Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật GENIUS vào ngày 18/7, cam kết rằng đạo luật này sẽ đảm bảo vị thế “thống trị toàn cầu” của Hoa Kỳ trong công nghệ tiền điện tử.
Đây là khuôn khổ pháp lý liên bang đầu tiên của Hoa Kỳ dành cho stablecoin được neo giá theo đồng USD. Phát biểu sau khi đạo luật được thông qua, ông Trump tuyên bố:
“Crypto đã tăng giá nhiều hơn bất kỳ cổ phiếu nào. Crypto khiến đồng đô la trở nên đáng giá hơn. Crypto là điều tốt cho đồng đô la và cho quốc gia.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng Đạo luật GENIUS sẽ giúp Hoa Kỳ dẫn đầu lĩnh vực này, đồng thời cam kết sẽ phê duyệt luật khung toàn diện cho thị trường crypto trước khi năm nay kết thúc.
Thượng nghị sĩ Tim Scott, thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, gọi đạo luật này là “sự rõ ràng trong quy định đối với ngành stablecoin”, cho rằng những khoản thanh toán nhanh hơn và rẻ hơn sẽ “củng cố vị thế thống trị của đồng USD trên toàn thế giới”.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng đăng bài trên X cảm ơn các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vì đã “giữ đúng cam kết” biến Hoa Kỳ thành “thủ phủ tiền điện tử của thế giới”.
Khung pháp lý cho stablecoin
Đạo luật GENIUS thiết lập một khuôn khổ liên bang cho việc phát hành và giám sát stablecoin thanh toán.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ chịu trách nhiệm cấp phép và giám sát các tổ chức nhận tiền gửi có bảo hiểm ở cấp quốc gia. Đồng thời, các công ty được cấp phép theo luật tiểu bang cũng có thể phát hành stablecoin nếu đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương về dự trữ, minh bạch thông tin, quy trình hoàn đổi và quản lý rủi ro.
Các tổ chức phát hành stablecoin phải bảo chứng 100% bằng tài sản thanh khoản chất lượng cao như tiền mặt, trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán chính phủ ngắn hạn tương ứng với tổng lượng token lưu hành. Các báo cáo xác nhận định kỳ cũng là yêu cầu bắt buộc.
Luật cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý ngân hàng thiết lập lịch trình kiểm tra định kỳ, đảm bảo người dùng có quyền hoàn đổi stablecoin theo mệnh giá trong khung thời gian xác định. Ngoài ra, tài sản dự trữ phải được tách biệt và không được sử dụng lại (rehypothecation), trừ khi khách hàng cho phép bằng văn bản.
Hành trình cuối cùng trước khi ký ban hành
Hạ viện đã thông qua Đạo luật GENIUS với tỷ lệ 307 phiếu thuận – 122 phiếu chống vào ngày 17/7, chỉ một ngày sau khi bỏ phiếu lại thông qua gói thủ tục kết hợp ba đạo luật: GENIUS Act, CLARITY Act và Anti-CBDC Surveillance Act.
Ban đầu, ba đạo luật này được gom lại vào ngày 16/7 nhằm đẩy nhanh tiến độ bỏ phiếu. Tuy nhiên, hình thức này không đủ điều kiện để đệ trình lên Tổng thống. Do đó, các nhân viên ủy ban đã soạn lại nội dung Đạo luật GENIUS thành một văn bản độc lập để cả Hạ viện và Thượng viện thông qua với nội dung giống nhau.
Thượng viện đã phê chuẩn văn bản hợp nhất vào cuối ngày 17/7, hoàn tất quy trình lưỡng viện và chuyển lên Nhà Trắng để Tổng thống ký ban hành.
Những phát ngôn nổi bật
-
Tổng thống Donald Trump: “Tiền điện tử khiến đồng đô la của chúng ta trở nên mạnh mẽ và quyền lực. Nó tốt cho đồng đô la và tốt cho nước Mỹ.”
-
“Tiền điện tử đã tăng giá nhiều hơn bất kỳ cổ phiếu nào.”
-
CEO Coinbase, Brian Armstrong: Đạo luật GENIUS là “đạo luật liên bang đầu tiên về tiền điện tử được ký ban hành, và sẽ còn nhiều đạo luật khác sắp tới.”
-
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent: Đạo luật GENIUS là cột mốc lịch sử, sẽ “mở đường cho Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu.”
- Việt Nam “chơi lớn” với tiền ảo: Kế “thoát xám” khiến cả thế giới ngỡ ngàng
- 3 dự luật tiền điện tử lớn của Hoa Kỳ dự kiến sẽ được thông qua trong tuần này
- Hạ viện Mỹ chính thức thông qua ba dự luật tiền điện tử lịch sử
Vương Tiễn
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Donald Trump
- Fed
- GENIUS