Thời gian gần đây, hàng loạt sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối (forex) trái phép, chứng khoán quốc tế đã bị cơ quan chức năng đánh sập hoặc “tự sập” khiến các nhà đầu tư thiệt hại cả nghìn tỉ đồng. Đến bây giờ, nhiều nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục gửi đơn tới cơ quan công an. Tuy nhiên, các sàn khác vẫn tiếp tục quảng cáo, mời gọi nhà đầu tư tham gia.
Chị Thùy Dương cũng là một trong số những nhà đầu tư xấu số, đã mất sạch tiền chỉ trong 1 tháng sau khi đầu từ hàng tỷ đồng vào “sàn ngoại hối quốc tế”.
Giữa tháng 8/2021, chị Dương nhận được cuộc gọi từ môi giới viên mời “đầu tư chứng khoán quốc tế”. Theo quảng cáo, “sàn có giấy chứng nhận từ Anh và được kiểm định, đánh giá chất lượng với điểm số cao”. Chỉ cần nạp tiền VNĐ, tài khoản sẽ tự động quy đổi ra USD để “nhập sàn” thế giới. Họ cam kết tài khoản sẽ tăng trưởng 50-70%, nhà đầu tư sẽ lời 2-7% mỗi ngày và rút tiền nhanh trong 4-8h. Nhà đầu tư được tư vấn “1-1” trong suốt quá trình đặt lệnh để tránh rủi ro.
Nhóm các cô gái nêu quan điểm về hoạt động của một sàn giao dịch, phố Nguyễn Hoàng, ngày 17/2.
Sau gần hai tháng được nhân viên môi giới tư vấn về cách thức giao dịch và những sức hút so với các loại đầu tư khác, chị Dương quyết định “xuống tiền”. Chị được hướng dẫn tải phần mềm để thực hiện các giao dịch trên sàn Sxxx. Lần đầu tiên, chị nạp hơn 1,1 tỷ đồng bằng cách chuyển tiền sang tài khoản của một công ty thanh toán trung gian.
Vài phút sau khi chuyển tiền, tài khoản của chị hiện lên 50.000 USD để bắt đầu giao dịch. Sau hai ngày có lãi, vừa bước sang ngày thứ 3, tài khoản của chị “lỗ chóng mặt”.
“Nghĩ xót tiền và muốn gỡ lại phần đã mất, tôi tiếp tục nạp thêm 55.000 USD để tất tay. Sau đó tôi được rút lãi 3 lần với khoảng 900 USD”, Dương nói.
Được nhân viên môi giới mời gọi, chị Dương tiếp tục gia tăng tài khoản lên 240.000 USD (khoảng 5,3 tỷ đồng). Chị được tham gia vào một nhóm tư vấn, gồm nhiều nhà đầu tư tương tự như chị, dưới sự dẫn dắt của môi giới viên. Mọi giao dịch chị làm theo tư vấn của người môi giới.
Sau đó, chị chứng kiến số tiền trong tài khoản giảm liên tục, không một ngày có lợi nhuận. Có hôm vào ngày nghỉ, dù không thực hiện giao dịch, tài khoản của chị “bay” mất vài nghìn USD. Đêm 19/9/2021, tài khoản của chị Dương hiển thị âm tiền.
“Lúc này tài khoản vẫn vào được nhưng do bị mất sạch tiền nên không thực hiện được các giao dịch. Cùng lúc, mọi liên lạc với nhân viên môi giới bị gián đoạn. Biết là bị lừa, tôi chỉ kịp ghi hình lại trước khi các dữ liệu trong tài khoản bị xoá sạch”, Dương kể.
Theo chị Dương, sàn giao dịch này đặt lệnh như chứng khoán Việt Nam nhưng thực chất là dạng chơi Forex (thị trường ngoại hối quốc tế). Chị nghi ngờ dù tài khoản có tên đăng nhập và mật mã nhưng công ty quản lý có thể vào được để can thiệp các vấn đề, đánh “cháy sạch tiền”.
Cả tháng nay, chị Dương cùng nhóm 51 nhà đầu tư cầu cứu khắp nơi với hy vọng đòi lại hơn 50 tỷ đồng.
Tài khoản của chị Lan Anh luôn âm. Nguồn: Nhân vật cung cấp
Cũng giống chị Dương, chị Lan Anh, trú Hoàn Kiếm, Hà Nội, cũng mất sạch 138.000 USD (hơn 3,1 tỷ đồng) trong nửa tháng. Tròn một năm trước, chị Lan Anh nhận được cuộc gọi của nhân viên hệ thống sàn Gxxx mời đầu tư trên sàn giao dịch Axxx. Sau vài lần từ chối, nhân viên môi giới tìm đến tận nhà mời chào nên chị Lan Anh quyết định đầu tư.
Chị được môi giới nói nếu nạp đủ 100.000 USD sẽ được chuyên gia giỏi nhất sàn với 15 năm kinh nghiệm “sát cánh” cùng và được miễn phí giữ lệnh qua đêm. Sau khi nạp trước 50.000 USD, chị Lan Anh được một người hướng dẫn đặt lệnh.
Sau vài lần chơi, chị bị âm tài khoản và được gợi ý nếu muốn gỡ thì nạp thêm tiền chơi tiếp. Là dân kinh doanh nhiều năm, song nghĩ lại chị Lan Anh “không hiểu sao lúc đó lại nghe theo” và nạp liên tiếp hai lần với tổng số tiền là 138.000 USD.
“Đỉnh điểm là đêm 3/4/2021, dù vào ngày cuối tuần, các phiên giao dịch dừng hoạt động nhưng sàn Axxx vẫn tự động khớp lệnh làm âm tài khoản, lúc này mới biết bị lừa đảo nhưng không thể liên lạc được với người hướng dẫn”, chị Lan Anh kể. Sau nhiều tháng cầu cứu khắp nơi, chị đòi lại được khoảng 900 triệu đồng tiền mặt.
Theo chị Lan Anh, trong nhóm chị “có hai người tự tử sau khi bị mất sạch tiền, đòi khắp nơi không được. Nhiều người phải sống trong cảnh chui lủi, bị xã hội đen truy lùng đòi nợ”.
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội cho biết, Việt Nam có hàng trăm sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Các sàn thường cho nhân viên môi giới mời chào, lôi kéo bằng cách gọi điện thoại, liên lạc qua mạng xã hội. Chúng giới thiệu các dự án có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với sàn giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới với lãi suất cam kết 15-30% một tháng.
Thời gian đầu, chúng thường để người chơi thắng, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để “con mồi” đánh các lệnh lớn dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản. Các sàn Forex sẽ được chúng cài đặt để can thiệp vào tài khoản của khách. Admin có thể tự đặt lệnh trong tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ, khoảng giá mua và bán hay thậm chí là “đánh cháy” sạch tiền trong tài khoản của khách hàng.
Cuối tháng 3/2021, Công an Hà Nội từng triệt phá bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và bắt giữ 26 nghi phạm để điều tra tội Sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 290 Bộ luật Hình sự.
Thông tin mù mờ và nhà đầu tư luôn bị thiệt
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính – Maketing) cho rằng nhà đầu tư không có thông tin để kiểm chứng các doanh nghiệp tại Việt Nam có đích thực đóng vai trò trung gian cho sàn giao dịch ngoại hối nước ngoài hay không. Thế nên, việc giao dịch vàng, tiền tệ, cổ phiếu thông qua các công ty này có thể dính bẫy lừa đảo.
“Giả sử việc giao dịch với sàn ngoại hối quốc tế là có thật nhưng hệ thống hoạt động đều do các sàn này tự thiết lập, nếu xảy ra sai lệch hoặc mất hết dữ liệu thì nhà đầu tư sẽ kêu cứu ai?”
Một số chuyên gia tài chính khác khẳng định bản chất của những sàn giao dịch được quảng cáo là quốc tế thực chất là lừa đảo. Chủ sàn mời gọi nhà đầu tư tham gia, chuyển khoản VNĐ để đổi sang đơn vị ngoại tệ, tiền kỹ thuật số nhưng đơn vị ngoại tệ này các sàn tự định nghĩa, không đăng ký cơ quan quản lý, không có gì bảo đảm…, chứ không phải các sàn forex quốc tế đúng nghĩa.
“Nếu là forex thật thì biến động theo tỉ giá các đồng ngoại tệ, lên xuống có lời, lỗ với biên độ thị trường và nhà đầu tư phải rút được tiền. Còn ở những sàn ngoại hối bị sập hoặc bị đánh sập thời gian qua, nhà đầu tư thường bị khóa tài khoản, không rút được tiền” – một chuyên gia tài chính phân tích.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đưa ra những dấu hiệu của một sàn giao dịch lừa đảo: Các hình thức đầu tư không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền; không có giấy phép, kể cả giấy phép quốc tế hoặc từ các nước khác hoặc chỉ có giấy phép không liên quan để lĩnh vực forex, tiền kỹ thuật số… Các sàn cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền.
“Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường. Những mức lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất ngân hàng thường sẽ có “mùi” lừa đảo. Trong khi những chi tiết cụ thể về cách thức đầu tư, kinh doanh để trả lãi cho người chơi đều được giữ bí mật hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp.
Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ. Người tham gia hầu như không thể rút được tiền gốc, chỉ được trả lãi trong giai đoạn đầu để kích thích lòng tham, nạp thêm tiền và sau đó bị đánh sập” – chuyên gia Phan Dũng Khánh cảnh báo.
Chuẩn bị tâm lý trắng tay
Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo rủi ro khi giao dịch các sàn ngoại hối, khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước những lời quảng cáo đường mật lợi nhuận “khủng” của các hình thức kinh doanh ngoại hối;… Thế nhưng, nhiều người vẫn lao vào đầu tư cho đến khi mất hết tài sản, thậm chí là cả số tiền vay mượn.
Nhìn ở góc độ quản lý của các nước, TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh), cho hay ở một số nước, việc quản lý những sàn ngoại hối không phép cũng là vấn đề chưa có hướng xử lý triệt để. Đây là một lĩnh vực không dễ với cơ quan quản lý bởi khi sàn giao dịch ngoại hối mới mở ra, không ai có thể biết sàn nào lừa đảo, sàn nào không? Ngay cả những sàn lớn, tưởng là uy tín vẫn có thể biến mất rất nhanh khi tiền kỹ thuật số biến động mạnh một cách bất ngờ.
“Cơ quan quản lý của Mỹ, Anh cũng cảnh báo người dân nếu chơi những kênh đầu tư này phải chuẩn bị tâm lý có rủi ro mất trắng 100%. Với Việt Nam, nhà nước có thể tiếp tục tuyên truyền kiến thức về tài chính cá nhân, để người dân không đi vay mượn đầu tư vào những kênh rủi ro quá lớn như vậy”.
Chuyên gia kinh tế – TS Huỳnh Trung Minh nhận định các sàn giao dịch ngoại hối thường hoạt động theo mô hình đa cấp và đang có xu hướng “mở sỉ”, sập sàn này mọc lên sàn khác, tiếp tục lấy dữ liệu của nhà đầu tư mời gọi tham gia với lời hứa “gỡ gạc”.
“Ở góc độ cơ quan quản lý, có thể kiểm soát bằng việc chặn tận gốc những sàn giao dịch ngoại hối trái phép, có dấu hiệu lừa đảo đang ngày ngày mời gọi người chơi qua gọi điện, nhắn tin… Ngay việc chuyển tiền giao dịch giữa nhà đầu tư với sàn giao dịch ngoại hối trái phép, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại không cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoặc phát hiện những giao dịch đáng ngờ, giám sát các giao dịch chuyển tiền về ngoại hối”.
Riêng với dấu hiệu lừa đảo ở các sàn giao dịch ngoại hối, theo nhiều chuyên gia kinh tế, bất cứ cái gì cam kết lời nhiều mà chắc chắn thắng thì nhiều khả năng là lừa đảo.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Chủ sàn tiền ảo TcbTrade.com bị công an Hà Nam bắt giữ do lừa đảo chiếm đoạt 55 tỷ đồng của hàng nghìn nhà đầu tư
- Sàn giao dịch tiền ảo Wefinex bị chặn, hàng trăm tỷ đồng “bay màu”
Nguồn: T/H