Tại báo cáo ổn định tài chính toàn cầu năm 2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tiền điện tử vẫn chưa thực sự đe dọa hệ thống quốc tế nhưng “nên theo dõi chặt chẽ rủi ro trên toàn cầu và các khung quy định, hoạt động còn thiếu sót trong hầu hết khu vực pháp lý”.
Để giải quyết bất cập, tổ chức kêu gọi “tiêu chuẩn toàn cầu cho tiền điện tử”. Bằng cách này, họ tin rằng có thể giúp chống “rủi ro lây lan” cho các thị trường khác.
IMF là một tổ chức liên chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn, gồm 190 quốc gia thành viên thúc đẩy thương mại toàn cầu, giảm nghèo và chính sách tiền tệ ổn định. IMF sử dụng phí từ các thành viên của mình để cung cấp khoản vay cho thành viên khác đồng ý với điều khoản của họ. Theo số liệu vào tháng 4/2021, tổ chức có khoảng 1 nghìn tỷ đô la cho các khoản vay đó, gần bằng 50% tổng số vốn hóa thị trường tiền điện tử.
Các đề cập về tiền điện tử được nêu rõ trong mục “Covid-19, Crypto và khí hậu: Điều hướng các chuyển tiếp thử thách” của báo cáo năm nay, thể hiện quan điểm của IMF bằng cách gộp tài sản kỹ thuật số với đại dịch và thảm họa tiềm ẩn. Báo cáo cũng đánh giá “cả cơ hội và thách thức” phát sinh từ sự tăng trưởng của tài sản kỹ thuật số.
“Sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái cũng mở đường cho các thực thể mới, nhưng một số trong đó có hoạt động, quản lý rủi ro mạng và quản trị kém”, báo cáo cho biết, ám chỉ các sự cố sàn giao dịch ngừng hoạt động, nền tảng tập trung bị tấn công và tính minh bạch thấp trong các sự kiện phát hành, phân phối một số token.
Mặc dù tất cả những điều này đã dẫn đến thiệt hại nặng nề hoặc “trắng tay” cho các cá nhân sử dụng đòn bẩy quá mức, họ đã không ảnh hưởng đến trật tự tài chính hiện tại. Nhưng điều đó có thể thay đổi, đặc biệt là hầu hết khối lượng giao dịch tiền điện tử xảy ra trên một sàn giao dịch Binance và stablecoin USDT là phương tiện chính để thực hiện giao dịch Bitcoin. Tấn công vào một trong hai hoặc thông qua áp lực quy định có thể làm suy yếu toàn bộ hệ sinh thái crypto và hệ thống tài chính kế thừa mà họ đang hoạt động.
Báo cáo cũng nêu chi tiết việc stablecoin, thường được chốt 1:1 với USD hoặc một loại tiền fiat khác, có nguy cơ được quy định khác nhau ở các khu vực pháp lý khác nhau. Đồng thời, vốn hóa thị trường của chúng đã tăng từ khoảng 20 tỷ đô la đến 120 tỷ đô la trong năm ngoái.
Bên cạnh đó, một số vấn đề cũng được đặt ra. Thứ nhất, “tiết lộ thiếu sót” về việc stablecoin được hỗ trợ như thế nào. Thật vậy, stablecoin USDT hàng đầu liên tục bị các nhà phê bình chỉ trích do úp mở không rõ ràng về nguồn vốn dự trữ cho USDT. Sau nhiều năm khăng khăng mỗi USDT trong lưu thông được hỗ trợ bởi một đô la Mỹ trong ngân hàng, công ty dần dần bị vạch trần. Một báo cáo bảo đảm vào tháng 8/2021 từ kiểm toán viên ở đảo Cayman cho thấy khoảng một nửa dự trữ của Tether thực sự là thương phiếu – một loại nợ và chứng chỉ tiền gửi.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang của Hoa Kỳ (Fed) Jerome Powell đã trả lời chất vấn trước Quốc hội rằng thương phiếu thường thanh khoản cho đến khi đột nhiên kém thanh khoản – thường là những lúc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Ông tin rằng stablecoin nên được quy định theo cách tương tự như thị trường tiền tệ. IMF cũng ủng hộ đánh giá này. Thảo luận về báo cáo trên Yahoo Finance Live, Giám đốc thị trường tiền tệ và vốn Tobias Adrian của IMF nhấn mạnh:
“Nếu quan sát vốn hóa thị trường của stablecoin, chúng tương đương một số quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất được đăng ký ở lãnh thổ thiên đường thuế. Vì vậy, thị trường này không nhỏ”.
Hơn nữa, IMF lưu ý rằng “một số stablecoin có thể gây hệ lụy không mong muốn cho hệ thống tài chính”. Chẳng hạn stablecoin IRON, có hệ sinh thái dựa trên thuật toán đã sụp đổ vào tháng 6 cùng với khoản đầu tư của Mark Cuban. Sự sụp đổ như vậy cũng có thể là do lo ngại tài sản không thể được mua lại với toàn bộ giá trị, dẫn đến việc những kho bạc của stablecoin đó bán tống thương phiếu được nắm giữ để dự trữ.
“Rủi ro lây lan có thể cao hơn nhiều khi tài sản dự trữ đặc biệt tập trung trong các ngành hoặc lĩnh vực cụ thể. Mặc dù rủi ro này có thể chỉ có ở USDT vào thời điểm này do số lượng và loại hình tài sản của nó nhưng có thể phát triển cho những stablecoin khác trong tương lai”.
Về việc phải giải quyết như thế nào, IMF không áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế. Adrian nói:
“Chúng tôi sẽ thúc giục các cơ quan quản lý xem xét kỹ hơn về stablecoin và giới thiệu quy định để các nhà đầu tư biết loại dự trữ nào đáp ứng các yêu cầu về sự ổn định”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của IMF. Steven Kelly, một cộng tác viên nghiên cứu tại Yale Program về ổn định tài chính, đã tweet rằng “lo ngại bất ổn không chỉ giới hạn ở việc nắm giữ thương phiếu…”.
Trong khi một giải pháp phổ biến đề xuất chuyển stablecoin hoặc thậm chí tiền mặt thành tài sản ngắn hạn của Kho bạc, cả hai đều có những hạn chế riêng.
“Stablecoin được sử dụng như tài sản ngắn hạn của Kho bạc sẽ gây ra những lo ngại về ổn định tài chính. Nó bảo vệ nhiều hơn cho holder stablecoin, nhưng cũng có thể buộc một số hệ thống ngân hàng có chung số phận với nó. Cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro của họ sẽ trở nên đáng ngờ, các mối quan hệ hạn chế và tiếp xúc với các sự kiện crypto”, anh tweet.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Chủ tịch Gary Gensler khẳng định SEC không có kế hoạch cấm crypto, nhưng stablecoin thì chưa chắc
- Chính quyền Biden cân nhắc quy định giống như ngân hàng đối với các tổ chức phát hành stablecoin
- Bitcoin sẽ tiếp tục hút máu altcoin trong thời gian tới, theo TOP nhà phân tích
Minh Anh
Theo Decrypt