Trong quá khứ chúng ta đã chứng kiến những vụ bong bóng kinh tế chấn động lịch sử. Chẳng hạn như thời kỳ bùng nổ cổ phiếu dotcom, cuộc Đại khủng hoảng thị trường phố Wall năm 1929, hỗn loạn cổ phiếu đường sắt tại Anh năm 1840 và Bong bóng cổ phiếu Công ty South Sea của Anh năm 1720 (Thiên tài Newton đã viêm màng túi khi mua cổ phiếu này). Tất cả những bong bóng kinh tế này đều được người đương thời ví với “Hội chứng cuồng hoa Tulip”, cơn cuồng loạn củ hoa Tulip ở Hà Lan vào những năm 1630. Và Bitcoin thời nay cũng vậy, cũng được một số người hoài nghi ví như “Hội chứng cuồng hoa Tulip phiên bản 2.0”.
Tại sao “Hội chứng cuồng hoa Tulip” vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ? Chắc chắn đây là một câu chuyện thú vị đến mức nó đã trở thành một câu cửa miệng mô tả sự điên rồ tại các thị trường. Nó xuất hiện lặp đi lặp lại trên mạng xã hội hoặc trở nên phổ biến trên những đầu sách về kinh tế học của những tác giả nổi tiếng như John Kenneth Galbraith.
“Hội chứng cuồng hoa Tulip” là một cơn sốt phi lý đến không tưởng. Nó kéo theo bao tầng lớp người dân ở Hà Lan vào vòng xoáy đầu cơ, từ thợ nề cho đến tầng lớp quý tộc. Những chợ bán hoa mọc lên như nấm, và củ hoa Tulip được giao dịch theo cách thức giống với thị trường chứng khoán ngày nay, củ hoa có thể giao dịch qua tay hơn 10 lần một ngày. Tất cả những gì người ta hướng đến không phải là củ hoa mà là lợi nhuận. Do vậy, giá củ hoa được đẩy lên cuồng loạn, một củ Tulip có giá ngang một căn nhà.
Sức mạnh của “cổ phiếu” củ hoa Tulip không hề suy giảm cho đến tháng 2 năm 1637 khi thị trường ăn thua này bỗng nhiên đổ sập. Những kẻ phá sản liều lĩnh nhắm mắt đưa chân gieo mình xuống dòng nước, bỏ lại cả ngàn đôi dép vô hồn của cả con nợ và chủ nợ, các nhà buôn hoảng loạn chạy đua xả sạch kho dự trữ. Chính phủ Hà Lan sau này đã lập ra một hội đồng chịu trách nhiệm để dọn sạch đống đổ nát do cơn cuồng loạn này gây ra nhưng kinh tế nước này vẫn chìm trong khủng hoảng nhiều năm sau đó.
Và đây quả đúng là một câu chuyện gay cấn. Nhưng vấn đề của câu chuyện này lại hoàn toàn bị bóp méo.
Kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu viết cuốn sách “Hội chứng cuồng hoa Tulip: Tiền, Danh dự và Kinh nghiệm trong thời hoàng kim của Hà Lan” đã cho tôi một cái nhìn khác về vấn đề này.
Thật sự cơn sốt hoa Tulip là không hề vô lý. Tulip tượng trưng cho sự xa xỉ tại quốc gia mà mạng lưới giao thương ngày càng phát triển tỷ lệ thuận với số lượng tầng lớp thượng lưu. Ngày càng nhiều người có khả năng chi trả cho những thứ đồ xa xỉ – và Tulip được xem là biểu tượng của cái đẹp, vẻ kỳ lạ và là vật phô trương kinh nghiệm, gu thưởng thức của giới thương gia. Rất nhiều người, kèm theo Tulip họ còn mua cả tranh và sưu tập đồ quý hiếm như vỏ sò.
Giá củ Tulip tăng do loại hoa này rất khó trồng và còn hiếm. Vì vậy, không có gì là vô lý khi người ta trả giá cho một thứ được cộng đồng coi là có giá trị và thậm chí những người mua sau còn sẵn sàng trả giá cao hơn.
Và thật sự “hội chứng cuồng hoa Tulip” cũng không hẳn là một cơn sốt. Thực tế là, trong mọi phiên giao dịch mọi thứ đều diễn ra khá trầm lắng, trong những quán rượu, hay trong một khu phố hơn là trên sàn giao dịch. Và những phi vụ mua bán này cũng diễn ra rất có tổ chức, với các công ty được thành lập dọc các thị trấn chuyên để trồng hoa và buôn bán, với hội đồng thẩm định là các chuyên gia. Và kể cả khi củ hoa Tulip được giao dịch hàng trăm lần, cũng không có bất cứ chuỗi người mua nào quá 5 người.
Và những gì châm ngòi cho cơn sốt hoa Tulip khiến nhiều người mất trắng lại hoàn toàn không tồn tại. Mặc dù cơn sốt bắt đầu từ năm 1636 nhưng đỉnh điểm của nó lại vào tháng 01 năm 1637. Dường như một số người có tiền tích trữ đã bỏ chút hầu bao của mình để đầu tư vào củ hoa Tulip.
Người ta có thể cho rằng giá như vây là cao, nhưng hoàn toàn không phải. Mặc dù sự thật là củ hoa Tulip đắt nhất lên tới khoảng 5.000 USD (ngang giá một ngôi nhà đầy đủ tiên nghi), nhưng thực chất chỉ có 37 người chi 300 USD vào củ hoa, bằng tiền lương một năm của một anh thợ lành nghề. Còn đâu, những củ hoa Tulip khác có giá rất rẻ. 1, 2 trường hợp ngoại lệ đến từ tầng lớp thương gia, những người có đủ khả năng tự mua được củ hoa. Số còn lại, đến từ mọi tầng lớp trong xã hội, chủ yếu là thương nhân và thợ lành nghề. Và hầu hết người mua kẻ bán đều là người quen trong gia đình, trong khu phố hay trong một vùng nhất định. Người bán chỉ trao hàng cho người mua mà họ quen biết.
Và khi khủng hoảng xảy ra, nguyên nhân không hề đến từ những trader mới vào hay những người thiếu kiên thức, mà có lẽ đến từ những quan ngại về lượng cung tăng và sự biến động khi giá cả tăng vọt trong 5 tuần đầu năm 1637. Củ hoa Tulip lúc đó không hề có sẵn bởi người ta còn đang trồng chúng, và cũng không có bất cứ giao dịch nào diễn ra cho đến khi củ hoa Tulip được trao tay vào tầm tháng 5 hoặc tháng 6. Do đó, theo khái niệm, những người mất tiền vào thời điểm cuộc khủng hoảng xảy ra chỉ là do họ chưa được thanh toán. Bất cứ ai mua bán hoa Tulip có giấy tờ đàng hoàng kể từ mùa hè năm 1636 không lỗ một khoản nào. Chỉ có những người đang đợi thanh toán là gặp rắc rối, tuy nhiên, những người này lại hoàn toàn có khả năng chịu lỗ.
Và cũng chẳng có ai tự kết liễu cuộc đời mình cả. Chưa có bất cứ một vụ phá sản tự sát nào trong thời kỳ khủng hoảng này liên quan đến hoa Tulip. Giả dụ tên của những người mua hay bán hoa Tulip có mặt trong danh sách phá sản thì chỉ bởi vì họ đã mua nhà hoặc tài sản của những người đã phá sản trước đó. Nền kinh tế Hà Lan vào thời điểm đó hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. Chính quyền cũng không đóng cửa các giao dịch, mà thực sự còn có phản ứng khá chậm chạm và do dự trước yêu cầu giải quyết tranh chấp của một số thương nhân và Hội đồng Thành phố. Tòa án còn đề nghị mọi người đàm phán với nhau và tránh kiện tụng tại thời điểm này: không có bất cứ một sự can thiệp nào đến từ chính phủ.
Vậy tại sao tiếng tăm của cơn sốt huyền thoại này vẫn còn dư âm đến tận bây giờ? Điều này là do các tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất. Năm 1637, sau cuộc khủng hoảng, các bài hát châm biếm hay những mẩu chuyện nhỏ bôi bác hình ảnh các trader dần xuất hiện. Chúng được ghi chép lại vào thế kỷ 17, đến cuối thế kỷ 18 chúng còn được dịch sang tiếng Anh và đem lại thành công vang dội cho tác giả. Tuy nhiên, những gì về “cơn sốt hoa Tulip” trong cuốn sách đều đến từ những bài hát châm biến vô danh năm 1637. Với sức lan tỏa của các phương tiện truyền thông như mạng xã hội, cuốn sách này xuất hiện với tần suất dày đặc trên các website tài chính, blog, Twitter… Nhưng tất cả những gì chúng ta biết chỉ là nỗi sợ của những người sống trong thế kỷ 17.
Nói tóm lại, nguyên nhân của “bóng bóng Uất kim hương” không hề đến từ những người mới chơi, hay những kẻ ngu dốt và sự tham lam của họ khi giao dịch củ hoa. Nhưng những yếu tố này, cộng hưởng với sự thay đổi văn hóa xã hội xảy ra từ những thay đổi lớn trong phân phối của cải có thể tạo ra tâm lý sợ hãi. “Bong bóng Uất kim hương” luôn được đem ra để làm gương khuyến cáo nhà đầu tư không nên quá dại dột, và nên tránh xa những thứ được gọi là “món hời”. “hái ra tiền”. Nhưng dù gì đi chăng nữa, “cơn sốt hoa Tulip” là một sự kiện lịch sử, xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử. Còn Bitcoin không phải là “bong bóng Uất kim hương” phiên bản 2.0
Theo Tapchibitcoin