Bộ Tài chính Việt Nam vừa công bố dự thảo sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, với nội dung mở rộng bao gồm cả thị trường tài sản mã hóa. Đây là lần đầu tiên các hành vi vi phạm liên quan đến tài sản mã hóa được đưa vào khung xử phạt hành chính.
Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất xử phạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng đối với các cá nhân không mở tài khoản và không chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu ký, giao dịch tại các sàn được cấp phép bởi Bộ Tài chính. Biện pháp này nhằm đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong quản lý loại tài sản mới, vốn còn nhiều rủi ro và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất mức phạt rất nặng, từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng, cho các hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa, bao gồm: sử dụng nhiều tài khoản để tạo cung cầu giả; thông đồng giao dịch không thực sự chuyển giao quyền sở hữu; đưa thông tin sai lệch lên truyền thông nhằm điều hướng thị trường. Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nêu chi tiết các hành vi được xem là thao túng thị trường tài sản mã hóa.
Ngoài ra, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa cũng đối mặt với mức phạt 300 triệu đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm các quy định như không xác minh danh tính nhà đầu tư, quảng cáo gây hiểu nhầm, hay không tách bạch tài sản của khách hàng và tài sản tự doanh. Với những vi phạm nghiêm trọng, các tổ chức này có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 5 tháng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các đồng coin đều được niêm yết trên sàn tập trung; nhiều token chỉ tồn tại trên các sàn phi tập trung (DEX), nơi giao dịch không thông qua đơn vị trung gian. Hiện vẫn chưa rõ cơ chế quản lý sẽ áp dụng ra sao với các tài sản này, cũng như việc các token được phân phối miễn phí qua airdrop có bị xem là thu nhập chịu thuế hay không.
Một điểm đáng lưu ý khác là nhiều người dùng hiện đang tự lưu trữ tài sản mã hóa trong ví cá nhân – điều vốn được xem là chuẩn mực về bảo mật và quyền sở hữu trong thế giới phi tập trung. Việc yêu cầu họ rút tài sản khỏi ví để nạp lên sàn được cấp phép không những làm gia tăng rủi ro mà còn đi ngược lại tinh thần cốt lõi của blockchain: “Not your key, not your coin”.
Theo Bộ Tài chính, tài sản mã hóa là một loại tài sản số sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số tương đương để xác thực quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ và giao dịch. Trong bối cảnh loại tài sản này phát triển nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc siết chặt quản lý và thí điểm trong phạm vi giới hạn, có giám sát chặt chẽ là cần thiết nhằm bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo ổn định tài chính.
Cuối tháng 3, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về thí điểm phát hành và giao dịch tiền mã hóa, trong đó đề xuất phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước để quản lý các sàn giao dịch hoạt động theo cơ chế thử nghiệm.
- Thủ tường yêu cầu Bộ Tài chính trình Nghị quyết về quản lý tài sản số trong tuần này
- Việt Nam hợp tác với Singapore xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số
- Sắp tới, trader Việt Nam có thể phải nộp thuế giao dịch tài sản mã hóa
- Nghị quyết 68-NQ/TW chính thức xác lập khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam
Hàn Tín
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.