Đây là bài viết của anh Nguyễn Sỹ Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ (CTO) của nền tảng blockchain Tomochain nói về việc nhất thể hóa dữ liệu tài chính trên nền tảng Blockchain, một tiện ích hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ máy ngân hàng cồng kềnh hiện tại.
Nguyễn Sỹ Thanh Sơn, CTO Tomochain | Ảnh nhân vật cung cấp
Hiện tại, các ngân hàng, công ty tài chính hầu hết đều xây dựng các cơ sở dữ liệu tài chính (Sổ cái, Core Banking) riêng. Kiến trúc này hoạt động khá ổn ở thời điểm hiện tại. Trong đó, ưu điểm rõ nhất là các bên chủ động được việc triển khai dịch vụ trên hệ thống của họ. Từ đó, tạo ra các dịch vụ cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển chung. Tuy nhiên, thiết kế này cũng mang lại có nhược điểm về mặt kinh tế lẫn trải nghiệm người dùng.
Về mặt kinh tế, rõ ràng việc triển khai Core Banking sẽ làm tăng chi phí xây dựng hệ thống cho một tổ chức tài chính. Đồng thời, việc gửi tiền liên thông qua các tổ chức (ví dụ: gửi tiền liên ngân hàng) cũng mất nhiều công đoạn tích hợp, gây tốn kém chi phí, thời gian, nhân lực để triển khai cũng như thực hiện công tác kiểm toán, kế toán.
Về mặt trải nghiệm người dùng, nhược điểm dễ nhận thấy nhất là việc nạp, rút tiền vào ví điện tử, cũng như việc phát sinh chi phí khi triển chuyển tiền liên ngân hàng.
Rõ ràng, tài sản của người dùng trong ví điện tử cũng như các ngân hàng đều là Việt Nam Đồng. Nhưng vì mỗi tổ chức đều có một cơ sở dữ liệu tài sản số riêng, nên việc chuyển tiền liên thông giữa các bên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ở quy mô của một quốc gia, tất cả người dân đều sử dụng chung một đồng tiền. Nếu nhà nước xây dựng một dữ liệu tài sản số (hay còn gọi là Sổ Cái) có đầy đủ các API/SDK, giao thức để các tổ chức tài chính thứ cấp (ví dụ: ngân hàng, ví điện tử, bảo hiểm, chứng khoán …) có thể dễ dàng triển khai dịch vụ trên đó, thì những khó khăn trên xem như được tháo gỡ. Đây được xem là một cách tiếp cận mới, mang lại nhiều thay đổi lớn.
Công nghệ blockchain có thể giúp chúng ta triển khai một hệ thống như vậy. Chúng ta có thể tạm gọi là nhất thể hóa dữ liệu tài chính (NTHDLTC) quốc gia trên nền tảng Blockchain. Ngân Hàng Nhà Nước sẽ chịu trách nhiệm vận hành các nốt chính (Master Node) của Blockchain, và phát hành tiền số Việt Nam Đồng trên đó. Các tổ chức tài chính thứ cấp được quyền chạy các nốt phụ (node) và sử dụng cái API/SDK để truy xuất số dư và lập trình các dịch vụ của mình trên (đây chính là việc xây dựng các hợp đồng thông minh – smart contract trên nền tảng blockchain).Để triển khai được NTHDLTC, cần tiến hành song song với việc xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia, và giao thức định danh, xác thực. Về vấn đề dữ liệu cư dân, bác Bộ trưởng bộ thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành. Về giao thức định danh, xác thực thì không có gì mới. Facebook, Twitter, Zalo đã có thể quản lý hàng tỷ tài khoản và cung cấp đầy đủ API/SDK cho các bên thứ ba khai thác dữ liệu đó. Về cơ bản, việc định danh có thể sử dụng các công nghệ chính là chữ ký số, eKYC và giao thức OAUTH2.
Tuy nhiên, cách triển khai mô hình mới sẽ cần phải thích nghi với mô hình cũ. Cũng giống như khi các mạng viễn thông triển khai công nghệ mới 3G nhưng phải đảm bảo các điện thoại sử dụng công nghệ 2G vẫn hoạt động tốt. Để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng các cổng chuyển (Gateway, Bridge) giữa hai hệ thống cũ và mới. Điều này làm phát sinh chính phí và gây trở ngại không nhỏ cho việc triển khai mô hình mới. Nhất là khi ở thời điểm hiện tại, hệ thống cũng vấn đang hoạt động tốt, chưa thấy các bên có đề xuất hay bức xúc gì.
Có một giải pháp tương tự, mà việc triển khai có thể sẽ dễ dàng hơn. Đó là các công ty, tổ chức tài chính cùng nhau thành lập một liên minh sử dụng chung một blockchain. Trong đó, các bên đều có quyền chạy node để tham gia và quá trình đồng thuận trên blockchain. Đây là giải pháp mà Libra của Facebook đang sử dụng. Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít khó khăn khi muốn triển khai nó trên quy mô toàn cầu.
Blockchain đã là lựa chọn không thể thay thế cho các dự án tài chính phi tập trung. Bitcoin, Ethereum hay TomoChain đều là những nền tảng tài chính phi tập trung vững chắc sử dụng công nghệ blockchain. Nhưng trong vài năm gần đây, chúng ta thấy cả JP Morgan và Libra đều lựa chọn công nghệ blockchain cho dự án của họ. Dường như Blockhain không chỉ mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính phi tập trung, mà còn muốn thể hiện sức mạnh trong lĩnh vực tài chính tập trung, nơi mà đã có rất nhiều sản phầm core banking truyền thống ngự trị. Tại sao những họ lại không sử dụng các core banking cũ? có thể đơn giản vì nó quá cồng kềnh, và chỉ được thiết kế cho một tổ chức tài chính đơn lẻ. Trong mô hình tài chính mới, với sự xuất hiện của các liên minh của nhiều tổ chức chia sẻ cùng một cơ sở dữ liệu tài chính, thì công nghệ blockchain lại là một lựa chọn phù hợp.
Tạp Chí Bitcoin xin cảm ơn tác giả bài viết.
- [Việt Nam Blockchain – Kỳ 1] CEO Tomochain Long Vương : Việt Nam cũng nên có những chính sách mạnh mẽ như Trung Quốc để phát triển công nghệ blockchain
- Blockchain chiến đấu với deepfake bằng cách nào?
- AI và Blockchain: Nhân đôi sự cường điệu hay nhân đôi giá trị?
PV