Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ để đáp trả luật an ninh quốc gia Hồng Kông có thể đặt ra thách thức cho công ty môi giới tiền điện tử địa phương.
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật tự trị Hồng Kông vào thứ 5 để trừng phạt Trung Quốc vì làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông. Dự luật này nhằm đáp trả luật an ninh quốc gia mới, quy định hình sự hóa các hành vi dụ dỗ, thông đồng, khủng bố và lật đổ, được xem như một lời chỉ trích “dằn mặt” Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dự luật quy định chính phủ Hoa Kỳ nên hạn chế các ngân hàng nước ngoài và các công ty con của ngân hàng Hoa Kỳ ở Hồng Kông truy cập vào hệ thống đô la Mỹ nếu họ thực hiện các giao dịch quan trọng với người hoặc tổ chức góp phần làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông.
Không có ngân hàng cụ thể nào được nêu danh và dự luật không cung cấp tiêu chí xác định liệu ngân hàng có xứng đáng bị trừng phạt hay không. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ sẽ quyết định hành vi nào sẽ bị phạt dựa trên cơ sở dự luật.
Điều này có thể gây thiệt hại cho các công ty tiền điện tử ở Hồng Kông. Đặc biệt, ảnh hưởng đến công ty môi giới, vốn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống đô la Mỹ để giải quyết và bù trừ giao dịch. Hồng Kông là trung tâm tiền điện tử quan trọng, đặc biệt là ở châu Á. Các sàn giao dịch lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục như OKCoin và Huobi mở văn phòng và cung cấp dịch vụ giao dịch ở Hồng Kông, nơi có các quy định tương đối thân thiện với tiền điện tử. Leo Weese, chủ tịch và đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Bitcoin Association của Hồng Kông cho biết:
“Các công ty tiền điện tử thành công nhất ở đây phụ thuộc quyền truy cập vào hệ thống đô la Mỹ. Họ là những nhà môi giới lớn và nếu phần nào mất quyền truy cập thì sẽ gặp rắc rối”.
Weese chia sẻ quyền truy cập đó rất quan trọng đối với các công ty môi giới lớn vì giao dịch tiền fiat giữa nhà đầu tư và môi giới được giải quyết, bù trừ bởi các ngân hàng sử dụng đô la Mỹ.
Trưởng phòng giao dịch Charles Yang tại Genesis Block, một trong những bàn OTC lớn nhất chủ yếu cung cấp dịch vụ môi giới tiền điện tử xuyên biên giới ở Hongkong cho biết:
“Mặc dù ở Châu Á nhưng công ty vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ngân hàng Hoa Kỳ”.
Bàn OTC khác với sàn giao dịch, thông qua đó giao dịch dựa trên giá thị trường. Với bàn OTC, các nhà môi giới giúp trader tìm đối tác.
Đối với hầu hết công ty môi giới có trụ sở tại châu Á (bàn OTC), nếu họ không thể dễ dàng chuyển tiền cho đối tác của Hoa Kỳ thì sẽ làm chậm dòng tiền và khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều. Yang nói:
“Nếu có bất kỳ lực cản nào nữa từ chính sách của Hoa Kỳ, có thể gây tổn hại rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Hạn chế ngân hàng
Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông (SFC) bắt đầu cấp phép cho các ứng dụng của sàn giao dịch tài sản ảo từ tháng 11 năm ngoái nhằm cung cấp khung pháp lý rõ ràng hơn cho nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản kỹ thuật số.
Do vậy, nhà đầu tư quốc tế lớn cũng nhắm đến các công ty có trụ sở tại Hồng Kông. OSL là một trong những sàn lớn nhất cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch và custody tại Hồng Kông, đảm bảo khoản đầu tư 14 triệu đô la từ Fidelity International thông qua việc mua lại cổ phần. Startup Amber Group có trụ sở tại Hồng Kông cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính như giao dịch và cho vay đối với các nhà đầu tư crypto, bảo đảm 28 triệu đô la trong vòng tài trợ Series A từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ như Coinbase Ventures và Polychain Capital.
Yang nói mặc dù vẫn chưa rõ những biện pháp trừng phạt chính xác mà chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp đặt đối với Hồng Kông nhưng có 2 kịch bản có thể gây tổn hại cho các công ty môi giới.
Các ngân hàng Hoa Kỳ thân thiện với tiền điện tử như Silvergate và Signature cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện tử tức thì 24/7. Chính phủ Hoa Kỳ có thể giới hạn số tiền và nơi các ngân hàng này gửi tiền đến, gây thêm khó khăn cho việc chuyển tiền trở lại Hồng Kông.
Công ty môi giới cũng gặp trở ngại trong việc chuyển tiền từ Hồng Kông đến Hoa Kỳ. Ví dụ, nhiều công ty như vậy sử dụng Bank of Communications, là một trong những ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc đại lục. Nếu ngân hàng bị chính phủ Hoa Kỳ đàn áp, công ty không thể chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ của họ.
Theo Yang, một mối quan ngại khác là kiểm tra khắt khe sẽ kéo dài thời gian giao dịch. Yang cho biết:
“Các ngân hàng sẽ gắn cờ giao dịch liên quan đến Hồng Kông thường xuyên hơn, họ giữ các giao dịch, thực hiện truy vấn tuân thủ và có thể mất vài ngày để giải quyết. Như vậy có nghĩa là sẽ có nhiều rào cản hơn”.
Weese nhận xét:
“Nếu các giao dịch chuyển tiền giữa Hồng Kông, Luân Đôn và Hoa Kỳ bị chặn hoặc trở nên đắt đỏ thì nhà môi giới Hồng Kông sẽ không có nhiều nhu cầu thực sự ở đây vì Hồng Kông không thể phục vụ thị trường địa phương một cách hiệu quả”.
Dự luật đề cập mơ hồ đến các quan chức và người nước ngoài, là “những người vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc”. Sau khi Tổng thống ký dự luật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ có 90 ngày để xác định các quan chức Trung Quốc và người nước ngoài có liên quan đến các hoạt động chống dân chủ như trấn áp các cuộc biểu tình và báo cáo với Quốc hội. Theo dự luật, Bộ trưởng Tài chính sau đó sẽ có 60 ngày để đệ trình danh sách tổ chức nước ngoài “thực hiện các giao dịch quan trọng” với những người này.
CEO Jason Wu của Definer, công ty cho vay tiền điện tử tập trung vào giao dịch xuyên biên giới giữa Mỹ và Trung Quốc:
“Nếu dự luật có hiệu lực, việc chuyển tiền giữa các ngân hàng ở Hồng Kông sẽ phải đối mặt với nhiều sự giám sát hơn và nguy cơ bị đóng băng do lệnh trừng phạt mới”.
Jason Wu – CEO Definer
Trong khi một số nhà đầu tư có thể sử dụng tiền mặt hoặc giao dịch trực tiếp để giao dịch tiền điện tử với fiat thì nhiều người phải đăng ký với công ty môi giới tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền (AML) và Biết khách hàng (KYC) của Cơ quan tài chính Hồng Kông, đặc biệt là khối giao dịch hàng triệu đô la, Wu nói:
“Bất kỳ lượt chuyển tiền nào với số lượng lớn trong ngân hàng ở Hồng Kông đều phải gắn cờ cho cả cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc và Hoa Kỳ”.
Theo Wu, chuyển tiền xuyên biên giới giữa Hoa Kỳ và Hồng Kông bị giám sát chặt chẽ hơn ngay cả trước khi dự luật được đưa ra.
Người dân ở Hồng Kông đã cố gắng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu vào tháng 3/2019. Cả chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ kiểu giao dịch tài chính này.
Tương lai của hệ thống tài chính Hồng Kông
Dự luật không phải là nỗ lực duy nhất của Hoa Kỳ nhằm phá bỏ đặc quyền tài chính và kinh tế của Hồng Kông khi Bắc Kinh làm suy yếu quyền tự trị thành phố. Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành các hạn chế về thị thực đối với quan chức Trung Quốc và đe dọa thu hồi tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông.
Weese nói về luật an ninh quốc gia của Trung Quốc:
“Tôi nghĩ bây giờ Hoa Kỳ không có ý định gây rối hệ thống tài chính Hồng Kông và khiến các công ty sợ hãi, nhưng tất nhiên mọi thứ có thể nhanh chóng thay đổi”.
Wu bình luận:
“Chính phủ Trung Quốc hay chính phủ Hoa Kỳ đều không tiết lộ những biện pháp chính xác mà họ sẽ thực hiện gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Hồng Kông. Trường hợp cực đoan là Hồng Kông trở nên giống như một thành phố ở Trung Quốc đại lục và việc chuyển khoản sẽ khó khăn hơn nhiều. Nếu bạn thực hiện chuyển khoản ngân hàng ở Trung Quốc đại lục, sẽ có nhiều hạn chế như cơ quan tài chính yêu cầu xem xét kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE). Điều này gây khó khăn cho hoạt động chuyển tiền. Tuy nhiên, ở Hồng Kông dễ dàng hơn nhiều vì nó nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế”.
Một trường hợp cực đoan là Hồng Kông trở nên giống các thành phố ở Trung Quốc đại lục về tự do tài chính.
Ở Trung Quốc đại lục, ngân hàng bị hạn chế xử lý giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số. Hầu hết nhà đầu tư giao dịch và mua hàng thông qua dịch vụ giao dịch ngang hàng do các bàn OTC và ứng dụng thanh toán tiền mặt của bên thứ ba cung cấp. Weese chia sẻ:
“Thông thường những gì xảy ra trong tình huống như vậy là thị trường tiếp tục tồn tại với mức chênh lệch mua bán cao hơn nhiều nhưng được phục vụ bởi các cá nhân khác nhau hoặc công ty môi giới nhỏ hơn. Ít nhất đây là cách mà chúng tôi đã quan sát ở những nơi khác. Các nhà môi giới lớn nhất chỉ tồn tại ở những nơi họ có thể mua và bán hiệu quả Bitcoin trị giá 1 triệu hoặc 10 triệu đô la”.
- Người Hồng Kông tăng tốc áp dụng Bitcoin như những cuộc biểu tình chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào nước này
- Máy bán hàng tự động tại Hồng Kông chấp nhận BCH chứ không phải BTC
- Căng thẳng Mỹ-Trung tại Hồng Kông khiến Nhân dân tệ mất giá làm đòn bẩy tăng giá cho Bitcoin