Mặc dù dự án blockchain TON của Telegram đã chết nhưng nó vẫn để lại “di sản” với ít nhất hai fork được hai cộng đồng cạnh tranh quản lý.
Trong đó, một token chạy trên blockchain có nguồn gốc từ TON, được đặt tên là TON Crystal, hiện đang được giao dịch trên một số sàn. Token cạnh tranh còn lại là TON Coin được niêm yết trên sàn giao dịch EXMO kể từ thứ 2 tuần trước và có sẵn cho các trader ở Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), theo phát ngôn viên của sàn giao dịch Alesya Sypalo.
Cô ấy nói thêm rằng sàn đã được trả phí để niêm yết TON Coin nhưng không tiết lộ ai đã trả tiền cho dịch vụ, chỉ cho biết rằng Anatoly Makosov, một trong những nhà phát triển hỗ trợ mạng, là “đầu mối liên hệ” cho thỏa thuận niêm yết. Makosov đã không trả lời câu hỏi của giới báo chí liệu anh ấy có phải là người dàn xếp việc niêm yết không.
Cả TON Crystal và TON Coin đều đang sử dụng thương hiệu và công nghệ TON vốn do Telegram tạo ra. Mặc dù có nguồn gốc chung nhưng hai cộng đồng này dường như luôn ganh đua với nhau.
Tuy nhiên, những cái tên đó khác xa với các dấu hiệu quan trọng duy nhất mà dự án blockchain TON đã thể hiện trong những tháng gần đây.
Trang web chính thức của dự án ton.org hoạt động trở lại vào ngày 4 tháng 8 sau hơn một năm im lặng. Team Telegram, vốn đang duy trì kho lưu trữ của dự án, đã không cập nhật trang web kể từ tháng 4 năm 2020, ngay trước khi dự án bị SEC tạm dừng.
Giờ đây, trang web hiển thị thông tin về một trong những người kế nhiệm TON, The Open Network, trước đây được đặt tên là Newton. Mạng được duy trì bởi cộng đồng các nhà phát triển (do Makosov dẫn đầu) và những trình xác thực tin tưởng vào thành công cuối cùng của dự án blockchain đầy tham vọng này. Dự án đã có khởi đầu không tưởng với Web 3.0, trị giá 1,7 tỷ đô la nhưng bị chìm trong cuộc chiến pháp lý với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) về trạng thái của token gốc.
Vậy, ai hiện đang duy trì các dự án mang tên TON, tại sao họ làm như vậy và tại sao họ cạnh tranh với nhau?
Telegram chia tay trong luyến tiếc
Telegram, công ty chủ quản của ứng dụng nhắn tin phổ biến khắp thế giới, đã từ bỏ kế hoạch ra mắt blockchain vào năm 2020, sau 2 năm làm việc và nỗ lực gây quỹ khổng lồ trị giá 1,7 tỷ đô la cho token. Telegram Open Network được cho là sự kết hợp giữa tiền điện tử và một loạt các dịch vụ phi tập trung dựa trên blockchain PoS.
Khái niệm này bao gồm dịch vụ tên miền phi tập trung (DNS), mạng riêng tư ảo (VPN), chia sẻ tệp và các tính năng khác. Nếu được triển khai, nó sẽ tạo ra một vũ trụ Web 3.0 hoàn chỉnh trên blockchain TON. Tất cả những điều đó có thể được tích hợp với ứng dụng nhắn tin Telegram, ứng dụng này hồi đó đã có hàng trăm triệu người dùng.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới, từ giới thượng lưu ở Silicon Valley đến các tài phiệt Nga, đã xếp hàng để đầu tư vào vòng pre-sale các token trong tương lai.
Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ ra mắt vào tháng 10 năm 2019, nhưng chỉ vài tuần trước khi chính thức đi vào hoạt động, SEC đã kiện công ty, với lý do vi phạm luật chứng khoán và tạm dừng sự kiện ra mắt. Sau 9 tháng hầu tòa, Telegram đã từ bỏ vụ kiện và chấp nhận dàn xếp với SEC, nộp phạt 18,5 triệu đô la.
Vào tháng 5 năm 2020, Telegram thông báo rằng họ sẽ không hỗ trợ dự án nữa, đổ lỗi cho cơ quan quản lý của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước khi ngừng hoạt động, Telegram đã đặt code của TON thành nguồn mở. Kho lưu trữ GitHub và trang web chính thức cũng “im hơi lặng tiếng” kể từ đó, ngoại trừ một ngoại lệ.
Vào đầu tháng 7 năm 2020, một tính năng mới đã được thêm vào code của blockchain: hợp đồng “testgiver” mang lại cho người dùng pre-mined token (token được khai thác trước) bằng cách sử dụng thuật toán PoW. Điều đó cho phép bất kỳ ai cũng có thể thiết lập một node để “khai thác” một số token mà không cần mua chúng, mặc dù tính năng như vậy không được cho là một phần của TON, vì nó có thiết kế được code hóa như một blockchain PoS.
Tùy chọn PoW đó đã tạo cơ hội cho một trong những offspring TON tồn tại.
Free TON ra đời
Sau khi Telegram chính thức rút lui khỏi dự án blockchain của mình, công ty đã “bỏ con giữa chợ” đối với một cộng đồng đáng chú ý gồm các nhà phát triển, startup blockchain nhỏ đang chờ đợi TON ra mắt và đã đầu tư thời gian, công sức, sức mạnh tính toán vào blockchain trong tương lai. Do vậy, nhiều người tỏ ra cực kỳ tức giận khi công sức của họ xem như “đổ sông đổ biển”. Thậm chí, đã có những đơn kiện được gửi đến tòa án và yêu cầu bồi thường hàng chục triệu đô la Mỹ.
Những người thất vọng nhất phải kể đến các nhà phát triển đã tham gia hackathons blockchain của Telegram trong khi TON đang được phát triển, một loạt các công ty nhỏ sẵn sàng tích hợp tiền điện tử của Telegram vào mô hình kinh doanh của họ và người sẽ trở thành trình xác thực.
Nhưng cuối cùng, họ đi đến quyết định rằng dự án blockchain đầy tham vọng vẫn có tương lai mặc dù Telegram không còn tham gia.
Một cộng đồng có chung quan điểm như vậy đã khởi chạy blockchain có tên Free TON vào tháng 5 năm 2020, với token gốc là TON Crystal. TON Labs đi đầu trong nỗ lực này cùng với một số chuyên gia từ nhiều công ty xác thực ở Châu Âu, như Everstake, P2P và Certus One. TON Labs là công ty công nghệ được vốn mạo hiểm hỗ trợ đã giúp Telegram chạy testnet (mạng thử nghiệm) TON từ rất sớm.
Token gốc TON Crystal (TON) được niêm yết và giao dịch với stablecoin USDT trên ba sàn CEX, DigiFinex và Kuna. Gần đây, cộng đồng đã ra mắt các tính năng tài chính phi tập trung, như thị trường NFT gốc và yield farming (canh tác lợi nhuận).
Token được tích hợp trong các ứng dụng ví Changelly, Free Wallet, Lumi. Đồng thời, cộng đồng đã khởi động cầu nối giữa các blockchain Free TON và Ethereum. Theo Aleksandr Tetyukhin, người chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến Free TON tại nền tảng staking Everstake, hiện có khoảng 440 trình xác thực đang hoạt động trên mạng.
Ngoài ra, các nhà phát triển gần đây đã xuất bản Whitepaper (sách trắng) mới, điều chỉnh Whitepaper ban đầu của TON do Nikolai Durov biên soạn, anh trai của CEO Telegram Pavel Durov. Tài liệu hiện đang được cộng đồng nhận xét và đánh giá trên diễn đàn dành riêng cho Free TON.
Whitepaper mới “nâng khái niệm tự do của Pavel Durov lên một tầm cao mới”, Alexander Filatov, đồng sáng lập và CEO của TON Labs, cho biết.
Dự án TON mới khác: Newton
Tuy nhiên, không phải tất cả những người ủng hộ ban đầu cho dự án blockchain của Telegram đều tham gia Free TON. Một số đã rời khỏi để tạo phiên bản TON của riêng họ. Trong đó phải kể đến Newton, do một cộng đồng các nhà phát triển khác điều hành, những người ban đầu không được công chúng chú ý.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, một trong số họ, nhà phát triển Anatoly Makosov, đã gửi yêu cầu trên GitHub đến team Telegram về việc chuyển giao quyền sở hữu tên miền ton.org và kho lưu trữ Github cho cộng đồng Newton (nickname của Makosov là tolya-yanot, là tác giả của yêu cầu). Chủ sở hữu của kho lưu blockchain TON, có lẽ là các nhà phát triển Telegram, đã đồng ý với yêu cầu này.
Kể từ đó, nội dung trên trang web ton.org do nhóm Telegram cập nhật trước đây đã được thay thế hoàn toàn bằng thông tin về dự án Newton. Kho lưu trữ GitHub vẫn chưa được các chủ sở hữu mới cập nhật. Telegram vẫn chưa có bình luận chính thức gì liên quan đến vấn đề này.
Makosov nói rằng khi Telegram tạm dừng các trình xác thực của họ và ngừng hỗ trợ testnet, team đã chuyển pre-mined token mà họ có cho các hợp đồng thông minh “testgiver” và cung cấp cách khai thác chúng. Tại thời điểm này, có số lượng lớn miner đang làm như vậy.
“Vì thế, chúng tôi nhận ra rằng token có giá trị và bắt đầu thảo luận có nên tạo một testnet khác hay không”, Makosov nhấn mạnh.
Anh ấy nói thêm rằng anh không rõ có bao nhiêu người và tổ chức tham gia vào quá trình “khai thác” TON.
Một trình xác thực yêu cầu giấu tên cho biết theo quan sát của anh ta, khoảng 500 địa chỉ đang tích cực khai thác tại thời điểm này, tất cả đều sử dụng phần cứng khá mạnh. Thật khó để biết có bao nhiêu trong số những địa chỉ đó thuộc về cùng một người, nhưng anh ấy biết ít nhất 20 miner và các thực thể độc lập đang tích lũy token, tổng cộng sử dụng không dưới 2.000 máy chủ. Tuy nhiên, những cá nhân và thực thể đó không sẵn sàng tiết lộ danh tính của họ.
Cạnh tranh để phát triển
Filatov của TON Labs cho biết công ty đã đăng ký quyền đối với nhãn hiệu “TON” và “The Open Network” ở 41 quốc gia, nhưng lại tỏ ra ôn hòa trong một bình luận về dự án đối thủ, bày tỏ hy vọng rằng “tất cả đều là mã nguồn mở và sẽ làm phong phú thêm hệ sinh thái nói chung”.
“Tôi thực sự hy vọng 98% coin TON đã được khai thác có giá trị và chủ sở hữu chúng sẽ đóng góp cho mạng”, Filatov nói thêm.
Gregory Waisman, COO của ứng dụng ví Mercuryo và là người ủng hộ Newton, tin rằng Newton gần giống với khái niệm ban đầu do Telegram tạo ra. Việc Telegram chuyển quyền sở hữu ton.org cho Newton chứng tỏ Telegram “tin tưởng sự phát triển hơn nữa của dự án với Newton”.
Ngược lại, Fedor Skuratov, cựu giám đốc truyền thông tại TON Labs, nhận xét việc liên kết với dự án TON ban đầu của Telegram có hại nhiều hơn là có lợi vì lịch sử pháp lý của dự án và thực tế là nó đã bị SEC cấm.
“Chính cái tên TON đã trở thành một yếu tố tiêu cực trong mắt nhiều đối tác tiềm năng, nhà đầu tư, ngân hàng và các cơ quan quản lý. Free TON đã bị ảnh hưởng bởi điều đó và bất kỳ dự án nào khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tại thời điểm này, mọi gợi ý về mối liên hệ với Telegram đều chỉ tốt cho người hâm mộ của Telegram”.
Vì lý do đó, cộng đồng Free TON đã chọn cách tránh Telegram càng xa càng tốt, trong khi cộng đồng Newton thích nhấn mạnh sự cống hiến của họ đối với khái niệm ban đầu của Telegram. Skuratov không tin bản thân Telegram quan tâm đến vấn đề này.
“Anh em Durovs lật TON sang trang mới chỉ vì lợi ích”, ông nói thêm rằng Telegram chỉ đơn giản là xóa bỏ dự án, chuyển giao trang web và kho mã cho “những người có yêu cầu trước”.
Telegram đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu công ty có hỗ trợ dự án Newton hay không.
- Telegram bị kiện bởi công ty đầu tư về việc hoàn lại tiền bằng token GRAM
- Telegram bị Da Vinci Capital yêu cầu bồi thường hàng chục triệu đô la vì vụ ICO thất bại
- Một hacker mũ trắng vừa giúp SushiSwap vá lỗ hổng có thể dẫn đến thất thoát $ 350 triệu
Minh Anh
Theo Coindesk