Tháng trước, giá của Bitcoin đã được ghi nhận vào khoảng 6,500 đô la sau khi vượt qua ngưỡng 8,000 đô la trong một khoảng thời gian đáng kể trước đó. Sự suy thoái này phản ánh hiệu suất thị trường tồi tệ nhất của Bitcoin trong 7 tháng qua kể từ khi tài sản tiền điện tử hàng đầu giảm dưới mức 6,500 đô la vào tháng 5.
Tuy nhiên, ngay cả khi vận may của BTC đảo ngược như vậy, dữ liệu trên Google Trends cho thấy mức độ quan tâm toàn cầu đối với crypto No.1 dường như tăng lên mỗi khi giá tài sản biến động đột ngột cho dù là tích cực hay tiêu cực. Ngoài ra, vào tháng trước, thuật ngữ “Bitcoin” đã đạt thứ hạng tìm kiếm cao nhất kể từ ngày 26/10, là thời điểm nó được giao dịch trên 9,200 đô la.
Cuối cùng, một điểm thú vị đáng chú ý khác là phần lớn sự quan tâm đến Bitcoin dường như bắt nguồn từ các quốc gia châu Phi đang phát triển như Nigeria, Nam Phi và Ghana cũng như các nước châu Âu nhỏ như Áo và Thụy Sĩ.
Mối tương quan giữa dữ liệu Google Trends và giá BTC
Theo dữ liệu trực tuyến, phần lớn lượt tìm kiếm liên quan đến Bitcoin trên Google trong năm nay xuất hiện vào các giai đoạn khi giá đang tăng hoặc giảm nhanh chóng.
Ví dụ: trong khoảng thời gian từ ngày 19/6 đến ngày 29/6 – là lúc BTC tăng khá mạnh từ khoảng 9,000 đô la lên hơn 12,900 đô la, mức độ quan tâm toàn cầu đối với loại tiền này đã đạt đến đỉnh điểm trong 12 tháng. Tình trạng tương tự xảy ra vào một đợt tăng giá khác trong tuần thứ 2 của tháng 5, khi Bitcoin tăng từ 5,500 đô la lên hơn 8,000 đô la.
Ngoài ra, tỷ lệ quan tâm đến Bitcoin một lần nữa tăng vọt trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 20/7, là khoảng thời gian BTC mất hơn 10% giá trị. Xu hướng giống hệt như vậy được chứng kiến nhiều hơn 3 lần sau đó, một lần là trong tuần thứ ba của tháng 9, khi giá Bitcoin trượt từ trên 10,000 đô la xuống còn khoảng 8,000 đô la.
Lần thứ hai là từ ngày 20 đến 24/10 và BTC giảm 9%. Lần cuối cùng là trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 25/11, khi giá giảm hơn 1,000 đô la trong vòng 36 giờ.
Để giải thích thêm về vấn đề này, nhà sáng lập Jeroen Van Lange và cũng là người phân tích cho kênh The Blockchain Today đồng ý tính biến động của Bitcoin tăng dường như dẫn đến lượng tìm kiếm cao hơn trên Google. Ông nhấn mạnh:
“Vào ngày 24 và 25/9, Bitcoin đã giảm từ 10,080 xuống còn 8,126 đô la. Vào chính xác những ngày đó, chúng ta chứng kiến sự tăng đột biến về khối lượng trên Google Trends. Chẳng hạn, vào ngày 25 và 26/10, biến động mạnh làm tăng lượng tìm kiếm”.
Biến động giá Bitcoin trong suốt tháng 9 – 10 | Nguồn: Coin360
Sau đó, ông nói thêm rằng vốn hóa thị trường của Tether cũng có thể được sử dụng như một chỉ báo tuyệt vời về việc có bất kỳ loại tiền mới nào đang xâm nhập vào không gian tiền điện tử hay không – mà theo biểu đồ bên dưới cho thấy không có quá nhiều tiền mới chảy vào thị trường trong vài tháng qua.
Tổng vốn hóa thị trường của Tether kể từ giữa tháng 9 | Nguồn: Coin360
Tuy nhiên, CEO Alexey Ermakov của Aximetria – một nền tảng ngân hàng di động tập trung vào tiền điện tử – cho rằng việc nghiên cứu về mối tương quan giữa giá BTC và các truy vấn liên quan đến nó trên internet là một nỗ lực vô ích.
Theo quan điểm của ông, các mối liên hệ như vậy có thể được cá nhân hoặc tổ chức đặt ra bất cứ khi nào họ muốn tạo tâm lý ủng hộ Bitcoin trên thị trường và về cơ bản là một phương tiện truyền bá thông tin sai lệch trên internet. Về vấn đề này, Ermakov nhấn mạnh:
“Tất cả những điều này có vẻ không phù hợp. Bạn cần xem xét các chỉ số chức năng nhiều hơn, ví dụ như hash rate và khai thác. Mọi thứ khác đều là tín hiệu đẩy giá lên hoặc xuống”.
Cuối cùng, dự kiến trong vài tháng tới, Bitcoin sẽ tiếp tục thu hút ngày càng nhiều sự chú ý trong thị trường chính thống, vì halving sắp tới sẽ diễn ra sau tuần thứ hai của tháng 5/2020. Trong thời gian gần đây, nhiều nhà phân tích dự đoán thị trường tiền điện tử nói chung sẽ chứng kiến một giai đoạn tăng giá parabol mới.
Các nước đang phát triển rất để tâm đến Bitcoin
Như đã đề cập trước đây, dữ liệu của Google Trends cho thấy rất nhiều mối quan tâm liên quan đến Bitcoin dường như đến từ các quốc gia đang phát triển như Nigeria, Ghana, Nam Phi, Venezuela, Slovenia và Brazil.
Không chỉ vậy, nó còn xuất hiện như thể các quốc gia nói trên đang ráo riết khám phá tiềm năng chung của công nghệ sổ cái phân tán để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề này, Jeroen chỉ ra rằng điểm chung mà Nigeria, Nam Phi và Ghana đều có là giá trị đồng nội tệ của họ giảm so với đồng đô la Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh:
“Bitcoin có một trường hợp sử dụng rất quan trọng ở những quốc gia nơi chúng ta thấy đồng nội tệ thất bại”.
Ngoài ra, có một thực tế nổi tiếng là nhiều quốc gia châu Phi hiện đang phải vật lộn với các vấn đề liên quan đến lạm phát dẫn đến gia tăng sử dụng tiền điện tử trên toàn khu vực. Về vấn đề này, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng người dùng internet ở Nam Phi sở hữu lượng tài sản kỹ thuật số cao nhất (với tỷ lệ 10.7%) trong số tất cả những người chấp nhận tiền điện tử hàng đầu trên thế giới. Tương tự, vào ngày 26/11, thống đốc Ngân hàng Ghana tuyên bố quốc gia Tây Phi hiện đang trong quá trình phát triển tiền kỹ thuật số ‘chính chủ’.
Tương tự, CEO Gregory Klumov của công ty stablecoin Stasis được hỗ trợ bằng đồng Euro cho biết một số quốc gia châu Phi (đặc biệt là các thuộc địa cũ của Pháp) hiện đang sử dụng đồng Euro làm tiền tệ chính thức thứ hai.
Do đó, có một thị trường chuyển tiền điện tử mạnh mẽ dựa trên đồng Euro, rẻ hơn nhiều so với mức thu nhập trung bình – đặc biệt với sự ra đời của nhiều ứng dụng phi tập trung mới có thể được triển khai bằng điện thoại thông minh.
Cuối cùng, các quốc gia đang phát triển sẽ đạt được nhiều lợi thế bằng cách áp dụng các loại tiền điện tử cũng như các công nghệ hỗ trợ DLT, vì chúng giúp loại bỏ các vấn đề khác nhau liên quan đến tham nhũng, quan liêu và tập trung hóa bằng cách đưa ra mức độ minh bạch vô song.
Ví dụ, ở Đông Phi, một số doanh nhân địa phương đã bắt đầu sử dụng các nền tảng thanh toán mới như BitPesa, cho phép người dân thực hiện các giao dịch xuyên biên giới theo cách thức hợp lý và hiệu quả về chi phí. Tương tự như vậy, việc sử dụng tiền điện tử ở các quốc gia như Nam Phi, Nigeria, Zimbabwe và Venezuela đã tăng khá đáng kể so với năm ngoái, vì những tài sản này mang đến cho quần chúng cơ hội dân chủ hóa cách thức chính phủ xử lý tiền của họ.
Halving Bitcoin 2020 có tầm ảnh hưởng như thế nào?
Trong lịch sử, sau mỗi lần halving Bitcoin diễn ra là giai đoạn tăng trưởng parabol. Tuy nhiên, xu hướng trung và dài hạn đối với BTC dường như sẽ khác trong lần này.
Chúng tôi khẳng định như vậy là bởi vì thị trường tiền điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định về tỷ lệ chấp nhận Bitcoin trong vài năm qua. Do đó, nếu xu hướng này tiếp tục như mong đợi, thì sự kiện cắt giảm phần thưởng khối còn 6.25 BTC sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho hành động tăng giá.
Có thể thấy rằng trong chu kỳ halving gần đây nhất của Bitcoin diễn ra vào ngày 9/7/2016, giá trị đã tăng gần gấp 10 lần, từ 268 đô la lên hơn 2,500 đô la trong 12 tháng sau đó. Sau sự kiện này, chỉ số phần thưởng của Bitcoin đã giảm từ 25 BTC xuống còn 12.5 BTC.
Cung cấp những hiểu biết của mình về vấn đề này, Ermakov tin rằng sự kiện halving kết hợp với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 sẽ hoàn toàn có khả năng kích thích giá BTC tăng vọt trong tương lai sắp tới. Ông cũng nhận thấy tỷ lệ chấp nhận tiếp tục tăng, vì Bitcoin được rất nhiều nhà đầu tư coi là một cách lý tưởng để thoát khỏi sự không chắc chắn chính trị sắp tới mà dự kiến sẽ nhấn chìm ngành tài chính toàn cầu khi cuộc bầu cử cuối cùng đã đến gần. Ermakov bình luận thêm:
“Chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra, sự ra mắt của stablecoin Trung Quốc sẽ làm tăng mức độ phổ biến của Bitcoin và thúc đẩy giá trị của nó”.
Cuối cùng, khi xem xét các chu kỳ halving trước đó của Bitcoin, có thể thấy rõ sự kiện như vậy rất có thể sẽ kích thích giá theo hướng tăng lên cũng như thu hút nhiều người hơn vào không gian đang phát triển này.
- Tiền điện tử Trung Quốc sẽ cải thiện nền kinh tế quốc gia như thế nào?
- Google Trends: Các lượt tìm kiếm về “Halving Bitcoin” đã tăng đáng kể trong năm 2019 trên toàn thế giới
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Cointelegraph