Khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI) có thể bắt nguồn từ thời cổ đại và truyền thuyết về những sinh vật nhân tạo được ban cho ý thức, chẳng hạn như golem trong văn hóa dân gian Do Thái. Golem, theo thần thoại, là những sinh vật được tạo ra từ những chất vô tri vô giác như đất sét, được trao sự sống bằng một loại thần chú kỳ bí nào đó.
Những năm 1950: Alan Turing
AI thời hiện đại bắt nguồn từ những chiếc máy tính đầu tiên vào giữa thế kỷ 20 và với những người tiên phong như các nhà toán học, nhà mật mã học và nhà khoa học máy tính người Anh Alan Turing. Trong bài báo năm 1950 “Máy tính và Trí thông minh”, Turing đã đặt ra một câu hỏi: liệu máy móc có thể sử dụng thông tin và lý trí để giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định giống như con người hay không? Ở nhiều góc độ, câu hỏi này vẫn đang định hướng cho những nỗ lực hiện đại nhằm tạo ra và cải tiến các công nghệ AI.
Trong suốt cuộc đời của Turing, những hạn chế về công nghệ đã cản trở đáng kể tiềm năng phát triển của AI. Máy tính thì rất hiếm, cực kỳ đắt đỏ (có giá lên tới 200.000 đô la mỗi tháng vào những năm 1950) và vô cùng thô sơ so với phần cứng hiện đại. Một vấn đề quan trọng đối với thế hệ của Turing là các máy tính vào thời điểm đó chỉ có thể thực hiện các câu lệnh chứ không thể lưu trữ chúng. Máy tính có thể thực hiện các chức năng nhưng vẫn chưa thể ghi nhớ chúng đã làm gì.
Những năm 1950: Logic Theorist
Một trong những chương trình AI đầu tiên có tên là Logic Theorist, được phát triển vào giữa những năm 1950 bởi Allen Newell, Cliff Shaw và Herbert Simon. Logic Theorist là một chương trình máy tính có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để chứng minh các định lý toán học. Ngoài việc là một bước tiến công nghệ đột phá cho AI, Logic Theorist còn có tác động kéo dài hàng thập kỷ đối với lĩnh vực tâm lý học nhận thức.
Những năm 1960 đến 1980: Công nghệ phát triển và ra mắt các chương trình AI tiếp theo
Trong những năm 1960 và 1970, công nghệ điện toán phát triển nhanh chóng. Máy tính đã có thể xử lý nhanh hơn và lưu trữ nhiều thông tin hơn. Điều quan trọng hơn là chúng đã dần trở nên phổ biến hơn, dễ tiếp cận hơn và ít tốn kém hơn. Theo chân Newell, Shaw và Simon, các nhà khoa học máy tính thời kỳ đầu khác đã tạo ra các thuật toán và chương trình mới có khả năng hướng tới các nhiệm vụ và vấn đề cụ thể tốt hơn. Chúng bao gồm ELIZA, một chương trình của Joseph Weizenbaum được thiết kế như một bộ xử lý ngôn ngữ tự nhiên ban đầu.
Một trong những lý do dẫn đến thành công của AI trong giai đoạn này là sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) và các tổ chức học thuật hàng đầu. Sự hỗ trợ này, cùng với tốc độ phát triển của công nghệ AI đã khiến các nhà khoa học như Marvin Minsky dự đoán vào năm 1970 rằng một cỗ máy có “trí thông minh chung của một con người bình thường” chỉ còn từ ba đến tám năm nữa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại phải vượt qua trước khi có thể đạt được mục tiêu này. Các nhà khoa học máy tính đã phát hiện ra rằng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khả năng tự nhận dạng, tư duy trừu tượng và các kỹ năng cụ thể khác của con người rất khó để tái hiện bằng máy móc. Và việc thiếu sức mạnh tính toán của máy tính vào thời điểm đó vẫn là một rào cản lớn.
Vào những năm 1980, những bước phát triển mới trong cái gọi là “học sâu” đã cho phép máy tính tận dụng kinh nghiệm để học hỏi các kỹ năng mới. Các hệ thống chuyên gia, do Edward Feigenbaum đưa ra, có thể bắt đầu sao chép các quá trình ra quyết định của con người.
Những năm 1990: Deep Blue
Một trong những ví dụ nổi bật nhất về AI tính đến nay là vào năm 1997, khi chương trình máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới và đại kiện tướng Gary Kasparov. Kết quả trận đấu được công bố rộng rãi, đưa AI đến với công chúng theo cách chưa từng có trước đây. Đồng thời, phần mềm nhận dạng giọng nói đã phát triển đến mức có thể được tích hợp trong hệ điều hành Windows. Năm 1998, AI đã có một bước tiến quan trọng khác vào đời sống công chùng khi Furby, rô-bốt đồ chơi “thú cưng” đầu tiên, được ra mắt.
Những năm 2000: Robot hình người, Ô tô không người lái
Vào đầu những năm 2000, một số robot hình người đã đưa AI đến gần hơn với khoa học viễn tưởng. Kismet, một robot có khuôn mặt như con người, có thể nhận biết và mô phỏng cảm xúc, được ra mắt vào năm 2000. Honda cũng cho ra mắt một robot hình người tương tự có tên ASIMO trong cùng năm. Vào năm 2009, Google đã phát triển một nguyên mẫu ô tô không người lái, mặc dù mãi sau này tin tức về bước đột phá này mới xuất hiện.
Những năm 2010 cho đến nay
Trong khoảng một thập kỷ qua, các công nghệ và ứng dụng AI phát triển với tốc độ chóng mặt. ImageNet, lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2007, là một cơ sở dữ liệu mạnh mẽ về các hình ảnh chú thích được sử dụng để đào tạo các chương trình AI. Các ứng dụng AI được công bố rộng rãi đã xuất hiện trong game show nổi tiếng Jeopardy!, trò chơi điện tử và thậm chí cả iPhone khi nó phát hành trợ lý ảo Siri vào năm 2011. Alexa của Amazon, Cortana của Microsoft và các chương trình hay công cụ AI khác đã góp phần giúp cho công nghệ này trở nên phổ biến hơn.
Giờ đây, trong thời đại internet vạn vật (IoT), người ta có thể tìm thấy AI ở mọi nơi. Các phương tiện không người lái, công cụ máy học, chatbot, trợ lý ảo và nhiều chương trình AI khác tiếp tục được ra mắt, với tốc độ ngày càng nhanh và sức mạnh ngày càng tăng. Một trong những chương trình AI được công bố rộng rãi nhất trong lịch sử, chatbot ChatGPT, ra mắt vào cuối năm 2022 và đã nhanh chóng truyền cảm hứng cho vô số người hâm mộ cũng như các chương trình chatbot liên quan. Các nhà đầu tư đang ngày càng tập trung vào các công ty AI. Tương lai của AI có vẻ rất tươi sáng, mặc dù cũng có những người vẫn hoài nghi về các vấn đề đạo đức tiềm ẩn hoặc các mối quan ngại khác.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Microsoft đang xây dựng chip AI nội bộ “Athena”
- Tiền điện tử bị “ra rìa” khi các khoản đầu tư vào AI tăng tốc
Itadori
Theo Decrypt