Chương 1: Vấn đề bên thứ ba được ủy thác
Phần 2: Học thuyêt tiền tệ
Những câu chuyện cảnh tỉnh từ tiền kĩ thuật số (Chapter 2, phần ba)
Có ba kỉ nguyên tiền: dựa vào hàng hóa, dựa vào chính trị, và ngày nay: dựa vào thuật toán – Chris Dixon
Các thể loại tiền mặt kĩ thuật số và hệ thống giao dịch online xuất hiện trước bitcoin. DigiCash và hệ thống thanh toán E-gold là phổ biến nhất, nhưng không dịch vụ nào giải quyết được vấn đề bên thứ ba được ủy thác. Cả hai đều thiếu đi phương tiện cần thiết để bảo vệ tính riêng tư và tự chủ tài chính mà Satoshi Nakamoto đề ra: chuỗi blockchain. Nhưng hệ thống này ra đời đã dạy chúng ta nhiều bài học cảnh báo.
Những đồng tiền điện tử có trước Bitcoin
DigiCash
Năm 1983, một nhà mật mã hóa nổi tiêng David Chaum giới thiệu ý tưởng tiền mặt kĩ thuật số (digital cash) trong nghiên cứu đột phá của ông. Năm 1989, ông thành lập tập đoàn tiền điện tử, đặt tên là DigiCash, Inc., sau đó tiếp tục thành lập hệ thống thanh toán điện tử e-cash; đơn vị tiền, hay xu được gọi là DigiCash. E-cash được xem là hoàn hảo về mặt kĩ thuật. Nền tảng của nó dựa trên hệ thống trước đó được thiết kế bởi Chaum: Blind Signature (hay Chữ kí mù). Đây là một loại chữ kí kĩ thuật số chứa một thông điệp từ một người giấu mặt, nên người thứ hai kí lên thông điệp sẽ không biết được danh tính thực sự của người kia.
Quy trình này có thể được mô tả bằng hình ảnh sau. Một người đi bầu cử muốn giữ lá phiếu của mình bí mật, nhưng vẫn được đếm thì cần có một người có thẩm quyền kí để xác nhận giá trị của phiếu. Giải pháp là: người đi bầu cử viết ủy nhiệm lên mặt ngoài của phong bì, gấp phiếu đã viết tên trong giấy carbon và đặt nó vào trong phong bì. Chính quyền xác nhận ủy quyền và sau đó kí vào phong thư, tức là họ chuyển chữ kí của người bầu cử đi mà không biết nội dung của nó. Người bầu cử đặt tấm phiếu đã được hợp lệ hóa vào một phong thư chưa được đánh dấu, sau đó phong thư sẽ được đưa vào hòm phiếu chờ đếm. Máy đếm số phiếu sẽ xác thực tính hợp lệ của chữ kí, và sau đó ghi lại người được bầu. Nhưng bản thân người đếm không biết ai đã bầu cho ai. Người ta cũng không thể dùng nội dung và tấm phiếu để tìm ra chủ nhân của tấm phiếu. Đây là cốt lõi của chữ kí mù và tính không thể truy lại của nó.
Dễ hiểu thì, Chaumian e-cash sử dụng chữ kí mù theo cách sau: Ở ngân hàng chấp nhận e-cash, bạn cần có tài khoản và mất 20 đô để có mật khẩu truy cập tài khoản đó. Để rút e-cash tổng cộng mỗi lần 1$, bạn phải sử dụng phần mềm để tạo ra 20 dãy số đủ dài, độc nhất mà ngẫu nhiên – không ai có thể tạo ra một dãy số tương tự. Vấn đề là, bạn cần ngân hàng xác nhận là mỗi mã seri đó ứng với 1$, nhưng bạn không muốn họ biết đồng 1 đô đó là đồng nào, vì nếu biết, họ có thể truy ra những đồng xu này. Nếu không thì ngân hàng có thể khớp dữ liệu đầu ra và đầu vào, sau đó có thể biết thông tin mua sắm của bạn, lối sống của bạn, và vô số những dữ liệu cá nhân mà bạn muốn giữ kín.
Bạn sẽ “làm mù” những yêu cầu và mã seri với một hình thức mã hóa đặc biệt. Ngân hàng sau đó sẽ nhận được yêu cầu kí mã khóa cá nhân với 1 đô la, để xác nhận giá trị và sự hợp pháp của mỗi đồng. (Ngân hàng có nhiều mã khóa khác nhau cho từng số lượng tiền khác nhau). Con tem của ngân hàng chuyển dãy seri thành các đồng 1 đô mà chỉ bạn có thể sử dụng. Nó hoàn toàn ẩn danh, ngân hàng biết có bao nhiêu đồng 1 đô đã được đóng dấu cho bạn, nhưng lại không phân biệt được các đồng này, cũng không thể phân biệt đồng 1 đô nó đã xác thực lần này với những lần trước.
Bạn sẽ “mở ra” và giải mã seri với chữ kí của ngân hàng, thông điệp sau đó đã được kí và có thể được xác thực bởi mã công khai của ngân hàng. Đồng 1 đô được trữ trên máy tính của bạn, và sẵn sàng để được gửi cho bất kì ai dùng e-cash. Để gửi e-cash, bạn gửi cho ai đó một mã seri đã được kí và giải mã; người này đem mã này đến ngân hàng. Chữ kí được xác thực, số seri được ghi lại, và phần bạn gửi được lấy đi. Ghi chép lại các mã seri cho phép ngân hàng ngăn chặn Double Spending (hình thức gian lận sử dụng hai giao dịch khác nhau để cùng chi tiêu số dư của một tài khoản). Ngân hàng không thể liên kết giao dịch và truy ra tài khoản của bạn; người nhận cũng không biết bạn là ai trừ khi bạn quyết định tiết lộ thông tin.
Quá trình này cũng ẩn danh tương tự như tiền mặt. Nó hoàn toàn đối lập với việc sử dụng thẻ tín dụng, yêu cầu bạn phải tiết lộ danh tính cho công ti tín dụng và người nhận bạn là ai, bạn ở đâu, và bạn đang buôn bán gì. DigiCash bảo vệ bạn khỏi những kẻ lăm le cướp đoạt danh tính.
DigiCash còn đem tới một lợi thế không ngờ. Vì bản thân nó rất dễ phân chia, nó không yêu cầu thanh toán cao – thanh toán dưới 10 đô. DigiCash với giá giao dịch rẻ hơn khiến thẻ tín dụng trở nên không thực tiễn. E-cash còn tạo điều kiện tốt nhất để đổi e-quarter và e-nickel qua mạng Internet.
DigiCash Inc. đã tạo ra ảnh hưởng lớn tới cộng đồng kinh tế. Ngân hàng đầu tiên chấp nhận e-cash là Ngân hàng Mark Twain Bank ở St. Louis, Missouri, và các ngân hàng khác lần lượt theo đuôi. Đến năm 1998, e-cash được chấp nhận ở ngân hàng Deutsche ở Nga, Credit Suisse ở Thụy Sĩ và hàng loạt tổ chức quyền lực khác. Nhưng năm 1998, DigiCash Inc. tuyên bố phá sản và sau đó bán sạch tài sản của nó, bao gồm cả bằng sáng chế.
Vậy điều gì đã xảy ra? Có rất nhiều lời giải thích, và tất cả đều đúng vài phần.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1999, Chaum cho rằng DigiCash là một ý tưởng đi hơi sớm trước thời đại vì e-commerce (hay thương mại điện tử) lúc đó phát triển chưa vững vàng. Tờ Forbes (11/1/1999) lại đưa ra một giải thích khác: “Một đơn vị tiền mới dũng cảm bước tới một lĩnh vực mới mẻ, nhưng lại có một yếu điểm: Không ai có nhu cầu sử dụng nó, ngân hàng, thương buôn, hay quan trọng nhất là người tiêu dùng. Thương mại điện tử đang phát triển rực rỡ, nhưng cuối cùng thì Visa và MasterCard – thay vì tiền mặt kĩ thuật số – lại là lựa chọn của người tiêu dùng”. Chính phủ tất nhiên phản đối loại tiền không thể bị truy và theo dõi này. Người ta có thể dùng nó để trốn thuế, phạm pháp.
Một tờ báo vô danh cực kì thú vị đã nâng giả thuyết lên một tầm hoàn toàn mới. Bài báo này giải thích những người viết mật mã thường bị hoang tưởng. Và Chaum là nhà viết mật mã cực kì vĩ đại. Bài báo mô tả không gian làm việc trong DigiCash Inc. như một phòng bệnh tâm thần chứ không phải là một công ti công nghệ nữa. Thực tế, rõ ràng là Chaum còn là một doanh nhân bí ẩn, khó dò tìm chủ đích. Một ví dụ trong bài báo chứa rất nhiều mẩu chuyện tự phá hoại trong kinh doanh: “Sau đó không lâu, ING Investment Management được chú ý đến. Hợp đồng này khoảng 10 triệu đô la Mỹ vào thời điểm đó. Sau đó, dự án được chi tiền. ING Barings cùng với Goldman Sachs cũng đem DigiCash đến thị trường cổ phiếu trong vòng hai năm sau đó. “ Ngày mà chúng tôi đều đồng ý kí, thì David lại không muốn’, Stofberg kể lại [ông là người chịu trách nhiệm các vấn đề tài chính của DigiCash tới tháng Tám năm 1996]. ‘Anh ta luôn quá hoang tưởng, đến nỗi lúc nào cũng tưởng tượng ra các vấn đề. Có 8 người trong ING, gồm cả CEO, và David sau đó đơn giản là từ chối kí nhận’!”
Một phương pháp tiếp cận thú vị hơn lí luận về mặt tâm lí là nghiên cứu những điểm yếu của e-cash và hệ thống DigiCash dẫn tới sự thất bại của nó, và so sánh với thành công của bitcoin và blockchain.
- Chaum tin vào bằng sáng chế và bản quyền – cả hai đều được ông áp dụng vào các thiết kế của ông. Điều này đã ngăn chặn truy cập và phát triển liên kết từ các cộng đồng toàn cầu. Đặt giá lên sản phẩm sẽ ngăn cản sự công nhận của công chúng. Ngược lại, bitcoin thì không có bằng sáng chế và sử dụng mã nguồn mở, cho phép truy cập không giới hạn và dễ dàng phát triển. Hoàn toàn không tốn một đồng nào để sử dụng bitcoin.
- E-cash không thể vượt qua vấn đề bên thứ ba được ủy quyền vì nó cần có chữ kí mù xác thực từ một tổ chức tài chính. Công nghệ Bitcoin ngang hàng có khả năng loại bỏ bên thứ ba được ủy quyền bởi vì sự chấp nhận của blockchain là sự cấp quyền và mỗi bên tham gia là một người tự túc tài chính.
- E-cash còn đòi hỏi một bên trung gian tập trung, một ngân hàng chẳng hạn. Bitcoin lại mang tính phân tán đến mức độ cá nhân.
- E-cash giữ nguyên hệ thống tài chính tiền tệ hiện có. Công nghệ Bitcoin ngang hàng lại loại bỏ sự can thiệp của hệ thống ấy, và nó đe dọa hệ thống tiền tệ hiện tại.
- E-cash bị đe dọa bởi sai lầm của một cá nhân bất kì. Bitcoin thì bị ám ảnh bởi những mâu thuẫn nội bộ, nói cho chắc, nhưng không một cá nhân đơn lẻ nào có thể thống trị hay phá hủy nó vì chẳng ai sở hữu nó cả.
- E-cash không được thiết kế dành cho tự do tài chính. Bài luận, tạm dịch là “Đồng tiền điện tử không thể trao đổi”, do Chaum đồng tác giả, đã nêu ra: “Sản xuất ra đồng tiền điện tử đối với ai cũng là khó, trừ phi việc này được thực hiện với sự cộng tác của ngân hàng”. Những người chống đối chính phủ và những người lí tưởng hóa – những người đã khắc nên đồng bitcoin, muốn trao cho cá nhân khả năng chống lại chính quyền và chính họ sẽ làm điều đó, không cần thông qua sự cho phép của người khác.
Không có gì ngạc nhiên khi các công ty bày tỏ rõ sự quan tâm tới e-cash từ lâu, nhưng gần đây mới để mắt đến Bitcoin. Giờ đây, các công ty muốn có bằng sáng chế, kiểm soát và thống lĩnh Bitcoin nhằm phục vụ các mục đích riêng.
Những bài học tới từ E-gold
E-gold là đơn vị tiền vàng kĩ thuật số được đưa vào lưu hành khoảng từ 1996 đến 2009 bởi Gold & Silver Reserve, Inc. Năm 2000, G&SR tái cấu trúc và công ti mới tên e-gold Ltd. Chiếm quyền điều hành cho phép lưu hành tiền kim loại số hóa và các giao dịch. Tiền số hóa được liên hệ với vàng, mỗi đơn vị điển hình tương đương với grams hoặc troy ounce. Giống như giấy chứng nhận vàng US trước đó, e-gold đại diện cho đơn vị vàng. Nếu có nhu cầu, e-gold có thể hồi lại từ nguồn kim loại dự trữ. Khách hàng có tài khoản trên website của e-gold có thể thực hiện các giao dịch tức thời với các tài khoản khác. Nó là một trong số những hệ thống thanh toán đầu tiên cho phép thực hiện các giao dịch toàn cầu phức tạp ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Nhà phê bình tiền thường (fiat currency: VND, USD, Yen…) và hệ thống ngân hang truyền thống, nhà đồng sáng lập và người theo chủ nghĩa tự do tên Douglas Jackson có một nhiệm vụ: ông kiên quyết đúc ra loại tiền riêng tư thay thế cho vũng lầy tài chính gây ra bởi chính phủ. Trong cuốn sách “Lịch sử tiền số hóa ở Mĩ: Công nghệ mới trong thị trường không được kiểm soát” (2016), nhà xuất bản của tờ Digital Gold, P. Carl Mullan, trích lời Jackson nói rằng “đúng là một nhiệm vụ yêu cầu kĩ năng máy tính trên diện rộng, ổ chứa dữ liệu và phương tiện truyền thông bảo mật toàn cầu.” Giá cả đắt đỏ – trừ đối tượng là chính phủ quốc gia. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi có Internet.
Với Internet, e-gold dẫn đầu hàng loạt bước đột phá. Ví dụ, năm 1999, công ti giới thiệu thanh toán không dây qua di động sử dụng điện thoại có thể kết nối web. 7 năm sau, PayPal đưa ra một dịch vụ tương tự. Một cách tân ít tiếng tăm hơn xuất hiện năm 2000, khi công ti yêu cầu những khách hàng muốn tăng giá trị vào tải sản của họ cần có một bên thứ ba độc lập và đáng tin cậy, người sẽ đổi e-gold ra tiền tệ chính thức của quốc gia và ngược lại. Chỉ trong một năm, vô số công ti và cá nhân đã lấp đầy khoảng trống đó. Một ngành công nghiệp mới được ra đời.
Theo e-gold Ltd., số tài khoản mọc lên đến 1 triệu năm 2003, 5 triệu vào năm 2008. Người sử dụng E-gold có vô số mục đích khác nhau. Vài người đi đào vàng thực sự tin rằng e-gold là cái gì đó cao cấp hơn tiền thường. Số khác là những kẻ chống lại chính phủ lĩnh vực tài chính, họ nghĩ rằng chính phủ không có vai trò gì cần thực hiện trong lĩnh vực tiền tệ. Một số khác lại trốn thuế và muốn tham gia các vụ phạm pháp vô nạn nhân. (victimless crimes)
Nhiều người bị thu hút bởi sự nổi bật của các chương trình đầu tư High Yield (High Yield Investment Programs), vài chương trình sử dụng e-gold làm nền tảng thanh toán. Các chương trình này cung cấp các khoản hoàn trả cao đến vô lí, khoản này có thể được duy trì chỉ qua việc tái định hướng sự giàu có của các nhà đầu tư mới; các kế hoạch Ponzi kiểu này đã làm bùng nổ cuộc săn lùng e-gold trên toàn thế giới. Các họa sĩ vẽ tranh giả đã tranh thủ đặc điểm của e-gold như là tất cả các giao dịch đều là điểm cuối và không bao giờ bị đánh phí lại lần nữa dù với bất kì lí do nào. Nhiều kẻ lừa đảo mở tài khoản e-gold và thúc giục các nhà đầu tư làm điều tương tự. Những kẻ này sau đó tìm đủ mọi cách vơ vét từ các nhà đầu tư và người mua.
Đến thời điểm đó, e-gold đưa ra vô số loại dịch vụ từ sòng bạc online đến các sàn đấu giá, và thậm chí cả trao đổi kim loại và từ thiện không lợi nhuận. Dường như khả năng cho các vụ lừa đảo đang phủ kín công ty. Không may thay, các khách hàng bị lừa và những kẻ lừa đảo cướp tiền bằng cách mồi những vụ đầu tư giả mạo hay bằng những sản phẩm thậm chí không có thật. Vài người dùng bị vỡ mộng sau đó đã khiếu nại chính phủ.
- Năm 2007, chính quyền liên bang Mĩ kết tội e-gold rửa tiền và vi phạm 18 U.S Code § 1960, luật cấm kinh doanh từ việc lưu chuyển tiền mà không có giấy phép. Hàng loạt sàn giao dịch liên quan tới e-gold đã bị đóng cửa ngưng hoạt động. Truyền thông và các sàn giao dịch bị đóng cửa đã khiến số lượng khách hàng sử dụng e-gold tụt dốc đáng kể; khó khăn cản trợ việc chuyển đổi e-gold sang tiền thường khiến các khách hàng tiềm năng của e-gold từ chối sử dụng nó. Rất nhiều khách hàng sau đó bị kẹt với những tài khoản họ không thể thanh lí được.
E-gold đã cố đấu tranh chống lại việc bị kết tội, nhưng không thành. Tháng 4 năm 2008, quan tòa Mĩ tuyên bố chống lại e-gold, nhân cơ hội này, tăng sức ảnh hưởng của Bộ Ngân khố Hoa Kì. Luật pháp ngày nay định nghĩa “ chuyển giao tiền tệ” là một doanh nghiệp chuyển giao giá trị được lưu trữ từ người này tới người khác, dù giao dịch đó là dưới dạng tiền mặt hay đơn vị tiền tệ quốc gia. Định nghĩa này đã trao cho Bộ ngân khố toàn quyền hành động trong những vụ kết án sau này.
Ba giám đốc điều hành của công ti bị kết tội và phải đồng ý với thỏa thuận quy định e-gold đồng thuận với các yêu cầu hợp pháp của dạng kinh doanh lưu hành tiền tệ (money-transmitting business), bao gồm cả việc sở hữu giấy phép. Jackson buộc phải thực hiện 300 giờ nghĩa vụ cộng đồng, 3 năm giám sát và khoản phạt 200 đô la. Ông suýt đã bị phạt 20 năm trong tù với khoản tiền phạt 500.000 đô la. Hai giám đốc điều hành khác cũng nhận hình phạt tương tự, nhưng với khoản tiền phạt nặng hơn.
Sau đó thì có một chút châm biếm cay đắng ở đây. Lời bào chữa ngăn các nhà điều hành không lấy được giấy phép ở Mĩ. Điều này khiến e-gold bị chặn đứng và chững lại vì, trả tiền cho khách hàng nghĩa là phải chuyển giao tiền tệ nhưng họ không có giấy phép, và như thế, họ vi phạm cam kết trước đây của họ. Năm 2010, chính phủ cuối cùng đã cho phép e-gold được trở lại giá trị tiền tệ như trước đây cho các khách hàng sử dụng nó.
Bộ Ngân khố sau đó đã mở rộng định nghĩa “chuyển giao tiền tệ”, và định nghĩa mù mờ này đã ảnh hưởng rõ rệt tới bitcoin. Sự thành công của e-gold và phiên tòa đã đánh gục nó, câu chuyện này đã thay đổi cách chính phủ xử lí các dịch vụ thanh toán online. Và giờ đây, chính phủ đã có một tiền lệ hợp pháp để chống lại tiền số hóa.
Bài 6: [Series] Cuộc cách mạng Satoshi – Khi công nghệ gặp Chủ nghĩa vô chính phủ
Bài 8: [Series] Cuộc cách mạng Satoshi – Satoshi liệu có phải là một người theo chủ nghĩa tự do và một người chống chính phủ?
Dịch giả Hà Anh
Tác giả: Wendy McElroy
Theo Tapchibitcoin