Ngày 20 tháng 12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, theo kế hoạch này, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại một số văn bản Luật hiện hành; Nghiên cứu xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán, đảm bảo tương thích, phù hợp với quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật phòng, chống rửa tiền.
Hoàn thiện việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22.11.2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng các văn bản hướng dẫn.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công: Phối hợp hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc để phục vụ yêu cầu phối hợp thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí; Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thu học học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán: Xây dựng công cụ thu thập, phân tích thông tin giám sát theo hướng tự động hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng giám sát; nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh; Nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động đánh giá, giám sát các hệ thống thanh toán.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Đầu tư tiền điện tử ở khu vực Đông Nam Á tăng 424% vào năm 2021, Việt Nam đứng thứ ba về tài trợ FinTech
- Các giao dịch tiền điện tử tăng hơn 700% ở châu Á – Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan dẫn đầu
Theo Báo Lao Động