Kể từ khi Facebook táo bạo tuyên bố gia nhập vào thế giới tiền điện tử với thông tin chi tiết về dự án Libra của họ vào tháng trước, thế giới vẫn không ngừng trò chuyện, thảo luận về dự án này. Ở Trung Quốc, Libra đã nhận được nhiều sự hưởng ứng khi các nhà lãnh đạo công nghệ đồng ý với ý kiến của họ và phương tiện truyền thông địa phương đã so sánh với các hệ thống thanh toán kỹ thuật số tại nhà như WeChat Pay, QQ Coin và Alipay.
Trong khi Bắc Kinh nhận thấy cơ hội với tiền kỹ thuật số, họ cũng quan ngại việc mất quyền kiểm soát. Cách Bitcoin và Libra được thiết kế khiến các chính phủ khó có thể kiểm soát được ai trả tiền cho ai, hoặc hạn chế thanh toán xuyên biên giới. Đồng thời, các tài liệu chính sách chính thức đã gọi tiền kỹ thuật số là “không thể tránh khỏi”. Vì vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của quốc gia, đã tuyên bố sẽ tạo ra một loại tiền tệ mà họ có thể quản lý, được liên kết với danh tính thực.
Nhìn chung, dự án Libra đã nhận được phản ứng trái chiều. Một số người kỳ vọng nó sẽ cách mạng hóa các khoản thanh toán, trong khi cũng có những người khác, trong đó có bao gồm một loạt các nhà quản lý quốc tế và ngân hàng trung ương, lại lo ngại nó sẽ tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc tự hào là con đẻ của xã hội không tiền mặt, song quốc gia này cũng đã tăng cường chống lại các hoạt động liên quan đến tiền điện tử trong hai năm qua. Kể từ khi Facebook phát hành whitepaper của Libra, các quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc, lãnh đạo ngành và các học giả đã bày tỏ lo ngại rằng Libra có thể thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu và các quy tắc đang tồn tại, và thậm chí có thể làm suy yếu chủ quyền về tiền tệ của tiền fiat, trong đó có bao gồm cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Kiểm soát toàn bộ
Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng về việc thúc đẩy phát triển một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Quốc gia này đã bật đèn xanh cho giai đoạn tiếp theo của chương trình tiền kỹ thuật số của PBOC, Wang Xin, giám đốc Cục nghiên cứu PBOC cho biết trong một cuộc hội thảo tại Đại học Bắc Kinh vào tuần trước.
Ông tiết lộ rằng ngân hàng trung ương đã kêu gọi các tổ chức định hướng thị trường cùng nghiên cứu và phát triển token kỹ thuật số, dưới sự chấp thuận của Quốc vụ viện Trung Quốc.
Wang cũng lưu ý rằng đẩy nhanh việc ra mắt một CBDC có thể đóng vai trò là “đối trọng” đối với các rủi ro và thách thức mà Libra sẽ đặt ra. “Một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành có thể cải thiện hiệu quả chính sách tiền tệ và giúp tối ưu hóa hệ thống thanh toán”, ông nói.
Yao Qian, người giám sát nghiên cứu tại PBOC, đã nhắc lại tại một sự kiện ở Bắc Kinh rằng nền kinh tế kỹ thuật số cần tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành hơn bao giờ hết, và việc nghiên cứu và phát hành nó là rất quan trọng.
Mu Changchun, phó giám đốc bộ phận thanh toán ngân hàng trung ương, cũng bày tỏ mối lo ngại rằng các tài sản mã hóa như Libra sẽ không bền vững nếu không có sự hỗ trợ và giám sát của các ngân hàng trung ương.
Điều vẫn chưa rõ ràng là liệu các phản ứng gần đây của các quan chức chính phủ đối với dự án Libra của Facebook chỉ đơn thuần là phản ứng lại hay thực tế họ đã có những bước tiến đáng kể kể từ khi kế hoạch đầy tham vọng về tiền kỹ thuật số lần đầu tiên được đưa ra tranh luận vào năm 2014. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đang trong quá trình tạo ra một loại tiền kỹ thuật số có thể thay thế đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các chuyên gia đã lập luận rằng các loại tiền tệ kỹ thuật số có thể cung cấp cho các ngân hàng trung ương nhiều quyền kiểm soát chính sách tiền tệ hơn và các hoạt động của nó có thể được theo dõi dễ dàng hơn so với các phương thức thanh toán như tiền mặt.
PBOC cho biết tiền kỹ thuật số của họ sẽ được coi là M0, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật liên quan đến tiền do ngân hàng trung ương trực tiếp phát hành. Điều này khác với Alipay và WeChat Pay, là các dịch vụ thanh toán dựa trên tiền tệ fiat do ngân hàng trung ương phát hành.
“Nói một cách đơn giản, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương mở rộng các công cụ chính sách tiền tệ và cung ứng tiền tệ của PBOC”, Lu Zhizhen, tiến sĩ nghiên cứu chính trị cải cách kinh tế tại Đại học Texas, Austin cho biết. Xét tới việc tiền kỹ thuật số có thể truy nguyên và dễ đoán hơn tiền mặt, chính sách tiền tệ được đề ra có thể sẽ được cải thiện đáng kể, bà giải thích.
Ví dụ, hiện tại rất khó để xác định liệu việc phát hành thanh khoản của ngân hàng trung ương có tác động tới tiền mặt hay tiền ảo hay không, nhưng việc theo dõi chuyển động của tiền CBDC sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đẩy lùi các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mức độ theo dõi và giám sát này được kích hoạt bởi công nghệ blockchain, đồng nghĩa với việc sự riêng tư của người dùng sẽ bị giảm, Lu lưu ý.
Một điểm khác biệt giữa CBDC và tiền ảo là tiền ảo chỉ có thể lưu hành trong các tình huống hạn chế, Lu nói thêm.
“Theo truyền thống, các ngân hàng trung ương trực tiếp kiểm soát việc tạo/hủy tiền nhưng chỉ có quyền lực gián tiếp đối với nguồn cung tiền tệ”, Dovey Wan, đối tác tại quỹ đầu tư tài sản mã hóa Primitive Ventures, chia sẻ trong một bài báo đăng trên Coindesk vào tháng 5. “Hiện tại, với tiền fiat kỹ thuật số, họ có tiềm năng vượt qua các ngân hàng thương mại và giành lại quyền kiểm soát việc tạo/cung ứng tiền tệ từ đầu đến cuối, từ đó tập trung hóa sức mạnh của họ trong hoạch định chính sách”.
Mặc dù có vẻ như kế hoạch lớn của PBOC về tiền kỹ thuật số vẫn bị treo lơ lửng, ngân hàng trung ương đã thực hiện một số bước đi, gợi ý ra nơi họ sẽ hướng tới trong tương lai.
Đầu tháng 4, PBOC đã bổ nhiệm Wang Xin, người từng là giám đốc Currency Gold và Silver Bureau tại ngân hàng, làm người đứng đầu ban nghiên cứu mới, thể hiện sự phát triển liên quan đến cam kết của ngân hàng trung ương nhằm thúc đẩy nghiên cứu tiền kỹ thuật số, Lu chia sẻ với TechNode.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc vẫn kín tiếng, chỉ nói rằng tất cả các khía cạnh của loại tiền kỹ thuật số này vẫn đang được thảo luận, Wang trước đây đã chia sẻ rằng nó có thể trở thành một công cụ chính sách tiền tệ mới hoặc một tài sản đầu tư mang lãi suất cũng như một công cụ tham khảo cho ngân hàng.
Chính phủ cũng đã đưa ra hàng chục bằng sáng chế liên quan đến tiền kỹ thuật số này, cho thấy rằng không chỉ một số bước tiến lớn đã diễn ra mà còn chỉ ra những gì họ đang suy tính đến trong tương lai.
Theo thông tin công khai trên trang web của Cục sở hữu trí tuệ nhà nước, Phòng thí nghiệm nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đã nộp hơn 53 bằng sáng chế trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018. Chúng bao gồm các ứng dụng liên quan đến một hệ thống cho phép thanh toán liên ngân hàng bằng cách sử dụng tiền kỹ thuật số, ví kỹ thuật số cho phép người dùng theo dõi lịch sử giao dịch của họ, cũng như một hệ thống gây quỹ dựa trên tiền kỹ thuật số.
Cản trở về mặt chính trị
PBOC bắt đầu chú ý đến tác động tiềm năng của tiền điện tử từ rất sớm; họ bắt đầu tìm hiểu khả năng tạo ra một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền vào năm 2014. Đây là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên làm như vậy. Năm ngoái các quan chức cho biết sự phát triển của một loại tiền kỹ thuật số quốc gia là “chắc chắn sẽ xảy ra”. Tuy nhiên, về việc thực sự đưa nó vào thực tế, ngân hàng trung ương dường như vẫn còn chần chờ.
Theo Yang Jinyan, tổng giám đốc của Huobi Labs, một vườn ươm dự án blockchain thuộc nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số toàn cầu Huobi Group:
“Tiến độ của dự án tiền kỹ thuật số đã chậm lại vì nó có khả năng sẽ thay thế fiat. Có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét, không chỉ về các khía cạnh bảo mật mà còn cả việc thực hiện một hệ thống xác minh tên thật và các biện pháp chống rửa tiền”.
Theo ông Yang, phản ứng từ các quan chức trong tuần qua cũng đã giảm nhẹ sự tích cực đối với lĩnh vực này, ông nói thêm rằng giờ đây họ có vẻ cởi mở hơn đối với sự hợp tác của tư nhân.
Mindao Yang, người sáng lập dForce, một stablecoin và nền tảng tài chính phi tập trung giao thức tiền tệ, đã nhấn mạnh hai thách thức chính đối với tham vọng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Tổ chức phải giảm thiểu rủi ro lạm dụng quyền riêng tư, vì dự án sẽ tập trung hơn vào việc thu thập thông tin cá nhân. Các loại tiền kỹ thuật số như vậy cho phép các ngân hàng trung ương mở rộng tín dụng trực tiếp cho các cá nhân và doanh nghiệp, điều này sẽ loại bỏ tất cả các bên trung gian tài chính. “Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật; tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với cản trở mạnh mẽ từ chính trị và xã hội”, ông nói.
Giống như các stablecoin khác, Libra của Facebook sẽ dựa trên công nghệ phi tập trung và di chuyển dễ dàng qua biên giới; Yang cho biết thêm, các loại tiền kỹ thuật số như vậy có thể gây ra các mối đe dọa đáng kể khiến các loại tiền có chủ quyền phải đối mặt với các tình huống khó khăn, chẳng hạn như thời điểm lạm phát cao hoặc khi hệ thống tài chính gặp bất lợi.
Trước những lo ngại rằng Libra có thể phá vỡ hệ thống tài chính hiện tại, các quan chức Trung Quốc có thể cũng cảm thấy không yên tâm về những thách thức có thể xảy ra đối với sự thống trị của thanh toán di động.
Không giống như hai nền tảng thanh toán di động lớn được gắn với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, Libra sẽ được cố định với một giỏ tiền tệ. Điều này có nghĩa là nó sẽ có phạm vi quốc tế rộng hơn nhiều so với WeChat Pay và Alipay, hầu hết chỉ được sử dụng ở Trung Quốc. Công nghệ blockchain cho phép dòng tiền tự do xuyên biên giới với chi phí thấp. Libra cũng có thể được sử dụng bởi 2,7 tỷ người dùng của Facebook.
“Một quốc gia nào đó có thể đang cố gắng ngăn chặn Libra, nhưng về mặt kỹ thuật thì điều đó gần như là không thể”, Yang Jinyan của Huobi Labs nói.
Mặc dù ở Trung Quốc, việc sở hữu tiền điện tử như Bitcoin là hợp pháp, các cơ quan quản lý vẫn cố gắng hạn chế sự hiện diện của tiền điện tử bằng cách cấm các sàn giao dịch và ví. Dịch vụ ICO cũng được coi là bất hợp pháp tại quốc gia này.
“Libra sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhiều hơn cho các loại tiền fiat và tiền kỹ thuật số có chủ quyền”, theo Yang. “Coin nào có số lượng người dùng lớn và các trường hợp sử dụng phong phú sẽ trở nên chiếm ưu thế trong thời đại của tài sản kỹ thuật số”. Ví dụ, các giao dịch thường được thực hiện bằng cách sử dụng stablecoin như Tether (USDT) và USD Coin (USDC), được gắn với giá trị của đồng đô la.
Các rào cản pháp lý
Các quy định hiện hành ở Trung Quốc có thể đang kìm hãm sự phát triển chung của tiền kỹ thuật số. Nói một cách tương đối, Mỹ có khung pháp lý rõ ràng và trưởng thành hơn đối với tài sản kỹ thuật số, bao gồm các quy tắc cụ thể về việc phát hành và lưu thông, cũng như các biện pháp chống rửa tiền (AML) và xác minh danh tính khách hàng (KYC), Yang nói.
Các công ty ở Mỹ gặp ít trở ngại hơn khi phát hành một stablecoin, trong khi các quy định tại Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.
Vào cuối năm 2017, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm sâu rộng đối với các hoạt động tiền điện tử, bao gồm giao dịch, ví và ICO. Tuy nhiên, Yang tin rằng chính quyền có thể đẩy nhanh công việc trong lĩnh vực này thông qua các dự án thí điểm, hoạt động khung pháp lý thử nghiệm hoặc các phương pháp khác.
“Tiền mã hóa đang ngày càng trưởng thành và trường tồn. Các cơ quan quản lý cần hiểu rõ hơn về công nghệ và đưa ra các khung thích ứng và tương thích hơn. Hầu hết các cơ quan quản lý đều không nhận ra sự bất khả thi về kỹ thuật khi buộc tiền điện tử đi theo khung pháp lý hiện hành”, Mindao Yang chia sẻ.
Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển của tiền kỹ thuật số, cũng đã có một sự thay đổi đáng chú ý trong thái độ của chính quyền. Nhận thấy rằng việc phát triển các công nghệ mới sẽ cần sự giúp đỡ, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tỏ ra sẵn sàng làm việc với tư nhân trong dự án tiền kỹ thuật số.
Tuần trước, Wang đã nhận xét rằng tổ chức này nên tìm ra cách làm việc với các tổ chức tài chính nhỏ hơn và các ngân hàng lớn, đồng thời tăng cường hợp tác với các đại gia công nghệ trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
Nhiều chuyên gia coi Libra của Facebook là dự án tiền tệ sử dụng blockchain tham vọng nhất cho đến nay. Đối với các công ty Trung Quốc trong không gian này, dự án Libra được đề xuất đã giúp tăng cường các cuộc trò chuyện về tiền điện tử.
“Trong khi việc áp dụng blockchain trên toàn cầu giữa các doanh nghiệp đang tăng tốc, đặc biệt là ở Trung Quốc, Libra là một lợi ích cho ngành công nghiệp trong việc nâng cao nhận thức toàn cầu”, theo Da Hongfei, đồng sáng lập công ty blockchain NEO và là một biểu tượng trong không gian blockchain Trung Quốc.
“Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới của việc áp dụng blockchain, phản ứng của PBOC đối với Libra là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà quản lý đang hướng đến công nghệ blockchain”, Da cho hay.
- CEO EBay: Tài sản mã hóa đã sẵn sàng đóng vai trò chính như một phương thức chuyển tiền
- 3 điều sai của Mark Zuckerberg về Libra và phản ứng của thị trường toàn cầu, Việt Nam đang ở đâu ?
Huyền Đinh
Tạp chí Bitcoin | Technode