Consumers’ Research, một tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã công bố báo cáo vào ngày 12 tháng 9, đưa ra cảnh báo về Tether, nhà phát hành stablecoin hàng đầu. Tổ chức này chỉ trích Tether vì thiếu minh bạch trong việc công bố dự trữ đồng USDT của mình.
Theo báo cáo, Tether vẫn chưa thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện từ một công ty kiểm toán có uy tín về các khoản dự trữ đồng USD, vốn được cho là dùng để đảm bảo cho USDT. Điều này đi ngược lại với những cam kết nhiều lần trước đó của Tether về việc sẽ kiểm toán nguồn dự trữ.
Nhóm nghiên cứu của Consumers’ Research cho rằng sự thiếu minh bạch này tương tự với các vấn đề dẫn đến sự sụp đổ của FTX và Alameda Research.
Sự thiếu kiểm toán của Tether và lịch sử các tuyên bố sai lệch
2017: Tether hứa hẹn sẽ thực hiện một cuộc kiểm toán đầy đủ.
2018: Tether công bố một báo cáo từ một công ty luật, không phải công ty kiểm toán, khẳng định rằng USDT được bảo chứng hoàn toàn bằng USD.
2018: Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tiến hành điều tra về việc liệu các nhà giao dịch có thao túng thị trường tiền điện tử bằng cách sử dụng Tether và Bitfinex hay không.
2019: Bang New York phát hiện rằng Tether đã chuyển hàng trăm triệu đô la để che giấu khoản lỗ 850 triệu USD của khách hàng.
2021: Tether bị buộc phải ngừng hoạt động giao dịch tại New York và trả 18,5 triệu USD tiền phạt.
2022: Tether dàn xếp các cáo buộc xuất phát từ các tuyên bố sai lệch về việc bảo chứng USDT bằng USD với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
2022: Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) phạt công ty luật đã tuyên bố USDT được bảo chứng bằng USD do vi phạm quy trình kế toán.
2024: Tether chưa hoàn thành bất kỳ cuộc kiểm toán độc lập nào.
Đi kèm với báo cáo, nhóm đã gửi một lá thư ngỏ đến các thống đốc bang trên khắp nước Mỹ, nêu bật mối lo ngại về sự thiếu minh bạch của Tether. Họ cũng triển khai các chiến dịch quảng cáo trên sóng radio và lập ra một trang web chuyên giải thích các cáo buộc này một cách chi tiết.
Trong kết luận, tổ chức này cáo buộc Tether đã “làm ăn với các đối tác không minh bạch” và không ngăn chặn hiệu quả việc USDT bị sử dụng bởi các tổ chức phi pháp để né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Phản hồi từ Tether
Vào tháng 1, Howard Lutnick, CEO của Cantor Fitzgerald – công ty quản lý danh mục chứng khoán của Tether tại Hoa Kỳ – đã lên tiếng trấn an công chúng về dự trữ tiền mặt của Tether. Ông Lutnick khẳng định: “Dựa trên những gì chúng tôi đã nghiên cứu, và chúng tôi đã làm rất kỹ lưỡng, họ thực sự có số tiền như đã công bố.”
Để tăng cường tính minh bạch, vào tháng 7, Tether đã thuê Philip Gradwell, cựu kinh tế trưởng của Chainalysis, để cung cấp các báo cáo về việc sử dụng USDT. Những báo cáo này sẽ được cung cấp cho các cơ quan quản lý và nhà đầu tư tại Hoa Kỳ nhằm làm rõ cách thức mà stablecoin này đang được sử dụng.
Tháng 8 vừa qua, CEO Tether, Paolo Ardoino, cũng thông báo rằng công ty đã hỗ trợ hơn 145 cơ quan thực thi pháp luật thu hồi 108,8 triệu USD USDT liên quan đến các hoạt động phi pháp kể từ năm 2014.
Trong nửa đầu tháng 9, Tether còn công bố hợp tác với Tron để ra mắt đơn vị chống tội phạm tài chính “T3 Financial Crime Unit.” Đơn vị này sẽ hỗ trợ xác định và đóng băng các giao dịch USDT phi pháp trên mạng lưới Tron — mạng blockchain lớn nhất hiện nay cho giao dịch USDT.
Tham gia Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- CEO Ardoino công bố kế hoạch 2024 cho Tether
- Nguồn cung USDT của Tether vượt 115 tỷ đô la trong bối cảnh thị trường tiền điện tử hồi sinh
- Paolo Ardoino: Tether chọn vàng để bảo chứng cho đồng đô la tổng hợp mới vì tính ổn định cao hơn Bitcoin
- Tether đầu tư 100 triệu USD vào công ty nông nghiệp Adecoagro
Vương Tiễn
Theo Cointelegraph