Cuối năm 2021, game NFT Elemon nổi lên như một hiện tượng trong giới game thủ blockchain, thu hút hàng nghìn người chơi tham gia. Tin tưởng vào lời chào mời từ đội ngũ phát hành, khi Elemon mở bán box, anh T.L (Nam Định) cùng bạn bè mỗi người một máy tính đã mở được rất nhiều box. Thời điểm đầu, mỗi box được “đẩy giá” lên rất cao, từ 300 USD/box lên tới hơn 3.000 USD (khoảng 75 triệu đồng) trong vài ngày. Một con pet (nhân vật trong game) thuộc hàng hiếm có giá lên tới 50.000 – 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng – 1,4 tỷ đồng).
“Đến thời điểm hiện tại, bản thân tôi lỗ 120.000 USD (tương đương 2,85 tỷ đồng) khi đầu tư vào game này” – anh L nói.
Ngay cả với người nhiều kinh nghiệm đầu tư các tựa game NFT, anh T.V.A (32 tuổi, Hà Nội) vốn là admin (quản trị viên) của một hội nhóm game NFT trên mạng xã hội Facebook – vẫn không thoát cảnh thua lỗ. Với tựa game NFT Metamon, anh T.V.A “bốc hơi” 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – chuyên gia an ninh mạng (Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện tại, trong lĩnh vực tiền ảo, tiền mã hóa, không nhà phát hành nào phải đóng thuế tại Việt Nam, bởi tới thời điểm này, Nhà nước không công nhận đó là tài sản, sản phẩm, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – chuyên gia an ninh mạng.
Hiện nay, nhiều dự án game NFT có dấu hiệu lừa đảo “hạ cánh an toàn” do sử dụng chiêu bài đăng ký giấy phép kinh doanh ở những nước đồng ý cho phép kinh doanh tiền mã hóa và đóng thuế cho các quốc gia này. Từ số tiền giao dịch hàng trăm tỷ USD mỗi năm trong thị trường này, ước tính khoản thuế Nhà nước bị thất thoát rất lớn.
Luật sư Trần Viết Hà (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, hiện nay pháp luật mới chỉ xử lý được những dự án game NFT “cẩu thả”, mục đích chiếm đoạt tiền của người chơi, nhà phát hành rút tiền ồ ạt.
“Nhiều nhà phát hành game NFT âm thầm xả token, làm đường giá từ từ đi xuống. Khi giá trị đồng token trong game xuống thấp thì lý giải đó là yếu tố thị trường, không phải lừa đảo. Những hành vi này rất khỏ xử lý, bởi ở thị trường crypto, mọi thứ đều ẩn danh”.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo
Bắt đầu khoảng từ năm 2015 – thời điểm tiền ảo bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đến nay, trên thị trường đã có hàng nghìn loại tiền ảo của hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều cách thức huy động vốn khác nhau.
Trong đó, có những đồng tiền ảo có cả hệ sinh thái hoạt động với vốn hóa lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Mới nhất, theo thống kê của báo Wall Street Journal, chỉ tính trong tháng 5 năm 2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỷ USD.
Trong khi đó, Chainalysis báo cáo rằng trong thời gian từ tháng 7 năm 2021 đến 6 năm 2022, thị trường Việt ghi nhận 112,6 tỷ USD tiền điện tử được giao dịch, đứng thứ hai Đông Nam Á.
Không thể phủ nhận, tiền ảo đã và đang là một xu thế. Và hiện có nhiều nước trên thế giới đã công nhận, hợp thức hóa việc giao dịch bằng tiền ảo cũng như công nhận tiền ảo là tài sản.
Trong khi ở Việt Nam, tới thời điểm này, Nhà nước vẫn không công nhận tiền ảo là tài sản, là sản phẩm và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Mặc dù từ rất sớm – năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã 6 năm trôi qua, những đơn vị được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể để quản lý tiền ảo, tài sản số.
Ông Hoàng Văn Thu – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính).
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết Ủy ban đã tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan, nhưng đến nay các ý kiến về tài sản ảo, tiền ảo “đều chưa rõ ràng”. Do đó, việc tiếp cận để xây dựng khung pháp lý còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Ông Thu cho biết, đã báo cáo Bộ Tài chính để đề xuất Chính phủ thành lập tổ công tác liên ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng tài sản ảo không phải vấn đề mới nhưng là vấn đề khó, có nhiều rủi ro đòi hỏi phải có đánh giá toàn diện.
Ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội, cho biết hiện nay Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, tiền điện tử, nhưng cũng chưa cấm, chưa có hành lang pháp lý rõ rệt để quản lý.
“Vấn đề này tôi cũng đã thẳng thắn đặt vấn đề trong nghị trường Quốc hội từ khóa trước, thời điểm đó, lãnh đạo Chính phủ trả lời rằng đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Chúng ta phải đi tắt đón đầu vì công nghệ thay đổi từng ngày, không thể mãi chạy theo sau công nghệ được”.
Hậu quả của việc thiếu quy định rõ ràng là chúng ta đã và đang thất thu một lượng thuế rất lớn căn cứ trên các con số về giao dịch tiền ảo. Chính điều này đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn với lãi suất hứa hẹn rất cao so với ngân hàng.
Quan trọng hơn, khi xảy ra việc tranh chấp hay mất tiền, các nạn nhân đệ đơn kiện lên các cơ quan chức năng để cầu cứu nhưng không thành vì rất khó xác định hành vi khi chưa có quy định cụ thể.
Vậy nên, một hành lang pháp lý cho vấn đề tiền ảo, bao gồm cả việc cấm hay công nhận là một vấn đề vô cùng cấp thiết hiện nay.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Dính ma trận tiền ảo, người đàn ông 30 tuổi lãnh án 8 năm tù vì chiếm đoạt 1,4 tỷ đồng
- UBCKNN liên hệ, trao đổi thông tin về tiền ảo với Binance
Nguồn: T/H