Trang chủ Tạp chí CBDC Luận bàn về việc Trung Quốc ra mắt tiền điện tử quốc...

Luận bàn về việc Trung Quốc ra mắt tiền điện tử quốc gia

Đây là bài viết được đăng tải trên Facebook cá nhân của ông Lý Xuân Hải về đồng tiền nhân dân tệ kĩ thuật số của Trung Quốc sắp phát hành. Tạp Chí Bitcoin xin đăng tải lại toàn bộ nguyên văn bài viết của tác giả.

1. Một chút phiếm bàn và nhắc lại lịch sử

a. Điều kiện cần để một đất nước trở thành cường quốc thế giới là cần có 4 cái lớn:

i. Lãnh thổ lớn;

ii. Dự trữ tài nguyên lớn;

iii. Quy mô kinh tế lớn;

iv. Dân số lớn;

Nước Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác có đủ 4 điều kiện cần ở trên. Để duy trì vị trí cường quốc số 1 và giữ vai trò dẫn dắt thế giới nước Mỹ hiện đặt mục tiêu bằng mọi giá phải là số 1 tại 4 lĩnh vực:

i. Công nghệ: Hãy nhớ lại TT Kenedy phản ứng thế nào với việc Liên Xô đưa con người lên vũ trụ trước nước Mỹ;

ii. Tài chính: Vì sao không phải Kinh tế mà là Tài chính? Tài chính mạnh chỉ có thể tồn tại trong kinh tế mạnh nhưng không ngược lại. Kinh tế lớn là điều kiện cần, có thể lớn nhưng chưa chắc mạnh: không thể có một hệ thống Tài chính mạnh trên nền tảng một nền kinh tế yếu kém cạnh tranh và không bền vững dù nền kinh tế lớn là tiền đề cho tài chính mạnh. Hãy nhìn các quốc gia, vùng kinh tế sau khi GDP chạm mức bằng 2/3 nước Mỹ đã được Mỹ “chào đón” thế nào? Trung Quốc là gần nhất: được mở màn bằng cuộc chiến thương mại;

iii. Quân sự: Điều này khỏi phải bàn. Không có “ông trùm” nào mà không có sức mạnh của quyền lực cứng đi kèm;

iv. Văn hóa: công cụ của quyền lực mềm.

Hạ được Mỹ ở 1 trong 4 lĩnh vực này là có cơ hội hạ vị thế nước Mỹ. Không chỉ thế còn có cơ hội nhảy luôn vào vị trí của họ.

Biểu tượng và chất truyền dẫn của sức mạnh tài chính Mỹ là đồng USD. Biết bao tham vọng muốn hạ gục hay thay thế đồng USD đã thất bại. Có thể nói đồng USD ở đâu là quyền lực nước Mỹ đến đó. Nền kinh tế – tài chính thế giới nếu rung lắc đều nhờ sự cứu trợ của đồng USD. Và ngược lại khi đồng USD rung lắc bởi kinh tế Mỹ gặp vấn đề thì nền Kinh tế – Tài chính toàn cầu chao đảo. Hãy nhớ lại 2008 đã xảy ra và Covid-19 đang diễn ra. Hệ lụy của nó là một câu chuyện dài khác.

Không hề ngoa khi nói nền kinh tế toàn cầu đang sống bằng máu là đồng USD và tim là FED: dự trữ, thanh toán, thước đo giá trị. USD đang là đồng tiền toàn cầu.

Trung Quốc, và không chỉ Trung Quốc, không bao giờ thích chơi trên sân lạ và lại còn phải chơi theo luật của người khác.

b. Không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc là quốc gia đang trỗi dậy không che dấu tham vọng đe dọa trực tiếp vị thế số 1 của nước Mỹ. Họ chi tiền ghê gớm vào việc chiếm giữ không gian kinh tế – tài chính, không gian vũ trụ, tiềm lực quân sự, không gian văn hóa và đầu tư vào các ngành công nghệ mũi nhọn. Trong khi ở 3 lĩnh vực cuối Trung Quốc đã đạt được các bước tiến tới nước Mỹ đáng kể thì trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ hầu như không đạt được bước tiến nào, dù họ giàu và nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhẩt thế giới. Đơn giản vì vị thế đồng USD quá mạnh và vững chắc.

Trung Quốc nhận thức rất rõ rằng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào đồng USD làm chính Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nó. Những đòn tấn công của đồng USD khó chống đỡ khi chính Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ TPCP Mỹ.

Trung Quốc đã bằng nhiều cách khác nhau tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhưng hơn 10 năm qua kết quả thu được nhỏ hơn cả khiêm tốn. Dự trữ, thanh toán quốc tế… vẫn chủ yếu qua đồng USD.

Trong bối cảnh đối đầu ngày càng gia tăng với Mỹ, có thể thấy những rủi ro của việc USD hóa các giao dịch quốc tế với Trung Quốc:

i. Bị Mỹ đóng băng tài khoản USD: Điều này Mỹ đã áp dụng nhiều lần với nhiều quốc gia. Dù dự trữ thanh toán USD dưới hình thức nào vẫn phải thở qua lỗ mũi nước Mỹ: Fed.

ii. Giao dịch bằng USD, EUR là chấp nhận chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý khác nhau của Mỹ và EU. Tức là chấp nhận không chủ quyền trong thanh toán quốc tế cả ở cấp độ quốc gia lẫn doanh nghiệp. Bởi có thể bị các quốc gia này, nhất là Mỹ, áp đặt cấm vận hay phong tỏa bất kỳ lúc nào;

iii. Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hệ thống thanh toán USD lại chịu sự chi phối của các ông lớn Mỹ và EU. Bị cấm tham gia hệ thống này ngày hôm nay là thảm họa trở thành Robinson trong thương mại quốc tế;

iv. Nếu có công cụ thoát khỏi sự thống trị của USD, sẽ có rất nhiều quốc gia, tổ chức không hoàn toàn tin cậy nước Mỹ sử dụng. Công cụ như vậy thuộc quốc gia nào thì quốc gia ấy có cơ hội thách thức vị trí số 1 của Mỹ về tài chính tiền tệ.

v. Với đồng tiền nêu ở iv. việc quốc tế hóa nó trở nên đơn giản nếu đó là loại tiền tệ không biên giới địa lý khi áp dụng công nghệ Blockchain.

vi. Ở trong Trung Quốc các công cụ thanh toán khác có thể thay thế tiền mặt sẽ giúp chính phủ quản lý chống rửa tiền, đánh bạc, buôn lậu, tài trợ khủng bố, buôn người và các hoạt động mờ ám khác. Bản thân thị trường Trung Quốc rộng lớn là nơi thử nghiệm tốt cho những công cụ này.

Hơn ai hết Trung Quốc, Nga – những đối thủ tiềm năng của Mỹ – muốn có công cụ thoát khỏi vòng kim cô của đồng USD và EUR. USD ở đây được hiểu là USD chuyển khoản (nên nhớ – chuyển khoản. Giao dịch USD tiền mặt Fed không kiểm soát được. Tại đây khi nói về USD tức USD số – chuyển khoản)

Nga làm theo cách của mình dù TT Putin đã từng khuyến khích phát triển công nghệ Blockchain và CryptoCurrency (CC). Trung Quốc làm theo cách khác.

c. Trung Quốc thay đổi thái độ ít nhất 2 lần với công nghệ Blockchain và CC.

i. Lúc đầu họ khá thoáng trong việc cho phép đào, ICO và giao dịch các loại CC. Nhà nước đứng ngoài cuộc mà chỉ có các tư nhân làm việc này;

ii. Nhưng sau đó do quan ngại ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội nên họ bắt đầu cấm đoán. Khuyến khích “xuất khẩu” các hoạt động trên ra nước ngoài.

iii. Sự thay đổi lần 2 xảy ra sau một cuộc nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho Blockchain và công nghệ kỹ thuật số. Họ nhận thấy Blockchain và CC là cơ hội duy nhất hiện tại để lật đổ vai trò của đồng USD, nhìn nhận CC và Blockchain là “cơ hội để vắt kiệt vai trò bá chủ lâu năm của đồng USD và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ với hệ thống tài chính tiền tệ thế giới”. Tất nhiên tham vọng thay Mỹ làm bá chủ thì Trung Quốc không nói ra.

Ông Lý Xuân Hải, tác giả bài viết

Chính quyền Trung Quốc chuyển từ các lệnh cấm sang hỗ trợ toàn diện

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Blockchain là “một bước đột phá sáng tạo” và “Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBoC) cần tạo ra một loại tiền điện tử do nhà nước điều hành”.
Ngay sau đó tháng 10 năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng sự phát triển của công nghệ Blockchain là một trong những ưu tiên của chính phủ Trung Quốc và kêu gọi thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ai cũng biết từ 2014 Trung Quốc đã bắt đầu phát triển tiền mã hóa – Cryptocurrency (CC) cho riêng mình. Tham vọng phát triển và thống trị lĩnh vực CC của Trung Quôc đã được tôi nhắc đến ở đây:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2733172016692978&id=100000006199056

Vào tháng 12 năm 2019 ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) đã phát hành thành công trái phiếu trên nền tảng Blockchain với tổng trị giá 2,8 tỷ USD lãi suất coupon 3,25% nhằm cho vay phát triển các SMEs. Việc phát hành và giao dịch trái phiếu này hoàn toàn dựa trên nền tảng Blockchain và giảm bớt nhiều chi phí trung gian. Đây là minh chứng về việc Trung Quốc quyết tâm phát triển, ứng dụng Blockchain vào cuộc sống thế nào.

d. Kết quả tiếp theo là 25/04/2020 Trung Quốc đã chính thức ra mắt một loại tiền mã hóa trên nền tảng Blockchain. Có thể coi đây là bước cơ bản đầu tiên trước khi khởi động một dự án tài chính toàn cầu một loại tiền điện tử nhà nước có tên là DC/EP (Digital Currency Electronic Payment – Thanh toán điện tử trên nền tảng Tiền kỹ thuật số).

Trung Quốc thực hiện phát triển chương trình DC/EP rất nghiêm túc hơn 5 năm qua và việc ứng dụng thử CC vừa qua là hệ quả tất yếu.

e. Chương trình phát hành Libra của Facebook và Ton của Telegram là một trong các động lực thúc đấy Trung Quốc triển khai nhanh chương trình DC/EP: Triển vọng phát hành tiền tệ của riêng mình của một công ty tư nhân với 2,3 tỷ (Facebook) và 400 triệu (Telegram) người dùng trên toàn thế giới có khả năng biến dự án thành một loại tiền điện tử lớn trên toàn cầu được Trung Quốc đón nhận vừa lo ngại vừa thấy đó là động lực một cách nghiêm túc: như một động lực về khả năng công nghệ và lo ngại bởi có thể tuột khỏi tay lá cờ đầu, tức cơ hội tạo ra công cụ có thể đẩy đồng đô la ra khỏi thị trường thanh toán điện tử, và trong tương lai thay đổi toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu nước Mỹ với Libra mà đi đầu thì cơ hội này mất hẳn trong tương lai không hề ngắn.

Libra và Ton gây sốt một thời đã lắng lại cho các cuộc đi đêm, Bitcoin và nhiều loại CC khác đang có mức vốn hóa cao. Rõ ràng Trung Quốc muốn hướng người dân vào một loại CC nào đó có thể kiểm soát được. Nhu cầu DC/EP là thực sự cấp thiết với Trung Quốc.

f. Nhìn vào ví dụ của Trung Quốc và nhận ra những cơ hội nào có thể bị bỏ lỡ, nhiều quốc gia khác đã tuyên bố phát triển CBDC (Central Bank Digital Currency – Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương) tương tự DC/EP. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển… tổng số 44 quốc gia khác, trong đó không chỉ các nước lớn mà có cả các nước nhỏ như Campuchia, vùng lãnh thổ BVI… đang phát triển CC của nhà nước trên nền tảng Blockchain.

2. Trước hết hãy nói về những gì được biết tại thời điểm này về đồng tiền mã hoá kỹ thuật số trên nền tảng công nghệ Blockchain của Trung Quốc.

a. Tiền điện tử của Trung Quốc hiện chưa có tên gọi chính thức và vẫn đang được gọi là DC/EP hay Electronic Yuan – Nhân dân tệ kỹ thuật số.

b. Để sử dụng người tiêu dùng phải mở một ví điện tử. Trung Quốc đã triển khai và đăng ký sở hữu sáng chế một loạt các tính năng linh hoạt của loại ví dành cho DC/EP.

Thủ tục mở ví khá đơn giản và không nhất thiết phải làm tại ngân hàng. DC/EC do vậy sẽ mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận tài chính của người dân ở nước này.

c. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) chưa chính thức xác nhận lịch trình giới thiệu diện rộng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (DC/EP) này. Nhiều nguồn tin nói rằng nó sẽ được đưa vào lưu thông đầy đủ vào giữa năm 2021. Hiện tại vẫn là giai đoạn chạy thử.

Theo thông tin gần nhất, DC/EP được thử nghiệm với các khách hàng của 4 ngân hàng quốc doanh là Agricultural Bank of China (ABC), Industrial and Commercial Bank of China, Bank of China и China Construction Bank tại 4 tỉnh: Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu và Xiong’an – một thành phố công nghệ vệ tinh của Bắc Kinh. Vào tháng Tư, các doanh nghiệp Tô Châu thậm chí có ý định trả 50% trợ cấp giao thông cho công nhân địa phương bằng loại tiền kỹ thuật số này.

Trong một tài liệu chính thức khác, tất cả các tổ chức nhà nước ở Tô Châu được mời ký hợp đồng với các ngân hàng này để chi trả cho nhân viên bằng DC/EP, kể từ khi việc ra mắt hệ thống này được lên kế hoạch vào tháng Năm.

Tất cả các quan chức sẽ được yêu cầu tải xuống và cài đặt ví kỹ thuật số được phát triển bởi các ngân hàng để nhận thanh toán lương của họ.19 nhà hàng nổi tiếng, bao gồm Starbucks, Subway và McDonald, sẽ thử nghiệm chấp nhận thanh toán loại tiền này.

d. Ngoài các tính năng tiêu chuẩn như nhận và chuyển tiền hay thanh toán, một trong những chức năng quan trọng được gọi là “Touch & Touch” – cho phép hai người chỉ cần chạm vào điện thoại di động để thực hiện chuyển tiền cho nhau.

e. Điều c. có thể được thực hiện mà không cần các thiết bị buộc phải kết nối Internet mà có thể thông qua NFC – Near-Field Communication – kết nối trường gần) hoặc Bluetooth. Chuyển khoản ngoại tuyến (off-line) có thể được thực hiện khi thiết bị được kết nối Internet lần đầu tiên sau đó. Cho đến nay không có nhiều thông tin cụ thể về cơ chế của chức năng này vận hành thế nào.

f. DC/EP có các tính năng quen thuộc khác chẳng hạn như chuyển tiền vào tài khoản thanh toán, tạo và quét mã QR.

g. Hệ thống thanh toán của DC/EP sẽ có thể xử lý tới 300.000 giao dịch mỗi giây. Để so sánh: hệ thống Visa chỉ xử lý được khoảng 30.000 giao dịch/giây. Tốc độ này rất đáng nể và cần một công nghệ xử lý riêng bên cạnh Blockchain.

Nhờ vào tốc độ xử lý giao dịch cao mà tiền điện tử DC/EP sẽ phù hợp cho bất kỳ hoạt động tài chính nào, kể cả trong lĩnh vực bán lẻ quy mô nhỏ.

h. Rất rõ ràng DC/EP dù ứng dụng công nghệ Blockchain nhưng hệ thống máy xác thực giao dịch sẽ được quản lý tập trung tại PBoC.

i. Cũng rất rõ là đồng tiền DC/EP này của Trung Quốc sẽ hoạt động không chỉ trên Blockchain. Việc phát hành và lưu thông sẽ thực hiện qua hai giai đoạn chính: PBoC phát hành tiền sơ cấp và sau đó chuyển cho các ngân hàng thương mại. Từ các NHTM DC/EP sẽ được đưa vào lưu thông. DC/EP sẽ sử dụng kiến trúc hai tầng cho phép các tổ chức thanh toán và ngân hàng bên thứ ba được cấp phép tham gia vào việc phát hành DC/EP thứ cấp.

j. Các ngân hàng và tổ chức sẽ có thể đóng vai trò là nhà phát hành DC/EP được bảo chứng bằng tiền tệ fiat và các tài sản khác. Hiện chưa rõ các loại tiền fiat chỉ là Yuan hay ngoại tệ khác và tài sản bảo chứng được chấp nhận là các loại tài sản nào.
DC/EP sẽ có tất cả các lợi thế của CC trên nền tảng Blockchain (gần như giao dịch tức thời, độ tin cậy, bất biến, không thể đảo ngược) và mặt khác, có cùng chủ quyền như một đồng nhân dân tệ thông thường. PBoC sẽ đảm bảo thanh khoản cho DC/EP.

k. AliPay xác nhận họ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và lưu hành đồng DC/EP này.

l. Tất cả các tổ chức được cấp phép tham gia phát hành DC/EP sẽ phải có tài khoản dự trữ bảo chứng tại PBoC.

m. Trung Quốc coi tiền DC/EP của mình là một phương tiện để chống lại các loại tiền kỹ thuật số hay tiền mã hoá khác: một loại tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành được chính phủ hỗ trợ và thể hiện bằng đơn vị tài khoản quốc gia có thể giúp hạn chế việc phát hành tiền tệ tư nhân và giảm rủi ro mất ổn định tài chính.

n. Một trong những nhiệm vụ chính của chính phủ đề ra là đồng DC/EP này sẽ có cùng chủ quyền với đồng nhân dân tệ fiat. PBoC cam kết đảm bảo thanh khoản chắc chắn khả năng chuyển đổi qua lại giữa 2 đồng tiền này cho chủ sở hữu đồng DC/EP của Trung Quốc.

o. Với công nghệ số trên nền tảng blockchain đồng DC/EP này có tham vọng trở thành một phương tiện thanh toán quốc tế, có thể tăng mạnh cả tốc độ xử lý rút ngắn thời gian chờ, nâng cao độ bảo mật và hiệu quả của thanh toán xuyên biên giới.

p. PBoC cho biết DC/EP cũng được lên kế hoạch sử dụng rộng rãi trong Thế vận hội mùa đông 2022 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh.

3. Một số nhận xét:

a. DC/EP là một loại Stablecoin được chính phủ Trung Quốc bảo chứng bằng nhân dân tệ. Mục đích tạo ra đồng DC/EP này là nhằm giải quyết các vấn đề nêu tại 1 – P1.

Đây là một loại tiền tệ thay thế lý tưởng cho tiền mặt với giao dịch trong nước của cá nhân, là công cụ rất hữu hiệu cho thanh toán quốc tế cũng như trong nước với doanh nghiệp, nếu được các bên chấp nhận.

Tính chất tương tự tiền mặt cao, thanh khoản tốt, khả năng giám sát của nhà nước được duy trì, tốc độ thanh toán nhanh và bảo mật… những điểm đó làm tiềm năng scale-up của DC/EP không tồi. Yếu điểm lớn nhất là b. dưới đây.

b. Mặc dù vậy phải nhấn mạnh DC/EP không phải là một loại tiền mã hoá (Cryptocurrency) theo nghĩa đen của từ này và khái niệm cổ điển về tiền điện tử phi tập trung vì nhu cầu ẩn danh giao dịch không được thỏa mãn. Trước hết bởi các máy xác nhận giao dịch hoàn toàn do PBoC quản lý. Nhưng việc thanh toán thực hiện theo các nguyên tắc của blockchain và P2P và không qua hệ thống NHTM nên sẽ nhanh, chi phí thấp và bảo mật.

c. Có vẻ DC/EP sẽ không chỉ dựa vào công nghệ Blockchain, vì nếu chỉ sử dụng nó sẽ không thể xử lý nhanh 300.000 giao dịch/s – khối lượng giao dịch khổng lồ tương xứng với nền kinh tế Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề mà Bitcoin đang gặp phải.

d. Sử dụng DC/EP thân thiện và quen thuộc: bản thân người dùng không có khả năng cảm thấy sự khác biệt lớn trong việc sử dụng hệ thống này so với việc sử dụng WeChat Pay hoặc Ali Pay vốn được thiết lập từ lâu.

e. Đối với nhà nước Trung Quốc, cấu trúc tiền tệ Blockchain kiểu này sẽ cung cấp khả năng truy nguyên và kiểm soát 100% các giao dịch.

f. Trong khi các dự án khác có khả năng thay thế tiền điện tử thế giới và đe doạ vị thế đồng USD đang bị ngăn chặn: Libra của Facebook bị dừng lại vì chưa thoả thuận được với chính phủ Mỹ; Ton của Telegram đã phải chấm dứt thực hiện bởi lý do hình thức là không thoả mãn các yêu cầu của SEC (mà thực chất bởi mối đe doạ quyền lực của các chính phủ), Trung Quốc có cơ hội trở thành người dẫn đầu trong cạnh tranh tiền điện tử hoạt động trên nền tảng Blockchain toàn cầu. Cũng phải nói thẳng ra chính sự xuất hiện của các dự án như Libra hay Ton và cách hành xử của nước Mỹ là động lực thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng phát hành DC/EP.

g. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, đồng thời ít phụ thuộc nhất vào giá dầu. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng quốc tế hoá đồng nhân dân tệ nhằm phá vỡ sự độc quyền của đồng đô la nhưng không có kết quả đáng kể. Bằng việc phát hành DC/EP thì đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có triển vọng và cơ hội làm được điều này.

h. Không có nghi ngờ rằng các quốc gia khác sẽ theo chân Trung Quốc. Hiện có 44 quốc gia đang bằng cách này hay cách khác nghiên cứa ứng dụng công nghệ Blockchain để phát hành tiền. Các tổ chức tư nhân cũng sẽ không ngưng việc làm này.

i. Mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là dùng DC/EP thay thế tiền mặt trong biên giới Trung Quốc. Như bao nền tảng hay sản phẩm công nghệ khác của Trung Quốc, thị trường khổng lồ 1.4 tỷ dân là môi trường lý tưởng để thử nghiệm, tạo quy mô lớn (scale-up), tạo giá trị và sau đó bành trướng ra bên ngoài. Hãy nhìn Alibaba, Wechat hay ngay cả máy móc thiết bị công nghiệp như một ví dụ. Với các tính năng nêu trên DC/EP là công cụ lý tưởng thay thế tiền mặt Yuan và mọi người trên thế giới đều có thể dùng không phụ thuộc vị trí địa lý.

Trung Quốc đã rất thành công với việc nhanh chóng xây dựng nền kinh tế phi tiền mặt. Trong những năm gần đây, việc sử dụng tiền giấy mặt truyền thống đã giảm mạnh. Thanh toán qua điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến đến mức nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là cư dân thành thị trẻ tuổi, không còn mang ví hay tiền mặt để mua sắm. Thay vào đó, họ sử dụng hệ thống Tencent Holdings Ltd., hệ thống thanh toán WeChat Pay và Alipay, được quản lý bởi Ant Financial Services Group, một công ty con của Tập đoàn Alibaba Group Ltd.. Đây là tiền đề rất vững để DC/EP nhanh chóng đi vào cuộc sống.

4. Nhưng mục tiêu lâu dài hơn của Trung Quốc là muốn sử dụng DC/EP như một loại tiền tệ phi biên giới, tạo ra một loại công cụ đối đầu với USD trong cuộc chiến, trước mắt là chiến tranh thương mại, với Mỹ:

– DC/EP thanh toán không cần SWIFT, không cần ngân hàng đại lý;
– DC/EP không thể cấm vận;
– DC/EP không bị kiểm soát bởi Mỹ;

a. Những ngân hàng trung ương không có niềm tin với hay muốn che giấu các giao dịch với Mỹ, tức là đồng USD, rất thích các điểm trên và DC/EP có cơ sở trong tham vọng trở thành một loại ngoại tệ mạnh và các NHTW các quốc gia này sẽ sử dụng nó làm phương tiện thanh toán và dự trữ.

b. DC/EP là một loại tiền phi biên giới với người sử dụng. Không một quốc gia, chính phủ hay tổ chức nào ngoài Chính phủ Trung Quốc nào có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sở hữu và thanh toán bằng loại tiền tệ này. Do vậy nếu sử dụng cho thanh toán, chuyển tiền sẽ an toàn và bảo mật với tất cả (ngoại trừ chính phủ Trung Quốc, tất nhiên), nhất là với các giao dịch mua bán tài sản phi vật thể. Do vậy sử dụng DC/EP cho các giao dịch đen, giao dịch đáng ngờ nếu không bị chính phủ Trung Quốc phối hợp điều tra sẽ vô cùng khó kiểm soát vì hoàn toàn nằm ngoài hệ thống NHTM. Đây là thách thức rất lớn cho hệ thống NHTM và các chính phủ toàn cầu ngoài trung Quốc. Đồng DC/EP phổ biến rộng đó sẽ là thách thức rất nghiêm túc với vị thế đồng USD.

c. Do vậy khía cạnh tiêu cực của việc phát hành DC/EP của Trung Quốc, nếu nói thẳng ra, là không phải với chính Trung Quốc mà cho phần còn lại của thế giới. Quan ngại chính tất nhiên do DC/EP sẽ được kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc. Theo đó, tất cả thông tin về các giao dịch sẽ được kiểm soát, truy soát và lưu trữ bởi chính quyền Trung Quốc và không thể nói về bất kỳ sự ẩn danh nào với họ cả. Mặc dù chính phủ Trung Quốc cam kết “người sử dụng DC/EP chỉ phải khai báo thông tin tối thiểu” và “sự ẩn danh tương đối sẽ được đảm bảo”.
Khẳng định DC/EP có thể khởi đầu của một kỷ nguyên tài chính mới không phải là không có cơ sở.

5. Trung Quốc và Libra châu Á”:

Không dừng lại ở đó Trung Quốc đang thai nghén ý đồ phát hành “Libra Châu Á”.

a. Theo một nguồn tin chưa hoàn toàn được chính phủ Trung Quốc xác nhận, một nhóm các nhà tài chính và các nhà khoa học theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc đã đệ trình một báo cáo và dự thảo việc thành lập một đồng tiền kỹ thuật số theo hình thức Stablecoin của châu Á đảm bảo bằng một rổ các loại tiền kỹ thuật số được gắn chặt với tỷ giá hối đoái của các quốc gia có nền kinh tế lớn trong khu vực. Nguồn tin khẳng định đó là nhân dân tệ Trung Quốc, đô la Hồng Kông, Won Hàn Quốc và Yên Nhật Bản (chưa thấy nói rõ tỷ trọng và không hiểu vì sao không thấy đô la Singapore).

b. Tại kỳ họp toàn thể thường niên của Lưỡng hội Trung Quốc: Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp – CPPCC – một cơ quan tư vấn chính trị triệu tập mỗi năm một lần với các thành viên là đảng viên ĐCS Trung Quốc và những người có ảnh hưởng ngoài Đảng CSTQ) khai mạc 21/05 và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) khai mạc 22/05, kỳ họp quan trọng bậc nhất của Trung Quốc năm nay, đề xuất chính trị ở trên đã được đưa ra

c. Giống như đồng tiền kỹ thuật số Libra, nó sẽ liên quan đến một hệ thống dự trữ để bảo vệ tiền và là một loại Stablecoin căn cứ rổ 4 loại tiền tệ trên và được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và HKMA – Cơ quan quản lý tiền tệ Hongkong – NHTW Hongkong. Đề xuất này được nêu ra bởi Shen Nanpeng (còn được gọi là Neil Shen), người là đối tác sáng lập và quản lý của Sequoia Capital tại Trung Quốcvà là thành viên của CPPCC. Ý tưởng ban đầu của Stablecoin đến từ Chen Delin, cựu chủ tịch của HKMA.

d. Các lợi ích của đồng Stablecoin này là giảm rủi ro tỷ giá, cải thiện hiệu quả của các giao dịch xuyên biên giới và cung cấp một kịch bản thử nghiệm cho thanh toán xuyên biên giới đối với DC/EP.

Các đại biểu được đề nghị thông qua một đạo luật chi tiết về việc ra mắt và phát triển Stablecoin châu Á từ thử nghiệm đến áp dụng diện rộng nhằm “khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra”? (PS: chả thấy liên quan gì).

e. Rất thú vị là đã có luôn cơ chế cho vay: lãi suất cho vay sẽ được xác định theo lãi suất trung bình của 4 Ngân hàng Trung ương có các loại tiền nằm trong rổ tham chiếu. Có vẻ đồng tiền này sẽ rất giống Libra về triết lý.

Điều quan trọng trong dự luật là đồng Stablecoin này sẽ không được sử dụng ở bên trong lãnh thổ Trung Quốc, nó được dành riêng cho Hồng Kông nơi diễn ra hơn 80% đầu tư nước ngoài và xuất khẩu nước ngoài của Trung Quốc. Stablcoin sẽ tiết kiệm cho các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư khoản phí ngân hàng, chi phí chuyển đổi và đơn giản hóa việc vay vốn.

Không biết việc Mỹ chấm dứt chế độ ưu đãi đặc biệt dành cho lãnh thổ Hongkong có phải một phần nhằm chặn đứng tham vọng xây dựng đồng Stablecoin Châu Á này không?

f. Thời điểm xuất hiện của Stablecoin châu Á không phải là tình cờ: Một vòng đối đầu mới hiện đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Thượng viện Hoa Kỳ phản ứng gay gắt đối với tiền điện tử Facebook Libra, Telegram Ton… để bảo vệ vị thế USD thì Stablecoin châu Á là mối đe dọa thực sự tiếp theo đối với sự thống trị toàn cầu của đồng USD. Tất nhiên nước Mỹ không ngồi yên: sóng ngầm đang rất mạnh.

6. Có lẽ chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của tiền điện tử ngân hàng trung ương/ nhà nước (CBDC)- các loại trên nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain. Và có khả năng cao là điều này sẽ thay đổi lớn hệ thống tiền tệ quốc tế.
Khả năng lan toả của DC/EP là không hề thấp. Bắt đầu từ Trung Quốc và từng bước một lan toả ra toàn cầu, nhất là khi nó được sự ủng hộ của các đại gia bán lẻ thương mại điện tử và MXH như Wechat, Alibaba. Các bạn đã giao dịch với người dân Trung Quốc sẽ hiểu quyền lực của các đại gia này. Sử dụng CBDC cần biết nó là cái gì và hệ luỵ của nó đến đâu, nhất là và không chỉ DC/EP.
Bởi sau đây chắc sẽ có nhiều loại CBDC ra đời dưới hình thức

Stablecoin với sự tham gia của các đại gia Mạng xã hội hay trùm thương mại điện tử. Mỗi loại CBDC sẽ được đảm bảo bằng tiền fiat của một nền kinh tế. Và cuộc chiến tiền mã hoá CBDC sẽ là một phần của cuộc chiến tiền tệ giat thôi.
Sự ra đời của CD/EP là tin vừa vui vừa buồn.

Vui là các đồng tiền stablecoin này sẽ tạo ra thói quen sử dụng CC để mở cửa vào kỷ nguyên mới của tiền tệ. Ý nghĩa ứng dụng của Blockchain được khẳng định.

Buồn là các loại CC “giả cầy” này thiếu hẳn một đặc tính trọng yếu của CC mà cha đẻ của nó – thiên tài tự xưng là Satoshi Nakamoto– đặt ra: tính Dân chủ, Ẩn danh và Phân tán… tức là sự Tự do.

Tự do là đối thủ thật sự của tất cả các loại tiền fiat và CBDC.
Làm sao để có thể đạt được điều Tự do ấy? Sẽ mạn bàn vào lúc khác.

Hết!

Tạp Chí Bitcoin trân trọng cảm ơn tác giả đã đồng ý cho đăng tải bài viết này.

Dislaimer: Đây là thông tin cung cấp dưới dạng blog cá nhân, không phải thông tin tổng hợp hay lời khuyên đầu tư. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.

MỚI CẬP NHẬT

Trump bổ nhiệm cựu cầu thủ bóng đá Bo Hines làm người đứng đầu...

Vào Chủ nhật trên Truth Social, Donald Trump đã bổ nhiệm hai nhân vật mới làm cố vấn về các vấn đề kinh tế. Đáng...

Liệu Ethereum có cần “Michael Saylor” của riêng mình?

Nhà giáo dục và người ủng hộ Ethereum, Anthony Sassano đã đưa ra lập luận rằng một người nào đó sẽ thay mặt cho...

Stablecoin RLUSD của Ripple Labs là gì?

RLUSD là một loại stablecoin được phát triển bởi Ripple Labs, tổ chức đứng sau XRP. Với mục tiêu tạo ra một loại tiền...

Tâm lý xã hội về Bitcoin chạm đáy trong năm, báo hiệu giá sắp...

Tâm lý xã hội về Bitcoin đã chạm mức thấp nhất vào năm 2024, báo hiệu khả năng giá sắp phục hồi trên ngưỡng...
stablecoin

SpaceX của Elon Musk sử dụng stablecoin để phòng ngừa rủi ro ngoại hối

Theo nhà đầu tư mạo hiểm Chamath Palihapitiya đến từ Silicon Valley cho biết trong podcast All-In vào thứ 6, SpaceX đang sử dụng...

UAE hiện nắm giữ 40 ​​tỷ đô la Bitcoin

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện sở hữu 40 tỷ đô la Bitcoin sau nhiều năm đầu tư để xây...

4 sự kiện kinh tế quan trọng có thể định hình giá trị của...

Khi năm 2024 đang dần khép lại, cộng đồng đam mê Bitcoin không khỏi xôn xao suy đoán về tương lai của đồng tiền...
Wall Street Pepe presale xuất sắc huy động vượt 33,5 triệu USD

Dogecoin và Pepe phục hồi mạnh mẽ, Wall Street Pepe presale xuất sắc huy...

Sau cú sụt giảm mạnh khiến toàn bộ thị trường điêu đứng, Bitcoin đã ngay lập tức phục hồi ấn tượng, tăng 3,9% và...

Tin vắn Crypto 22/12: Bitcoin đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng giá...

Từ nhận định Bitcoin đã sẵn sàng bước vào giai đoạn parabol của chu kỳ thị trường hiện tại đến Spacecoin XYZ đã phóng...
doge-giam-gia

Dogecoin lao dốc 30% từ đỉnh, đối mặt nguy cơ tụt dưới mốc $0,20

Giá Dogecoin (DOGE) giảm hơn 30% so với mức cao nhất năm là $0,48 vào đầu tháng này. Sự sụt giảm được liên kết...

Nhiều Bitcoin “ngủ đông” đang dần hồi sinh và được chuyển đến ví mới

Trong suốt bốn ngày qua, giá Bitcoin liên tục thoái lui khỏi mức đỉnh kỷ lục 108.000 USD, chứng kiến giá trị giảm hơn...

Doanh số NFT tăng 32% trong tuần đạt 304 triệu đô la

Tuần trước, doanh số bán NFT dựa trên Ethereum đã ghi nhận mức tăng mạnh, đẩy tổng khối lượng giao dịch NFT kỹ thuật...

Altcoin tăng 20.000% và 9 token khác đang dẫn đầu về hoạt động cá...

Dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Santiment đã chỉ ra một altcoin đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn...
XRP

Cá voi XRP mua dip, ảnh hưởng thế nào đến giá?

Giá Ripple (XRP) giảm gần đây đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn, với dữ liệu on-chain cho thấy...
Bitcoin

Bitcoin sụp đổ có thể là bước đệm cho sự phục hồi lịch sử...

Giá Bitcoin gần đây đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 108.364 đô la trước khi lao dốc xuống còn 92.118 đô...

Cựu CEO Binance.US Brian Brooks gia nhập hội đồng quản trị MicroStrategy

MicroStrategy, công ty phần mềm nổi bật của bò Bitcoin Michael Saylor, vừa thông báo việc bổ nhiệm cựu CEO của Binance.US, Brian Brooks,...