Khi Facebook công bố về các kế hoạch trong năm nay cho đồng tiền điện tử Libra, họ nói rằng mục tiêu của họ là tái phát minh tiền tệ cho thời đại Internet. Điều mà công ty này có lẽ đã không lường trước được đó là những nỗ lực của họ có thể thúc đẩy Trung Quốc đạt được mục đích đó trước họ.
Trung Quốc muốn bắt đầu thay thế tiền mặt bằng một loại tiền kỹ thuật số, và một dự án được ấp ủ từ lâu đã được tiến hành ngay sau khi Libra được công bố vào tháng 6. Facebook đã đấu tranh để bảo vệ sáng kiến của mình trước các nhà quản lý hoài nghi và các đối tác quan trọng của công ty đã rút khỏi dự án. Nhưng tham vọng của Bắc Kinh dường như đang được thực hiện với tốc độ tối đa.
Hệ thống đang nổi lên ở Trung Quốc trông rất khác so với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác mà những người đam mê đã sử dụng như là các công cụ giải phóng khỏi các ngân hàng và chính phủ lớn.
Một loại tiền điện tử do nhà nước phát hành sẽ giúp chính phủ Trung Quốc biết nhiều hơn về cách công dân của họ tiêu tiền, giúp họ chống lại tội phạm và quản lý nền kinh tế nhưng bên cạnh đó cũng dẫn đến những lo ngại về quyền riêng tư.
Martin Chorzempa, một nhà nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington cho biết, “Chính phủ có sức mạnh phi thường và khả năng nhìn thấu được hệ thống tài chính, lớn hơn bất kỳ ngân hàng trung ương nào hiện nay.”
Chưa đầy nửa năm trôi qua kể từ khi Facebook tiết lộ Libra, nhưng gã khổng lồ công nghệ này đã phải đối mặt một loạt các câu hỏi và sự nghi ngờ.
Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ đang có “những lo ngại nghiêm trọng.” Các quan chức châu Âu đã đe dọa sẽ ngăn chặn dự án khỏi việc tiến hành trên Lục địa già. Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, dự kiến sẽ xuất hiện trên đồi Capitol vào tuần tới để thảo luận về các kế hoạch.
Đối với Bắc Kinh, Libra đã mang đến một động cơ cấp bách khác để số hóa tiền tệ. Trung Quốc chặn các nền tảng của Facebook trong phạm vi biên giới của mình, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi nhìn vào Libra, họ thấy sự khởi đầu tiềm năng của một hệ thống tài chính thế giới mới, một hệ thống có thể san phẳng quyền lực truyền thống của chính phủ và ngân hàng trung ương – bao gồm cả Trung Quốc.
“Nếu Libra được mọi người chấp nhận và trở thành một công cụ thanh toán được sử dụng rộng rãi, thì sau một thời gian, nó hoàn toàn có khả năng phát triển thành một loại tiền tệ có chủ quyền với quy mô toàn cầu, ”Mu Changchun, một quan chức hàng đầu tại ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết trong một bài giảng trực tuyến gần đây. “Chúng tôi cần lên kế hoạch trước để bảo vệ chủ quyền tiền tệ của mình”.
Ý tưởng về một loại tiền ảo quốc gia không phải là mới. Các ngân hàng trung ương ở Anh, Singapore và Canada đã tiến hành các thử nghiệm về cách mà token kỹ thuật số có thể được tích hợp vào hệ thống tài chính. Một thành viên hội đồng quản trị tại Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết hồi tháng trước rằng Libra là một “hồi chuông cảnh tỉnh” qua đó đã làm hồi sinh các nỗ lực thanh toán điện tử của ngân hàng.
Từ lâu Bắc Kinh cũng đã có sự quan tâm đối với vấn đề này, kể cả khi Trung Quốc nhiều năm qua đã hạn chế việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác trong nước.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã khởi xướng một nhóm nghiên cứu tiền điện tử vào năm 2014, và ngay từ năm 2016, thống đốc ngân hàng trung ương tại thời điểm đó, Zhou Xiaochuan, đã bày tỏ mong muốn tập trung vào việc phát hành một đồng tiền kỹ thuật số. Nhưng vào năm 2017, khi giá trị Bitcoin tăng vọt và đầu cơ điên cuồng, Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử và dập tắt việc gây quỹ thông qua ICO.
Sau đó, các quan chức tiếp tục thảo luận về một loại tiền kỹ thuật số do chính phủ kiểm soát trong các bài phát biểu và bài báo, và sau khi Libra được công bố, Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang tăng cường nỗ lực.
Các quan chức Trung Quốc cũng không tiết lộ gì nhiều về việc khi nào dự án có thể được đưa vào thực tế. Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, Yi Gang, thống đốc ngân hàng trung ương, cho biết đồng tiền mới sẽ chỉ thay thế một phần tiền mặt đang lưu hành. Ngân hàng trung ương đã không đưa ra lời bình luận nào khi được yêu cầu.
Loại tiền mới được đề xuất của Trung Quốc có một số yếu tố tương đồng với đồng tiền của Facebook, mặc dù các khía cạnh của kế hoạch của Bắc Kinh có thể chưa được củng cố.
Facebook cho biết Calibra, ví kỹ thuật số của họ để nắm giữ và chi tiêu Libra, sẽ yêu cầu xác minh ID và công ty tuyên bố sẽ sử dụng dữ liệu tài chính của người dùng một cách có trách nhiệm. Họ nói rằng họ sẽ không lưu lại những thông tin như việc bạn mua thuốc giảm đau để thúc đẩy quảng cáo Instagram cho các phòng khám.
Trung Quốc cũng đề nghị rằng họ cũng sẽ giữ thông tin chi tiêu của người dùng khỏi các marketer – nhưng không phải khỏi chính quyền. Các ngân hàng và công ty thanh toán điện tử sẽ phân phối loại tiền kỹ thuật số mới đã yêu cầu người dùng xác thực tên và danh tính của họ. Và các quan chức đã làm rõ rằng ngân hàng trung ương sẽ có thể xem dữ liệu về các giao dịch.
Người tiêu dùng Trung Quốc trong nhiều năm đã trả tiền cho tất cả mọi thứ bằng điện thoại của họ, hai dịch vụ thanh toán di động hàng đầu ở quốc gia này là Alipay và WeChat Pay đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. Alipay cho biết họ đã xử lý tới 256.000 khoản thanh toán mỗi giây. Để so sánh, Visa cho biết họ có thể xử lý 65.000 giao dịch. Libra hứa hẹn sẽ xử lý được 1.000, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Nhưng nhiều giao dịch trên nền tảng Trung Quốc di chuyển độc quyền giữa các ví kỹ thuật số, không có bất cứ liên hệ nào với hệ thống ngân hàng do nhà nước thống trị. Điều đó có nghĩa là chính phủ Trung Quốc phải thông qua các nền tảng mà các công ty mẹ thuộc sở hữu tư nhân, Ant Financial và Tencent, nếu họ muốn theo dõi và xem xét kỹ lưỡng các chuyển động đó.
Nhưng sẽ không được như vậy với tiền điện tử mới.
“Việc này được kiểm soát chặt chẽ, có thể quản lý và được quyết định bởi chính phủ trung ương,” ông Gary Liu, một nhà kinh tế tại Thượng Hải cho biết. “Điều này rất khác với khái niệm ban đầu về tiền điện tử.”
Các quan chức Trung Quốc đã mô tả về những gì mà tiền tệ mới của họ sẽ đem lại: “sự ẩn danh có thể kiểm soát được.”
“Miễn là bạn không thực hiện bất cứ hành vi phạm tội nào, và bạn muốn mua hàng mà không muốn để người khác biết, chúng tôi vẫn muốn bảo vệ loại quyền riêng tư này,” ông Mu, phó giám đốc bộ phận thanh toán của ngân hàng trung ương, cho biết trong một bài giảng trực tuyến gần đây về kế hoạch tiền điện tử của Trung Quốc.
Kìm nén sự ẩn danh thực sự mà tiền giấy cho phép có thể mang lại lợi ích thực sự ở một quốc gia nơi nạn tham nhũng và lừa đảo lan rộng. Nhưng chính phủ cũng có nguy cơ xa lánh những người ở Trung Quốc, những người ngày càng nhạy cảm với cách thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của họ.
Tiền điện tử nên trung lập, Giáo sư Flex Yang, người sáng lập Babel Finance, nhà cung cấp dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hồng Kông cho tiền điện tử. Nói cách khác, giá trị của chúng không nên phụ thuộc vào việc chúng đang được chi cho bánh mì hay thuốc lá.
Không có sự ẩn danh, nó có thể được coi là một loại tiền tệ, ông Yang nói. Đây chỉ có thể là một phương tiện thanh toán.
Các quan chức Trung Quốc đã chỉ ra rằng mục đích của họ không chỉ là sao chép Libra mà còn là đi trước một sự thay đổi tiềm năng trong trật tự tài chính toàn cầu.
Bắc Kinh từ lâu đã muốn đồng tiền Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ, được sử dụng nhiều hơn trong thương mại và tài chính quốc tế. Nếu Libra chứng minh được sự thuận tiện cho việc di chuyển tiền qua biên giới, thì nó có thể trở thành một loại tiền tệ được lựa chọn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có nền kinh tế không ổn định.
Trong một bài phát biểu vào tháng 7, ông Zhou, cựu thống đốc ngân hàng trung ương, nói rằng sự thống trị của đồng đô la đã làm xói mòn nền kinh tế của các quốc gia với các loại tiền tệ “yếu kém”, và ông cảnh báo rằng Libra và các loại tiền tệ khác trong tương lai có thể sẽ làm điều tương tự.
“Chúng tôi cần chuẩn bị trước để biến đồng Nhân dân tệ thành một loại tiền tệ mạnh mẽ,” ông nói.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng rất muốn có một giải pháp thay thế cho SWIFT, mạng lưới nhắn tin do phương Tây thống trị giúp tiền di chuyển qua biên giới và giữa các ngân hàng. Chính phủ phương Tây trước đây đã hạn chế quyền truy cập vào SWIFT để trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của họ, và khi cuộc chiến về thương mại và an ninh nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh, chính quyền Trump đã xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.
Đồng Nhân dân tệ số hóa sẽ không có khả năng trở thành đồng tiền yêu thích mới của thế giới chỉ sau một đêm. Trung Quốc quy định chặt chẽ việc chuyển đổi đồng Nhân dân tệ sang các loại tiền tệ khác để giữ tỷ giá hối đoái ổn định và các hạn chế tương tự có khả năng ràng buộc Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Bất kể liệu Libra có bị cản trở bởi các nhà quản lý hay không, Facebook đã thiết lập được một thứ gì đó không thể ngăn cản được, Deng Jianpeng, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh cho biết.
“Họ là người đầu tiên mở chiếc hộp Pandora này,” ông nói. “Một khi hộp này đã được mở, nếu nó không được phát hành hoặc không thành công, chắc chắn sẽ có một công ty khác sẽ phát hành hoặc thành công.”
- Sau vụ Alipay cấm giao dịch Bitcoin, có một “khu vực xám” ở Trung Quốc về Cryptocurrency
- Đồng tiền kỹ thuật số mới của Trung Quốc nhắm mục tiêu thay thế tiền mặt, và nó có thể thành công
Diệu Anh
Tạp chí Bitcoin | Nytimes.com