Đợt tăng giá âm thầm của Bitcoin thời gian qua đang thu hút sự chú ý từ Phố Wall và giới đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, một số tiếng nói kỳ cựu trong cộng đồng như American HODL cảnh báo rằng những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là “sự bình lặng trước cơn bão dữ”.
Giả thuyết bong bóng kho bạc Bitcoin
Theo giả thuyết này, trong vài năm tới, một làn sóng vốn khổng lồ từ các tập đoàn, tổ chức tài chính, thậm chí cả chính phủ – có thể lên tới 11.000 tỷ USD – sẽ đổ vào Bitcoin. Một số dự báo cho rằng “cơn điên loạn” thực sự sẽ chỉ đến vào năm 2026 hoặc muộn hơn, và khi đó giá có thể chạm mốc 1 triệu USD mỗi đồng.
Sàn giao dịch Swan Bitcoin đã phân tích kỹ lưỡng giả thuyết này, từ tín hiệu, cơ chế vận hành cho tới các ví dụ thực tế – cho thấy bong bóng kho bạc Bitcoin hoàn toàn có thể tái hiện lại thời kỳ hoang dại nhất của bong bóng dot-com.
American HODL says the coming Bitcoin treasury bubble could rival the dot-com era—$11T of capital chasing BTC, with true mania not hitting until 2026+.
That’s when Bitcoin could theoretically run towards a $1M blow-off top.
Is he on to something? Let’s unpack 🧵👇 pic.twitter.com/2eC1HepaCS
— Swan (@Swan) July 25, 2025
Từ tài sản 2.400 tỷ USD đến tiêu chuẩn doanh nghiệp
Tháng này, Bitcoin lập đỉnh lịch sử mới khi vượt mốc 120.000 USD, đưa vốn hóa thị trường lên 2.400 tỷ USD – chỉ đứng sau Amazon, Apple, Microsoft, Nvidia và vàng.
Điều đáng chú ý là đà tăng lần này không đi kèm sự phấn khích công khai như các chu kỳ trước. Giá tăng đều, bền vững, chủ yếu nhờ dòng tiền mạnh mẽ từ các tập đoàn và tổ chức tài chính. Swan nhận định:
“Đây là thị trường tăng giá ít hưng phấn nhất từng có… và đó là tín hiệu cực kỳ tích cực.”
Nhiều công ty niêm yết – từ Strategy, Metaplanet, GameStop cho tới Trump Media – đang đưa Bitcoin vào bảng cân đối kế toán. Một số mô hình mới, như Strive Asset Management, còn tiên phong chuyển đổi dự trữ tiền mặt sang Bitcoin như một biện pháp phòng chống lạm phát và nắm giữ dài hạn.
Đồng USD suy yếu và niềm tin vào tài sản trú ẩn lung lay
CEO JPMorgan, Jamie Dimon, gần đây cảnh báo nếu Mỹ không kiểm soát được nợ công, vai trò của đồng USD với tư cách tài sản dự trữ toàn cầu có thể bị đe dọa. Ông nói:
“Tôi không biết liệu khủng hoảng sẽ đến trong 6 tháng hay 6 năm, nhưng hy vọng chúng ta sẽ thay đổi hướng đi trước khi quá muộn.”
Dự kiến trong năm tài chính 2025, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ sẽ chạm ngưỡng 952 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, câu chuyện Bitcoin như “vàng kỹ thuật số” càng trở nên thuyết phục.
CEO BlackRock, Larry Fink, cũng đồng quan điểm:
“Nếu Mỹ không kiểm soát được nợ và thâm hụt ngân sách tiếp tục phình to, vị thế của USD có thể bị thay thế bởi các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin.”
Núi nợ của nước Mỹ đã vượt 36.000 tỷ USD trong năm nay, một mức kỷ lục trong lịch sử.
Sự trở lại của “tiền rẻ”
Thị trường trái phiếu đang định giá việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, có thể sớm nhất vào năm 2026. Lãi suất thấp đồng nghĩa với dòng tiền rẻ, tâm lý chấp nhận rủi ro cao hơn – và lịch sử cho thấy, điều này luôn thúc đẩy giá tài sản, bao gồm Bitcoin. Swan nhận xét:
“Bitcoin đã tăng từ 42.000 USD lên 123.000 USD trong giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt nhất lịch sử hiện đại. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi ‘cơn lũ tiền’ quay trở lại?”
Nhớ lại giai đoạn COVID-19, khi các đợt cắt giảm lãi suất dẫn đến những cú tăng dựng đứng trên thị trường crypto, đặc biệt là Bitcoin. Một chu kỳ tương tự có thể đang ở phía trước.
Cơ chế hình thành bong bóng kho bạc Bitcoin
Theo Swan, các “tay to” hiện vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị – hoàn thiện cấu trúc pháp lý, các vụ sáp nhập và ủy thác đầu tư. Những cái tên như Nakamoto, Twenty One Capital, Strive Asset Management vẫn chưa giải ngân toàn lực, nhưng đang sẵn sàng triển khai những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Thông qua các chiến lược “drip-buying” (mua nhỏ giọt), Bitcoin dần được hấp thụ vào kho bạc doanh nghiệp mà không gây đột biến giá ngay lập tức. Nhưng khi đủ nhiều hội đồng quản trị và các quốc gia bắt đầu đồng loạt nhấn nút “mua”, giá có thể bước vào giai đoạn “phản xạ” – khi hành động mua của một bên kích hoạt hành động mua dây chuyền từ các bên khác, tương tự cuộc đổ xô mua cổ phiếu công nghệ cuối thập niên 90.
Khi đó, giống như năm 1999 – công ty nào cũng cần một “câu chuyện internet” để tồn tại – thì tương lai, doanh nghiệp nào cũng có thể bị áp lực phải sở hữu “chiến lược Bitcoin”. Hiện tượng “nhiễm truyền câu chuyện” này có thể đẩy giá lên những mức không tưởng.
Nếu những ai chọn đúng cổ phiếu công nghệ những năm 90 như Microsoft, Apple hay Amazon, tất cả đều đã lãi hàng trăm, hàng nghìn lần tính tới nay.
Bitcoin 1 triệu USD – viễn cảnh đang hình thành?
American HODL tin rằng:
“Bong bóng kho bạc doanh nghiệp có thể lớn như thời dot-com. Chúng ta có thể chứng kiến một đợt tăng kéo dài 3–4 năm, đưa giá Bitcoin vượt mốc 1 triệu USD.”
Dự báo này không đơn độc. Arthur Hayes và Mark Moss – những người ủng hộ Bitcoin lâu năm – cũng nhắm đến mức giá 1 triệu USD trước năm 2030.
Vậy liệu chúng ta đang ở trong giai đoạn mở đầu của một bong bóng có quy mô như dot-com? Mọi thứ đang dần khớp nối. Cơn cuồng loạn có thể chưa đến ngay, nhưng nếu lịch sử lặp lại, đỉnh sóng lần này sẽ khiến nhiều người sửng sốt.
- Bitcoin chạm đường xu hướng 8 năm: Bão giảm sắp đổ bộ?
- Nhà phân tích Fidelity: Bitcoin đang ở giữa đường cong chấp nhận rộng rãi
- Số công ty nắm trên 1.000 BTC tăng 50% năm 2025: Fidelity
Thạch Sanh
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Arthur Hayes
- BTC
- Fed
- GameStop
- Metaplanet
- Strategy
- Trump Media