Các khoản đầu tư vốn mạo hiểm vào lĩnh vực crypto phục hồi trong quý 2/2025, với tổng số vốn huy động đạt 10,03 tỷ đô la trong ba tháng kết thúc vào tháng 6. Đây là quý có số vốn huy động mạnh nhất kể từ quý 1/2022, thời điểm đạt mức 16,64 tỷ đô la.
Riêng tháng 6 chiếm tỷ trọng lớn nhất, thu hút tới 5,14 tỷ đô la, cao nhất theo tháng kể từ tháng 1/2022, theo dữ liệu từ CryptoRank. Đợt tăng trưởng mạnh này diễn ra sau nhiều tháng tương đối trầm lắng, cho thấy sự quan tâm trở lại đối với thị trường crypto đang dần phục hồi.
Dẫn đầu là Strive Funds – công ty quản lý tài sản do doanh nhân và chính trị gia người Mỹ Vivek Ramaswamy sáng lập đã huy động thành công 750 triệu đô la vào tháng 5 nhằm triển khai các chiến lược “tạo alpha” thông qua các khoản đầu tư liên quan đến Bitcoin.
Twenty One Capital đứng thứ hai với 585 triệu đô la được huy động trong tháng 4. Securitize xếp thứ ba trong quý 2/2025 với khoản gọi vốn 400 triệu đô la, theo sau là những cái tên đáng chú ý khác như Kalshi (185 triệu đô la), Auradine (153 triệu đô la), ZenMEV (140 triệu đô la) và Digital Asset (135 triệu đô la).

Coinbase Ventures thống trị hoạt động đầu tư trong quý 2
Coinbase Ventures dẫn đầu hoạt động đầu tư trong quý 2 với 25 thương vụ được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6, trở thành nhà đầu tư tích cực nhất trong giai đoạn này. Các công ty nổi bật khác gồm Animoca Brands, Andreessen Horowitz (a16z) và Pantera Capital, cùng góp phần thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ số lượng thương vụ đầu tư trong quý.
Trong chỉ tháng 6, Coinbase Ventures tiếp tục đứng đầu với 10 khoản đầu tư, theo sau là Pantera Capital (8 thương vụ), Galaxy (5 thương vụ) và Paradigm (4 thương vụ). Những cái tên hoạt động tích cực khác bao gồm Animoca Brands, a16z, Cyber Fund và GSR.
Hoạt động gọi vốn được phân bổ trên nhiều lĩnh vực, trong đó cơ sở hạ tầng blockchain và DeFi thu hút sự quan tâm đáng kể. Các lĩnh vực CeFi, NFT và GameFi cũng ghi nhận mức hoạt động vừa phải, trong khi gọi vốn cho memecoin vẫn khá trầm lắng dù thỉnh thoảng có những đợt tăng đột biến.
Trong vòng một năm qua, các vòng gọi vốn giai đoạn hạt giống chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 19,43% trong tổng số 1.673 thương vụ được theo dõi. Tiếp theo là vòng chiến lược với 14,23%, phản ánh sự quan tâm dài hạn đối với các hệ sinh thái blockchain.
Hoạt động gọi vốn tiền hạt giống (pre-seed) và mua bán sáp nhập (M&A) cũng đáng chú ý, chiếm lần lượt 9,26% và 9,44%. Vòng Series A chiếm 6,34%, trong khi các khoản đầu tư trong giai đoạn ươm tạo chỉ 3,35%, theo dữ liệu từ CryptoRank.

Galaxy Digital huy động 175 triệu đô la cho quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên từ nguồn vốn bên ngoài
Tháng trước, Galaxy Digital đã hoàn tất vòng gọi vốn cho quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên từ bên ngoài, thu về 175 triệu đô la, vượt mức mục tiêu ban đầu là 150 triệu đô la. Quỹ này sẽ tập trung vào các lĩnh vực crypto có tốc độ tăng trưởng cao như stablecoin, token hóa, thanh toán, cũng như hạ tầng hỗ trợ cho các lĩnh vực này.
Trước đó vào tháng 5, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Amsterdam là Theta Capital Management cũng huy động hơn 175 triệu đô la cho quỹ fund-of-funds mới nhất của mình, nhằm hỗ trợ các startup blockchain giai đoạn đầu.
- Bitcoin sắp đối mặt với “sự kiện thiên nga đen”? Cú sốc trái phiếu Nhật Bản và cảnh báo từ nhà phân tích
- TVL của Sei Network lập kỷ lục mới nhưng giá SEI có nguy cơ điều chỉnh về 0,2 đô la
- Strategy dự kiến bán $4,2 tỷ cổ phiếu ưu đãi STRD để tăng mua Bitcoin
Minh Anh
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Coinbase Ventures
- Galaxy Digital
- Securitize
- Twenty One Capital