Trước động thái bài trừ bitcoin của Hàn Quốc, các quốc gia khác như Singapore và Malaysia đang ủng hộ hết mình công nghệ nền tảng đằng sau bitcoin nhằm thúc đẩy cải tiến công nghệ trong các lĩnh vực khó nhằn như danh sách cử tri và hồ sơ chăm sóc sức khoẻ.
Niềm tin vào các thị trường cryptocurrency có thể đã gặp phải khủng hoảng lớn trong những tuần gần đây, thế nhưng tình hình có vẻ khả quan hơn đối với giá trị của công nghệ nền tảng của các đồng tiền – blockchain.
Giá của Bitcoin đã giảm mạnh trong tuần này từ gần 20.000 USD vào giữa tháng 12 xuống dưới 11.000 USD, sau khi Hàn Quốc tuyên bố cấm giao dịch tại các sàn giao dịch đối với tất cả các tài khoản ẩn danh, người nước ngoài không có dịch vụ ngân hàng ở địa phương và trẻ vị thành niên từ ngày 30 tháng 1.
Tuy nhiên, riêng ở Đông Nam Á, vẫn còn nhiều người tin tưởng vào khả năng của công nghệ nền tảng của bitcoin – blockchain – được áp dụng để thúc đẩy sự phát triển trong mọi lĩnh vực từ thu chuyển tiền ngân hàng cho đến danh sách bầu cử và hồ sơ chăm sóc sức khoẻ.
Blockchain cơ bản là một sổ cái kỹ thuật số – một danh sách các hồ sơ liên tục phát triển gọi là các block. Các block được thiết kế để không thể sửa đổi hay chỉnh lý. Blockchain cho phép chia sẻ thông tin trong mạng lưới ngang cấp và chống gian lận vì không thể thay đổi dữ liệu trong một block mà không sửa đổi luôn tất cả các block tiếp theo.
Đặc tính này đã nuôi hy vọng của nhiều người tin rằng có thể áp dụng công nghệ vào nhiều ứng dụng rộng rãi ngoài lĩnh vực tài chính.
Tại Singapore, chính quyền về tiền tệ đã công bố những nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu, trong khi đội ngũ nghiên cứu thành lập một mạng lưới kinh doanh dựa trên blockchain với phía Hồng Kông dự định mở cửa vào đầu năm tới.
Bà Eni Panggabean, trưởng bộ phận chính sách hệ thống thanh toán và giám sát của Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết Ngân hàng đang theo đuổi cùng con đường với Singapore dựa trên chương trình nghiên cứu của họ.
Bà nói thêm rằng cuộc nghiên cứu vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và “Không có gì bất thường với công nghệ [blockchain] và chúng ta có thể sử dụng nó trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Trong khi đó, Malaysia đang tìm cách phát triển các tiêu chuẩn blockchain toàn cầu cùng với các nhóm ngành công nghiệp đưa ra dự đoán công nghệ này sẽ sớm được sử dụng rộng rãi cho đến năm 2025. Tại Úc, chính phủ đã đầu tư 8,6 triệu AUD (tương đương 6,9 triệu USD) vào dự án blockchain của công ty Power Ledger đặt tại Perth. Dự án này trao đổi năng lượng giữa các hộ gia đình tại các thời điểm quá tải hoặc thiếu hụt.
Ngay cả giữa chính sách kiểm soát của Hàn Quốc đối với bitcoin, bộ trưởng khoa học và công nghệ Yoo Young-min đã chính thức phát biểu rằng blockchain cần được suy xét tách biệt khỏi bối cảnh giao dịch bất ổn.
Rob Hanson, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Liên bang Úc (CSIRO) cho biết tiềm năng của blockchain “cơ bản là một công cụ chống gian lận”.
Ông nói: “Blockchain là một thuật ngữ gây cảm xúc hứng khởi và cả hoang mang,” Đó là một công nghệ cho phép mọi người ghi nhận các giao dịch theo cách mà họ có thể xem và tin tưởng… Đối với các chính phủ, các lĩnh vực rõ ràng để tập trung nghiên cứu blockchain là các lĩnh vực tạo ra lợi ích [lớn nhất] cho cộng đồng”.
Tại Đông Nam Á đã đến thời điểm chín muồi cho những đổi mới như vậy.
Nicole Nguyen, giám đốc tiếp thị công ty Infinity Blockchain Labs tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tại Việt Nam, hồ sơ chăm sóc sức khoẻ là một lĩnh vực quan trọng mà blockchain có thể can thiệp vào dịch vụ cộng đồng. Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ điều tiết.”
Theo một tài liệu nghiên cứu của CSIRO, chúng ta còn có thể sử dụng công nghệ Blockchain để quản lý các cơ quan đăng ký của chính phủ cũng như nâng cao tầm nhìn và năng suất của chuỗi cung ứng đặc biệt là ở các quốc gia quần đảo như Indonesia và Philippines, đồng thời tăng tốc độ thanh toán quốc tế.
Steven Suhadi, giám đốc điều hành công ty startup Blocktech tại Jakarta cho biết công nghệ này có thể tăng khả năng theo dõi, truy dấu và tính minh bạch giữa các cơ quan chính phủ và tiềm năng hỗ trợ các nỗ lực chống tham nhũng.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức trước khi phổ biến rộng rãi blockchain.
Trên cấp độ chính phủ, ông Hanson nhận định cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để thiết lập quản lý đầy đủ nhằm đảm bảo tính hiệu quả của công nghệ blockchain và không “gây xói mòn niềm tin vào tiến trình dân chủ – trớ trêu thay đó lại là việc blockchain cố gắng củng cố”.
Ông nói thêm: “Blockchain sử dụng rất nhiều năng lượng máy tính để tạo ra sự tín nhiệm mà chúng ta xem trọng. Các chi phí này được ẩn giấu trong các hệ thống như bitcoin vì lợi nhuận cryptocurrency được trả cho người dùng cung cấp máy tính của họ cho mục đích này.”
Hanson cho biết các chính quyền cần quyết định có nên sử dụng một mạng lưới máy tính công khai để hỗ trợ các blockchain, hay để tất cả các máy tính tự vận hành.
Ông kêu gọi các chính phủ tránh hành động quá vội vàng khi áp dụng công nghệ này.
Ông nói: “Vấn đề với niềm phấn khởi xung quanh blockchain chính là mọi người đang đối xử với nó như một viên đạn bạc quý giá và quan tâm nhiều đến việc sử dụng blockchain ra sao hơn là tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho những vấn đề họ đang phải đối mặt. Bạn nên có lý do chính đáng để sử dụng blockchain và lý do đó không nên là vì thấy người khác sử dụng nên bạn không muốn bị tụt hậu.”
Đối với bà Nguyen, những người ủng hộ blockchain cũng phải vượt qua tình hình bất ổn của cơn sốt giao dịch cryptocurrency gần đây – và phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia như Hàn Quốc.
Bà cho biết: “Ngăn cản việc áp dụng cryptocurrency sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp blockchain. Nhưng mặt khác nó có thể hấp dẫn nhiều người bởi bản chất của hệ sinh thái và triển khai công nghệ này vào các ứng dụng khác. Đó là khi sự kỳ diệu của blockchain bắt đầu có tác dụng”.
Xem thêm:
Sn_Nour