Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (GD & ĐT) đang có kế hoạch triển khai công nghệ blockchain để cấp bằng vào năm 2021.
Theo một thông báo ngày 18 tháng 11, Bộ GD & ĐT đã hợp tác với công ty TomoChain có trụ sở tại Singapore để đưa chứng chỉ sinh viên quốc gia lên nền tảng blockchain độc quyền của TomoChain.
Là một phần của dự án “Lưu trữ Văn bằng Quốc gia”, Bộ GD & ĐT có kế hoạch cấp tất cả các loại văn bằng được cấp bởi các đơn vị đào tạo và Giáo dục từ cấp Trung học và Đại học trên blockchain. Hệ thống mới sẽ có hiệu lực trong năm học 2021.
Theo thông báo, hệ thống chứng chỉ dựa trên blockchain mới của Việt Nam được thiết kế để cho phép xác minh trình độ của sinh viên một cách minh bạch và bất biến. Hệ thống mới này được kỳ vọng sẽ thay thế các quy trình xác minh lâu nay của các cơ quan tuyển dụng và đơn vị nhân sự. Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết:
“Quản lý văn bằng và chứng chỉ là một vấn đề cần được giải quyết bằng công nghệ, có ý nghĩa đối với toàn xã hội và cũng tiết kiệm chi phí cho hệ thống quản lý văn bằng nói riêng và giáo dục nói chung”.
Theo TomoChain, quy trình lưu trữ và truy xuất văn bằng gồm hai bước chính. Đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận dữ liệu văn bằng số hoá từ các cơ sở đào tạo, sau đó sắp xếp và lưu trữ đồng bộ. Mỗi văn bằng, tương ứng với một học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp, sẽ có một số hiệu. Mỗi số hiệu là một mã duy nhất, được xác thực, bảo đảm tính minh bạch và không thể bị tạo khống, làm giả.
Tiếp đó, thông qua một cổng thông tin, các bên có thể truy xuất dữ liệu văn bằng. Các văn bằng được lưu trữ bằng công nghệ chuỗi khối, bảo đảm có thể truy vết mọi thay đổi và khôi phục khi cần.
Sơ đồ quy trình số hóa và lưu trữ văn bằng quốc gia trên hệ thống blockchain TomoChain
Dữ liệu văn bằng được mã hoá và lưu trữ an toàn tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời trên chuỗi khối do công ty TomoChain phát triển, bảo đảm việc truy vết mọi thay đổi trong quá khứ. Các dữ liệu này cũng có thể sẵn sàng được khôi phục nếu cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị tấn công.
Bên cạnh đó, hệ thống được xây dựng đồng bộ, đầy đủ, phục vụ tốt công tác quản lý, xác thực và khai thác thông tin văn bằng, giảm thời gian xử lý công việc, tiết kiệm chi phí hành chính và quản lý chặt chẽ các tiến trình, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Như vậy, theo nhà phát triển công nghệ TomoChain, với quy trình và ứng dụng công nghệ này, các loại bằng giả sẽ không thể tự nhiên xuất hiện hay được xác thực trên hệ thống. Từ đó, vấn nạn bằng giả sẽ dần dần được đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ trong tương lai.
Kyn Chaturvedi, giám đốc phát triển kinh doanh tại TomoChain, nói rằng sáng kiến này là lần đầu tiên một công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ của mình cho một cơ quan chính phủ. Chaturvedi lưu ý: “Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam làm việc với bất kỳ doanh nghiệp blockchain nào.
Một số bộ giáo dục và trường học toàn cầu đã công bố kế hoạch cấp bằng trên blockchain. Vào tháng 3 năm 2020, Bộ Giáo dục Brazil đã đề xuất cấp chứng chỉ dựa trên blockchain cho các trường đại học ngoài công lập để ngăn chặn gian lận. Cùng tháng đó, hai trường trung học ở Ý đã công bố kế hoạch cấp bằng tốt nghiệp trên blockchain Ethereum.
- Việt Nam có 21% người sử dụng BTC trong khi Mỹ chỉ có 7% – Bitcoin vẫn ở giai đoạn sơ khai?
- Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Việt Nam tham gia RippleNet với tư cách là đối tác chiến lược
Thạch Sanh
Theo Cointelegraph