Bitcoin (BTC) lao dốc về vùng $ 19.000 vào ngày 12 tháng 7 khi đồng USD thiết lập mức đỉnh mới trong hai thập kỷ và Mỹ chuẩn bị công bố dữ liệu lạm phát tháng 6.
Biểu đồ nến BTC/USD – 1 giờ | Nguồn: TradingView
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Ba (12/7) trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Phố Wall chuẩn bị đón nhận dữ liệu lạm phát tháng 6.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones giảm 192 điểm (khoảng 0,62%) xuống 30.981 điểm, chỉ số S&P 500 mất 0,92% còn 3.818 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,95% xuống 11.264 điểm.
Chứng khoán Mỹ lao đốc trong giờ giao dịch cuối cùng sau khi biến động liên tục trong phiên. Các chỉ số chính như Dow Jones có lúc tăng tới 172 điểm và sau đó mất hơn 300 điểm.
Nhà đầu tư dường như đang né tránh các tài sản rủi ro như cổ phiếu và hướng đến các kênh trú ẩn an toàn truyền thống như trái phiếu Chính phủ Mỹ hay đồng USD. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 1 điểm cơ bản xuống 2,98%.
Cổ phiếu công nghệ đã lao dốc trong phiên giao dịch, với cổ phiếu Salesforce và Microsoft đều sụt hơn 4%, trong khi Netflix và Alphabet giảm hơn 1%. Cổ phiếu Amazon mất hơn 2%.
PepsiCo khởi động mùa báo cáo kinh doanh vào ngày thứ Ba, công bố lợi nhuận và doanh thu hàng quý tốt hơn dự báo, đồng thời nâng triển vọng doanh thu của năm. Delta Air Lines và JPMorgan Chase cũng nằm trong số những công ty dự kiến công bố báo cáo vào cuối tuần này.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index), thước đo biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã chạm đỉnh 108. Điều này đã đưa đồng USD ngang bằng đồng Euro và giá đồng Euro xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 khi lo ngại suy thoái gia tăng ở châu Âu.
Chỉ số đồng USD đã bùng nổ trong năm nay, tăng mạnh gần 13%. Một số chiến lược gia trên Phố Wall cảnh báo rằng, sức mạnh của đồng bạc xanh có thể gây rắc rối cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sắp tới.
Biểu đồ Chỉ số đồng USD (DXY) – 1 giờ | Nguồn: TradingView
Nhà đầu tư cũng đang chú ý đến lạm phát trong tuần này, với việc báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong ngày hôm nay.
Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh vào ngày thứ Ba (12/7) do đồng USD mạnh hơn, đồng thời lệnh phong toả Covid-19 làm giảm nhu cầu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu cũng như lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent bốc hơi 7,1% xuống 99 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 7,9% còn 96 USD/thùng.
Với việc đồng bạc xanh tăng mạnh và dự báo nâng lãi suất, giá vàng cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào 12/7, trong khi nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ nhằm xác định tốc độ thắt chặt tiền tệ. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,48% xuống 1.725 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,46% còn 1.723 USD/oz.