Có vẻ như 5 năm là một thời gian tương đối ngắn đối với một công ty công nghệ, nhưng Ethereum đã đạt được nhiều tiến bộ khổng lồ trong thời gian này, phát triển từ dự án ICO sang nền tảng blockchain lớn nhất, chạy khoảng 2,000 ứng dụng phi tập trung (Dapp). Ngày nay, vốn hóa thị trường của ETH đạt hơn 39 tỷ đô la – lớn hơn công ty ô tô Ford và ứng dụng tin nhắn Snapchat. Không chỉ vậy, giá trị của ETH tăng 121 lần trong suốt thời gian tồn tại của mạng.
Trong khi toàn bộ mạng đang chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang thuật toán đồng thuận PoS trước khi nâng cấp Berlin sắp tới, bài viết sẽ điểm lại những thay đổi nổi bật đã xảy ra với nền tảng trong 5 năm kể từ khi ra mắt và những thất bại chỉ làm tăng thêm quyết tâm của họ.
Năm 2013 – 2014: Ý tưởng gọi vốn cộng đồng trị giá 18 triệu đô la
Ethereum được lập trình viên người Canada gốc Nga Vitalik Buterin sáng lập. Vào năm 2013, Buterin chỉ là cậu thiếu niên 18 tuổi, nhưng ý tưởng của anh được đáp trả bằng những phản ứng sống động trong cộng đồng blockchain toàn cầu. Sau đó, lập trình viên máy tính người Anh Gavin Wood đã chứng minh khả năng tạo ra hệ thống do Buterin phát minh và mô tả các nguyên tắc cơ bản hoạt động trong Yellow Paper (tạm dịch: sách vàng, là tài liệu kỹ thuật của dự án) của Ethereum. Cùng với các thành viên đầu tiên của nhóm Ethereum, họ đã giới thiệu ý tưởng gọi vốn cộng đồng (crowdsale) và quyên góp được 18 triệu đô la để phát triển dự án.
Vitalik Buterin – Nhà sáng lập Ethereum
Năm 2015: Ra mắt mạng và niêm yết trên sàn giao dịch
Phiên bản đầu tiên của giao thức Ethereum được gọi là Frontier, ra mắt vào ngày 30/7/2015. Nhưng mức độ bảo mật mà hệ thống công bố sau đó khác xa so với Ethereum ngày nay. Frontier ra mắt đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của mạng. Sau đó, các nhà phát triển ngay lập tức bắt tay vào các hợp đồng thông minh và tạo Dapp trên blockchain thực.
Kỷ lục lịch sử đầu tiên về giá ETH là từ ngày 7/8/2015, khi ETH được thêm vào sàn giao dịch Kraken, ở mức 2.77 đô la mỗi coin. Trong 3 ngày đầu tiên giao dịch, giá giảm xuống 0.68 đô la, rất có thể do các nhà đầu tư ban đầu nhanh chóng bán ra để thu lợi nhuận.
Trong nửa cuối năm, những người đam mê tiền điện tử đã vội vã tìm hiểu điều cần biết về Ethereum. Đóng góp đặc biệt quan trọng vào công cuộc phổ biến mạng là hội nghị nhà phát triển DEVCON-1, được tổ chức từ ngày 9 đến 13/11. Sự kiện này đã dẫn đến các cuộc thảo luận căng thẳng về sự phát triển của Ethereum, trong đó có đại diện của những gã khổng lồ như IBM, Microsoft và UBS cùng tham gia.
Năm 2016: The DAO, hacker và Ethereum
Vào đầu năm 2016, giá ETH tăng nhanh, được thúc đẩy bởi tin tức sắp ra mắt giao thức mạng có phiên bản ổn định hơn: Homestead. Kết quả là ETH đạt mức cao nhất đầu tiên 15 đô la vào ngày 13/3, với vốn hóa thị trường vượt quá mốc 1 tỷ đô la đáng tự hào. Vào ngày 14/3, Homestead đi vào hoạt động, khiến blockchain chính thức được bảo mật thông qua các giao thức mới và thay đổi mạng (EIP-2, EIP-7 và EIP-8), hỗ trợ các bản cập nhật trong tương lai trở nên khả thi.
Cụ thể hơn, mạng được bảo vệ dựa trên khai thác (PoW), vốn được lên kế hoạch chỉ cho giai đoạn phát triển ban đầu và sau đó chuyển đổi sang PoS với mô hình lai ở giai đoạn trung gian. Đồng thời, các yêu cầu quá cao đối với bộ nhớ video đóng vai trò bảo vệ sẽ gây khó khăn cho việc sử dụng các bộ khai thác ASIC.
Sự kiện tiếp theo đưa ETH lên 21 đô la vào năm đó là mức độ phủ sóng rộng rãi trên phương tiện truyền thông về sự thành công chóng mặt của dự án The DAO, làm tăng hơn 12 triệu ETH (150 triệu đô la vào thời điểm đó) trong tháng 5. DAO là từ viết tắt của tổ chức tự trị phi tập trung, là một trong những dự án tiên phong của kỷ nguyên ICO sắp tới và chọn Ethereum làm bệ phóng đầu tư.
Tuy nhiên, vào ngày 16/6, thông qua lỗ hổng trong code của The DAO, các hacker ẩn danh đã đánh cắp khoảng 60 triệu đô la ETH từ dự án. Tin tức chấn động về vụ tấn công đã giảm giá ETH xuống còn một nửa tại 11 đô la. Vitalik đề nghị trả lại số tiền bị đánh cắp bằng cách thực hiện hard fork để khôi phục mạng về trạng thái trước khi tấn công. Sau hard fork gây tranh cãi vào ngày 20/7, mạng đã chia thành hai chuỗi: Ethereum và Ethereum Classic.
Vào ngày 22/9, Ethereum đã phải chịu một cú đánh khác: Mạng bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), làm chậm đáng kể hoạt động của nó. Tin tức đã khởi động cho downtrend cục bộ và giá hợp nhất trong phạm vi 7-9 đô la vào cuối năm đó. Hai hard fork không nằm trong kế hoạch sau đó đã được thực hiện để cải thiện khả năng phục hồi của mạng và khắc phục hậu quả của cuộc tấn công DDoS.
Năm 2017: Bùng nổ ICO
Giá ETH tăng nhanh chóng đầu năm 2017 khi coin được thêm vào nền tảng eToro vào ngày 23/2. Cùng thời gian đó, số lượng giao dịch chưa được xác nhận trên mạng Bitcoin lên tới 200,000, khiến số lượng nhà đầu tư và miner lựa chọn ETH như một khoản đầu tư thay thế ngày càng tăng. Vào ngày 6/5, giá của ETH đã thiết lập mức mới là 95 đô la.
Sự phổ biến của Ethereum tăng nhanh trong cộng đồng tiền điện tử và trong giới các nhà phát triển DApp. Cường điệu ICO cũng góp phần làm tăng nhu cầu ETH, khi hàng ngàn dự án đã chọn tham gia gây quỹ bằng ETH. Đến ngày 1/9, tiền điện tử lớn thứ 2 gần như đã đạt 400 đô la, nhưng tin tức về việc Trung Quốc cấm ICO cũng như giao dịch tiền điện tử nhanh chóng đẩy giá xuống xấp xỉ 220 đô la.
ETH đã dần hồi phục vào giữa tháng 10 sau khi phát hành nâng cấp mạng Byzantium, diễn ra vào ngày 18/9. Cùng với sự tăng trưởng của bong bóng ICO, trong đó ETH vẫn là phương tiện thanh toán chính, giá đạt gần 800 đô la vào cuối năm.
Năm 2018: ETH đạt 1,400 đô la và xu hướng giảm giá thảm khốc
Đầu năm 2018 hóa ra còn thành công hơn nữa đối với ETH so với trước đó. Vào ngày 13/1, giá đạt mức cao nhất mọi thời đại khoảng 1,400 đô la. Nhưng cơn sốt ICO kích hoạt ETH tăng trưởng nhanh chóng đã chấm dứt vào năm 2017. Trong suốt năm 2018, hàng ngàn dự án ICO bán tiền gọi được của họ, có nghĩa là ETH thậm chí còn giảm nhanh hơn so với phần còn lại của thị trường.
Đầu tháng 9, tin tức về hard fork Constantinople dự kiến vào tháng 11 đã làm chậm đà giảm giá và thúc đẩy tâm lý tích cực của cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình nâng cấp mạng bị trì hoãn. Do tâm lý giảm giá trên thị trường tiền điện tử và các bản cập nhật đang chờ xử lý, ETH lao dốc còn 85 đô la, giảm từ tiền điện tử lớn thứ 2 xuống tiền điện tử lớn thứ 3 theo vốn hóa thị trường sau XRP.
Năm 2019: Công việc kỹ thuật, trì hoãn nâng cấp và mức độ phổ biến của DAO
Nhiều khía cạnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà phát triển trong năm qua khi họ tích cực tham gia vào các khâu kỹ thuật trên mạng. Trong khi đó, cộng đồng không thể đếm xuể số lượng nâng cấp đã được thực hiện. Vào tháng 1, lộ trình kỹ thuật trở nên rõ ràng khi các vấn đề kỹ thuật khó khăn được giải quyết và cộng đồng phát triển Ethereum tiếp tục phát triển.
Thị trường tài chính phi tập trung (DeFi) trở thành lĩnh vực lớn nhất trong Ethereum và thị trường chứng kiến những dấu hiệu tăng trưởng ban đầu của trò chơi và các tổ chức tự trị phi tập trung. Vào đầu năm 2019, giao thức DeFi duy nhất có số tiền đáng kể là MakerDAO, với tổng cộng 1.86 triệu ETH (260.4 triệu đô la vào thời điểm đó). Sân chơi trở nên đa dạng hơn nhiều vào cuối năm khi những người tham gia mới đổ xô vào ngành.
Vào ngày 28/2, hard fork Constantinople đã diễn ra trên mạng Ethereum, chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang giao thức PoS Casper và hủy bỏ mô hình khai thác trước đó. Tuy nhiên, bản nâng cấp thứ 8 được gọi là Istanbul ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 4/12, nhưng bị trì hoãn và chính thức kích hoạt trên mainnet Ethereum vào ngày 8/12.
Mục tiêu chính của Istanbul là đảm bảo tính tương thích của blockchain Ethereum với tiền điện tử ẩn danh ZEC và tăng khả năng mở rộng của mạng thông qua các giao thức SNARK cũng như giao thức không kiến thức của STARK. Ngoài ra, bản cập nhật gây khó khăn cho việc thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ trên mạng do thay đổi chi phí gas cần thiết để khởi chạy mã vận hành.
Sự tiến bộ của Ethereum 2.0 đã đặt nền tảng cho các tập đoàn lớn nhất thế giới bắt đầu sử dụng blockchain Ethereum. Vào tháng 7, Samsung đã phát hành bộ phần mềm cho các nhà phát triển Ethereum, sau 6 tháng kể từ khi được tiết lộ gã khổng lồ của Hàn Quốc sẽ phát triển điện thoại mới bao gồm tích hợp ví Ethereum. Ngoài ra, quan hệ đối tác lớn khác với trình duyệt internet Opera đã mang lại ví Android được Ethereum hỗ trợ vào cuối năm 2018 và công bố ví Ethereum tích hợp cho người dùng iOS vào đầu năm 2019.
Trong khi đó, Microsoft tiếp tục liên quan đến hệ sinh thái Ethereum. Vào tháng 5, công ty đã phát hành blockchain Azure Development Kit để hỗ trợ phát triển Ethereum. Vào tháng 10, họ đã hỗ trợ một hệ thống khuyến khích token hóa từ Enterprise Ethereum Alliance để sử dụng trong các tập đoàn doanh nghiệp. Và vào tháng 11, nó đã ra mắt dịch vụ Azure Blockchain Tokens cho phép các doanh nghiệp phát hành token của riêng họ trên Ethereum.
Năm 2020: Bùng nổ DeFi và PoS
Trong nửa đầu năm 2020, Ethereum nổi tiếng với các dự định về những hội nghị và cuộc họp nhưng buộc phải hoãn mọi hoạt động do đại dịch virus Corona khiến cả thế giới đình trệ. Tuy nhiên, nhóm đã xoay sở để đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết vấn đề về khả năng mở rộng, nhờ vào việc ra mắt bản thử nghiệm testnet Ethereum 2.0 cuối cùng dự kiến vào ngày 4/8.
Các nhà phát triển hy vọng một khi quá trình nâng cấp hoàn tất, mạng Ethereum sẽ trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và có khả năng mở rộng hơn mà không ảnh hưởng đến tính năng phân cấp và bản chất linh hoạt của mạng. Trong khi đó, mạng blockchain tiếp tục phát triển, nhờ vào hoạt động trong thị trường tài chính phi tập trung đã và đang tăng lên đáng kể.
Theo Dapp.com, khối lượng giá trị hàng ngày được chuyển qua các ứng dụng DeFi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.8 tỷ đô la vào ngày 2/7. Trong quý II, giá trị đó leo thang vũ bão và đạt kỷ lục 4.9 tỷ đô la, tăng 67% so với quý trước trong khi số người dùng ứng dụng Ethereum đạt 1,258,527, tăng mạnh 97%.
- VeChain đã có một năm tuyệt vời cho đến nay, VET sẵn sàng chinh phục các đỉnh cao hơn
- ETH leo lên mức cao hàng năm, chỉ số kỹ thuật báo hiệu đỉnh mới ở phía trước
- 5 năm nhìn lại: Tăng trưởng mạng Ethereum có nhiều điểm tương đồng với Nvidia trước bull run 2016
Thùy Trang
Theo Cointelegraph