Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt sắp tới sẽ lần đầu tiên có sự xuất hiện của tiền điện tử.
Theo đó, lần đầu tiên những quy định về tiền điện tử sẽ có trong Nghị định này. Ngoài ra đại diện Vụ Thanh toán cũng cho biết Nghị định sắp tới sẽ nêu rõ ràng hơn về việc hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng và các tổ chức thanh toán nước ngoài, hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các tổ chức khác cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán… “Đây sẽ là những nền tảng cơ bản để hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt”, ông Dũng đánh giá.
Liên quan đến nội dung hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng và các tổ chức thanh toán nước ngoài, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ mở đường cho việc hợp tác cụ thể hơn giữa ngân hàng trong nước với các nền tảng thanh toán lớn như Alipay hay Wechat, giúp việc thanh toán thuận tiện hơn, đặc biệt với du khách nước ngoài.
Pháp lý của Bitcoin tại Việt Nam
Tính hợp pháp của Bitcoin vẫn còn vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Hiện tại đã có 107/251 nước chấp nhận Bitcoin. Việt Nam nằm trong danh sách những nước xem Bitcoin là bất hợp pháp.
Dưới đây là bảng xếp hạng các quốc gia giao dịch Bitcoin nhiều nhất. Đáng chú ý, mặc dù nằm trong số những nước không chấp nhận tính hợp pháp của Bitcoin nhưng Việt Nam vẫn lọt top trong số những nước có khối lượng giao dịch Bitcoin nhiều nhất thế giới (vị trí số 41).
Ở Việt Nam, khái niệm về tài sản ảo, tiền điện tử chưa được nêu trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật, không do bất cứ ngân hàng nhà nước nào phát hành và được lưu trữ bằng phương thức điện tử.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cũng như phần lớn các nước, khung pháp luật của Việt Nam về quản lý, xử lý tiền điện tử, tài sản ảo (mã hóa) còn rất sơ khai, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực này cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.
Quá trình nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho thấy hiện thế giới có 3 xu hướng tiếp cận với tài sản ảo, tiền điện tử: Thả nổi, chưa quản lý nhưng có một số khuyến cáo rủi ro; Không thừa nhận, cấm sử dụng và giao dịch; Cho phép sử dụng, giao dịch nhưng quản lý chặt chẽ trong không gian kinh doanh như các sàn giao dịch. Trong trường hợp cho phép sử dụng, giao dịch, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, nếu tài sản mã hóa về bản chất thỏa mãn các điều kiện như chứng khoán thì thường được quản lý như chứng khoán. Đối với tài sản mã hóa phi chứng khoán, dưới góc độ thuế thì sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch tài sản mã hóa.
Thực tế tại Việt Nam, mặc dù khung pháp lý còn sơ khai nhưng tài sản ảo, tiền điện tử đang được giao dịch phổ biến, nhiều người tham gia nhưng chủ yếu mang tính chất đầu cơ, xuất hiện nhiều tổ chức cá nhân lập các máy đào tiền điện tử, cũng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử gây mất trật tự, an toàn trong xã hội.
Ý kiến chuyên gia về quản lý tiền điện tử tại Việt Nam
Nên chờ để đánh giá toàn diện hơn
Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang gặp các vấn đề pháp lý về quản lý tài sản ảo, tiền ảo. Đây là vấn đề rất mới nên các chính phủ chưa cần có khung pháp lý quá sớm mà chờ đợi thêm. Tại Đài Loan, các doanh nghiệp ở khối tư nhân đã yêu cầu cơ quan chức năng đợi thêm để đánh giá tác động một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Hiện nay, những thay đổi nhanh chóng về công nghệ khiến hệ thống pháp lý của nhiều nước trên thế giới không phù hợp, không theo kịp. Trong không gian thực, chúng ta rất dễ để xác định các tổ chức, thể chế nhưng với không gian ảo, tiền ảo, tiền mã hóa sẽ khó hơn rất nhiều, đây là một thách thức rất lớn cho chính phủ.
Rủi ro nhưng cũng tiềm năng
Phát triển sáng tạo của tiền ảo, tài sản ảo là khá quan trọng, Chính phủ cần có đánh giá về động lực thúc đẩy thị trường tiền điện tửhiện nay là gì, lợi ích mang lại từ giá trị tiền điện tử thế nào? “Tiền ảo, tài sản ảo có rủi ro nhưng cũng có những tiềm năng nhất định. Theo tôi, trước tiên cần phải có khái niệm nhất quán về tiền ảo, tài sản ảo trên quy mô toàn cầu. Chính phủ phải tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng” – ông Nizam nói.
Lệ Thanh