Ngân hàng Phương Đông cho biết sẽ tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền về các tổ chức có hành vi lợi dụng hình ảnh, thương hiệu gây nhầm lẫn để lừa đảo, trục lợi.
Theo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), thời gian qua, một số trang tin điện tử liên tục đăng tải thông tin về vụ việc “Đầu tư tiền ảo vào Tập đoàn tài chính OCB” và có nhiều cá nhân, khách hàng “sập bẫy” mất hàng chục tỷ đồng. Trong những thông tin này có đề cập đến những cái tên như OCB life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life (IEO Of Blockmax)…
OCB cho biết, việc các tổ chức nói trên gắn “nhãn OCB”, gây nhầm lẫn với thương hiệu “OCB” của Ngân hàng Phương Đông và có dấu hiệu bất minh, vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng ký, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngân hàng này.
OCB khẳng định không liên quan đến Tập đoàn tài chính OCB cùng các tên gọi khác được đề cập như: OCB Life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB Life…
Theo OCB, thương hiệu OCB đã được đăng ký bảo hộ theo quy định, chi tiết như sau: Tên tiếng Việt – Ngân hàng TMCP Phương Đông; tên tiếng Anh – Orient Commercial Joint Stock Bank; tên viết tắt: OCB; theo chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 223757.
OCB cũng cho biết, các hoạt động của ngân hàng này trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận và chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền. Việc cá nhân, tổ chức khác sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu được OCB đăng ký bảo hộ mà chưa được ngân hàng chấp thuận là trái các quy định pháp luật.
Để bảo vệ hình ảnh, thương hiệu và quyền lợi, OCB sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thanh tra làm rõ, thậm chí thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định, buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấm dứt việc này.
Trường hợp, các hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại đến OCB cũng như khách hàng chính thống, ngân hàng sẽ thực hiện tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền về hành vi lợi dụng hình ảnh, thương hiệu gây nhầm lẫn để lừa đảo, trục lợi.
Nhiều người “sập bẫy” mất hàng chục tỷ đồng
Theo báo Pháp Luật, từ tháng 7/2019, nhiều người đã đầu tư rất nhiều tiền vào tập đoàn này. Một thời gian sau, tập đoàn này khóa tài khoản và không chi trả tiền hoa hồng như đã cam kết, cũng không hoàn trả lại số tiền gốc mà nhiều người đã đầu tư ban đầu. Đồng thời, khóa tài khoản giao dịch của nhiều trên trang web mà trước đó những người này đã nạp tiền đầu tư trên hệ thống của OCB.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ TP Hà Nội), ngày 18/10/2019, La Đức Quỳnh (SN 1981) cùng vợ chồng Đàm Văn Quang (SN 1983) và Lê Thị Thu Hạnh (SN 1982, ngụ tòa nhà CT4, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tư vấn cho bà và một số người về đầu tư đồng tiền ảo OCB với lợi nhuận rất hấp dẫn. Vì thiếu hiểu biết nên ngay trong chiều cùng ngày, bà và một số bạn bè đi vay mượn, gom góp được 470 triệu đồng mua ETH và BTC, sau đó đầu tư vào OCB trên web blockmax.io.
Sau khi tham gia, nhóm của bà Tuyết được Quang giới thiệu Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1986, ngụ TP HCM) là người phụ trách tài chính của OCB. Vì Tuấn là người phụ trách tài chính của OCB nên mỗi lần cần vào gói đầu tư, nhóm của bà đều liên hệ với Tuấn, chuyển tiền qua số tài khoản 19035113620012 tại Ngân hàng Techcombank, chủ tài khoản Nguyễn Thanh Tuấn (toàn bộ đều sao kê, biên lại chuyển tiền). Việc rút hoa hồng, lợi nhuận đều do Tuấn duyệt rồi gửi cho bộ phận kỹ thuật xử lý.
“Một thời gian ngắn sau, nhóm của tôi được Quang và Tuấn giới thiệu gặp chủ OCB, tên là Phạm Văn Tâm. Sau khi nghe Tâm chia sẻ các chính sách hoa hồng, lợi nhuận cao cùng các chương trình tặng thưởng hấp dẫn, cộng với những gói đầu tư cũ được trả hoa hồng, lợi nhuận đều đặn nên chúng tôi “mờ mắt” tham lam đầu tư thêm với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Tất cả tiền đầu tư đều được chuyển cho Tuấn”, bà Tuyết cho biết.
Được một thời gian thì Tập đoàn tài chính OCB dừng việc chi trả cho nhóm của bà Tuyết với lý do dịch bệnh Covdi-19 nên không phát triển được thị trường. Đồng thời, khuyên nhóm của bà tiếp tục tin tưởng đồng hành cùng OCB, giới thiệu người đầu từ mới.
“Chúng tôi cố gắng chờ theo hứa hẹn của Tập đoàn tài chính OCB, nhưng không ngờ tài khoản trên blockmax.io của chúng tôi bị khóa ID, không truy cập được nữa”, bà Tuyết ngậm ngùi.
Chị Đặng Thị Thảo (ngụ TP Hà Nội) cũng được vợ chồng Quang mời tham gia đầu tư. Sau đó, chị đầu tư hơn 1 tỷ đồng, những người bạn của chị cũng đầu tư tổng cộng vài chục tỷ đồng vào OCB. Tất cả tiền đều chuyển qua số tài khoản của Nguyễn Thanh Tuấn. Sau đó, chị Thảo và những người bạn của mình cũng chung “số phận” như nhóm của bà Tuyết, bị khóa tài khoản giao dịch trên blockmax.io và không thể thu hồi tiền vốn đã đầu tư trước đó.
Điều đáng nói, trong khi khóa tài khoản cũng như chiếm đoạt tiền gốc của các nhà đầu tư cũ, OCB life lại tung chiêu bài mở các chương trình tặng “xế hộp” cho các nhà đầu tư vừa mới tham gia đầu tư với số tiền “khủng”. Đây là chiêu trò lừa đảo đã cũ nhưng vì ham lợi, nhiều người vẫn thi nhau “sập bẫy”.
Theo điều tra của PV Báo Pháp luật Việt Nam, người đứng đầu sàn tiền ảo OCB là Phạm Văn Tâm (SN 1983, quê Thanh Hóa, hiện đang sinh sống tại TP HCM). Tâm đã bỏ tiền ra mua vé máy bay và lo ăn ở cho các nhà đầu tư tiềm năng đi dự chương trình Singapore FinTech Festival ở Singapore.
Ở Việt Nam, hiện có các lớp đào tạo đầu tư tài chính do Tập đoàn tài chính OCB tổ chức. Các lớp này chủ yếu mở ở các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Ninh… Các lớp này chủ yếu do vợ chồng Quang và Hạnh đứng giảng.
Ngoài ra, Tập đoàn tài chính OCB còn lập nhiều group, hội nhóm kín để giao dịch đồng tiền ảo OCB. Qua thâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy các hội nhóm này kinh doanh buôn bán khá sôi nổi với mọi loại giá. Câu hỏi đặt ra là những đồng OCB buôn bán ở các hội nhóm này có phải là tiền mà các nhà đầu tư đã bị khóa tài khoản, sau đó các nhà quản lý các tài khoản này của Tập đoàn tài chính OCB đem đi rao bán?
Có thể nói, đây là một chiêu thức lừa đảo khá an toàn cho các đối tượng. Bởi khi kêu gọi các nhà đầu tư bỏ tiền vào để mua đồng tiền ảo do tập đoàn này tạo nên, người đầu tư không hề ký kết một hợp đồng kinh tế đầu tư tài chính nào. Người đầu tư tiếp cận đồng tiền ảo OCB này qua những người quen thân, sau đó được tư vấn về cơ chế hoạt động, cơ chế chi trả hoa hồng, tiền lãi được hưởng. Nếu đầu tư, người đầu tư sẽ được cung cấp trang web blockmax.io để dùng tiền thật mua các đồng tiền ảo như: ETH, Bit, Usdt.
Hiện tại, có rất nhiều người đang rơi vào tình trạng mang tiền thật đi mua tiền ảo, sau đó bị khóa tài khoản giao dịch và bị chiếm đoạt tài sản. Trên mạng xã hội cũng có nhiều người đang rất bức xúc với chế độ chi trả hoa hồng cũng như các chương trình mà OCB đưa ra. Tất cả họ đều cho rằng đây là một hình thức dụ dỗ, lừa đảo các nhà đầu tư của Tập đoàn tài chính OCB. Do đó, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật. Và đây cũng là bài học đắt giá cảnh tỉnh cho những ai ham lợi, để rồi tiền mất tật mang.
- HDBank trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới blockchain khổng lồ Contour để cải thiện phát hành thư tín dụng LC
- BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt nam ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại
Lý Long Tường
Theo Thế Giới Tiếp Thị / Pháp Luật