Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về đồng tiền kỹ thuật số.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Làm rõ băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) về khái niệm tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành. Tuy nhiên, thay vì lưu hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu, tiền điện tử được lưu trữ trên các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay mạng máy tính…
Bên cạnh đó, tiền điện tử đòi hỏi phải có tỷ lệ 1:1 với tiền pháp định, đồng thời được phép sử dụng để thanh toán. Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư quy định về ví điện tử, thực chất chính là tiền điện tử, và thời gian tới sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm này trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với tiền ảo và tài sản ảo, chẳng hạn như đồng Bitcoin, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, đây không phải là đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Loại tiền này chỉ được thừa nhận trong một cộng đồng nhất định, thí dụ như cộng đồng game hay sàn công nghệ…
Đối với tiền ảo, mỗi nước có cách thức quản lý khác nhau. Có nước coi tiền ảo và tài sản ảo như một tài sản hay chứng khoán để áp dụng thu thuế hoặc cấp phép giao dịch. Với Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành chức năng chủ trì nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có vai trò phối hợp với các cơ quan chức năng.
Về đồng tiền kỹ thuật số, đây là đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền điện tử chứ không phải tiền giấy và tiền xu. Hiện nay, một số nước trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm loại tiền này.
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình).
“Đối với Việt Nam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước thành lập một Ban để nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số. Chúng tôi đã tổ chức họp một số phiên và bây giờ đang trong giai đoạn nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Liên quan đến tình hình triển khai dịch vụ thanh toán di động Mobile Money, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai Mobile Money. Sau gần 5 tháng, tính đến cuối tháng 3/2022, cả nước có khoảng 1,1 triệu tài khoản được mở tại các doanh nghiệp thí điểm, với lượng giao dịch đạt 8,5 triệu, tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng. Đặc biệt, các địa bàn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ghi nhận khoảng 660 nghìn tài khoản, chiếm hơn 60% tổng số tài khoản.
Ngoài ra, đã có hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo chiếm 900 điểm, tương đương 30%. Tính đến cuối tháng 3, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán dịch vụ đạt hơn 12.800.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kết quả trên cho thấy chủ trương triển khai thanh toán di động Mobile Money đã và đang đi vào cuộc sống của người dân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, các ngành sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để tổng kết thí điểm, qua đó tham mưu đề xuất về các hành lang pháp lý cũng như cách thức tổ chức sau này.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Nước ta ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam – Hội nghị thượng đỉnh Blockchain 2022 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7 tới
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đề xuất cơ chế về tiền kỹ thuật số quốc gia
Nguồn: Nhandan