Không phải tất cả các dự án blockchain đều được tạo ra như nhau. Mặc dù chúng ta đã thấy hàng loạt các loại tiền điện tử và dự án dựa trên blockchain nhưng Hyperledger có một chút khác biệt. Nó không phải là một loại tiền điện tử, một công ty hay blockchain.
Thay vào đó, Hyperledger giống như một trung tâm hợp tác dành cho một số công ty lớn nhất thế giới đang tìm cách khám phá các giải pháp dựa trên blockchain để giải quyết nhiều vấn đề trọng đại.
Hyperledger là gì?
Hyperledger là dự án được Linux Foundation tổ chức triển khai nhằm giúp các nhà phát triển và công ty làm việc cùng nhau để xây dựng dự án blockchain hợp tác. Đó là một tập hợp các blockchain và công cụ mã nguồn mở mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để tạo sổ cái phân tán của riêng họ.
Ý tưởng là tạo ra quan hệ hợp tác xuyên ngành, cho phép các dự án dựa trên blockchain tương tác với nhau. Trong khi đó, sổ cái của hầu hết các loại tiền điện tử hiện tại không thể làm được điều này.
Giống như hệ điều hành của Linux, Hyperledger là mã nguồn mở, cho phép những người khác tự do xây dựng trên đó. Chính điều này đã khuyến khích một số công ty lớn nhất thế giới tạo ra nhiều loại dự án khác nhau.
– Hyperledger Sawtooth: Bộ blockchain modular do Intel phát triển.
– Hyperledger Iroha: Dự án liên doanh của các công ty Nhật Bản tập trung vào việc triển khai Hyperledger cho di động.
– Hyperledger Fabric: Dự án được điều hành dưới sự hướng dẫn của IBM hỗ trợ các ngôn ngữ mã hóa được sử dụng rộng rãi như Java.
– Hyperledger Indy: Dự án được thiết kế chuyên biệt cho các dự án khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm riêng.
– Hyperledger Besu: Một ứng dụng khách (client) Ethereum mã nguồn mở có thể được sử dụng để phát triển ứng dụng phi tập trung và hợp đồng thông minh.
Bạn có biết?
Trong quá trình phát triển dự án ban đầu, mọi người đã tự hỏi liệu Hyperledger có nên tạo coin riêng của mình hay không? Tuy nhiên, giám đốc điều hành của dự án cho biết:
“Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy coin Hyperledger. Theo đó, chúng tôi tránh được rất nhiều thách thức chính trị khi phải duy trì một loại tiền tệ nhất quán trên toàn cầu”.
Ai đã phát minh ra Hyperledger?
Linux Foundation lần đầu tiên công bố nền tảng này vào tháng 12/2015.
Sơ lược lịch sử
Tháng 12/2016: Ra mắt với 30 thành viên sáng lập.
Tháng 4/2017: Đồng sáng lập Apache Software Foundation, Brian Behlendor, được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của dự án.
Tháng 9/2017: Hyperledger tự mô tả mình như một “chiếc ô blockchain kinh doanh”.
Tháng 12/2017: Gần 200 thành viên doanh nghiệp và công ty liên kết đăng ký tham gia dự án.
Tháng 1/2018: Hyperledger trở thành dự án phát triển nhanh nhất mà Linux Project từng giới thiệu.
Tháng 10/2018: Hyperledger trở thành Thành viên liên kết của Enterprise Ethereum Alliance (và ngược lại).
Tháng 11/2019: Hyperledger công bố chương trình Certified Service Provider (HCSP), hỗ trợ các tổ chức giúp áp dụng doanh nghiệp. Các thành viên bao gồm những công ty như Accenture, Hitachi, IBM, Tencent và Ant Financial.
Tháng 1/2020: Ra mắt Hyperledger Fabric 2.0.
Hyperledger có gì đặc biệt?
Có hơn 240 tổ chức tích cực hỗ trợ sự phát triển của Hyperledger. Dự án có cách tiếp cận rất khác so với hầu hết sản phẩm blockchain được xây dựng cho đến nay.
Trong số các tổ chức đó có các doanh nghiệp công nghệ lớn như Fujitsu, Huawei và Samsung cũng như tổ chức tài chính như American Express và J.P. Morgan.
Trên hết, Linux Foundation đã tạo ra một bộ công cụ miễn phí hoàn toàn cùng với Hyperledger để giúp những người khác.
– Hyperledger Caliper: Cho phép người dùng đo lường hiệu suất của một blockchain.
– Hyperledger Cello: Một blockchain được sử dụng như công cụ dịch vụ.
– Hyperledger Composer: Công cụ để xây dựng mạng lưới kinh doanh blockchain.
Bạn có biết?
Hyperledger có điều lệ riêng đưa ra định hướng của dự án. “Tạo cơ sở code và framework (khung phần mềm) sổ cái phân tán mã nguồn mở cấp doanh nghiệp”.
Hyperledger hoạt động như thế nào?
Mục tiêu của Hyperledger là linh hoạt và có thể thích ứng với nhu cầu của các doanh nghiệp khác nhau vì vậy nó có tính modular trong thiết kế của mình. Điều đó cho phép các team khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau.
Hiện tại, có một loạt giao thức đồng thuận khác nhau đang được sử dụng trên các dự án Hyperledger. Các team có thể liên kết với nhau và xây dựng blockchain tùy chỉnh của riêng họ bằng cách sử dụng các công cụ được cung cấp.
Đây là một cách tiếp cận rất khác với cách tiếp cận đồng thuận của các mạng như Ethereum và Bitcoin, vốn phải được cả cộng đồng đồng ý về những thay đổi.
Bạn có biết?
Khoảng 159 kỹ sư từ 27 tổ chức đã đóng góp vào quá trình thiết kế và phát triển Hyperledger Fabric v1.0.
Bạn có thể làm gì với Hyperledger?
Nhờ thiết kế modular, rất nhiều dự án và doanh nghiệp sử dụng Hyperledger cho các mục đích khác nhau.
– Walmart: Gã khổng lồ thực phẩm đã hợp tác với IBM để truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua chuỗi cung ứng của họ bằng cách sử dụng Hyperledger, bao gồm rau xanh, thịt lợn và xoài.
– Honeywell: Công ty hàng không vũ trụ đã tạo ra GoDirectTrade (thị trường bán linh kiện đã qua sử dụng trực tuyến) sử dụng Hyperledger Fabric để ghi lại các giao dịch.
– The National Bank of Cambodia (Ngân hàng Quốc gia Campuchia): Ngân hàng trung ương của Campuchia đã ra mắt Project Bakong, một hệ thống thanh toán điện tử sử dụng Hyperledger Iroha, hợp tác với công ty blockhain của Nhật Bản Soramitsu.
– MiPasa: Trung tâm blockchain dữ liệu mở đã ra mắt một nền tảng lưu trữ dữ liệu virus Corona đã chứng thực được xây dựng trên Hyperledger Fabric, kết hợp với IBM Blockchain Platform.
– eThaler: Được xây dựng trên Hyperledger Besu, eThaler là một chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) mã nguồn mở với sự đóng góp của các công ty tư vấn Accenture, InfoSys và Ngân hàng Itau Bank ở Brazil.
– Chain Integration Project: Sử dụng Hyperledger và RFID, dự án này nhằm giải quyết vấn đề hàng giả trong ngành bán lẻ, với các đối tác như Nike, Macy’s và Kohl’s.
Tương lai
Dự án Hyperledger đã thu hút hàng chục nhà phát triển và thành viên cộng đồng tiếp cận blockchain mã nguồn mở. Riêng tại Global Forum năm 2020, nền tảng đã công bố 14 thành viên và nhà cung cấp dịch vụ mới, bao gồm cả gã khổng lồ bán lẻ Walmart.
Điều đó cho thấy có rất nhiều công ty nhìn nhận được tương lai dựa trên blockchain và đang làm việc cùng nhau để biến nó thành hiện thực.
Nhưng nền tảng cũng có những thách thức cần giải quyết. Ví dụ, cạnh tranh khốc liệt với các giải pháp blockchain cấp doanh nghiệp khác như R3, EOS và Ethereum. Tuy vậy, Hyperledger vẫn giữ vững được vị trí của mình. Vào tháng 1/2020, Hyperledger Fabric đã vượt qua R3 Corda về hoạt động của nhà phát triển.
Thời gian sẽ trả lời liệu phương pháp tiếp cận nguồn mở của Hyperledger có đưa blockchain ra thế giới hay không.
- Công ty phát triển Cardano tham gia dự án Hyperledger & W3C
- Sberbank “mua nợ” 15 triệu đô la thông qua sử dụng Blockchain Hyperledger
- Ethereum Client trở thành blockchain công khai đầu tiên trên Hyperledger
Đình Đình
Theo Decrypt