Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh báo việc nước này không trả được nợ có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Nếu Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục mấp mé tình trạng vỡ nợ, những lời kêu gọi truất ngôi đô la khỏi vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ ngày càng cao giọng hơn”.
Hillary Clinton – Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
Hillary Clinton cảnh báo tình trạng vỡ nợ của Hoa Kỳ và đô la mất trạng thái tiền dự trữ của thế giới
Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân và là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2013, đã cảnh báo trong một bài xã luận đăng trên tờ New York Times hôm thứ 2 về những hậu quả tai hại có thể xảy ra nếu Hoa Kỳ không thực hiện được các nghĩa vụ nợ của mình, bao gồm cả việc nguy cơ đô la mất vị thế tiền dự trữ của thế giới.
“Cuộc tranh luận về trần nợ không đề cập đến việc cho phép chi tiêu mới, mà là Quốc hội thanh toán các khoản nợ phát sinh. Từ chối thanh toán sẽ giống như bỏ khoản thế chấp, ngoài những hậu quả toàn cầu. Do vai trò trung tâm của Hoa Kỳ và đồng đô la trong nền kinh tế quốc tế, chúng ta không trả được nợ có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự cạnh tranh giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên chế ngày càng gay gắt hơn. Bằng cách hạ uy tín của Hoa Kỳ và ưu thế của đồng đô la, cuộc chiến trần nợ làm lợi cho Tập Cận Bình của Trung Quốc và Vladimir Putin của Nga.
Cuộc chiến trần nợ sẽ gây nguy hiểm cho vị trí ưu thế của đô la Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu và sức mạnh mang lại cho Hoa Kỳ”.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ nêu chi tiết rằng USD là trung tâm của các giao dịch quốc tế được các cá nhân, công ty và chính phủ sử dụng trên toàn thế giới. Họ đầu tư vào trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và dựa vào các ngân hàng Hoa Kỳ “vì họ tin tưởng quốc gia này có thể trả các khoản nợ của mình, duy trì luật pháp và đảm bảo sự ổn định”, bà khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng đô la là cơ sở cho phép Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt chống lại Iran và Nga.
“Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập và Putin mong muốn phá vỡ sự thống trị của đồng đô la và phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.
Nếu Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục mấp mé tình trạng vỡ nợ, những lời kêu gọi truất ngôi đô la khỏi vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ ngày càng cao giọng hơn, không chỉ ở Bắc Kinh và Moscow. Các quốc gia trên toàn thế giới sẽ bắt đầu phòng hộ rủi ro cho các ván cược của họ”.
Ngày càng có nhiều quốc gia đang tăng cường nỗ lực không sử dụng đô la Mỹ trong thanh toán thương mại, bao gồm cả các nước ASEAN. Trong khi đó, các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được cho là đang tạo ra một loại tiền tệ mới để giảm sự phụ thuộc vào USD.
Chủ tịch ECB Lagarde phát biểu về phi đô la hóa: Tình trạng tiền tệ dự trữ không còn được coi là đương nhiên
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, đã chia sẻ suy nghĩ của mình về xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra trên toàn cầu trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức Council on Foreign Relations vào tuần trước.
Lưu ý rằng đô la Mỹ là “đồng tiền dự trữ quốc tế, dự trữ toàn cầu, đồng tiền giao dịch” và euro ở vị trí thứ hai, bà cảnh báo “các mô hình thương mại mới có thể sẽ có lối đi riêng cho hình thức thanh toán và tiền tệ dự trữ quốc tế. Trong những thập kỷ gần đây, thương mại hàng hóa song phương giữa Trung Quốc với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã tăng hơn 130 lần, đồng thời nước này cũng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới… Các mô hình thương mại mới cũng có thể dẫn đến các liên minh mới”.
“Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có mối tương quan đáng kể giữa hoạt động thương mại của một quốc gia với Trung Quốc và lượng Nhân dân tệ nắm giữ làm dự trữ của quốc gia đó. Một nghiên cứu khác cho thấy các liên minh có thể tăng tỷ trọng tiền tệ trong quỹ dự trữ của đối tác lên khoảng 30 điểm phần trăm.
“Tất cả điều này có thể tạo cơ hội cho một số quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán và khuôn khổ tiền tệ phương Tây của chúng ta”.
Tuy nhiên, Lagarde nhấn mạnh:
“Những diễn biến như vậy không chỉ ra đô la Mỹ hoặc euro sắp mất ưu thế… Vì vậy, cho đến nay dữ liệu không cho thấy những thay đổi đáng kể trong việc sử dụng tiền tệ quốc tế”.
Tuy vậy, bà thừa nhận dữ liệu gợi ý:
“Tình trạng tiền tệ quốc tế không còn được coi là điều hiển nhiên nữa và chúng ta nên thực sự chú ý đến loại tiền tệ mà các giao dịch thương mại sử dụng”.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Markus Thielen của Matrixport dự đoán Bitcoin sẽ đạt 45.000 đô la vào cuối năm
- Hillary Clinton tin rằng tiền điện tử có thể trở thành lối thoát cho Nga nhưng chuyên gia nói “không khả thi”
- Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: Tiền điện tử đe dọa vai trò tiền tệ dự trữ của Đô la Mỹ
Minh Anh
Theo Beincrypto