Theo tỷ phú Ray Dalio, ngày càng ít quốc gia sẵn sàng nắm giữ đồng đô la Mỹ khi tỷ trọng của Hoa Kỳ trong nền kinh tế toàn cầu thu hẹp và vai trò của Trung Quốc trong thương mại quốc tế mở rộng. Nhà sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới cũng cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm nổi bật những rủi ro mới của việc giữ tài sản bằng USD.
Tỷ phú Ray Dalio
Nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio cho biết trong các cuộc phỏng vấn gần đây trên Youtube rằng tầm quan trọng của USD trong thương mại quốc tế giảm dần, dẫn đến hệ quả là sự thống trị của đồng fiat này đang mờ dần. Ông cũng chỉ ra các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga do cuộc xâm lược Ukraine đã phơi bày mối đe dọa mới đối với các chính phủ giữ tài sản bằng đồng tiền của Hoa Kỳ.
Nhà sáng lập Bridgewater Associates nhận xét tại Julia La Roche Show tuần trước rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới ít có xu hướng nắm giữ đồng bạc xanh hơn.
“Đô la là nợ. Nói cách khác, nắm giữ đô la có nghĩa là nắm giữ một tài sản nợ”.
Trước đây, các quốc gia sẵn sàng chấp nhận khoản nợ như vậy để có thể giao dịch trên toàn cầu vì đồng đô la được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc thúc đẩy sử dụng tiền tệ của mình (nhân dân tệ) trong các giao dịch thương mại với nhiều nước như Brazil, Kazakhstan và các nước khác, nhu cầu đô la có lẽ sẽ giảm trong tương lai.
Đồng thời, các hạn chế tài chính của phương Tây đối với Moscow đã đẩy nền kinh tế Nga hướng tới nhân dân tệ trong khi Nga bị đóng băng khoản dự trữ tiền tệ trị giá 330 tỷ đô la, càng ngăn cản nước này giao dịch bằng đô la hoặc euro. Dalio tin rằng các biện pháp trừng phạt làm tăng rủi ro nhận thức liên quan đến tài sản bằng đô la. Ông kết luận:
“Vì những lý do đó, ít có nhu cầu nắm giữ khoản nợ đô la hơn, có nghĩa là ít đô la Mỹ hơn. Vì vậy, bức tranh cung-cầu đang xấu đi, đặc biệt là khi chúng ta tiếp tục phải bán chúng ra quốc tế để tài trợ cho thâm hụt”.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Youtube của Tom Bilyeu được đăng vào thứ 7, Ray Dalio một lần nữa nhấn mạnh việc vũ khí hóa đô la Mỹ là yếu tố làm giảm vai trò của nó.
“Ngoài vũ khí quân sự, vũ khí lớn nhất mà Hoa Kỳ sử dụng là các biện pháp trừng phạt. Lệnh trừng phạt được thực hiện bằng cách đóng băng tài sản, những tài sản đó là trái phiếu. Nga đang phải đối mặt với điều này và có những mối đe dọa tương tự với các quốc gia khác như Trung Quốc, v.v.”.
Một số nhân vật của công chúng gần đây như người dẫn chương trình Fox News Tucker Carlson cho đến Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã thừa nhận các chính sách trừng phạt có thể làm tổn hại đến quyền bá chủ của đồng bạc xanh. Theo nhà kinh tế nổi tiếng Jeffrey Sachs đã bình luận vào đầu tháng 4, trong thập kỷ tới, đô la Mỹ sẽ có vai trò chi phối ít hơn nhiều so với hiện nay, một phần là do vũ khí hóa nó. Bình luận của họ được đưa ra trong bối cảnh nỗ lực “phi đô la hóa” do khối các nền kinh tế mới nổi BRICS dẫn đầu, trong đó Nga và Trung Quốc là thành viên.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đang hướng tới suy thoái giảm phát nghiêm trọng
Chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Bloomberg Intelligence, Mike McGlone, cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang “hướng tới suy thoái giảm phát nghiêm trọng”, nhấn mạnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vẫn thắt chặt chính sách.
Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Bloomberg Intelligence (BI), bộ phận nghiên cứu của Bloomberg, đã cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance Live tuần trước rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang hướng tới suy thoái giảm phát nghiêm trọng.
“Tôi thấy những gì chúng ta đang làm là hướng tới một cuộc suy thoái giảm phát nghiêm trọng, như các số liệu hàng hóa đã chỉ ra, do Fed vẫn thắt chặt chính sách.
Bây giờ, chúng ta có một cuộc khủng hoảng tín dụng khá nghiêm trọng đang diễn ra do xu hướng rút tiền gửi từ các ngân hàng lớn. Điều đó có nghĩa là suy thoái chỉ mới bắt đầu. Hơn nữa, khi xem xét nhu cầu công nghiệp hàng năm đối với khí đốt tự nhiên ở đất nước này, số liệu đang ở mức thấp nhất trong sáu năm nay. Và đó là số liệu hàng năm chứ không phải theo mùa”.
McGlone cũng cảnh báo Fed tiếp tục bàn về việc tăng lãi suất cao hơn bất chấp dữ liệu kinh tế gần đây.
“Họ đang bắt đầu có xu hướng bỏ lỡ, bỏ lỡ chỉ số giá sản xuất (PPI), bỏ lỡ doanh số bán lẻ. Và đối với tôi, đó chỉ là một phần của những gì xảy ra trong thời kỳ suy thoái. Tôi nghĩ đó là giai đoạn chúng ta đang ở ngay bây giờ. Các thị trường đang cảm nhận được điều đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc, trái phiếu 10 năm đang tăng, nhưng Fed vẫn cảnh giác với lạm phát.
Tôi dự đoán PPI trên cơ sở hàng năm sẽ hướng tới mức âm vào thời điểm chúng ta bước sang tháng 7. Và đó chỉ là điều bình thường xảy ra khi hàng hóa sụp đổ.
Fed vẫn đang thắt chặt. Thông thường, khi bạn thấy hàng hóa sụp đổ với tốc độ này trong quá khứ, Fed đã nới lỏng chính sách trong khi bây giờ họ vẫn cảnh giác với điều đó”.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Nhà đầu tư tiền điện tử kiên quyết HODL bất chấp sự hỗn loạn của thị trường và ngành ngân hàng
- Do Kwon bị buộc tội sử dụng hộ chiếu giả, đối mặt với án tù ở Montenegro
- Cuộc chiến giành quyền giám sát giữa SEC và CFTC thật “vô ích”
Đình Đình
Theo AZCoin News