Theo báo cáo của TokenInsight, trong quý 2/2025, sau đợt điều chỉnh sâu ở quý trước, thị trường crypto bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, chủ yếu nhờ dòng vốn đổ vào các sản phẩm ETF và đà tăng mạnh mẽ của Bitcoin. Về mặt chính sách, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất cùng với dữ liệu việc làm khả quan tại Mỹ đã góp phần cải thiện tâm lý thị trường. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp tiếp tục cản trở một đợt phục hồi rộng hơn. Đến cuối quý 2, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử đã đạt khoảng 3.46 nghìn tỷ USD, tăng 28,2% so với quý trước.
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, các sàn giao dịch tiền điện tử vận hành ra sao? Báo cáo quý 2/2025 về thị trường sàn giao dịch cung cấp những phân tích dữ liệu kịp thời nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về diễn biến và xu hướng của thị trường qua các chỉ số trọng yếu.
Tổng khối lượng giao dịch
Trong quý 2/2025, tổng khối lượng giao dịch trên 10 sàn giao dịch hàng đầu đạt 21,6 nghìn tỷ USD, giảm 6,16% so với quý trước. Dù Bitcoin hồi phục mạnh mẽ, sự tham gia rộng rãi từ thị trường vẫn còn yếu, với dòng vốn chủ yếu tập trung vào một số tài sản vốn hóa lớn. Bất ổn vĩ mô kéo dài, tiến độ pháp lý chậm và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục gây áp lực lên hoạt động giao dịch — đánh dấu quý thứ hai liên tiếp sụt giảm về khối lượng.
Bitcoin tăng từ 83.000 USD lên đỉnh 123.000 USD, kết thúc quý ở mức khoảng 106.000 USD. Tuy nhiên, hầu hết các tài sản khác không ghi nhận phục hồi đáng kể, nhiều altcoin chứng kiến thanh khoản và khối lượng giao dịch sụt giảm nghiêm trọng. Nếu không có thêm hỗ trợ chính sách hoặc dòng vốn mới, khối lượng giao dịch có thể vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.
Trong quý 2, Binance tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu với 35,39% thị phần giao dịch, dù giảm nhẹ so với quý 1. Đây vẫn là sàn duy nhất duy trì thị phần trên 1/3 tổng thị trường.
Năm sàn ghi nhận tăng trưởng thị phần trong quý gồm: OKX, Bybit, Bitget, HTX, Gate và KuCoin. Trong đó, Gate dẫn đầu với mức tăng 2,55%, theo sau là OKX với mức tăng 1,08%.
Tỷ trọng giao dịch giao ngay và phái sinh
Tỷ trọng giao dịch giao ngay trong tổng khối lượng tiếp tục xu hướng giảm tại hầu hết các sàn trong quý 2. MEXC là sàn có mức tăng tỷ trọng giao dịch giao ngay lớn nhất, tăng 2,70%, kế đến là Bitget.
Giữa bối cảnh thị trường biến động, các trader tiếp tục ưa chuộng sản phẩm phái sinh với tần suất cao nhằm phòng ngừa rủi ro và tận dụng biến động giá. Xu hướng này phản ánh sự sụt giảm rõ nét của thị trường giao ngay, đặc biệt ở các altcoin, khi thanh khoản và khối lượng giao dịch giảm mạnh, trong khi thị trường phái sinh tỏ ra vững vàng hơn.
Giao dịch giao ngay (Spot)
Thị trường giao dịch giao ngay tiếp tục suy yếu trong quý 2/2025, với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày giảm từ 51 tỷ USD (quý 1) xuống còn 40 tỷ USD. Tổng khối lượng giao dịch giao ngay trên các sàn lớn đạt khoảng 3,63 nghìn tỷ USD, giảm 21,7% so với quý 1 (4,6 nghìn tỷ USD).
Với môi trường kinh tế còn nhiều bất định, thanh khoản và hoạt động giao dịch altcoin ở mức thấp, khối lượng giao dịch giao ngay trong quý 3 được dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm, dao động trong khoảng 3,0 đến 3,5 nghìn tỷ USD.
Giao dịch phái sinh (Derivatives)
Tổng khối lượng giao dịch phái sinh trong quý 2 đạt 20,2 nghìn tỷ USD, giảm 3,6% so với quý 1 (20,9 nghìn tỷ USD), phản ánh tác động kéo dài của đợt điều chỉnh thị trường.
Dù thị trường có chút lạc quan vào đầu tháng 4 nhờ việc Fed tạm ngưng nâng lãi suất, những lo ngại về suy thoái toàn cầu và căng thẳng địa chính trị vẫn chi phối tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày giảm từ 233 tỷ USD (quý 1) xuống còn 226 tỷ USD trong quý 2, cho thấy khẩu vị rủi ro tiếp tục suy giảm.
Thị phần hợp đồng mở (Open Interest)
Binance tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thị phần lãi suất mở với mức trung bình 23,83% trong quý 2, tăng 0,36 điểm phần trăm so với quý trước (23,47%). Ba sàn ghi nhận mức tăng thị phần lãi suất mở đáng kể là HTX (+1,19%), Bitget (+0,71%) và OKX (+0,63%).
Hiệu suất các coin sàn
Sau giai đoạn phân hóa mạnh trong quý 1, các token sàn tiếp tục có diễn biến trái chiều trong quý 2/2025, và hầu hết đều kém hơn nhiều so với mức tăng 31,62% của Bitcoin.
BNB là token có mức tăng cao nhất với 8,91%. (Lưu ý: BNB là token gốc của BNB Chain và được sử dụng trong nhiều hoạt động trên nền tảng Binance, không chỉ đơn thuần là coin sàn.) OKB, BGB và KCS ghi nhận mức tăng nhẹ, trong khi phần lớn các coin sàn lớn khác đều giảm giá.
Một mặt, BTC tăng mạnh nhờ dòng vốn từ các quỹ ETF giao ngay và sự rõ ràng hơn về mặt pháp lý tại Mỹ, trong khi coin sàn không được hưởng lợi tương tự. Mặt khác, các coin sàn gắn chặt với thị trường altcoin — vốn đang suy yếu rõ rệt về thanh khoản và khối lượng giao dịch — khiến nhu cầu đối với token nền tảng tiếp tục giảm. Dự kiến, hiệu suất của các coin sàn sẽ tiếp tục phân hóa trong quý 3/2025.
- Thái Lan có động thái chặn Bybit, OKX và các sàn giao dịch khác vì không có giấy phép
- Bybit đang ra mắt một sàn giao dịch phi tập trung trên Solana
Vương Tiễn
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.