Nếu bạn quan tâm đến việc kiếm tiền từ xa thì có lẽ bạn đã từng đọc những câu chuyện đáng kinh ngạc về một số tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được bán với giá “khủng” dưới dạng NFT. Đặc biệt, bạn có thể đã nghe đến “Beeple”, đây thực sự là tên thương mại của một nghệ sĩ kỹ thuật số khoảng 40 tuổi người Mỹ – Mike Winkelmann.
Beeple sống tại Charleston, Nam Carolina đã gây chú ý khi nhà sưu tập nghệ thuật Pablo Rodriguez-Fraile ở Miami bán tác phẩm video 10 giây do Beeple tạo ra với giá 6,6 triệu đô la. Rodriguez-Fraile đã mua video với giá 67.000 đô la vào tháng 10 năm 2020. Anh ta bán nó 4 tháng sau đó, vào tuần cuối cùng của tháng 2 năm 2021.
Vào ngày 12 tháng 3 vừa qua, Winklemann đã trở thành nghệ sĩ giàu thứ ba còn sống, khi anh – hay đúng hơn là nhà đấu giá Christie’s – bán tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số “Everydays: The First 5000 Days” với giá 69,3 triệu đô la. Rõ ràng, cuộc đấu giá điên cuồng đã chứng kiến mức giá tăng vọt từ 15 triệu lên gần 70 triệu đô la trong 30 phút cuối cùng. Hóa ra, giá thầu thắng cuộc đến từ một lập trình viên gốc Ấn Độ sống tại Singapore tên Metakovan và là nhà điều hành quỹ NFT lớn nhất thế giới Metapurse.
Như bạn có thể biết, nghệ thuật kỹ thuật số được hỗ trợ bởi NFT đang có khởi đầu rầm rộ. Đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey cũng đã nhảy vào cuộc đua, biến dòng tweet đầu tiên của mình thành NFT để bán. Giá thầu mới nhất là 2,5 triệu đô la. Từ những nghệ sĩ có tầm nhìn rộng lớn đến những nhà sưu tập nghệ thuật dày dạn, từ những nhà đầu cơ NFT cho đến những người nghèo khổ, tất cả mọi người đều bị cuốn vào cơn mê NFT. Tự hỏi tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số nào sẽ thiết lập kỷ lục mới?
Nhưng NFT là gì? Giống như Bitcoin, đây cũng là một loại tiền điện tử dựa trên công nghệ sổ cái phân tán của blockchain. Nhưng không giống như Bitcoin, NFT là “không thể thay thế”, tức là không thể hoán đổi cho nhau – bạn không thể trao đổi chúng giống như bạn trao đổi Bitcoin này với Bitcoin khác. Một cách tốt hơn để hiểu NFT là các chứng chỉ kỹ thuật số, xác lập quyền sở hữu tuyệt đối đối với một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.
Nhiều người tự hỏi nếu một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số có thể được sao chép trên internet, tại sao phải trả 6 triệu đô la hoặc thậm chí 69 triệu đô la? Lý do rất đơn giản, sở hữu bản in của tác phẩm Mona Lisa hoặc Raja Ravi Varma có sự khác biệt so với việc sở hữu kiệt tác gốc do chính tay nghệ sĩ làm ra.
Một là bản sao và một là tác phẩm gốc duy nhất. Một nhà sưu tập nghệ thuật nghiêm túc sẽ biết rằng giá trị của tác phẩm nghệ thuật chỉ bắt nguồn từ tính chân thực của nó. Do đó, trong thị trường nghệ thuật toàn cầu, nguồn gốc lai lịch (thiết lập chuỗi sở hữu từ thời điểm bán lần đầu) có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc định giá một tác phẩm nghệ thuật.
Trong thế giới nghệ thuật kỹ thuật số, NFT cũng tương tự như vậy. Bạn có thể tải xuống “Everydays” của Beeple và sử dụng nó làm ảnh màn hình, nhưng chỉ Metakovan là chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật gốc được NFT chứng nhận (token cũng nhúng chữ ký của tác giả). Đó cũng là lý do tại sao sự cuồng nhiệt của NFT rất khác với sự cuồng nhiệt của Bitcoin. Bitcoin là một loại tiền điện tử, trong khi NFT là chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất về tính xác thực và giá trị của chúng phụ thuộc vào tác phẩm nghệ thuật hỗ trợ.
Với nhiều thị trường NFT mọc lên ở khắp mọi nơi như OpenSea, Decentraland, SuperRare và Rarible, bất kỳ nghệ sĩ nào có thể tạo ra nghệ thuật kỹ thuật số sẽ có một thị trường sẵn sàng. Nhưng không phải tất cả mọi người đều đạt được kết quả tốt như Beeple đã làm.
Trên thực tế, bản thân Beeple từng nghĩ rằng tác phẩm kỹ thuật số của mình may mắn nhất sẽ kiếm được 1.000 đô la. Thật vậy, cuộc đấu giá của Christie’s cho “Everydays” bắt đầu với mức 100 đô la, trước khi những người đấu giá điên cuồng đưa giá lên tới 70 triệu đô la. Nhưng đừng mong đợi mọi tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đều được trả giá cao như vậy. Khi sự tỉnh táo chiếm ưu thế – và điều đó sẽ sớm xảy ra – người mua sẽ học cách trả giá cho tác phẩm nghệ thuật gắn với NFT.
Ngay cả hôm nay, nếu bạn tò mò, bạn có thể mua hàng tấn tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số như NFT này trên OpenSea với giá 0,008 ETH (15 đô la) hoặc nhiều NFT trên Rarible với giá 0,04 ETH (76 đô la).
Một điều rõ ràng là thị trường NFT sẽ tiếp tục phát triển. Theo các ước tính khác nhau, nó có thể tăng gấp đôi lên nửa tỷ đô la vào cuối năm nay và ai biết được điều gì tiếp theo. Nếu bạn đang muốn tham gia vào thị trường NFT, bạn nên bắt đầu với số tiền nhỏ. Biết đâu với một chút may mắn, bạn cũng có thể thu về gấp 100 lần như những gì Rodriguez-Fraile đã làm.
NFT có những thứ giống bong bóng hoa tulip là ở chỗ điên cuồng của người mua, với không ít trong số đó là những nhà cái cố tình trả giá thật cao để thu hút truyền thông. Nhưng khác hoa Tulip là nó tạo ra sự đặc biệt, có một không hai, được sự tham gia của những người nổi tiếng, điều mà hoa Tulip không thể so sánh được.
Là bong bóng thì cũng có ngày NFT sẽ nổ để trở về giá trị thực, nhưng nó sẽ kéo dài trong bao lâu thì không ai biết được.
- Tìm kiếm “NFT” trên Google vượt qua “Tiền điện tử” và “Blockchain”
- Giá Bitcoin tăng gấp đôi trong 75 ngày – Còn bao lâu nữa cho đến đợt tăng 100% tiếp theo?
Minh Anh
Theo Money9