Đây là chuỗi bài phỏng vấn các Founder & CEO người Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain & Cryptocurrency của Tạp Chí Bitcoin. Những nhân vật trong loạt bài này đều là những người Việt trong và ngoài nước (bao gồm Việt Kiều) đang hoạt động tích cực và đạt thành công nhất định trong ngành công nghiệp crypto, qua đây Tạp Chí Bitcoin cũng mong muốn đưa những doanh nhân blockchain tiên phong của Việt Nam này đến gần quý độc giả hơn.
Xuất hiện trong bài phỏng vấn kỳ này là anh Giáp Văn Đại, nhà sáng lập kiêm CEO của Nami Corp, một hệ sinh thái sàn giao dịch và cách dịch vụ hỗ trợ liên quan.
Founder & CEO Nami Giáp Văn Đại | Ảnh do nhân vật cung cấp
Giáp Văn Đại sinh năm 1991 tại Bắc Giang, khởi nghiệp từ rất sớm, bén duyên lần đầu với ngành Forex từ năm 2008 qua cộng đồng MMO thời bấy giờ. Thành lập lên công ty đầu tiên về phát triển giải pháp công nghệ cho lĩnh vực ngoại hối năm 2012, trước đó Đại làm việc cho tập đoàn FPT trong mảng công nghệ và viễn thông của FPT Software và FPT Information System.
Giáp Văn Đại bén duyên với cryptocurrency từ năm 2016, khi anh đang phát triển Nami Assistant và cần hệ thống để giúp người dùng quốc tế mua sản phẩm Nami Assitant dễ dàng với phí rẻ hơn của Visa, Master Card. Kể từ đó Đại và đội ngũ của Nami đã nghiên cứu sâu hơn công nghệ Blockchain, và tìm thấy được những ưu điểm vượt trội để giúp ứng dụng vào các sản phẩm trong hệ sinh thái của Nami sau này.
Nami trong Kanji (tiếng Nhật) là chữ Ba “波”, nghĩa là con sóng, Giáp Văn Đại với định hướng phát triển Nami Corp thành công ty chuyên ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính đầu tư, để hỗ trợ nhà đầu tư trong việc vượt qua những con “sóng” của thị trường dễ dàng, hiệu quả và tiện dụng hơn.
PV: Chào anh Đại, 2018 là một năm khó khăn với toàn thể cộng đồng crypto, Nami cũng không phải ngoại lệ. sau khi gọi được vốn trị giá 5 triệu USD cho Nami thì cũng là lúc thị trường rơi vào mùa đông crypto, Nami đã chống chọi lại nó như thế nào?
Giáp Văn Đại: Xin chào bạn, Nami đã có rất nhiều sự thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường trong giai đoạn năm 2018. Ví dụ như cắt giảm chi phí cho các sản phẩm không thuộc sản phẩm mũi nhọn, hoặc sản phẩm thử nghiệm. Tập trung vào các sản phẩm như Nami.Trade, Nami.exchange, BitBattle.io. Cấu trúc hoá lại mô hình kinh doanh của Nami để làm tăng doanh thu như hoạt động bán giải pháp công nghệ cho nước ngoài. Hạn chế các hoạt động marketing với chi phí cao, nhằm tránh việc rơi vào tình trạng phá sản như khoảng hơn 90% các công ty trong ngành công nghiệp crypto năm 2018 -2019.
PV: Thưa anh, các sản phẩm chính của Nami hiện nay là gì?
Giáp Văn Đại: Hiện tại sản phẩm chủ lực của Nami là Nami.trade (sàn giao dịch ngoại hối phi tập trung), nami.exchange (sàn giao dịch crypto to crypto). Và trong tháng 11 sẽ là sản phẩm Nami Margin (sàn giao dịch margin trong hệ thống của Nami.exchange).
PV: Nami không chỉ có một đồng token NAC của sàn, mà còn một token SPIN, đây là token gì và hoạt động với mục tiêu gì, thanh khoản của SPIN như thế nào?
Giáp Văn Đại: NAC là token được sử dụng để giao dịch trong sàn giao dịch nami.trade. SPIN là Token được sử dụng làm tính phí giao dịch của sàn nami.exchange và sàn margin sắp tới.
SPIN được sinh ra trong Nami.exchange với mục tiêu làm giảm phí giao dịch xuống mức thấp nhất trên thị trường Crypto. SPIN có động lực thanh khoản từ việc số lượng lệnh giao dịch càng lớn thì nhu cầu SPIN càng cao, ngoài ra số lượng phát hành SPIN ra thị trường ở mức siêu thấp, hiện tại ở mức 600.000 token, và tổng phát hành là 20 triệu trong tương lai.
PV: Vào tháng 4 năm nay, Nami đã bán được sản phẩm Nami.Trade White Label cho công ty ngoại hối ở Pháp là Jarvis.exchange, anh có thể nói chi tiết hơn được không?
Giáp Văn Đại: Vào tháng 1 năm 2019, Nami khá bất ngờ khi nhận được thông tin có 1 công ty ngoại hối tại Pháp muốn nghiên cứu cấu trúc hệ thống của Nami.trade và ứng dụng vào sàn giao dịch họ sắp xây dựng, họ đã tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain vào sàn giao dịch ngoại hối từ khá lâu trước, nhưng trên thế giới mới chỉ có nami.trade là có sản phẩm đã đi vào hoạt động và vận hành ổn định trong suốt 6 tháng kế từ thời điểm đó (nami.trade ra mắt chính thức 6/6/2019).
Hợp đồng thương mại giữa Nami và Jarvis | Nguồn ảnh: Nami Corp
Sau 3 tháng đàm phán và nghiên cứu về công nghệ của Nami, vào tháng 4 Jarvis và Nami đã ký kết hợp tác về quyền sử dụng công nghệ của Nami.trade vào sàn giao dịch jarvis.exchange. Với việc Nami sẽ được nắm một lượng doanh thu và chi phí mua sản phẩm không được tiết lộ theo hợp đồng NDA (bảo mật thông tin). Nami lúc này trở thành công ty đầu tiên tại Châu Á bán được giải pháp công nghệ đầy đủ cho sàn giao dịch ngoại hối (trước đây là Mỹ và Nga).
PV: Tầm nhìn và tham vọng của Nami trong tương lai là gì?
Giáp Văn Đại: Nami với tầm nhìn trở thành công ty ứng dụng công nghệ Blockchain và AI vào thực tế hàng đầu trong 3 năm tới.
PV: Anh có nhận định gì về thị trường cryptocurrency sắp tới sẽ như thế nào không? Nếu có, đâu sẽ là đột phá để thị trường khởi sắc trở lại.
Giáp Văn Đại: Thị trường cryptocurency những thử thách nhất định về niềm tin, năng lực ứng dụng cũng như sự kỳ vọng quá lớn của thị trường. Hiện tại thị trường crypto đang đi đúng với những giá trị thực tế ở thời điểm hiện tại hơn trước, và tương lai để thị trường crypto phát triển hơn nữa, vai trò 4 nhóm đối tượng sau là rất quan trọng đó là người dùng sản phẩm, nhà đầu tư, đội ngũ công nghệ và chính phủ. Đặc biệt trong đó chúng ta có thể thấy vấn đề lớn nhất của thị trường crypto là quá nhiều nhà đầu tư nhưng lại quá ít người sử dụng. Điều đó diễn cho mọi thứ bị thổi phồng quá mức, hoặc đơn giản là tỷ trọng giữa người dùng sản phẩm và người đầu tư vào sản phẩm là bất cân xứng. Nên điều đột phá sắp tới có thể không hẳn đến từ công nghệ mà đến từ cái nhìn tích cực hơn của xã hội với các sản phẩm công nghệ ứng dụng Blockchain.
PV: Anh có đánh giá gì về cộng đồng khởi nghiệp blockchain Việt Nam không, theo anh đâu là khó khăn và lợi thế của người Việt trong lĩnh vực này ?
Giáp Văn Đại: Cộng đồng khởi nghiệp trong việc ứng dụng Blockchain ở Việt Nam tuy ít nhưng rất kiên trì, đều đặt ra những mục tiêu lớn và nỗ lực theo đuổi mục tiêu của mình. Khó khăn lớn dành cho các công ty Startup này và với cả Nami là thị trường Việt Nam có xu hướng đầu tư vào các công ty nước ngoài hơn (vẫn rất nhiều nhà đầu tư tin vào các dự án của Việt Nam), và cũng có xu hướng ít tìm hiểu giá trị của sản phẩm hay dự án, mà thường quan tâm trong ngắn hạn đồng coin/token có tăng giá hay không, mà thường quên đi thứ làm đồng coin/token của dự án tăng trưởng trong dài hạn nằm ở giá trị của sản phẩm mà dự án tạo ra. Lợi thế của các dự án Việt Nam vẫn là rất lớn, với hơn 64 triệu người dùng internet, 62 triệu người sử dụng mạng xã hội và đến 58 triệu người trong số đó sử dụng điện thoại thông minh, cùng với thời gian sử dụng hơn 6,4 tiếng/ ngày. Thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho các dịch vụ công nghệ tại Việt Nam.
Xin cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi buổi phóng vấn hôm nay, chúc anh và các dự án của anh thành công.
Cảm ơn bạn!
- [Việt Nam Blockchain – Kỳ 2] Kyber Network : Thay vì nghĩ quá nhiều đến đối thủ cạnh tranh, chúng tôi chỉ tập trung vào việc phát triển Kyber và lấy người dùng làm trung tâm
- [Việt Nam Blockchain – Kỳ 1] CEO Tomochain Long Vương : Việt Nam cũng nên có những chính sách mạnh mẽ như Trung Quốc để phát triển công nghệ blockchain
Dislaimer: Đây là thông tin cung cấp dưới dạng blog cá nhân, không phải thông tin tổng hợp hay lời khuyên đầu tư. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.