Tiền điện tử có thể là tương lai cho một nền kinh tế tự do, nhưng ngay lúc này đây lại đang bị lợi dụng như một công cụ kiểm soát tự do của công dân.
Cuộc khủng hoảng gần đây tại Venezuela là ví dụ cho thấy lạm phát có thể đưa toàn bộ một đất nước trở lại cuộc sống những năm đầu thế kỉ 20. Đồng tiền Venezuela mất giá tới 1.000.000%, từ chỗ giàu nhất Nam Mỹ, kinh tế nước này dần tiến về con số 0.
Thoạt nhìn, người ta thấy trước khi khủng hoảng diễn ra, chính phủ Venezuela cho in tiền hàng loạt làm mất giá đồng tiền bolívar. Hệ quả là tiền nhiều nhưng giá trị mà nó đại diện lại không có, dẫn đến tuột giá và cuối cùng là lạm phát phi mã. Giờ đây người dân Venezuela phải sử dụng đồng USD, đồng Peso của Colombia, thậm chí trao đổi bột mì, trứng và sữa như thời công xã nguyên thủy.
Hình ảnh người dân Venezuela phải nhặt rác để tìm kiếm thức ăn khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Chỉ cách đây 20 năm thôi họ còn là giấc mơ của rất nhiều nước Mỹ La Tinh.
Người ta phát hiện trong cuộc khủng hoảng trên, một số người Venezuela đã sử dụng các đồng tiền mã hóa như Bitcoin.
Trước đó vào đầu tháng 2/2018, chính phủ Venezuela cho ra mắt đồng tiền điện tử Petro. Bởi mọi thu chi đều được ghi nhận lại qua hệ thống máy tính, chính phủ có thể kiểm soát trực tiếp mọi hoạt động giao thương của người dân.
Sự việc làm dấy lên vấn đề: Một mặt, tiền điện tử có thể được dùng để “phi tập trung hóa”, tăng quyền tư do cho công dân. Mặt khác, nó cũng là công cụ mà chính phủ dùng để giám sát hoạt động tài chính những người sử dụng. Rốt cuộc, tiền điện tử sẽ là tương lai của nền kinh tế thế giới, hay trở thành công cụ tối thượng để kiểm soát con người?
Bản chất tiền điện tử là để làm gì?
Tiền điện tử không phải ra đời để giải quyết các cuộc khủng hoảng như ở Venezuela, hay bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào. Nó giống như bất kỳ loại tiền tệ nào, cũng được sử dụng cho hoạt động bất hợp pháp, đáng chú ý là các vụ mua bán ma túy trên web đen nổi tiếng Silk Road.
Tuy nhiên, tiền điện tử cũng đưa ra giải pháp cho những nền kinh tế đang trên bờ vực khủng hoảng.
Mười năm trước, Bitcoin được giới thiệu là đồng điện tử có mã nguồn mở đầu tiên, đảm bảo phi tập trung (chống đầu cơ), trao đổi ngang giá (bình đẳng), và đã trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trên thị trường tiền điện tử.
Kiến trúc công nghệ đằng sau đồng tiền nổi tiếng này vốn được thiết kế để giải quyết các vấn đề kinh điển của tiền tệ, cũng như tối đa hóa tính năng “tiền” của nó (là vật tín chấp trao đổi ngang giá). Các tính năng đó được thể hiện qua một số đặc tính cơ hữu sau:
Đầu tiên, Bitcoin được thiết kế để hoạt động như một loại tiền mặt hơn là giao dịch ngân hàng. Khác biệt giữa tiền mặt và giao dịch ngân hàng là tiền mặt không thể bị theo dõi, hoặc rất khó. Trong khi đó các giao dịch qua thẻ đều phải có cơ quan trung gian là ngân hàng, tức dữ liệu giao dịch có thể được theo dõi và thậm chí là kiểm duyệt (cho phép hoặc không các giao dịch diễn ra).
Bitcoin được thiết kế để người dùng sử dụng như tiền mặt. Bạn có thể gửi nó trực tiếp cho người nhận mà không ngân hàng nào biết được. Tuy vậy, dữ liệu giao dịch Bitcoin lại được ghi lại trên một “sổ cái” chia sẻ cho tất cả người dùng. Mọi người dùng Bitcoin đều biết về giao dịch đã diễn ra, song tên của bạn sẽ hiển thị dưới dạng địa chỉ ví mà bạn sở hữu, không phải tên thật.
Một xưởng đào coin tại Việt Nam
Cuối cùng, nhà thiết kế Bitcoin đã làm cho nó có tính “chống gian lận”. Cực kì khó hack Bitcoin về mặt kĩ thuật. Mạng lưới Bitcoin được chia sẻ thông tin cho toàn bộ người sử dụng, tức các thông tin về lượng Bitcoin hiện có trên toàn cầu, ai đang sở hữu bao nhiêu…Thứ nhì, không giống các ứng dụng thanh toán như WeChat của Trung Quốc hay Paypal của Mỹ, Bitcoin có tính chất “chống kiểm duyệt” rất cao. Ngay cả chính phủ hay một tập đoàn lớn cũng không thể ngăn cản bạn sử dụng Bitcoin. Tính phi tập trung của đồng tiền này cho phép tự do sử dụng mà không tổ chức hay cá nhân nào ngăn cấm được.
Không may trong những năm vừa qua, các thuật ngữ như “blockchain”, “tiền điện tử” đang bị lạm dụng. Và nếu các chính phủ sử dụng nó như thể một công cụ để kiểm soát nền kinh tế (như đồng Petro của Venezuela có giá trị dựa trên ngành dầu mỏ của họ), các đặc tính cơ hữu ban đầu của tiền điện tử như chống tập trung, chống kiểm duyệt đã bị phá vỡ.
Công cụ áp bức hay phương tiện cho nền kinh tế tự do?
Một trong những ví dụ kinh điển nhất việc lạm dụng tiền điện tử chính là đồng Petro của Venezuela. Đồng tiền này trên thực tế không được xem là một đồng tiền điện tử chân chính, do phản ứng ngược hết thảy những giá trị về tự do và bình đẳng mà đồng Bitcoin vốn có.
Đồng Petro có giá trị không rõ ràng và được lưu thông tùy ý chính phủ. Nó chạy trên một máy chủ do nhà nước vận hành, xây dựng trên công nghệ Fatherland System phát triển bởi công ty viễn thông Trung Quốc ZTE và được trợ giúp từ Nga. Fatherland ban đầu được giới thiệu như là hệ thống chứng minh thư quốc gia, rốt cuộc một cách “sẵn tiện” lại được tích hợp kiểm soát tài chính công dân.
Chính phủ Venezuela có thể lần theo mọi giao dịch diễn ra trên máy chủ của họ. Có thể nói, trái ngược hoàn toàn với Bitcoin, đây thực chất chỉ là đồng tiền bình thường được đưa lên máy tính.
Người dân ở các nước sống trong nền tự do kinh tế thấp có xu hướng dùng Bitcoin nhiều hơn. Một nghiên cứu của nhà khoa học dữ liệu Matt Ahlborg cho thấy các nước gia tăng sử dụng Bitcoin cho hoạt động địa phương (trao đổi buôn bán nhỏ lẻ) là những nơi có áp bức kinh tế, mất ổn định tiền tệ, hoặc cả 2. Các quốc gia đứng đầu trong danh sách là Venezuela, Belarus, Kazakhstan, Ai Cập, Chile và Argentina.
Những giao dịch ở các quốc gia này rất nhỏ, cho thấy đó là các trao đổi nhu yếu phẩm của người dân bình thường, không phải giao dịch của các tổ chức tiền tệ trong nước.
Ngoài ra, việc sử dụng Bitcoin khi khủng hoảng Venezuela diễn ra đã tăng đột biến tại chính quốc gia này và ở các nước láng giềng. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy người Venezuela đang cố bảo vệ tài sản của họ bằng Bitcoin, cũng như người Venezuela ở nước ngoài gửi tiền về nước, bởi chính phủ không cho phép bất kì giao dịch ngoại hối nào diễn ra.
Nhiều thách thức chưa thể tháo gỡ
Tiền điện tử thường được coi là hoàn toàn ẩn danh. Tuy nhiên, mọi giao dịch Bitcoin đều được ghi lại và có thể xem bởi bất kỳ ai trên mạng. Tên của người giao dịch chỉ đơn giản được lưu lại theo dạng địa chỉ. Do đó, khi chủ sở hữu một địa chỉ Bitcoin bị phát hiện, toàn bộ lịch sử giao dịch của họ sẽ bị phát hiện.
Số khác lại tìm giải pháp bên ngoài Bitcoin bằng cách tạo ra các loại tiền điện tử mới với công nghệ bảo mật quyền riêng tư. Ví dụ đồng Zcash sử dụng một quy trình mã hóa phức tạp, được gọi là “Chứng minh phi hiểu biết”, buộc người dùng chứng minh điều gì đó là đúng mà không cần biết đó là gì.
Khi thực hiện một giao dịch Zcash riêng tư, người gửi, người nhận và số tiền giao dịch hoàn toàn có thể chứng minh được về mặt toán học như Bitcoin, trong khi người bên ngoài thì không hề hay biết. Hoặc Grin, loại tiền điện tử ra mắt gần đây thay vì làm xáo trộn các chi tiết một giao dịch, nó chỉ đơn giản không ghi lại giao dịch đó.
Thách thức thứ hai nằm ở Internet. Muốn sử dụng tiền điện tử cần có kết nối mạng, song việc này không phải ở đâu cũng làm được. Ở Trung Quốc, bạn có thể kết nối mạng nhưng phải thông qua chính phủ. Nếu nhà nước cấm, không có cách nào để dùng Bitcoin.
Để vượt qua những thử thách này, một startup ở Mỹ là Blockstream đã phóng vệ tinh phát mạng cho toàn cầu. Công ty vừa phóng vệ tinh thứ 5 lên trời và phát sóng trực tiếp cho người dùng Bitcoin.
Một giải pháp khác của hãng GoTenna khi dùng Bluetooth hàng trăm triệu smartphone toàn cầu để chuyển tải dữ liệu từ máy này sang máy khác mà không cần Wi-Fi.
Cuối cùng, tiền điện tử rất khó sử dụng, đặc biệt với những ai vốn ít tiếp xúc công nghệ. Nhiều tổ chức như Open Money Initiative đang cố gắng đưa các công cụ thân thiện hơn với người dùng.
Theo Fast Company, kỷ nguyên tiền điện tử đã đến, trong vài thập kỉ tới, tiền mặt ở dạng giấy, polymer hay bất kì vật liệu thật nào có thể sẽ ngừng tồn tại trong các xã hội phát triển.
Tuy nhiên ngay lúc này đây, thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mà tiền điện tử trong đó, đáng buồn thay lại có thể vừa là giải pháp, vừa là một loại gông cùm kiểu mới.