Thời gian gần đây, trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội tự xưng Vitae đã được đông đảo người dùng tại Việt Nam tham gia và bỏ tiền vào đầu tư.
Vitae quảng cáo người dùng chỉ cần đầu tư 200 USD để có tài khoản và sau đó giới thiệu thêm càng nhiều người sẽ càng có nhiều tiền. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá đây là một trong các mô hình hoạt động có dấu hiệu đầu tư theo mô hình đa cấp và là hành vi bị cấm theo quy định hiện hành.
“Ma trận” do mạng xã hội Vitae vẽ ra
Mạng xã hội Vitae đang chạy quảng cáo tràn lan trên mạng rằng “Vitae trả tiền theo giây, tiền về trong lúc ngủ. Đầu tư thì ít mà thu nhập thì nhiều”, hay “Anh Michael Trần tham gia Vitae vào ngày 28/2. Sau một tháng, anh thu nhập được 1.843 USD. Đây là một ngày của anh Hiếu, thu nhập 241 USD và một ngày của anh Michael Trần là 311 USD”.
Trong các buổi quảng bá về mạng xã hội này, Vitae khẳng định lấy tiền từ quảng cáo từ cái gọi là mạng xã hội phân quyền.
“Vitae là cộng đồng mạng xã hội phân quyền nên khi tiền về công ty, Vitae sẽ chia lại cho tất cả người dùng. Đó là điều các bạn cần phải biết. Đó là sự khác biệt giữa Vitae, Facebook và các mạng xã hội khác”.
“Khi tương tác quảng cáo, 100% tiền đổ về Vitae nhưng họ chỉ giữ lại 10% và 90% lượng tiền sẽ đổ ngược lại xuống trả cho người dùng”.
“Làm giàu từ số tiền nhỏ; Thu nhập thụ động tới 28.000 USD/tháng; Ma trận quyền lực 3×8 của Vitae sẽ giúp bạn”.
“Vitae là mạng xã hội phân quyền, tất cả những người vào đây đều sẽ có tiền”.
Tin vào lời quảng cáo trên, hàng nghìn người trên khắp các tỉnh, thành đã tụ họp tham gia hội nghị, tọa đàm về Vitae với mong muốn kiếm được nhiều tiền.
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, việc tụ họp đông người hạn chế thì việc tuyên truyền online lại lên ngôi.
Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận trước những “viên đạn bọc đường” này bởi vì không có cách nào ngồi không kiếm tiền đơn giản như vậy đâu.
Đội ngũ lãnh đạo của Vitae
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, khoản tiền đầu tư của người tham gia (200 USD) không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiện thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường đặt tại nước ngoài. Đồng thời, chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam.
Như Vitae tuyên bố tiền trả cho nhà đầu tư từ tiền quảng cáo thì cũng chỉ là một sự dối trá trắng trợn. Tham khảo thống kê của trang Similarweb, trang web chuyên thống kê các chỉ số của hơn 80 triệu website trên thế giới, mỗi tháng trang Vitae chỉ có chưa đầy 200.000 người truy cập, trong đó phần lớn lượng truy cập là đến từ Việt Nam. Đây là một mức lưu lượng quá thấp, nếu đặt các quảng cáo tự động của Google thì doanh thu từ quảng cáo hiện đảm bảo không thể đủ chi trả nhà đầu tư với mức tăng phi mã như vậy, nếu như không phải là lấy tiền của nhà đầu tư này bù cho nhà đầu tư kia theo phương thức kinh doanh đa cấp. Trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nhà đầu tư sẽ không có các chứng từ giao dịch với Vitae, nên nhà đầu tư sẽ chắc chắn lãnh phần thiệt hại.
Vì vậy, một lần nữa người lưu ý cảnh giác trước những lời quảng cáo mật ngọt của cái gọi là mạng xã hội phân quyền hay đầu tư 4.0.
- Vụ Gold Time: Bộ công an chính thức khởi tố vụ án kinh doanh đa cấp trái phép, gần 1 nghìn tỷ bị chiếm đoạt và 360 nghìn nạn nhân
- Không chỉ Gold Time mà còn rất nhiều công ty đa cấp với bánh vẽ lợi nhuận 90% đang bùng nổ
Annie