trị của 50 công ty hàng đầu đã tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm 2019, lên tới hơn 40 tỷ đô la.
Mặc dù Facebook là một công ty của Hoa Kỳ, nhưng họ đã chọn Thụy Sĩ làm cơ sở cho Hiệp hội Libra, rất có thể là do cách tiếp cận mở của đất nước này đối với blockchain và fintech. Thụy Sĩ cũng cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các nhà môi giới tiền điện tử để áp dụng cho các hoạt động ngân hàng.
Hàn Quốc
Mặc dù ICO vẫn bị cấm ở Hàn Quốc, nhưng gần đây nước này đã xác nhận một bước tiến đáng kể trong việc ra mắt “khu vực blockchain không có quy định” ở cảng Busan. Nhờ vậy, thành phố cảng có sự tập trung lớn vào chuỗi cung ứng và các lĩnh vực hậu cần.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã xác nhận kế hoạch hợp tác với nhóm ngân hàng BNK để phát hành một stablecoin. Nó sẽ được hỗ trợ 1:1 bằng nội tệ và sẽ được ra mắt cùng với ví độc quyền, giúp xử lý các dịch vụ thanh toán. Động thái này là một phần trong sáng kiến của chính phủ Hàn Quốc nhằm thử nghiệm các công nghệ mới, với 6 khu vực khác được chọn để thử nghiệm các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và xe tự động.
Singapore
Singapore từ lâu đã đi đầu trong văn hóa startup, và tất nhiên, lĩnh vực fintech không là ngoại lệ. Nhiều tên tuổi lớn nhất về tiền điện tử đã gặp nhau ở quốc đảo này, bao gồm Litecoin, Tron, NEO và VeChain. Tổng giá trị của ngành tiền điện tử Singapore trong quý I/2019 được xác định ở mức 8.3 tỷ đô la.
Gần đây, Binance đã mở một sàn giao dịch địa phương tại Singapore, mang đến cho người dùng cơ hội giao dịch đô la Singapore để lấy tiền điện tử. Điều này diễn ra trong vòng vài tuần sau khi sàn giao dịch lớn nhất thế giới đóng cửa với người Mỹ vì các rào cản pháp lý.
Malta
Lại nhắc đến Binance. Có rất nhiều lý do tại sao sàn giao dịch lại chọn đặt trụ sở toàn cầu tại Malta. Đất nước này là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới sẵn sàng nắm lấy công nghệ fintech và blockchain. Đây là một trong những nước đầu tiên ban hành khung pháp lý cho các công ty tiền điện tử và blockchain, bao gồm cả các hướng dẫn điều chỉnh ICO và sàn giao dịch.
Maltese Financial Services Authority (MFSA) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biến Malta thành “hòn đảo blockchain”. Tổ chức đã công bố chiến lược fintech toàn diện bao gồm 6 trụ cột, trong đó có an ninh, kiến thức, giáo dục và kết nối quốc tế.
Estonia
Đất nước Baltic nhỏ bé không hề xa lạ với sự đổi mới. Quốc gia đã tiến xa hơn trong hầu hết nỗ lực thúc đẩy xã hội kỹ thuật số tập trung vào fintech. 99% giao dịch tài chính ở Estonia diễn ra bằng kỹ thuật số và đây vẫn là quốc gia duy nhất cung cấp chương trình cư trú điện tử cho phép công dân nước ngoài truy cập vào cơ sở hạ tầng kinh doanh.
Công ty dịch vụ tiền toàn cầu Transferwise và blockchain khổng lồ Guardtime đều đặt trụ sở tại Estonia. Cùng với Malta, Estonia là một trong số ít các quốc gia ở châu Âu cho phép thiết lập sàn giao dịch dễ dàng, với quy trình nhận giấy phép được xác định rõ.
Nhìn chung, Hoa Kỳ và Silicon Valley nói riêng vẫn dẫn đầu phần còn lại của thế giới về fintech VC. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là các công ty tiền điện tử đang bắt đầu ưu tiên các địa điểm khác. Đồng thời, các công ty như Bancor, Binance và Bittrex đã thực hiện các biện pháp hạn chế dịch vụ của họ đối với các trader và nhà đầu tư Hoa Kỳ. Có thể chưa xảy ra, nhưng dự báo rằng các quốc gia khác có thể bắt đầu vượt qua Hoa Kỳ trong công cuộc đổi mới fintech.
- Cục Thuế Hoa Kỳ (IRS) cảnh báo trader Bitcoin về quy định thuế sắp được ban hành
- Bitcoin tạo ra thách thức đối với chính phủ và hệ thống quy định
Thùy Trang
Tạp chí Bitcoin | Hackermoon