Tháng 6 năm nay, Facebook đã công bố kế hoạch ra mắt một loại tiền điện tử có tên là Libra. Tuy nhiên, công ty đã chứng kiến một phản ứng dữ dội, khi các nhà quản lý và phương tiện truyền thông lên tiếng chỉ trích dự án vì nhiều lý do. Hãy cùng khám phá ít nhất năm lý do tại sao Libra có thể sẽ không được phát hành – điều được coi là hoàn toàn có thể trong cộng đồng tiền kỹ thuật số.
Áp lực về pháp lý
Không mất nhiều thời gian để dự án tiền điện tử trong tương lai của Facebook thu hút sự chú ý của các nhà quản lý. Nhưng thật không may, phần lớn sự chú ý đó lại khá tiêu cực.
Bộ trưởng tài chính Pháp và một thành viên người Đức của Nghị viện châu Âu là một trong những người đầu tiên phản ứng, kêu gọi thảo luận về Libra. Hơn nữa, cả hai quốc gia đều đồng ý chặn dự án, tuyên bố rằng “không có thực thể tư nhân nào có thể đòi quyền lực tiền tệ, vốn thuộc về chủ quyền của các quốc gia”.
Nhiều tháng sau, tình hình xoay quanh Libra đã trở nên tồi tệ hơn và nó đã gây chú ý cho thị trường tiền điện tử nói chung. Các thành viên G20 được khuyến khích nói rõ quan điểm của họ về vấn đề này, vì các quan chức cho rằng dự án của Facebook không thể đối phó được với tất cả các thách thức pháp lý.
Mất đi những người ủng hộ quan trọng
Khi được công bố lần đầu tiên, Hiệp hội Libra có tổng cộng 28 thành viên. Các công ty có tầm ảnh hưởng như MasterCard, Visa, Spotify và Uber nằm trong số những người ủng hộ ban đầu của dự án. Nhưng thật đáng tiếc cho Facebook, lập trường tiêu cực của các nhà quản lý trên toàn cầu đã đặt ra mối nghi ngờ về tương lai của dự án, và sau đó nó đã mất đi những người ủng hộ quan trọng.
PayPal là cái tên đầu tiên rút lui và Visa, MasterCard và eBay cũng tiếp bước ngay sau đó. Công ty xử lý thanh toán Stripe cũng ngừng tham gia, tiếp đến là hệ thống thanh toán Mỹ Latinh Mercado Pago.
Không cần phải nói, việc mất đi những người ủng hộ quan trọng gây áp lực lớn cho dự án, và mặc dù các quan chức Libra đã nói rằng họ sẽ tiếp tục làm việc theo kế hoạch, nhưng niềm tin vào nó đang trở nên yếu hơn đáng kể.
Lừa đảo, gian lận, vấn đề pháp lý
Là một gã khổng lồ phương tiện truyền thông xã hội, đứa con tinh thần tiền điện tử của Facebook đã mang lại sự chú ý đặc biệt cho chính nó ở các khía cạnh khác. Mặc dù thông báo chính thức tuyên bố cụ thể rằng Libra sẽ ra mắt không sớm hơn năm 2020, song điều đó đã không ngăn chặn được những kẻ lừa đảo lợi dụng người tiêu dùng. Calibra.com là trang web chính thức của dự án tuy nhiên, Libra coin đã bị bán cho công chúng trên một trang web khác.
Thêm vấn đề pháp lý nữa đến từ một công ty bảo hiểm của Israel có cùng tên – Libra. Họ đã gửi một thông báo cho gã khổng lồ truyền thông xã hội, tuyên bố rằng họ sở hữu tất cả các quyền liên quan đến nhãn hiệu “Libra”. Facebook đã trả lời bằng cách nói rằng họ sở hữu chúng, và đề cập đến một nhãn hiệu khác – Libra Association, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ và thuộc sở hữu của Facebook.
Sẽ rất đáng chú ý để xem vụ việc diễn ra như thế nào, vì nó khá rõ ràng rằng tên của đồng tiền điện tử được dự định là Libra chứ không phải Libra Association.
Lịch sử bê bối của Facebook
Một trong những vấn đề quan trọng nhất được đưa ra bởi các cơ quan giám sát quy định liên quan đến nhiệm vụ của Libra, là dữ liệu riêng tư và sự an toàn của người dùng. Và có thể nói rằng Facebook có một lịch sử “phong phú” về các vụ bê bối, và thậm chí nó đã bị phạt 5 tỷ đô la sau cuộc chiến riêng tư với Washington.
Mark Zuckerberg, CEO của Facebook tại phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ.
Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg, đã làm chứng trước Quốc hội sau vụ rò rỉ dữ liệu tai tiếng Cambridge Analytica (hơn 80 triệu hồ sơ người dùng bị lợi dụng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016), và ông thậm chí còn thừa nhận rằng có thể cần phải có các quy định đúng về bảo mật. Liên minh châu Âu cũng có lập trường đó, tạo ra Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).
Các vấn đề về cấu trúc với bản thân tiền điện tử
Ngoài tất cả những điều trên, Libra có một số vấn đề cấu trúc vốn có nói chung.
Samson Mow, Giám đốc điều hành của Blockstream, đã chỉ ra rằng “Libra không thể trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người, và nó có thể được mở và đóng cùng một lúc”.
Những bình luận của ông theo sau tuyên bố này từ người đứng đầu Libra, David Marcus:
“Chúng tôi đã mở nguồn cho nó, và kết quả là nó không thuộc về chúng tôi nữa. Bây giờ nó thuộc về cộng đồng và họ sẽ giúp xây dựng code và chúng tôi sẽ từ bỏ quyền kiểm soát đối với cả codebase và mạng lưới thông qua quy trình.”
Điều này mâu thuẫn trực tiếp với một tuyên bố khác của Marcus, rằng “các ví sẽ thi hành các lệnh trừng phạt do quỹ và bộ máy an ninh quốc gia của chúng tôi lãnh đạo”.
Marcus trước đây đã tuyên bố rằng mọi người sẽ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với số tiền đó, miễn là họ “có quyền sử dụng hợp pháp sản phẩm này”. Đương nhiên, điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, Hiệp hội Libra có thể quyết định rằng một việc sử dụng nào đó là không hợp pháp và đóng băng tiền của người dùng hoặc loại bỏ hoàn toàn chúng.
Nói cách khác, bên cạnh áp lực pháp lý mà Facebook hiện đang phải đối mặt, có vẻ như khái niệm chung về Libra cần rất nhiều sự nghiên cứu thêm và đánh bóng.
Và nếu tất cả những điều trên vẫn chưa đủ, thì chính Facebook mới đây đã cảnh báo các nhà đầu tư của mình rằng Libra có thể sẽ không bao giờ ra mắt.
- Cách thức quản lý của Tổng thống Donald Trump đã làm chệch hướng đợt Bull Run 2017 của Bitcoin
- 3 lý do gây nên flash crash Bitcoin vào tối hôm qua – Và điều gì tiếp theo cho BTC?
Hòa Thân
Tạp Chí Bitcoin