Dự luật stablecoin của Thượng viện Mỹ vừa được thông qua với tỷ lệ áp đảo 68-30 vào thứ Ba, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng chính sách tiền điện tử tại Mỹ. Sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ — bên cạnh các thành viên Cộng hòa — đã tạo động lực lớn cho dự luật khi nó được chuyển sang Hạ viện.
Dự luật có tên “GENIUS Act”, đặt ra khuôn khổ pháp lý nhằm giám sát và phê duyệt các tổ chức phát hành stablecoin tại Mỹ, bao gồm những token neo theo đồng USD như USDC của Circle, RLUSD của Ripple và USDT của Tether. Theo đó, các công ty phát hành stablecoin cho người dùng Mỹ sẽ phải tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về dự trữ tài sản, minh bạch hoạt động, phòng chống rửa tiền, và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý – nhiều khả năng kèm theo quy định mới về vốn.
Ji Kim, Quyền Giám đốc Điều hành của Crypto Council for Innovation, gọi đây là “bước tiến lịch sử đối với ngành tài sản kỹ thuật số” trong một tuyên bố được công bố trước phiên bỏ phiếu.
Amanda Tuminelli, Giám đốc Điều hành kiêm Cố vấn Pháp lý của DeFi Education Fund, cũng tuyên bố: “Đây là chiến thắng cho nước Mỹ, cho đổi mới công nghệ, và là bước tiến quan trọng hướng tới quy định hợp lý cho tài sản kỹ thuật số tại Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, dự luật vẫn không thuyết phục được một số nhà phê bình cứng rắn như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren – người cho rằng dự luật để ngỏ lỗ hổng cho các token nước ngoài như USDT của Tether, không giải quyết xung đột lợi ích khi Tổng thống Donald Trump có liên quan đến thị trường crypto, và tạo tiền đề cho các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon phát hành tiền riêng.
Bất chấp những lo ngại này, các nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ dự luật cho rằng việc không hành động sẽ là sai lầm. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty từ bang Tennessee – người bảo trợ dự luật – phát biểu trước khi bỏ phiếu:
“Với dự luật này, nước Mỹ tiến thêm một bước để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực tiền điện tử. Stablecoin sẽ được neo giá với đồng USD và được đảm bảo bằng tiền mặt và trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn theo tỷ lệ 1:1 – điều này sẽ mang lại sự chắc chắn và niềm tin để công nghệ đột phá này được ứng dụng rộng rãi hơn.”
Đây là lần đầu tiên một dự luật crypto quan trọng vượt qua Thượng viện, và cũng là lần đầu một đạo luật về stablecoin được thông qua ở bất kỳ viện nào của Quốc hội, bất chấp nhiều năm thương lượng trước đó tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.
Số phận của GENIUS Act hiện gắn liền với Digital Asset Market Clarity Act của Hạ viện – một dự luật toàn diện hơn nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho toàn bộ thị trường tài sản kỹ thuật số tại Mỹ. Dự luật stablecoin đang dẫn trước một chút, nhưng các nhà lập pháp và ngành công nghiệp đều nhấn mạnh rằng hai đạo luật này cần được thông qua đồng thời để bảo đảm hiệu quả chính sách.
Báo cáo mới từ TRM Labs công bố hôm thứ Ba cho biết, stablecoin chiếm hơn 60% tổng giao dịch tiền điện tử hiện nay, trong đó hơn 90% là các token neo giá với đồng USD – chủ yếu là USDC và USDT. Tuy nhiên, TRM cảnh báo rằng dù 99% hoạt động stablecoin là hợp pháp, nhưng tốc độ, quy mô và tính thanh khoản của chúng khiến stablecoin trở thành công cụ hấp dẫn cho các hành vi phi pháp như thanh toán ransomware, lừa đảo và tài trợ khủng bố.
Những nguy cơ này hiện là mối quan tâm lớn nhất của các nhà lập pháp phản đối dự luật trong Quốc hội.
- Dự luật stablecoin GENIUS vượt qua cuộc bỏ phiếu quan trọng, tiến triển tại Thượng viện Hoa Kỳ
- Tại sao Đạo luật GENIUS lại quan trọng đối với đồng đô la Mỹ và nền kinh tế
Thạch Sanh
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
- Thẻ đính kèm:
- Circle
- GENIUS Act
- Ripple Labs