Phần 1: Lịch sử tiền tệ kỹ thuật số
Chẳng có gì giống như một tờ giấy bạc trả công cho một vũ nữ thoát y. Một đồng tiền vô danh, nhưng vẫn rất cá nhân – cho dù nó được sử dụng ở bất cứ nơi nào, sẽ là phương thức thanh toán phù hợp trong trường hợp này. Các tay cung cấp nội dung người lớn trên Internet sau nhiều năm tìm cách tránh né lệ phí thẻ tín dụng, hoặc là cung cấp nội dung một cách miễn phí, gần đây đã tìm thấy loại tiền cho mình – một dạng tiền tệ kỹ thuật số mới được gọi là Bitcoin.
Bạn nhìn là sẽ nhận ra ngay (các vũ nữ thoát y nhận tiền boa bằng bitcoin sẽ in địa chỉ tài khoản ngay trên cơ thể mình.) Và quan trọng hơn, nếu chúng ta trả bằng bitcoin, chúng ta chẳng cần phải cho ai biết cả. Bitcoin được chuyển qua lại giữa các tài khoản mà không có ngân hàng, công ty thẻ tín dụng, hay bất kỳ một cơ quan nào biết ai đang trả cho ai. Thay vào đó, Bitcoin hoạt động dựa vào một mạng ngang hàng (peer-to-peer) và mạng này không quan tâm bạn là ai hay bạn mua gì. Về lâu dài, một hệ thống như thế này, với khả năng phục hồi tính riêng tư cho việc thanh toán điện tử, có thể làm được nhiều việc hơn là che mắt những kẻ tọc mạch. Nếu lượng người tham gia đủ nhiều, Bitcoin hay một hệ thống tương tự sẽ tạo ra một kênh mới để những tổ chức chính trị đối lập nhận tiền ủng hộ và những nhóm tội phạm rửa tiền làm các cơ quan giám sát tài chính truyền thống phải đau đầu.
Có thể bạn đã từng nghe đến tên Bitcoin vào năm 2017 khi mà tiền tệ kỹ thuật số là tâm điểm của giới truyền thông trong một thời gian ngắn và giới đầu cơ ào ạt mua vào với hy vọng Bitcoin lên giá. Hay cũng có thể bạn đã nghe về vụ các tay tin tặc phá két của những sàn giao dịch bitcoin trực tuyến lớn nhất, trùng hợp với việc giá của bitcoin lao dốc. Kể từ tháng 1/2018, bitcoin dần bị bán tháo và tới nay, 2019, mất 85% giá trị.
Giấc mơ về một loại tiền tệ kỹ thuật số độc lập và ẩn danh – một loại tiền đảm bảo tính riêng tư của người mua và người bán – đã có từ trước Bitcon khá lâu. Mặc cho các tạp chí như Forbes, Wired, và The Atlantic đã có các bài viết về sự cáo chung của loại tiền tệ này, giấc mơ đó vẫn còn lâu mới chấm dứt.
Quá trình theo đuổi một loại tiền tệ kỹ thuật số độc lập thực sự bắt đầu năm 1992 khi Timothy May, một nhà vật lý học đã nghỉ hưu của Intel, mời một nhóm bạn đến nhà của ông ở ngoại ô Santa Cruz, California, để nói chuyện về tính riêng tư trong thời đại Internet. Trong thập kỷ trước đó, các công cụ mã hoá, như kỹ thuật mã hoá với khoá chung (public-key encryption) của Whifield Diffie và phần mềm Pretty Good Privacy (PGP) của Phil Zimmermann, đã chứng tỏ tính hữu ích của chúng trong việc kiểm soát khả năng truy cập vào các thông điệp số. Lo sợ trước việc đột nhiên mất đi khả năng kiểm soát thông tin, chính phủ các nước trên khắp thế giới đã bắt đầu đe doạ sẽ giới hạn việc sử dụng các phương pháp mã hoá như vậy.
May và các vị khách mời tìm kiếm những điều mà các chính phủ đó e ngại. “Cũng tương tự như việc công nghệ in ấn đã thay đổi và làm suy yếu quyền lực của các phường hội và cấu trúc quyền lực xã hội ở thời Trung cổ, các phương pháp mã hoá cũng sẽ thay đổi bản chất của các tập đoàn và sự can thiệp của chính phủ vào các giao dịch kinh tế,” May nói. Cuối buổi thảo luận, cái tên “cypherpunks” (những tay chơi mật mã) được chọn làm tên nhóm và nhiệm vụ nhóm của nhóm, kiểu như nhiệm vụ của một siêu anh hùng, là bảo vệ quyền riêng tư trên toàn cõi thế giới số. Chỉ trong vòng 1 tuần, đồng sáng lập Eric Hughes của nhóm đã viết một chương trình có thể nhận các e-mail đã được mã hoá, rồi loại bỏ đi tất cả các thông tin định danh, sau đó gửi chúng đến một nhóm những người tham gia. Khi một người nào đó đăng ký gia nhập, họ sẽ nhận được một thông điệp từ Hughes:
“Cypherpunks cho rằng tính riêng tư là một điều tốt đẹp và muốn rằng tính riêng tư hiện hữu nhiều hơn nữa. Cypherpunks nhận ra rằng những người muốn sở hữu quyền riêng tư phải tự tạo ra nó cho bản thân mình chứ không thể trông đợi các chính quyền, các tập đoàn, hay các tổ chức vô cá tính lớn khác ban bố cho họ quyền riêng tư như một kiểu làm từ thiện.”
Hughes và May hiểu rõ rằng các hành vi về tài chính tiết lộ về chúng ta cũng nhiều như, nếu không phải là nhiều hơn cả những gì chúng ta nói. Nhưng ngoại trừ cách dùng tiền mặt trong cách giao dịch hay là dùng hàng đổi hàng thì chẳng có kiểu giao dịch nào khác có được tính riêng tư cả. Chúng ta dựa vào ngân hàng, các công ty thẻ tín dụng, hay các tổ chức trung gian khác để vận hành hệ thống tài chính của chúng ta. Liệu các tổ chức đó có lưu lại và thậm chí chia sẻ với ai đó một hồ sơ về thói quen chi tiêu của chúng ta hay không? Ngay cả việc dùng tiền mặt cũng cần phải có sự tin tưởng là đồng bạc đó sẽ giữ được giá trị của nó. Liệu chính quyền sẽ in quá nhiều hay quá ít tiền? Nhiều thành viên của Cypherpunks cho rằng cách duy nhất để giải quyết các vấn đề này là xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới.
Dần dần, sự mất niềm tin của họ phát triển thành một triết lý vô chính phủ. Hầu hết đều đơn giản muốn rằng họ có thể mua đồ mà chẳng có ai nhòm ngó. Nhưng một số người trong danh sách thảo luận qua e-mail muốn giải phóng tiền tệ ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ và dùng nó để trừng phạt lại những kẻ mà họ cho là đã áp bức họ.
Jim Bell, từng là kỹ sư làm việc cho Intel, đã đưa những ý tưởng này đi xa hơn bất cứ ai khác bằng việc đưa thế giới vào một thí nghiệm tưởng tượng ghê rợn được gọi là chợ mưu sát. Các công dân cần có một biện pháp hiệu quả để trừng phạt những chính trị gia đã hành động ngược với mong muốn của những người đã uỷ thác cho họ, Jim Bell lý luận, và có sự trừng phạt nào tốt hơn là cái chết? Sử dụng một đồng tiền kỹ thuật số nặc danh, Bell tranh luận, ta có thể gom tiền tài trợ từ những người bất bình lại thành một khoản tiền thưởng [cho việc trừng phạt những chính trị gia đó]. Nếu một chính trị gia làm quá nhiều người tức giận, chẳng sớm thì muộn, khoản tiền thưởng kia sẽ tống hắn ra khỏi chỗ làm hay giết chết hắn. Bài viết “Assassination Politics,” ( “Ám sát chính trị ”) của Jim Bell cuối cùng cũng bị các đặc vụ liên bang lưu tâm. Jim Bell bị xét xử lòng vòng qua hệ thống toà án của Mỹ từ năm 1997 sau khi bị bắt trong một cuộc vây ráp của IRS (Internal Revenue Service) cho đến khi được thả khỏi tù tháng 3/2012.
Trong khi những thành viên Cypherpunks như Bell mơ tưởng về những cách sử dụng đồng tiền kỹ thuật số, một số khác lại tập trung giải quyết các trở ngại kỹ thuật. Wei Dai tạo ra B-money vào năm 1998 khi ông vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Washington với tấm bằng chuyên ngành khoa học máy tính. “Động cơ thúc đẩy tôi tạo ra B-money là nhằm tạo ra một nền kinh tế trực tuyến không bị đánh thuế hay điều chỉnh bằng cách đe doạ sử dụng bạo lực,” Dai nói. Nhưng B-money là một dự án hoàn toàn mang tính cá nhân, mang nặng tính ý tưởng hơn là thực tế.
Vào cùng khoảng thời gian đó, Nick Szabo, một nhà khoa học máy tính hiện đang viết blog về luật và lịch sử tiền tệ, là một trong những người đầu tiên suy nghĩ về một loại tiền tệ kỹ thuật số mới từ tận gốc rễ. Mặc dù nhiều người coi mô hình của ông, được ông gọi là “Bit Gold”, là tiền thân của Bitcoin, tính riêng tư không phải là thứ mà ông nghĩ đến trước nhất. Mục đích chính của ông là biến các con số 0 và 1 thành cái gì đó mà người ta thấy có giá trị. “Tôi bắt đầu với suy nghĩ về sự tương tự giữa các bài toán khó với việc khai thác vàng,” ông nói. Nếu một bài toán yêu cầu chúng ta phải bỏ thời gian và sức lực để giải nó thì nó có thể được xem là có một giá trị, Szabo lý luận. Lời giải khi đó có thể được đưa cho ai đó như một đồng tiền kỹ thuật số.
Trong mô hình “Bit Gold” của Szabo, một người tham gia sẽ sử dụng máy tính của mình để giải các bài toán mã hoá mà hệ thống giao cho. “Bất cứ thứ gì có thể sử dụng như một bằng chứng về sự tham gia làm việc, nghĩa là có thể tạo ra một chuỗi nhị phân mà chuỗi đó có thể được chứng minh là cần có một hoạt động tính toán để tạo ra nó, đều có thể dùng được,” Szabo cho biết. Trong một mạng “Bit Gold”, các bài toán được giải xong sẽ được gửi đến cả cộng đồng, và nếu được chấp nhận thì công sức làm việc sẽ được ghi nhận cho người đã giải nó. Mỗi lời giải sẽ trở thành một phần của bài toán kế tiếp, tạo thành một chuỗi thuộc tính ngày càng dài hơn. Đặc điểm này tạo ra một cách hiệu quả để xác thực và đánh dấu thời điểm ra đời của các đồng coin mới, bởi vì trừ khi đa số những người tham gia đồng ý chấp nhận các lời giải mới thì họ không thể bắt đầu bài toán kế tiếp.
Khi thiết kế các giao dịch cho đồng tiền kỹ thuật số ta gặp phải vấn đề một đồng tiền bị gian lận chi tiêu gấp đôi, hoặc hơn (double-spending). Một khi dữ liệu đã được tạo ra thì việc tạo ra chúng một hay nhiều lần nữa cũng đơn giản chỉ là chép và dán. Hầu hết các mô hình tiền điện tử giải quyết vấn đề này bằng cách trao một phần quyền điều khiển cho một tổ chức trung tâm nơi theo dõi số dư của mỗi tài khoản. DigiCash, một dạng tiền kỹ thuật số sơ khai hoạt động trên nền tảng mã hoá mà David Chaum là người tiên phong phát triển, giao việc giám sát này cho các ngân hàng. Szabo không chấp nhận giải pháp này. “Tôi cố gắng bắt chước để trong không gian ảo Bit Gold cũng có được tính đảm bảo và tin cậy giống như vàng và điều quan trọng nhất trong đó là nó không phụ thuộc vào một tổ chức trung tâm được uỷ quyền,” ông nói. Bit Gold đã chứng minh rằng ta có thể biến lời giải cho các vấn đề tính toán phức tạp thành tài sản theo một cách phi chính phủ. Nhưng mà tài sản thì cũng chưa phải là tiền mặt, và phương án này vẫn còn có nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Làm thế nào mà ta có thể gán các giá trị thích hợp cho các chuỗi dữ liệu khác nhau nếu việc tạo ra chúng cũng khó khăn khác nhau? Làm thế nào để khuyến khích mọi người thừa nhận giá trị này và chấp nhận sử dụng đồng tiền này? Và hệ thống kiểm soát việc chuyển tiền giữa mọi người sẽ như thế nào?
Sau khi B-Money và Bit Gold không thể tìm được đủ sự ủng hộ, đề tài tiền kỹ thuật số trở nên khá im ắng. Rồi sau đó, năm 2008, một nhân vật bí ẩn viết bài dưới cái tên “Satoshi Nakamoto” đã đề xuất ra Bitcoin. Cũng thật là phù hợp cho người tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số riêng tư, danh tính thật của Nakamoto đến giờ vẫn còn là một điều bí ẩn. “Tôi chưa nghe nói đến một ai đã từng biết đến cái tên đó trước kia,” Szabo nói. “Và tôi cũng sẽ không tìm hiểu xem liệu anh ta có thể hay không thể là ai.”
Xem thêm: Satoshi Nakamoto là ai?
Phần 2: “Thợ mỏ” và công cuộc “khai thác mỏ”
Để tạo ra một hệ thống có thể vận hành, Nakamoto bắt đầu với ý tưởng về một chuỗi dữ liệu, cũng tương tự như Bit Gold. Nhưng thay vì tạo ra một chuỗi các thuộc tính kỹ thuật số, Bitcoin lưu trữ một chuỗi các giao dịch.
Cách đơn giản nhất để hiểu cách Bitcoin hoạt động là xem nó như một cuốn sổ cái kế toán đã được số hoá. Hãy tưởng tượng rằng có một nhóm người ngồi quanh một cái bàn và mỗi người đều có quyền truy cập theo thời gian thực vào cuốn sổ cái đó thông qua máy tính xách tay đặt ngay trước mặt mình. Cuốn sổ cái ghi lại số lượng bitcoin mà mỗi người tại bàn có ở mỗi thời điểm. Theo nguyên tắc, số dư của mỗi tài khoản là thông tin mà tất cả mọi người đều biết và nếu một người muốn chuyển tiền cho một người khác, anh ta phải thông báo giao dịch đó cho tất cả mọi người quanh bàn. Nếu tất cả mọi người đều đồng ý thì cả nhóm sẽ thêm giao dịch này vào sổ cái. Trong một hệ thống như thế, tiền không bao giờ phải tồn tại một cách hữu hình, nhưng dù vậy cũng không ai có thể dùng một đồng tiền của mình cho nhiều giao dịch.
Đó cơ bản là cách Bitcoin hoạt động, ngoại trừ một điểm là những người tham gia kết nối với nhau thông qua một mạng ngang hàng trải rộng toàn cầu và tất cả các giao dịch xảy ra giữa các địa chỉ trên mạng thay vì giữa người với người. Việc xác thực một địa chỉ thuộc về một người nào đó sẽ được thực hiện thông qua phương pháp mã hoá với khoá chung (public-key cryptography) mà không tiết lộ người sở hữu là ai.
Hệ thống Bitcoin đảo ngược hoàn toàn khái niệm về tính riêng tư trong các ngân hàng truyền thống: tất cả các giao dịch được thể hiện công khai cho tất cả mọi người nhưng khó mà tìm được danh tính của những người có liên quan đến giao dịch đó. Để duy trì tính phân cách này cần có sự cẩn trọng của người dùng Bitcoin cũng như sự lựa chọn kỹ càng đối với các ứng dụng và phương pháp trao đổi, nhưng nó hoàn toàn có thể thực hiện được. “Nói cách khác, tình trạng ẩn danh thường bị làm phương hại bởi các nguyên nhân nằm ngoài sự kiểm soát của Bitcoin,” Jeff Garzik, người trong nhóm lập trình chịu trách nhiệm phát triển phần mềm cho Bitcoin, nói. Bitcoin thường được mô tả là cung cấp tính năng ẩn danh giả bằng cách tạo ra nhiều điều rối rắm đủ để một người sử dụng có thể phủ nhận mình là ai đó một cách chính đáng.
Những người sở hữu bitcoin cài đặt một chương trình—được gọi là phần mềm máy khách Bitcoin (Bitcoin client)—trên máy tính của họ để quản lý các tài khoản. Khi họ muốn truy cập tài khoản cùa mình, họ dùng phần mềm này để gửi yêu cầu giao dịch. Điểm mới của Bitcoin là nó sử dụng việc xử lý những yêu cầu giao dịch này như một cơ chế để tạo ra những đồng tiền mới.
Khi các yêu cầu giao dịch được đưa vào hệ thống, các máy tính của những người tham gia hệ thống tiền tệ này sẽ chạy các chương trình khai thác mỏ để gom chúng thành từng nhóm gọi là khối giao dịch (transaction block). Trước khi mỗi khối giao dịch được ghi lại trong cuốn sổ cái của Bitcoin, nghĩa là trở thành một phần của chuỗi các khối giao dịch (blockchain), chương trình khai thác mỏ phải biến đổi dữ liệu này bằng các phương trình mã hoá (hash). Phần mềm Bitcoin client chỉ chấp nhận các chuỗi mã hoá thoã mãn những điều kiện ngặt nghèo do đó những “thợ mỏ” thường phải tính ra rất nhiều chuỗi mã hoá trước khi ngẫu nhiên gặp được một chuỗi thoã mãn những điều kiện đó. Quá trình này cần rất nhiều năng lực tính toán – nhiều đến nỗi mà khả năng bất kỳ ai khác cố gắng làm lại điều đó là hầu như không thể. Mỗi khối giao dịch mới khi được thêm vào chuỗi các khối giao dịch và được mã hoá để che dấu dữ liệu sẽ làm tăng độ an toàn cho toàn bộ các khối trước đó trong chuỗi.
“Thợ mỏ” nào có máy tính tìm ra được chuỗi mã hoá hợp lệ đầu tiên sẽ được thưởng những bitcoin vừa mới tạo ra. Hệ thống Bitcoin sẽ điều chỉnh độ khó của các yêu cầu về chuỗi mã hoá để kiểm soát tốc độ tạo ra tiền mới. Đối với những người đề xuất ra Bitcoin, đây là một trong những điểm hấp dẫn nhất của hệ thống này: khác với tiền mặt có thể được in ra bất cứ khi nào cần, việc tạo ra bitcoin sẽ giảm dần cho đến khi đạt được giới hạn 21 triệu đồng bitcoin.
Phần 3: Đồng tiền nào cũng có hai mặt
Khi ngày càng có nhiều “thợ mỏ” cạnh tranh nhau để xử lý các giao dịch, việc “khai thác mỏ” lại càng yêu cầu nhiều tính toán hơn. Brock Tice, một “thợ mỏ” ở St. Paul (Minnesota, Mỹ), có cả một căn phòng chứa đầy máy tính tham gia “khai thác mỏ” đủ để sưởi ấm cả căn phòng vào mùa đông. Tuy nhiên Tice đến với mạng bitcoin vì một lý do khác. Anh nghĩ đó là một cách tốt hơn để nhận tiền từ các khách hàng trực tuyến.
Năm 2009, Brock Tice bắt đầu bán những chiếc đèn nhỏ màu xanh có hình chim hoàng yến từ nhà mình ở New Mexico. Anh nhanh chóng mất kiên nhẫn với các kiểu thanh toán truyền thống. “Tôi đã mất một thời gian để nghĩ ra rằng tôi cần có một dạng tiền tệ kiểu như Bitcoin,” anh nói. “Tôi điều hành vài doanh nghiệp nhỏ và việc nhận hay trả tiền quả là tốn kém.” Ví dụ như mỗi khi một khách hàng trả tiền thông qua PayPal, Tice phải trả 2.9% số tiền anh nhận được từ khách hàng cộng thêm một khoản phí nhỏ. Với các đơn hàng quốc tế, anh còn phải trả nhiều hơn. Phí của Google Checkout và thẻ tín dụng cũng ở mức đó, và với mỗi loại hình thanh toán anh lại phải mở một tài khoản với công ty xử lý loại giao dịch đó, rồi phải tin tưởng rằng công ty đó cuối cùng sẽ trao lại tiền cho mình. Sau khi đọc được về cách Bitcoin hoạt động, Tice quyết định chọn nó làm một phương thức trả tiền trên trang web của mình.
Với các thương nhân như Tice, lợi ích của Bitcoin là quá rõ ràng. Ngoài việc không yêu cầu trả phí (ít nhất là vào thời điểm hiện tại – trong tương lai Bitcoin sẽ có một cơ chế, không bắt buộc, để các “thợ mỏ” có thể thu phí), các giao dịch Bitcoin sẽ giúp anh tránh được các yêu cầu trả lại tiền trong các trường hợp thẻ tín dụng bị sử dụng không hợp lệ. Trong hệ thống Bitcoin, tất cả các giao dịch đều là không thể thay đổi được.
Ở chiều ngược lại, không giống như các khách hàng dùng thẻ tín dụng, khách hàng trả bằng bitcoin sẽ không có cách nào lấy lại tiền nếu Tice không giao hàng. Nhưng bất kỳ kiểu giao dịch tài chính nào khác vẫn cần phải có một mức độ tín nhiệm nào đó đấy thôi. Và một số khách mua hàng thích tin tưởng rằng một người bán sẽ thực hiện giao dịch một cách trung thực hơn là người đó sẽ bảo vệ các thông tin nhạy cảm. Mới mùa xuân năm 2012, hacker đã đột nhập được vào mạng PlayStation của Sony và ăn cắp các thông tin tài khoản cá nhân như số thẻ tín dụng, ngày sinh, tên đăng nhập, mật mã, địa chỉ nhà riêng, và mọi tên tuổi khác có liên quan đến chúng. Chỉ vài ngày sau đó, nó lại xảy ra lần nữa, và chỉ trong một tuần khả năng bảo mật của hơn 100 triệu tài khoản Sony Picture rơi vào tình trạng nguy hiểm. “Tôi nghĩ rằng Bitcoin thật sự có khả năng thay đổi những kỳ vọng của chúng ta về những thông tin mà ta đưa cho người bán hàng,” Gavin Andresen, người điều hành dự án Bitcoin, nói.
Hệ thống Bitcoin lại có những vấn đề của riêng nó đối với hacker. Ngoại trừ một số ít các “thợ mỏ” chân chính, hầu hết mọi người mua bitcoin thông qua các sàn giao dịch bằng cách trả đô-la, euro, hay bất cứ cái gì. Các sàn giao dịch này cũng cho phép những người bán hàng đổi các bitcoin mà họ thu được thành các dạng tiền tệ khác. Thật không may là khả năng bảo mật của các sàn giao dịch này lại không được tốt như bản thân các phần mềm máy khách Bitcoin. Sàn giao dịch trực tuyến lớn nhất, Mt. Gox, mất 500.000 bitcoin vào tay tin tặc vào tháng 6/2011 và việc này đã làm giá bitcoin rớt xuống thảm hại. Năm 2014 tiếp tục bị hack mất 840.000 bitcoin và cuối cùng là phá sản, vị CEO phải vào tù ngồi. Bất cứ ai đầu tư vào bitcoin tốt hơn hết nên hiểu rằng bitcoin sẽ không ổn định như đồng đô-la, theo Michael Kagan, giám đốc điều hành của ClearBridge Advisors, một quỹ đầu tư ở New York.
Bất kể những thay đổi lên xuống của bitcoin, nhiều người tham gia sử dụng từ giai đoạn bitcoin mới ra đời đã tích cóp được cả những gia tài ảo khi việc “khai thác mỏ” còn dễ dàng, vì vậy họ có động cơ để giữ cho hệ thống hoạt động (giả dụ rằng đã họ không đổi nó ra tiền mặt khi giá bitcoin lên đỉnh). Có thể là họ đang tích trữ tiền bitcoin, như nhận định của nhà kinh tế học Paul Krugman, và họ sẽ đợi cho giá lên lần nữa khi mà việc “khai thác mỏ” đang trở nên cạnh tranh và tốn kém. Và nếu việc tạo bitcoin mới với tốc độ không đổi đã giúp thu hút những người nhiệt tình tham gia vào giai đoạn đầu thì nó cũng tạo ra một rào cản quá cao cho những người muốn tham gia vào giai đoạn này. “Nếu có một cái gì đó là gót chân Achilles của Bitcoin thì đó có lẽ là chính bản thân Bitcoin,” Szabo nói.
Nếu Bitcoin thật sự thất bại, nó có thể biến mất trong một hoạt động kiểu như ăn thịt đồng loại. Nakamoto đưa ra mô hình chuỗi khối giao dịch, nhưng những người tạo mật mã đã bắt đầu cải tiến nó. Tốc độ tạo tiền chỉ là một trong nhiều thứ có thể được thay đổi. “Bitcoin là cá thể đầu tiên của một giống loài mới,” nói như Garzik. “Người ta sẽ học hỏi từ Bitcoin và tạo ra một cái khác tốt hơn, hoặc là quy mô của Bitcoin sẽ buộc nó phải tiến hoá và tự học từ những sai lầm của chính nó.”
- Nguyên bản tiếng Anh: “Bitcoin: The Cryptoanarchists’ Answer to Cash,” Morgen E. Peck , IEEE Spectrum Magazine, June 2012
- Người dịch: Tạ Minh Chiến
- Hiệu chỉnh: Nguyễn Ngọc Hoa Phượng
- Nguồn : chuyenmuccongnghe.com
Theo TapchiBitcoin.vn