Hàng loạt miner rời khỏi Trung Quốc cho thấy mức độ nghiêm trọng của hành động thực thi mới. Nhưng giao dịch và đầu tư bị ràng buộc có nhiều khả năng là vấn đề thực sự cần xem xét hơn.
Nhiều miner có thâm niên đã trải qua rất nhiều đợt FUD của Trung Quốc không quá coi trọng đợt thực thi chống tiền điện tử hiện tại. Theo họ, chắc chắn thị trường đang sụp đổ một phần là do tin tức và chu kỳ khi đã đạt đỉnh.
Thật không may, suy nghĩ đó dường như lỗi thời. Trung Quốc đang nghiêm túc hơn trong cuộc đàn áp chống tiền điện tử lần này so với trước đây. Theo đó, tác động có thể lâu dài hơn và sâu sắc hơn.
Có nhiều bằng chứng mới cho thấy sự nghiêm trọng trong cuộc di cư của miner Trung Quốc vào những tuần gần đây. Tin tốt là quá trình di chuyển theo quy mô lớn của miner sẽ không có ảnh hưởng quyết định đến sức mạnh của mạng Bitcoin. Trên thực tế, nó thậm chí tích cực trong dài hạn nếu trải rộng hoạt động khai thác và rủi ro sang nhiều quốc gia hơn. Và không có mối liên kết mạnh mẽ, trực tiếp nào từ hoạt động khai thác đến giá thị trường của Bitcoin.
Nhưng khai thác mới chỉ là một nửa câu chuyện ở đây: Trung Quốc cũng đang hạn chế giao dịch tiền điện tử cũng với thái độ kiên quyết. Vào thứ 2, các cơ quan tài chính Trung Quốc đã nhắc nhở nhiều ngân hàng lớn và công ty fintech rằng họ không được phép tạo điều kiện cho các giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Sau cuộc họp, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công khai kêu gọi các ngân hàng đàn áp mạnh tay hơn.
Những quy tắc này lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2013. Nhưng vào tháng 5 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã nhắc nhở mọi người rằng nó có hiệu lực thi hành và cuộc họp hôm thứ 2 dường như nhấn mạnh điều đó một lần nữa. Ví dụ, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) cho biết vào thứ 2 rằng họ sẽ thực hiện quy trình thẩm định để phát hiện các giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Theo AgBank, tài khoản nào có hoạt động như vậy có thể bị tạm ngừng.
Hơn nữa, các cá nhân có khả năng bị giám sát nhiều hơn doanh nghiệp tiền điện tử bởi vì các doanh nghiệp còn khá ít ở Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là các sàn giao dịch đã bị cấm tại quốc gia này vào năm 2017, khiến họ phải đóng cửa hoạt động trong nước như BTCC của Bobby Lee.
Nhưng điều đó không mang lại kết quả như mong muốn của các nhà chức trách Trung Quốc. Bởi vì phần lớn dòng fiat-crypto của Trung Quốc được chuyển sang OTC do sàn giao dịch nước ngoài Huobi và OKEx điều hành. Những cổng này cho phép các cá nhân Trung Quốc đổi nhân dân tệ lấy USDT hoặc Bitcoin, sau đó chuyển tiền điện tử đó sang các sàn giao dịch phi fiat như Binance để đầu cơ thêm. Theo Wolfie Zhao của The Block, lần đầu tiên các tuyên bố từ PBOC trích dẫn cụ thể bàn OTC với ngôn từ quyết liệt hơn về việc có thể tạm ngưng đặc quyền hoạt động như ngân hàng của họ.
Mặc dù Trung Quốc không cấm sở hữu tiền điện tử, nhưng hoạt động thực thi mạnh tay hơn cũng có thể làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu cơ cá nhân do tăng rủi ro hoặc rủi ro nhận thức về việc trừng phạt cá nhân. Các biện pháp trừng phạt tiềm năng thậm chí còn nặng hơn việc mất tài khoản ngân hàng. Mặc dù không được nêu ra trong vòng tuyên bố hiện tại, nhưng có vẻ như cá nhân tham gia vào giao dịch bị gắn cờ cũng bị hạ cấp vĩnh viễn trong hệ thống “tín dụng xã hội” của Trung Quốc. Hay nói cách khác, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen hạn chế quyền tiếp cận mọi thứ, từ các chuyến bay của hãng hàng không đến internet tốc độ cao, mà không theo quy trình xử lý được quy định.
Ngay cả việc thảo luận về tiền điện tử dường như cũng không được nhà chức trách Trung Quốc chấp nhận. Nhiều báo cáo cho biết các tài khoản tập trung vào chủ đề này đã bị cấm trên nền tảng mạng xã hội, bao gồm cả Weibo. Một nhà bình luận tiền điện tử Trung Quốc đã gọi cuộc đàn áp trên mạng xã hội là “ngày tuyên án” đối với các nhà lãnh đạo tư tưởng tiền điện tử ở Trung Quốc. Điều đó dường như có thể làm giảm sự quan tâm hơn nữa đến đầu cơ tiền điện tử, vì phương tiện truyền thông xã hội là chìa khóa để thu hút sự quan tâm đến các dự án mới.
Điều này sẽ mang lại áp lực giảm dài hạn thực sự đối với giá tiền điện tử. Theo báo cáo năm 2020 của Chainalysis, hơn 30% giao dịch tiền điện tử toàn cầu diễn ra ở Đông Á và Trung Quốc thống trị khu vực này. Việc mất đi tỷ lệ khối lượng toàn cầu này sẽ đặc biệt tồi tệ đối với các dự án nhỏ nhất.
Thậm chí, Trung Quốc còn ngăn cản giao dịch tiền điện tử cá nhân trong các hành động gần đây chống lại những doanh nhân nổi tiếng. Cách đây chưa đầy một năm, người sáng lập Alibaba, Jack Ma, đang chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của Ant Group, một spin-off thanh toán của nền tảng thương mại điện tử này. Các nhà chức trách đã ngăn chặn hành động đó, được cho là đáp lại những tuyên bố thách thức của Ma đối với các cơ quan quản lý tài chính. Cho đến năm ngoái, Ma là doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất ở Trung Quốc nhưng gần như biến mất sau vụ việc. Ông được cho là chỉ dành thời gian để vẽ tranh và làm công việc từ thiện. Trong cuộc sống này, bất kể chuyện không may nào cũng có thể xảy ra với bạn, đặc biệt là trong một xã hội độc tài.
Những hành động kịch tính như vậy có vai trò đáng kể trong hệ thống như Trung Quốc, nơi có thể có khoảng cách lớn giữa luật trên giấy và áp dụng thực tế.
Mặc dù vẫn có thể có không gian cho tiền điện tử ở Trung Quốc, nhưng có vẻ như các nhà chức trách cuối cùng đã kết luận rằng họ không có được lợi ích từ việc nuôi dưỡng công nghệ chống độc tài. Nhìn chung, mất mát của họ là lợi ích của thế giới nhưng vẫn có thể còn nhiều sóng gió phía trước.
- Financial Times khẳng định tội phạm thích Monero (XMR) hơn Bitcoin nhưng liệu có chính xác?
- Bitcoin thành công vượt qua bài kiểm tra công kích cấp độ Trung Quốc
- Nguyên nhân thực sự đằng sau cuộc săn lùng phù thủy tiền điện tử của Trung Quốc
Đình Đình
Theo Coindesk