Trong “cơn sốt” đầu tư tiền ảo Nguyễn Thị Vân cũng nhanh chóng nhập cuộc, tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch tiền ảo trên mạng. Tuy nhiên, tiền ảo đã khiến Vân mất rất nhiều tiền thật. Đầu tư ngày càng thua lỗ cùng với sức ép của việc trả nợ nên Vân nảy sinh ý định lừa đảo.
Chiêu trò tinh vi
Nguyễn Thị Vân (SN 1988), quê xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương nhưng cùng chồng con thuê phòng trọ sinh sống ở phường Trung Đô, TP Vinh. Sau thời gian làm nghề tự do, khoảng giữa năm 2019 Vân tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch tiền ảo trên mạng Internet. Nhưng càng đầu tư, Vân càng thua lỗ nặng. Không dừng lại, người phụ nữ này tiếp tục vay mượn tiền để đầu tư nhưng mất sạch. Trước sức ép của việc trả nợ cùng tâm lý muốn tiếp tục đầu tư vào tiền ảo nên Vân nảy sinh ý định lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản cho khách hàng.
Theo đó, Vân tiếp cận nhiều bị hại, đưa ra thông tin mình có mối quan hệ quen biết với nhiều khách hàng làm nghề kinh doanh xe máy, ô tô cũ hoặc vận chuyển hàng hóa có nhu cầu chuyển tiền lớn. Sau đó, Nguyễn Thị Vân sử dụng 12 tài khoản ngân hàng của bản thân, bạn bè và người thân lừa dối là tài khoản của khách hàng kinh doanh, buôn bán để các bị hại tin tưởng giao tiền cho Vân làm dịch vụ chuyển tiền cho khách. Vân thỏa thuận với các bị hại được trả phí dịch vụ số tiền chuyển đi là 3 nghìn đồng/1 triệu đồng. Số tiền có được, Vân sẽ chuyển trả một phần tiền gốc và tiền phí dịch vụ để tạo niềm tin đối với các bị hại, số tiền còn lại thì trả nợ và tiếp tục đầu tư tiền ảo nhưng bị thua lỗ và mất khả năng thanh toán.
Bị cáo Vân rơi nước mắt khi vị đại diện Viện kiểm sát nhắc đến chồng con.
Một trong những bị hại mà Vân lừa đảo là chị Đinh Thị L., trú TP Vinh. Thông qua mối quan hệ quen biết, mua bán sim thẻ điện thoại nên khoảng tháng 9/2020 Vân nảy sinh ý định lừa chiếm đoạt tiền của chị này. Khi gặp gỡ, Vân giới thiệu bản thân làm dịch vụ chuyển tiền và có quen biết nhiều khách hàng làm kinh doanh lớn có nhu cầu chuyển tiền nhiều.
Để chị L. tin tưởng, Vân sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng đăng ký tên của người thân, bạn bè của Vân và giới thiệu đó là tài khoản của các khách hàng kinh doanh, buôn bán. Vân còn thuyết phục chị L. với thỏa thuận hưởng chi phí dịch vụ là 3 nghìn đồng/1 triệu đồng.
Trong thời gian 1 năm (từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021) việc giao nhận tiền diễn ra dưới hình thức chuyển khoản ngân hàng. Chị L. đã nhiều lần chuyển cho Vân hơn 431 tỷ đồng. Nguyễn Thị Vân đã chuyển trả lại cho chị L. hơn 426 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Vân chiếm đoạt của chị L. là hơn 4,4 tỷ đồng. Thực tế, Vân đã sử dụng số tiền gốc của chị L. giao cho để chi trả xoay vòng cho nhiều người khác và đầu tư vào mua bán tiền ảo trên mạng nhưng vẫn tiếp tục thua lỗ.
Đối với các bị hại khác, Nguyễn Thị Vân cũng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng hình thức tương tự. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2021 Nguyễn Thị Vân đã thực hiện 7 hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8/2021, lo sợ các chủ nợ đòi tiền, Vân đã tắt liên lạc, bỏ trốn khỏi phòng trọ ở TP Vinh. Đến ngày 1/11/2021 Nguyễn Thị Vân đến công an xin đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa bị cáo Nguyễn Thị Vân ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo khai vì đầu tư tiền ảo thua lỗ nên đã thực hiện hành vi lừa đảo như cáo trạng truy tố. Số tiền chiếm đoạt được, bị cáo đã sử dụng vào đầu tư tiền ảo, chi trả xoay vòng tiền gốc và trả tiền dịch vụ. Về số tiền có được từ lừa đảo, bị cáo khai đã chi tiêu hết và hiện “không có khả năng thanh toán cho các bị hại”. Nữ bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm việc, trả lại tiền cho các bị hại.
Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa đây là vụ án mà cơ quan tố tụng phải gian nan, vất vả trong vấn đề xác minh. Việc điều tra kéo dài cả năm trời bởi nhiều bị hại, số tiền lớn. Quá trình sao kê các tài khoản ngân hàng của bị cáo cho thấy, một ngày bị cáo thực hiện rất nhiều giao dịch nhận, chuyển tiền cũng như đầu tư vào các sàn chứng khoán, sàn đầu tư tiền ảo. Các giao dịch nhiều đến nỗi chính bị cáo cũng không nhớ hết số tiền bao nhiêu. Số tiền này không phải là mồ hôi, nước mắt của bị cáo nên bị cáo cũng không kiểm soát.
Suốt phiên tòa, hầu như bị cáo không bộc lộ cảm xúc gì đặc biệt. Chỉ khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa nhắc tới người chồng thương vợ hết mực và đứa con nhỏ từ nay thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, nữ bị cáo này lặng lẽ rơi nước mắt. Nữ bị cáo quay người, cúi đầu xin lỗi bị hại và người thân của mình. Một số người thân được triệu tập đến tòa với tư cách người có liên quan cũng rơi nước mắt.
Hội đồng xét xử nhận định trong vụ án này, bị cáo Vân đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn nên cần đưa ra hình phạt nghiêm khắc để có tính răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, việc bị cáo đã chủ động đầu thú, khắc phục được một phần thiệt hại cho các bị hại, gia đình có công với cách mạng, quá trình điều tra, xét xử thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Vân tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về dân sự, tòa buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại (được trừ đi số tiền đã bồi thường trước đó).
Tìm bị hại vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị các cá nhân là người bị hại trong vụ án đầu tư tiền ảo đến cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội để tố giác, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan.
Từ năm 2019 đến 2020, Phan Ngọc Vũ (SN 1979, thường trú 43 Nguyễn Công Trứ, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Phan Ngọc Thạch (SN 1991, thường trú Buôn Ju, xã Eatu, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã thuê một số đối tượng lập trình 1 số website.
Sau đó, Thạch và Vũ tổ chức các buổi hội thảo đưa ra các thông tin sai sự thật, giới thiệu là đại diện của Công ty CSE Singapore là đơn vị phát hành các loại tiền ảo CSE, CS9 và dụ dỗ người bị hại tham gia đầu tư tiền để mua CSE, CS9 nhận hưởng lãi suất. Khi tham gia đầu tư sẽ được cấp thiết bị có tính năng đào tiền ảo CSE, CS9.
Quá trình điều tra xác định các đối tượng sử dụng tài khoản mang tên Phan Ngọc Thạch mở tại Ngân hàng Techcombank để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đề nghị các cá nhân là người bị hại trong vụ án nêu trên đến Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội (qua Đội Phòng ngừa, đấu tranh, hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự – Công an TP Hà Nội. Địa chỉ liên hệ: Số 90 phố Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội, hoặc liên hệ trực tiếp đồng chí điều tra viên Cao Tuấn Nghĩa, ĐT: 0943908989 để tố giác, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án.
Tại Vĩnh Phúc, một đối tượng trốn truy nã từ năm 2012 vừa bị Công an huyện Vĩnh Tường bắt giữ.
Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1990, trú tại xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường). Trước đó vào năm 2010, Nguyễn Văn Đồng phạm tội cố ý gây thương tích, bị Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Tường tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam. Trong thời gian chờ thi hành án, Đồng đã trốn sang nước ngoài, bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Tường ra quyết định truy nã vào ngày 26/10/2012. Cuối năm 2021, Đồng về Việt Nam và tiếp tục lẩn trốn ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam.
Trong hơn 10 năm qua, lực lượng Công an huyện Vĩnh Tường vẫn kiên trì triển khai các biện pháp nghiệp vụ lần theo dấu vết của đối tượng. Đến ngày 08/01/2023 đã bắt giữ được Nguyễn Văn Đồng khi đối tượng đang lẩn trốn tại địa bàn xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Nữ kế toán trưởng chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng để “bù lỗ” tiền ảo
- Thủ tướng Phạm Minh Chính cực kỳ lo ngại về giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số dù chưa được công nhận
Nguồn: T/H