Các quốc gia G7 đã ra một tuyên bố chung nêu rõ rằng họ “sẽ đảm bảo nhà nước, giới cầm quyền, các tổ chức ủy quyền và giới tài phiệt Nga không thể tận dụng tài sản kỹ thuật số như một phương tiện để trốn tránh hoặc bù đắp tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế”.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đang “giám sát chặt chẽ mọi nỗ lực trốn tránh hoặc vi phạm lệnh trừng phạt liên quan đến Nga, bao gồm cả việc sử dụng tiền ảo”.
G7 cam kết đảm bảo Nga không thể trốn tránh các biện pháp trừng phạt bằng tiền điện tử
Các nhà lãnh đạo của G7 đã cùng ra một tuyên bố hôm thứ 6 liên quan đến các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với Nga. Tuyên bố giải thích rằng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, “các quốc gia của nhóm chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp mở rộng, hạn chế để gây áp lực nghiêm trọng đến nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga”.
Trong số các biện pháp mà các nước G7 đã cam kết tiếp tục thực hiện là “duy trì hiệu quả của biện pháp hạn chế, ngăn chặn hành vi trốn tránh và thu hẹp các kẽ hở của quy định”.
Theo các nhà lãnh đạo G7, điều này “sẽ hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của họ với hệ thống tài chính toàn cầu. Mọi người cũng hiểu rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại của chúng tôi đã bao gồm cả tiền điện tử”.
“Chúng tôi cam kết thực hiện mọi biện pháp để phát hiện và ngăn chặn hiệu quả hơn bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào và chúng tôi sẽ áp đặt hình phạt tiền đối với các tác nhân Nga bất hợp pháp sử dụng tài sản kỹ thuật số để nâng cao và chuyển giao của cải của họ, phù hợp với các quy trình quốc gia của chúng tôi”.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ giám sát khu vực tiền điện tử để ngăn chặn hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã ban hành hướng dẫn vào hôm thứ 6 “để đề phòng những nỗ lực tiềm tàng nhằm sử dụng tiền ảo trốn tránh lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp dụng đối với Nga”. Hướng dẫn nhấn mạnh rằng tất cả người dân Hoa Kỳ phải “tuân thủ quy định của OFAC, bất kể giao dịch được thực hiện bằng tiền fiat truyền thống hay tiền ảo”.
“Người dân Hoa Kỳ ở bất cứ đâu bao gồm cả các công ty xử lý giao dịch tiền ảo phải cảnh giác trước những nỗ lực vi phạm quy định của OFAC và phải thực hiện các bước thận trọng rủi ro để đảm bảo không tham gia vào giao dịch bị cấm.
OFAC đang giám sát chặt chẽ mọi nỗ lực trốn tránh hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan đến Nga, bao gồm cả việc sử dụng tiền ảo và cam kết sử dụng các cơ quan thực thi rộng rãi của mình để chống lại hành vi vi phạm và thúc đẩy sự tuân thủ”.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng Bộ Tài chính đang giám sát việc sử dụng tiền điện tử để trốn tránh các lệnh trừng phạt và Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) cũng cảnh báo về việc trốn tránh các lệnh trừng phạt bằng tiền điện tử.
Các tổ chức lần lượt rời khỏi Nga
Deutsche Bank (DB), tổ chức ngân hàng lớn nhất của Đức, đang thu hẹp hoạt động tại Liên bang Nga. Ngân hàng đã thông báo động thái của mình trong một tuyên bố được đăng trên Twitter vào cuối ngày thứ 6, lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Tập đoàn tài chính này tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chính phủ Đức và các đồng minh trong việc “bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng ta”. Đồng thời, họ đã giảm đáng kể tiếp xúc với thị trường Nga kể từ năm 2014.
DB lưu ý rằng giống như những nền tảng khác trong lĩnh vực này, để tuân thủ nghĩa vụ pháp lý và quy định, ngân hàng hiện đang cắt giảm hoạt động kinh doanh còn lại của mình ở Nga trong khi hỗ trợ các khách hàng không phải người Nga trong nỗ lực giảm hoạt động của họ ở quốc gia bị trừng phạt này. Họ nhấn mạnh:
“Sẽ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào ở Nga”.
Trước thông báo trên, các ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ là Goldman Sachs và JPMorgan Chase cũng có động thái tương tự. Citigroup, ngân hàng Hoa Kỳ có có nhiều khách hàng là người Nga nhất, cũng đang hạn chế hoạt động kinh doanh tiêu dùng ở đó.
Trong khi đó, theo Reuters, Raiffeisen Bank International của Áo cũng đang xem xét quyết định rời Nga. Báo cáo trích dẫn các nguồn thân cận và không cung cấp thêm chi tiết nào.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Nga đang gia tăng, kể cả việc loại bỏ một số ngân hàng của nước này khỏi SWIFT, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển tiền như Western Union, Paypal, Remitly và Revolut đã tạm ngừng dịch vụ cho người dùng Nga. Visa, Mastercard và American Express cũng tạm dừng hoạt động tại quốc gia này. Các đồng minh phương Tây cũng chỉ ra lo ngại Moscow có thể sử dụng crypto để trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- Tether phớt lờ lời kêu gọi của Ukraine – Vitalik Buterin tiếp tục chỉ trích Nga
- Độ khó khai thác Bitcoin không ngừng tăng bất kể giá giảm từ đầu năm 2022 đến nay
- EU sẽ bỏ phiếu về dự luật cấm tiền điện tử PoW vào hôm nay – CEO MicroStrategy gọi điều này là “sai lầm nghìn tỷ đô”
Đình Đình
Theo AZCoin News