Các âm mưu lừa đảo nhắm vào trader tiền điện tử đã lan rộng ra nhiều vùng của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đàn áp thị trường crypto và ICO từ vài năm trước.
Một trader tại Trung Quốc | Ảnh minh họa
Các cơ quan thực thi pháp luật ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông thông báo vào ngày 3 tháng 7 rằng họ đã nhận được đơn tố cáo hình sự từ cô gái tên L, người đã bị lừa vài trăm nghìn nhân dân tệ thông qua một kế hoạch lừa đảo có tổ chức.
Cô L đã tải xuống ứng dụng “BNY MELLON” vào đầu tháng 6 để trade coin, thắng được ít tiền và cũng đã thực hiện thành công hai lần rút tiền nhỏ.
Tuy nhiên, sau khi gửi số tiền lớn hơn vào ứng dụng để đầu tư thêm, cô L đã không thể rút được tiền lần nào nữa từ nền tảng, dẫn đến khoản thiệt hại tổng cộng 379.000 nhân dân tệ (1,35 tỷ VND).
Truyền thông trong nước báo cáo rằng các trường hợp tương tự như cô L ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, với những kẻ lừa đảo sử dụng các nền tảng giao dịch giả để nhắm mục tiêu vào các trader chưa có nhiều kinh nghiệm.
Các nền tảng luôn sử dụng các giao dịch quy mô nhỏ để đảm bảo sự tin tưởng ban đầu của nạn nhân, trước khi dụ họ gửi số tiền lớn hơn và sau đó chiếm đoạt luôn.
Những kế hoạch như thế này đang gia tăng cùng với sự bùng nổ tiền điện tử tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu trong một năm qua.
Có một thực tế là các giao dịch tiền điện tử ở Trung Quốc không phải tuân theo các biện pháp bảo vệ pháp lý, nhà đầu tư không bị cấm nhưng cũng không được pháp luật bảo vệ chặt chẽ.
Một âm mưu lừa đảo tương tự đã bị cảnh sát tỉnh Giang Tô ngăn chặn vào tháng 4 năm nay với việc bắt giữ 58 nghi phạm liên quan đến việc dàn dựng các chương trình livestream để lôi kéo những nạn nhân nhẹ dạ cả tin.
Những kẻ lừa đảo đã mời các nhà đầu tư tham gia nhóm WeChat, nhóm này cung cấp các chương trình livestream độc quyền liên quan đến các chiến lược đầu tư tiền điện tử “đã đánh là thắng”. Nhóm sau đó mời các nhà đầu tư tham gia vào một nền tảng giao dịch tiền điện tử giả mạo, cuối cùng đã đánh cắp khoảng 10 triệu nhân dân tệ (35,5 tỷ VND) của các nạn nhân.
Khi các nhà đầu tư phát hiện ra rằng số tài khoản của họ nắm giữ trên nền tảng đã giảm xuống 0 và nộp đơn khiếu nại lên bộ phận dịch vụ khách hàng nhiều lần, họ sẽ được thông báo rằng nền tảng đã bị “hacker tấn công” và hãy yên tâm vì vấn đề đang được khắc phục.
Cảnh sát Giang Tô sau đó đã phát hiện ra nền tảng lừa đảo này đang hoạt động trong một tòa nhà văn phòng cao tầng ở thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Nền tảng này thực tế đã không tham gia vào bất kỳ giao dịch tiền điện tử nào, mà chúng chỉ tạo ra các giao dịch bằng những con số giả mạo trong tài khoản của khách hàng.
Khi tài khoản của khách hàng bị lỗ, bọn tội phạm chỉ đơn giản là lấy số tiền tương ứng đó đi, trong khi ngược lại, nếu khách hàng có lãi và muốn rút số tiền lớn, thì chúng khiến khách hàng cực kỳ khó khăn trong việc rút tiền mà bỏ cuộc, nếu đòi nhiều quá thì thông báo đang bị hacker tấn công (tội nghiệp các anh hacker ghê).
Giá bitcoin tăng vọt từ năm ngoái đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi tham gia vào thị trường, gây ra rủi ro tài chính cá nhân rất lớn, điều này đã khiến các cơ quan tài chính của Trung Quốc tăng cường áp lực lên hoạt động giao dịch trong nước bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Gần đây nhất là NHTW yêu cầu các ngân hàng thương mại cấm tất cả các giao dịch có liên quan đến tiền điện tử để hạn chế các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
- Các ngân hàng Trung Quốc yêu cầu nhân viên quảng cáo ví tiền nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY)
- Đây là những gì tách biệt Bitcoin và ETH khỏi tất cả các tài sản tiền điện tử khác, theo Raoul Pal
- Bitcoin sẽ trở thành cỗ máy ‘bất khả chiến bại’ trước sự đàn áp tăng cường của Trung Quốc
Thạch Sanh
Theo AZCoin News