Đầu tháng này, tân chủ tịch Heath Tarbert của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC) tuyên bố token Ether của blockchain Ethereum là một loại hàng hóa.
Thông báo đến từ nhà quản lý của một trong những thị trường phái sinh lớn nhất thế giới nên rất có ý nghĩa. Tại sao? Bởi vì nó mở ra cơ hội cho các công cụ phái sinh Ether được điều tiết trong tương lai gần. Chủ tịch thậm chí còn nói cụ thể hơn:
“Có khả năng quý vị sẽ nhìn thấy hợp đồng tương lai trong 6 tháng đến 1 năm tới”.
Thị trường tỏ ra rất phấn khích trước phát biểu này vì nó có tác dụng tăng cường sức hấp dẫn của token đối với các nhà đầu tư tổ chức. Công cụ phái sinh cho phép phòng ngừa rủi ro và là một phần quan trọng trong quản lý danh mục đầu tư cũng như hỗ trợ vững chắc cho các vị trí long. Thị trường phái sinh sống động sẽ khuyến khích đầu tư nhiều hơn, giúp tăng giá và thu hút các nhà đầu tư khác, v.v.
Tuy nhiên, tôi tin rằng vị chủ tịch đã nhầm. Chúng ta sẽ không thấy hợp đồng tương lai Ether với khối lượng đáng kể trên một sàn giao dịch Hoa Kỳ theo quy định trong tương lai gần.
Rủi ro danh tiếng
Khoan nói đến vấn đề thiếu nhu cầu mà hãy phân tích bản thân hợp đồng tương lai ETH.
Hợp đồng tương lai Ether hiện giao dịch trên các sàn giao dịch có trụ sở bên ngoài Hoa Kỳ và có khối lượng vốn dĩ thấp so với thị trường giao ngay. Trên ba trong số các nền tảng tiền điện tử lớn nhất cung cấp hợp đồng tương lai Ether như BitMEX, Huobi và Deribit, khối lượng trung bình 24 giờ ít hơn 10% so với Bitcoin, trong khi tỷ lệ tương tự trên thị trường giao ngay là gần 25%.
Khối lượng 24 giờ của thị trường hợp đồng tương lai và giao ngay Bitcoin, Ether (đơn vị: tỷ đô la Mỹ) vào ngày 28/10/2019 | Nguồn: cryptocompare.com, skew.com
Giá trị chênh lệch có thể là do Ethereum có thời gian hoạt động tương đối ngắn và chưa thực sự đạt đến điểm chín muồi. Hoặc có thể Bitcoin sẽ luôn là tài sản được lựa chọn ở cấp độ tổ chức, khiến nhu cầu dành cho công cụ phái sinh Ether trở nên quá ít để các thị trường lớn phát triển lợi nhuận.
Dù bằng cách nào, nhu cầu có thể linh hoạt. Rào cản thực sự ngăn cản công cụ phái sinh ETH ra mắt thành công sâu xa hơn nhiều.
Rủi ro tiềm ẩn
Tuần trước, các nhà phát triển Ethereum đã công bố ngày nâng cấp toàn hệ thống tiếp theo là 4/12. Quá trình sẽ được thực hiện thông qua hard fork, trong đó toàn bộ hệ sinh thái cần thay đổi, các khối được xử lý trên phiên bản cũ sẽ không hợp lệ trên phiên bản mới. Trong đó, sắp đến lượt một vài khối trong số này.
Như vậy, thị trường xuất hiện thêm yếu tố rủi ro. Đầu năm nay, một bản nâng cấp đã bị trì hoãn 48 giờ trước khi ra mắt, do “lỗ hổng nghiêm trọng của hệ thống”. Mặc dù rất có khả năng các lỗi sẽ được tìm thấy và khắc phục kịp thời nhưng tại sao vẫn luôn có lỗi? Những người chấp nhận rủi ro phải tập trung suy ngẫm về điều này.
Đáng lo ngại hơn nữa đối với người theo dõi công cụ phái sinh Ether là chuyển đổi thuật toán đồng thuận sắp tới. Ethereum hiện đang chạy trên thuật toán đồng thuận a proof-of-work tương tự như của Bitcoin. Tuy nhiên, nền tảng đã chuẩn bị cho ‘chuyến di cư’ sang proof-of-stake trong thời gian khá lâu. Với hệ thống mới, số lượng Ether “stake” cung cấp thông tin xác thực để xác thực các giao dịch và nối các khối mới trên blockchain.
Điều này giống như thay đổi động cơ của ô tô khi đang tăng ga trên đường cao tốc. Cho dù có thực hiện bao nhiêu thử nghiệm và có bao nhiêu hệ thống song song đang hoạt động, nó vẫn có rủi ro.
Đúng là công cụ phái sinh được phát minh để giảm thiểu rủi ro nhưng những người tạo ra sản phẩm phái sinh muốn có rủi ro để định lượng hợp lý. Mặc dù các công cụ phái sinh có thể giúp các nhà đầu tư kiểm soát rủi ro, nhưng không loại bỏ hoàn toàn mà là tái phân phối. Rủi ro cho các sàn giao dịch sẽ cần phải được bù đắp và sự không chắc chắn về cường độ rủi ro có thể làm cho các công cụ phái sinh Ether trở nên đắt đỏ.
Hơn thế nữa, khi hard fork Ethereum chuyển sang thuật toán mới, luôn có rủi ro là không phải tất cả các thợ mỏ đều chuyển đổi. Mạng Ethereum hiện nay có thể tiếp tục tồn tại và thậm chí có thể phát triển mạnh nếu có đủ người tham gia muốn nó. Vậy token nào sẽ theo dõi hợp đồng phái sinh?
Rủi ro sống còn
Một rủi ro khác xuất hiện trên Ethereum là do tua lại mạng. Vào năm 2016, để đối phó với vụ hack ~60 triệu đô la của một ứng dụng trên Ethereum, những người tham gia chính của Ethereum đã quyết định tua lại blockchain về trạng thái trước khi hack, khôi phục lại các quỹ bị đánh cắp và phân chia hệ sinh thái cho đến ngày nay.
Một vài năm trước, khi Ethereum vẫn còn non trẻ, nhiều người tin rằng một vụ hack lớn như vậy sẽ kìm hãm triển vọng tăng trưởng nhưng ít ai ngờ rằng nó có thể đạt được thành công như ngày hôm nay. Nhưng cuối tuần trước, cha đẻ Vitalik Buterin của Ethereum đã tiến hành một cuộc thăm dò trên Twitter.
Suppose a popular smart contract wallet that a large portion of the ETH community uses gets hacked. This could be reverted by reverting all chain activity since the hack and doing a DAO-style HF to recover the funds. How much ETH must be at stake for you to support this?
— Vitalik Non-giver of Ether (@VitalikButerin) October 25, 2019
“Giả sử một ví hợp đồng thông minh phổ biến được phần lớn cộng đồng ETH sử dụng bị hack. Có thể lấy lại tiền bằng cách hoàn nguyên tất cả các hoạt động của chuỗi kể từ khi hack và thực hiện hard fork theo kiểu DAO. Bạn phải stake bao nhiêu ETH để ủng hộ điều này?”
Rất may, phần lớn người tham gia đồng ý “không bao giờ tua lại” nên có thể trấn an thị trường về tính toàn vẹn và ổn định của blockchain. Nhưng gần 40% khác nghĩ rằng Ethereum nên được tua lại và thực tế Vitalik thậm chí còn đặt câu hỏi như một lời nhắc nhở rằng điều đó là có thể.
Ether là hàng hóa trong mắt CFTC nhưng theo truyền thống, hàng hóa không thể thay đổi lịch sử hoặc đặc điểm của chúng. Đã bao giờ cơ quan quản lý phê duyệt các công cụ phái sinh dựa trên một tài sản ‘mềm dẻo’ như vậy chưa? Làm thế nào để không có sự bất cân xứng thông tin và rủi ro khá cao?
Nhưng có một vấn đề thậm chí còn cấp thiết hơn.
Rủi ro quy định
Thay đổi thuật toán theo đề xuất của Ethereum có thể dẫn đến điều chỉnh lớn hơn: ngừng trở thành hàng hóa mà thay vào đó là chứng khoán.
Nếu là PoS, holder Ether có thể “stake” token để ảnh hưởng đến xác thực giao dịch và tạo khối. Đổi lại, làm như vậy sẽ mang lại lợi nhuận cho họ.
Cách giao dịch này không giống với cách thợ mỏ kiếm được phần thưởng trên blockchain PoW như Bitcoin. Tuy nhiên, trong PoS, phần thưởng được phân phối dưới dạng tiền lãi hàng năm, trái ngược với khoản thanh toán ngẫu nhiên tạo ra lợi nhuận thường xuyên hơn và có thể dự đoán được trên Ether.
Điều này có khiến Ether trở thành chứng khoán thay vì là hàng hóa? Có lẽ.
Đồng thời, nó sẽ không làm mất hiệu lực của các công cụ phái sinh Ether nổi bật. Tuy nhiên, hành động như vậy đẩy họ vào khu vực tài phán chung của CFTC cũng như Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
Sẽ có ý nghĩa hơn nếu so sánh quan điểm của hai cơ quan quản lý chứng khoán đối với tài sản mã hóa. CFTC từ lâu đã bảo vệ tính đổi mới của tiền điện tử. Cựu chủ tịch Chris Giancarlo được biết đến là người thân thiện với blockchain và được gọi vui là “Crypto Dad” đưa ra bình luận gần đây cho thấy ông dường như cũng cảm thấy như vậy.
Mặt khác, SEC đã nhiều lần ngăn chặn phát hành ETF dựa trên Bitcoin với lý do đó là một thị trường quá non nớt. Nếu SEC cho rằng Bitcoin chưa sẵn sàng thì còn lâu họ mới có ý nghĩ khác về Ethereum.
Như vậy, nền tảng phái sinh theo quy định có thể tạm dừng bất cứ lúc nào.
Rủi ro đầu tư
Vì vậy, với giai đoạn phát triển, triển vọng của Ethereum như hiện tại và nhu cầu quá ít, các công cụ phái sinh Ether trên sàn giao dịch được quy định tại Hoa Kỳ sẽ không xuất hiện trong tương lai gần. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết và các cơ quan quản lý cũng như nhà cung cấp cơ sở hạ tầng rất quan ngại về mọi mặt.
Điều này sẽ không ảnh hưởng đến số lượng lớn công việc đang diễn ra trên nền tảng. Tuy nhiên, nó có khả năng ảnh hưởng đến tỷ lệ chấp nhận Ether rộng rãi như một tài sản đầu tư. Các nhà đầu tư lớn hiếm khi đặt cược theo một hướng duy nhất.
Quá trình phát triển sẽ tiếp tục và Ethereum vẫn có thể trở thành hệ điều hành mới cho nền kinh tế mặc dù Ether không được tạo ra để trở thành tài sản đầu tư.
Đương nhiên, Bitcoin cũng vậy. Thị trường có cách để nắm bắt và thực hiện các ý tưởng. Một ngày nào đó, Ethereum có thể đổi đời thành ‘con cưng’ của thế giới đầu tư thay thế. Mặc dù vậy, nền tảng vẫn rất non trẻ, còn nhiều khó khăn phải đối diện trước mắt và phải phát triển trước khi cơ sở hạ tầng tài chính truyền thống ủng hộ ETH xâm nhập vào thị trường chính thống.
- Hợp đồng tương lai Ethereum: Công cụ phái sinh ‘khủng’ tiếp theo sắp khuấy động thị trường?
- Các nhà quản lý đã sẵn sàng để phê duyệt hợp đồng tương lai Ethereum, nguồn tin CFTC cho biết
Thùy Trang
Tạp chí Bitcoin | Coindesk