Gần đây, Trung Quốc rõ ràng thể hiện quan điểm tiêu cực đối với tiền điện tử. Dưới đây là 3 tình huống có thể xảy ra tiếp theo.
Trong hàng trăm năm trước đầu thế kỷ 20, các hoàng đế của Trung Quốc đã cấm thương mại quốc tế và hội nhập đất nước với phần còn lại của thế giới. Chính sách “đóng cửa” (闭关锁国) một phần là do các cuộc Chiến tranh thuốc phiện với người Anh vì họ đã bán thuốc phiện một cách tàn nhẫn trong suốt thế kỷ trước và đã khiến 12 triệu người trong nước nghiện ngập.
Mặc dù tiền điện tử hầu như không gây nghiện như thuốc phiện, nhưng chế độ hiện tại ở Trung Quốc cũng coi thường nó với thái độ xem nhẹ tương tự.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cũng là lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, đã lên án hoạt động khai thác và kinh doanh tiền điện tử là một rủi ro tài chính sẽ gây mất ổn định nền kinh tế của đất nước. Do đó, các công ty khai thác tiền điện tử lớn đã tạm dừng hoạt động và bắt đầu tìm kiếm địa điểm mới ở nước ngoài. Huobi và OKEx, hai trong số các sàn giao dịch lớn nhất phục vụ nhà đầu tư ở Trung Quốc, cũng đã đình chỉ hoạt động khai thác pool và giao dịch đòn bẩy ở đó.
Lưu Hạc – Phó Thủ tướng Trung Quốc
Phải chăng đây là sự khởi đầu của “Cuộc chiến tiền điện tử” ở Trung Quốc? Hay chỉ là một ví dụ khác về FUD có xu hướng “mai phục” mọi đợt tăng giá của crypro? Bài viết sẽ xem xét cả tuyên bố của Lưu Hạc và phản ứng từ cộng đồng địa phương, đồng thời đề xuất 3 tình huống hợp lý dự kiến sẽ diễn ra.
Tình huống 1: Tiền điện tử hoàn toàn nằm ngoài vòng pháp luật
Việc xóa sổ ngành công nghiệp tiền điện tử “chính thức” của Trung Quốc chắc chắn có thể xảy ra. Chính quyền trung ương có thể ban hành lệnh cấm khai thác và giao dịch trên toàn quốc. Các chính sách sau đó sẽ được đưa ra để tước giấy phép của các trang trại khai thác và trừng phạt những người hiện đang hoạt động dưới vỏ bọc của “trung tâm điện toán đám mây”.
Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ thấy một cuộc đàn áp đối với Huobi và OKEx, vì cả hai sàn đều có trụ sở chính tại Bắc Kinh, cách nơi Chủ tịch Tập sinh sống chưa đầy một giờ lái xe.
Đúng là tiền điện tử vẫn chỉ là đối thủ nhỏ trong bối cảnh fintech của Trung Quốc và chính phủ có những “con cá” lớn hơn như Alibaba và Tencent phải lo lắng. Nhưng tiền điện tử có thể là mối đe dọa lâu dài hơn nhiều so với Alibaba và Tencent. Rốt cuộc, chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát Alibaba bằng cách bịt miệng Jack Ma, nhưng không thể dễ dàng bịt miệng tiền điện tử một khi nó phát triển lớn mạnh. Hơn bất kỳ ai khác trên thế giới, các chính phủ biết rằng tiền điện tử là một lỗ hổng sẽ đưa nhiều người vượt qua giai đoạn đánh bạc ban đầu đến với một thế giới phi tập trung mở, chống kiểm duyệt. Và điều đó đặc biệt đáng sợ đối với quốc gia này.
Thậm chí tệ hơn, tiền điện tử “thực sự”, không bị kiểm soát cũng có thể bị coi là mối đe dọa cạnh tranh và gây nhiễu loạn nỗ lực không ngừng của Trung Quốc để thiết lập tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình. Khi DCEP của Trung Quốc tiếp tục phát triển, bất kỳ nguyên tắc tài chính nào không hợp pháp hóa nó sẽ bị coi là mối đe dọa đối với chiến dịch nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc. Thêm vào đó, tiền điện tử đã và đang tạo điều kiện cho dòng vốn chảy ra ngoài không mong muốn, đây lại là một cái gai khác trong mắt chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng viễn cảnh hoàn toàn giết chết tiền điện tử là khó xảy ra, bởi vì sau khi chấp nhận tiền điện tử trong hơn một thập kỷ, giải pháp quyết liệt như vậy là quá kịch tính để thực hiện.
Dự đoán kịch bản này chỉ có 20% khả năng xảy ra.
Kịch bản 2: Sấm sét lớn, mưa nhỏ
雷声 大, 雨点 小 (“Sấm sét lớn, mưa nhỏ”) là một cụm từ mô tả các tuyên bố chính sách nghe có vẻ đầy tham vọng nhưng sau đó dường như không có hành động gì. Nếu tình huống này diễn ra, tuyên bố của Lưu Hạc sẽ là lời cuối cùng mà chúng ta nghe được từ chính phủ. Sẽ không có chỉ thị cụ thể khác từ chính quyền trung ương đến chính quyền cấp tỉnh buộc phải đàn áp hoạt động tiền điện tử.
Quan trọng hơn, chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được bất kỳ KPI nào (chỉ số đo lường hiệu quả công việc). Đây là chìa khóa bởi vì, trong trường hợp không có chỉ thị, chính quyền cấp tỉnh khó có thể trừng phạt những người khai thác tiền điện tử. Rốt cuộc, các miner đã hoạt động hòa bình ở đây trong một thập kỷ qua. Họ đã phát triển mối quan hệ thân tình với các chính quyền địa phương và nộp thuế đầy đủ, đúng quy định.
Nếu tình huống này diễn ra, tuyên bố của Phó Thủ tướng Lưu có thể chỉ để phù hợp với cam kết của Trung Quốc nhằm đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2060. Quốc gia này đã quyết tâm xóa sổ mọi yếu tố ngăn cản họ đạt mục tiêu đó và trở nên xanh hơn. Và việc khai thác Bitcoin thật không may là một trong những yếu tố cản trở.
Do vậy, chúng ta có thể thấy các trang trại khai thác chạy bằng than phần lớn biến mất, trong khi những trang trại chạy bằng năng lượng sạch được phép tiếp tục hoạt động. Các sàn giao dịch cũng sẽ ổn vì việc đóng cửa hoạt động pool khai thác vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của họ.
Dự đoán kịch bản này có 40% khả năng xảy ra.
Tình huống 3: Ly gián dần dần
Như Matthew Graham, Giám đốc điều hành của Sino Global Capital có trụ sở tại Trung Quốc, đã nói:
“Chúng tôi chắc chắn những bình luận của Lưu Hạc chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc lo ngại về việc đầu cơ quá mức, bao gồm cả tiền điện tử. Chúng tôi dự đoán chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng vấn đề này”.
Ở đây, “xem xét kỹ lưỡng” có thể là chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các bước đo lường để giải quyết nguy cơ tiền điện tử trở thành xu hướng chính thống, chứ không thực sự đặt nó ra ngoài vòng pháp luật.
Họ có thể bắt đầu bằng việc phá vỡ các hoạt động khai thác chạy bằng than, sau đó từ từ đến hoạt động khai thác chạy bằng hydro, rồi mở rộng sang hoạt động khai thác chạy bằng CPU (ví dụ: Filecoin và Chia).
Huobi và OKEx đã ngừng khai thác pool và tính năng giao dịch đòn bẩy cho người dùng Trung Quốc. Các tính năng khác như giao dịch OTC cũng có thể gặp nguy hiểm.
Kịch bản này có lẽ là nguy hiểm nhất vì nhiều khả năng gây ra nỗi đau cho tương lai gần. Thị trường có thể không được điều chỉnh bởi chính sách và chỉ phản ứng một cách thụ động.
Nhiều doanh nhân tiền điện tử đã nhìn thấy rủi ro như vậy và rời khỏi Trung Quốc hoặc chuẩn bị một lối thoát.
Dự đoán kịch bản này có 50% khả năng xảy ra
Tiền điện tử không phải là thuốc phiện
Như Graham đã quan sát, cộng đồng tiền điện tử “dấy lên nỗi sợ hãi” từ tuyên bố của Lưu Hạc. Nhưng đó không phải là vấn đề mà là sự không chắc chắn. Nếu chính phủ rõ ràng về ý định và hướng đi của mình, cộng đồng có thể tìm ra cách để đối phó.
Vấn đề lớn hơn – ít nhất đối với chính phủ – là chính sách đóng cửa có thể không hiệu quả vào thời điểm này. Công dân Trung Quốc hiện dễ dàng và thường xuyên vượt qua tường lửa (Great Firewall) để truy cập Google, Wikipedia và tất cả những thứ khác mà chính phủ đang cố gắng đóng cửa. Họ sẽ tìm cách truy cập vào các sàn giao dịch nước ngoài và tham gia vào DeFi nếu sàn trong nước bị cấm. Tuy vậy, việc tìm kiếm off ramp để chuyển tiền điện tử thành nhân dân tệ trong tài khoản ngân hàng Trung Quốc sẽ khó hơn.
Và nếu miner Trung Quốc biến mất thì sẽ như thế nào? Đó cũng có thể là một điều tốt cho tiền điện tử, làm cho blockchain trở nên phi tập trung hơn và hạn chế khả năng bị tấn công.
Nhưng nếu tiền điện tử rời Trung Quốc, một thế hệ doanh nhân thông minh và khát khao sẽ bỏ lỡ cơ hội một lần trong đời để xây dựng và làm giàu trên nền tảng mới, toàn cầu, không biên giới. Mọi người đều thua trong viễn cảnh đó.
Tiền điện tử không phải là thuốc phiện. Những lợi ích của việc mở cửa cho các nhà đầu tư và doanh nhân của Trung Quốc là quá rõ ràng.
- Lệnh cấm của Trung Quốc có thể mang đến kỷ nguyên mới cho tiền điện tử và ngành khai thác
- Các trader Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền điện tử bất chấp những quy định
- Tỷ lệ thống trị Bitcoin (BTCD) tiếp tục xu hướng giảm, sau cú bật mạnh gần đây
Minh Anh
Theo Decrypt