Hiện nay, nhiều giang hồ mạng lôi kéo người dùng tham gia các dự án đa cấp tiền điện tử, gắn mác “đầu tư tài chính 4.0”, cùng xây viễn cảnh lãi cao, thu về trong ngày.
Năm 2017, “giang hồ mạng” hoành hành trên YouTube với những nội dung bạo lực, chửi bới, thù địch. Dẫn đầu cho xu hướng này là những cái tên như Khá Bảnh, Hoàng Tử Gió, Dũng Trọc Hà Đông… Sau sự thoái trào của nội dung giang hồ mạng trên YouTube, những “giang hồ mạng” nêu trên chuyển hướng sang các mô hình đa cấp tiền điện tử.
Em trai Khá “Bảnh” làm đại diện đa cấp BitcoinDeFi
Phạm Tuấn, sinh năm 2001, người được biết đến với biệt danh em trai Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá). Năm 2018, Phạm Tuấn là người đứng sau kênh YouTube của Khá “Bảnh”, tham gia nhiều hoạt động của giang hồ mạng như livestream chửi bới, đốt xe, dọa nạt người xem…
Đàn em Khá ‘Bảnh’ hứa hẹn gì trong sự kiện đa cấp tiền điện tử Phạm Tuấn được cho là người đại diện BitcoinDefi tại miền Bắc, vẽ ra viễn cảnh cùng đưa đồng crypto phi pháp này “tăng phi mã”. Đây là mô hình đầu tư bị cảnh báo là đầy rủi ro.
Sau khi Ngô Bá Khá bị bắt, Tuấn khóa kênh YouTube và chuyển sang kinh doanh tương tác ảo trên Facebook. Trước đây, Phạm Tuấn đã kêu gọi nhiều người dùng tham gia đầu tư Wefinex, một hệ thống cá cược quyền chọn nhị phân. Sàn giao dịch này từng bị Công an TP.HCM cảnh báo lừa đảo.
Hiện tại, Phạm Tuấn được giới thiệu là “đại diện duy nhất của BitcoinDeFi tại miền Bắc”. Đây là hệ thống hoạt động theo mô hình đa cấp kim tự tháp, trả lãi theo nhiều tầng. Các trưởng nhóm của dựa án này vẽ ra viễn cảnh trả mức lãi cao, lên đến 36%/năm, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Tuy vậy, hiện BitcoinDefi chỉ có giá trị trên sàn nội bộ, tồn tại bằng niềm tin của nhà đầu tư.
BitcoinDefi cũng không có tên trong danh sách công ty đa cấp được cấp phép tại Việt Nam, theo website Bộ Công thương.
“Hoàng Tử Gió” kêu gọi tham gia Wefinex, BitcoinDeFi
Hoàng Tử Gió, tên thật là Hoàng Đức Nhân, sinh năm 1992, được biết đến là bạn thân của Phạm Tuấn. Năm 2019, Hoàng Tử Gió từng bị Công an TP. Hà Nội bắt vì sử dụng chất cấm trong một quán bar trên địa bàn. Đức Nhân cũng từng xuất hiện với các video livestream khoe hình xăm, bạo lực, đánh nhau với hàng nghìn người xem cùng lúc.
Kênh YouTube của nhân vật này có hơn 200.000 lượt đăng ký, thường xuyên đăng tải các video tham gia cá cược nhị phân trên nền tảng Wefinex, với tiêu đề về mức lợi nhuận cao thu được khi tham gia nền tảng nhị phân. Đồng thời, trên Facebook, Hoàng Tử Gió có hơn 675.000 người theo dõi.
Người này thường xuyên đăng bài và ghim bình luận, kêu gọi tham gia hội nhóm giao dịch Wefinex, nhằm nhận hoa hồng từ số tiền người chơi mới nạp vào sàn.
Bài quảng cáo dự án BitcoinDeFi trên Facebook cá nhân của Hoàng Tử Gió. Nguồn: Ảnh chụp màn hình.
Sau khi Phạm Tuấn “đảm nhiệm” chi nhánh miền Bắc của dự án đa cấp BitcoinDeFi, hội nhóm Wefinex của Đức Nhân nhanh chóng được đổi tên thành “Đầu tư BTCDeFi cùng Hoàng Tử Gió”. Ngoài ra, Nhân còn mở khóa học với mức giá 300 USD, hướng dẫn giao dịch trên Wefinex.
Nói về Wefinex, các chuyên gia tài chính khuyên người dân nên tránh xa những lời dụ dỗ kiếm tiền dễ dàng từ sàn nhị phân này bởi đây thực chất là mô hình cá cược.
“Bản chất của thị trường tài chính là tài sản người này chảy sang túi người kia. Wefinex không tạo ra giá trị tài sản, vậy tiền của người thắng đến từ đâu? Người dân cần tỉnh táo trước những hình thức biến tướng này”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP HCM từng khẳng định.
Dũng “Trọc” quảng cáo Wefinex
Dũng “Trọc” được nhiều người biết đến là cha nuôi của Khá “Bảnh”, thầy của Huấn “Hoa Hồng”. Người này tên thật là Nguyễn Văn Dũng, 52 tuổi. Năm 2013, “đại ca Dũng Trọc” bị CA TP. Hà Nội bắt giữ vì tội Gây rối trật tự công cộng. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động giang hồ mạng, livestream, chửi bới, dọa nạt đối thủ.
Sau khi hoàn thành bản án 24 tháng tù giam, Dũng “Trọc” trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên Facebook cá nhân. Trên YouTube, Dũng “Trọc” từng quảng cáo, mời gọi người dùng tham gia cá cược nhị phân, dưới tư cách là nhà đầu tư của Wefinex.
Dũng “Trọc” quảng cáo Wefinex trên YouTube dưới tư cách là một nhà đầu tư. Nguồn: Ảnh chụp màn hình.
Trong video, Dũng “trọc” cho rằng đầu tư vào sàn này có thể kiếm tiền dễ dàng bằng cách tuyển đại lý. “Chỉ 4-5 ngày từ 100 USD mình đã kiếm được 700 USD. Ai cũng có thể kiếm được tiền”, Dũng cho hay.
“Bản chất của Wefinex không phải là hình thức đầu tư. Loại giao dịch đánh cược tiền cho một việc không biết kết quả chính là cờ bạc”, bà Đỗ Phương Quỳnh, chuyên gia tài chính từ Ant Group, Thượng Hải, Trung Quốc nhận định.
- Đàn em Khá ‘Bảnh’ tham gia dự án tiền số đa cấp BitcoinDefi
- Chủ tịch Gold Time Nguyễn Khắc Đồi và 7 đồng phạm bị khởi tố vì lừa đảo gần một nghìn tỷ đồng
Nguồn: Zingnews