Trong thế giới tiền điện tử non trẻ, Ripple có thể được xem là “trưởng thành” hơn vì giao thức thanh toán của nó là sự tiếp nối của giao thức Ripplepay được tạo ra vào năm 2004 bởi Ryan Fugger. Trong khi đó, Bitcoin được Satoshi Nakamoto tạo ra vào đầu năm 2009.
Nhận thức được tiềm năng của ngành công nghiệp tiền điện tử mới nổi, Jed McCaleb bắt đầu phát triển một hệ thống tiền ảo trong đó các giao dịch được xác minh bằng sự đồng thuận giữa các thành viên mạng, thay vì quy trình khai thác được sử dụng bởi Bitcoin với giao thức Proof-of-Work của nó.
Vào tháng 8 năm 2012, Jed McCaleb thuê Chris Larsen và cả hai tiếp cận Ryan Fugger với ý tưởng về tiền ảo. Sau khi thảo luận xong, Ryan Fugger đã bàn giao dự án cho họ và OpenCoin được tạo ra vào tháng 9 năm 2012 với mục đích phát triển Giao thức giao dịch Ripple (RTXP) và mạng lưới thanh toán và trao đổi Ripple. Sau nhiều chiến dịch gây quỹ, OpenCoin cuối cùng đã trở thành Ripple Labs vào tháng 9 năm 2013 trước khi lựa chọn Ripple vào năm 2015.
Kể từ đó, Ripple ngày càng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là kể từ khi XRP, token của Ripple, xếp vị trí thứ 3 trong top các loại tiền điện tử có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất.
Ripple là gì?
Điều đầu tiên cần biết về Ripple đó là nó là một hệ thống quyết toán tổng thời gian thực (real-time gross settlement system), nhưng cũng là một thị trường ngoại hối và cuối cùng là một mạng lưới chuyển tiền. Điều quan trọng thứ hai cần lưu ý đó là nhiều nhà đầu tư đang nhầm lẫn giữa Ripple Labs, Ripple và XRP.
Trước khi tìm hiểu sâu hơn, chúng ta nên có định nghĩa rõ ràng về 3 khái niệm này:
- Ripple Labs là công ty tạo ra và phát triển Ripple nhưng hiện nay công ty chỉ gọi tắt là Ripple.
- Ripple đại diện cho hệ thống Blockchain.
- XRP là token được sử dụng để trao đổi trên mạng Ripple.
Sau đây khi tôi nhắc đến thuật ngữ “Ripple”, có nghĩa là tôi đang nói đến hệ thống thanh toán, chứ không phải công ty trừ khi nó được chỉ rõ.
Giống như Bitcoin, hệ thống Ripple là một Blockchain an toàn. Tuy nhiên, sự so sánh dừng lại ở đó vì mạng lưới Ripple có tính chất tập trung. Cơ chế đồng thuận của nó dựa trên RTXP, và RTXP thì được dựa trên danh sách các máy chủ đã biết.
Ripple kiểm soát hơn 50% quyền biểu quyết để xác thực giao dịch. Ngoài ra, hơn 75% số token XRP có sẵn thuộc về Ripple hoặc người tạo ra nó, người đã hào phóng cấp cho mình một số lượng lớn trong quá trình pre-mining 100 tỷ token.
Sự tập trung quá mức này là một sự chỉ trích mà Ripple thường xuyên phải đối mặt.
Tuy nhiên, nó cung cấp cho Ripple một số lượng lớn các lợi thế thu hút các ngân hàng, bởi vì các ngân hàng là các mục tiêu mà Ripple nhắm đến ngay từ đầu. Do đó, Ripple đặt mục tiêu thay thế hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT được tạo ra vào đầu những năm 1970.
Với mục tiêu chính của Ripple, tôi nhận thấy rằng có 5 lý do thiết yếu khiến tôi nghĩ Ripple sẽ có một tương lai tươi sáng phía trước và tôi sẽ giải thích chúng cho bạn.
1. Ripple giải quyết một vấn đề thực tế
Đầu tháng 11 năm 2019, Brad Garlinghouse, CEO của Ripple, đã đưa ra một phát ngôn gây tranh cãi trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, khi ông nói rằng 99% tất cả các loại tiền điện tử có thể sẽ về 0 trong tương lai. Ông ấy hoàn toàn đúng:
Chỉ các loại tiền điện tử giải quyết các vấn đề trong thế giới thực mới có thể tồn tại lâu dài.
Tin tốt là Ripple là một trong những dự án tiền điện tử có thể giải quyết được một vấn đề thực sự. Đó là vấn đề chuyển tiền an toàn, nhanh chóng và không tốn kém trên toàn thế giới.
Ripple chủ yếu nhắm mục tiêu đến các ngân hàng chủ yếu dựa vào hệ thống SWIFT.
Được tạo ra vào năm 1970, SWIFT là một hệ thống cũ không còn phù hợp với nhu cầu tốc độ của thế giới ngày nay. Thật vậy, khi chúng ta đang tiến gần đến năm 2020, sẽ bị coi là bất thường nếu việc chuyển tiền giữa hai khách hàng của một ngân hàng mất từ 2 đến 6 ngày. Tệ hơn nữa, SWIFT áp đặt phí chuyển tiền rất cao.
Do đó, các ngân hàng đang tìm kiếm một giải pháp thay thế để cung cấp cho khách hàng của họ để tăng tốc các giao dịch ngân hàng.
Ripple đang ở đó và chỉ đơn giản là đặt mục tiêu trở thành trung tâm mới của hệ thống ngân hàng toàn cầu trong tương lai.
2. Ripple là một công nghệ an toàn, nhanh chóng và đáng tin cậy
Ripple là một công nghệ an toàn, nhanh chóng và đáng tin cậy với những ưu điểm vượt trội hơn so với SWIFT như sau:
- Thời gian giao dịch trên mạng Ripple rất nhanh do giao dịch chỉ mất tối đa 4 giây để được xác thực. Tính chất tập trung của mạng lưới cho phép tốc độ như vậy.
- Phí giao dịch trên mạng Ripple là cực kỳ thấp. Hiện tại, phí cho mỗi giao dịch chưa đến 0,004 đô la.
- Hệ thống Ripple cũng minh bạch vì tất cả các giao dịch đều có thể được tra cứu.
- Các giao dịch được thực hiện trên Blockchain Ripple là không thể thay đổi, điều này đảm bảo tính bảo mật của mạng lưới.
Để có thể cung cấp các thuộc tính này cho người dùng, các kỹ sư phụ trách phát triển mạng Ripple đã phải đưa ra những sự lựa chọn. Trong số các lựa chọn này là tính tập trung của mạng lưới.
Sự lựa chọn về tính chất tập trung Ripple này là một điều tuyệt vời để cam đoan với các ngân hàng nhưng cũng để đảm bảo an ninh hơn và giao dịch nhanh hơn.
Mặt khác, Ripple bị lên án trong mắt những người ủng hộ Bitcoin và nhiều nhà đầu tư cá nhân khác, vì họ coi đây là một lỗ hổng lớn sẽ ngăn chặn khả năng được chấp nhận bởi công chúng.
May mắn thay, đó rõ ràng không phải là mục tiêu chính của Ripple.
3. Ripple đã thu hút hơn 100 ngân hàng
Mục tiêu của Ripple để trở thành hệ thống tham chiếu quan trọng trong lĩnh vực giao dịch liên ngân hàng có thể được xem là rất tham vọng. Thật vậy, SWIFT là một tổ chức và sẽ rất khó khăn để đánh bật một nhà lãnh đạo lịch sử với ‘sức nặng’ như vậy.
Mặc dù vậy, Ripple đã được rất nhiều ngân hàng quan tâm khi mối quan hệ đối tác với hơn 100 ngân hàng được thiết lập.
Các ngân hàng đã hợp tác với Ripple đều là các ngân hàng lớn, bao gồm Bank of America, UBS, Standard Chartered, Barclays, JP Morgan, Santander và American Express. Các quan hệ đối tác này bao gồm từ việc thử nghiệm mạng Ripple cho đến sử dụng nó trong điều kiện thực tế để trao đổi giữa các cơ quan giữa các quốc gia.
Tất cả các ngân hàng này đều tin rằng Ripple có thể “soái ngôi” của Swift, từ đó tạo ra sự cạnh tranh và dẫn đến phí giao dịch giảm.
Tất cả điều này cho thấy Ripple có thể trở thành một hệ thống mạnh mẽ như SWIFT hoặc thậm chí là dẫn đầu trong lĩnh vực này trong tương lai. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, các ngân hàng cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội mà Ripple đưa ra, và đó là lý do tại sao họ cam kết với nó.
Cuối cùng, không chỉ có các ngân hàng quan tâm đến SWIFT, vì quan hệ đối tác với các công ty chuyển tiền cũng được thiết lập vào năm 2019. Nó bắt đầu với Ria Money Transfer và tiếp tục hợp tác chiến lược với MoneyGram, trong đó Ripple đã đầu tư hơn 50 triệu đô la.
4. Ripple dự định thay thế SWift và nhắm mục tiêu đến các ngân hàng
Rõ ràng Ripple sẽ không “có cửa” trong trận chiến của Bitcoin để hy vọng trở thành một sự thay thế thực sự cho hệ thống tiền tệ hiện tại.
Mặt khác, so với những gì Ripple đang hướng tới, thì tất cả những điều này không phải là vấn đề. Mục tiêu hàng đầu của Ripple là thay thế SWIFT và nhắm đến các ngân hàng. Các tổ chức này chỉ có niềm tin vừa phải vào sự phi tập trung hoàn toàn của Bitcoin, đây là điều khiến họ sợ hãi. Ngoài ra, rõ ràng họ đang lo ngại rằng Bitcoin không có người dẫn đầu.
Ripple đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng với một công ty sở hữu đầy đủ mạng lưới và đảm bảo về tính tập trung vì họ nắm rõ được kiểu vận hành này.
Vì vậy, Ripple rõ ràng không phải là một cuộc cách mạng như Bitcoin nhưng nó là một hệ thống hoàn hảo cho các ngân hàng. Ripple tốt hơn SWIFT về tốc độ và phí giao dịch trong khi vẫn đảm bảo được tính tập trung và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ.
5. Ripple cũng có thể được sử dụng bởi các cá nhân
Để nhắm mục tiêu vào các ngân hàng, trước hết Ripple sẽ tìm cách trở thành hệ thống giao dịch liên ngân hàng trong tương lai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cá nhân không thể sử dụng mạng Ripple để chuyển tiền.
Do đó, một cư dân Úc có thể sử dụng Ripple để gửi tiền cho một người bạn sống ở Hoa Kỳ rất nhanh chóng mà không mất phí giao dịch.
Token XRP có thể được giao dịch từ các loại tiền tệ chính như đồng đô la Mỹ hoặc Euro.
Bằng chứng cho việc Ripple cũng đang hướng tới các cá nhân trong tương tai đó là họ đang phát triển một nền tảng ngân hàng di động mới cho phép người dùng chi tiêu và lưu trữ trực tiếp token XRP và tiền tệ fiat của họ.
Giống như Stellar Blockchain, Ripple sau đó có thể nhắm đến những người không được hỗ trợ bởi ngân hàng trong tương lai.
Do đó, tiềm năng của Ripple không nhất thiết chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng, và Ripple có thể mở rộng tham vọng trong tương lai.
Kết luận
Có rất nhiều lời chỉ trích xung quanh Ripple. Đối với những người ủng hộ Bitcoin, Ripple quá tập trung và bị kiểm soát quá mức bởi những người tạo ra nó. Tôi phải nói rằng những lời chỉ trích này là hợp lệ nếu Ripple được coi là đối thủ cạnh tranh của Bitcoin.
Tương tự, một số người nói đến scam khi họ nhắc đến token XRP. Một lần nữa, phải hiểu rằng XRP không có ý định được sử dụng như một khoản đầu tư. Nó là một token trao đổi cho mạng Ripple.
Với việc chúng ta xem xét Ripple bởi mục đích của nó, cụ thể là một hệ thống thanh toán nhằm cách mạng lĩnh vực ngân hàng trong tương lai bằng cách thay thế SWIFT, tôi thấy rõ ràng rằng tương lai của nó sẽ rất tuyệt vời vì 5 lý do đã được giải thích ở trên.
- Cập nhật: Omni được hỗ trợ bởi Ripple sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm 2019
- Một cái nhìn tóm lược về hội nghị Swell 2019 và tham vọng hướng đến thị trường ngoại hối của Ripple
Diệu Anh
Tạp chí Bitcoin | Medium