Trong thế giới tiền điện tử năng động, nơi mà sự đổi mới và biến động thường đi đôi với nhau, một số sự kiện nhất định có khả năng gây chấn động toàn bộ ngành công nghiệp non trẻ này. Từ những mối quan hệ đối tác đột phá cho đến những vụ sụp đổ thảm khốc, lĩnh vực tiền điện tử đã chứng kiến những khoảnh khắc đáng kinh ngạc khiến các nhà đầu tư, những người đam mê và những người hoài nghi đều phải há hốc mồm kinh ngạc.
Trong bài viết này, hãy cùng Tạp chí Bitcoin nhìn lại từng lát cắt ký ức, xem xét 4 trong số 8 sự kiện đặc biệt không chỉ định hình lại bối cảnh của các loại tiền kỹ thuật số mà còn để lại dấu ấn khó phai trong nhận thức chung của thế giới tiền điện tử.
#1. Tháng 2 năm 2014: Vụ hack Mt. Gox
Đó là khoảnh khắc gây chấn động khắp thế giới tiền điện tử những ngày đầu đời – mọi hoạt động đều đột ngột dừng lại, một trang web ngoại tuyến và một tài khoản Twitter biến mất. Thực tế nghiệt ngã này diễn ra vào tháng 2 năm 2014 khi Mt. Gox, từng là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất trong những ngày đầu của Bitcoin, đóng cửa. Câu chuyện về Mt. Gox vẫn là một chương huyền thoại trong lịch sử của các sàn giao dịch tiền điện tử.
Ra mắt vào năm 2007 với tên gọi “Magic: The Gathering Online Exchange” của lập trình viên người Mỹ Jed McCaleb, Mt. Gox ban đầu có chức năng như một sàn giao dịch thẻ cho game giả tưởng nổi tiếng. Tuy nhiên, vào năm 2010, nó đã chuyển đổi thành một sàn giao dịch Bitcoin, nhanh chóng trở thành một người chơi quan trọng trên thị trường.
Trong những ngày đầu tiên đó, giao dịch Bitcoin là một quá trình rườm rà khi mà các trader phải dùng tài sản kỹ thuật số của họ để trao đổi lấy các mặt hàng cơ bản như pizza và áo phông. Chính Mt. Gox đã thay đổi cuộc chơi, cung cấp một nền tảng được đơn giản hóa để mua/bán BTC. Mặc dù phải đánh đổi bằng việc từ bỏ quyền kiểm soát tài sản cho sàn giao dịch, nhưng các nhà đầu tư coi đó là một sự trả giá cần thiết. Mt. Gox đã gặt hái được thành công tức thì. Là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất vào thời điểm đó, nó đã xử lý một phần đáng kể tất cả các giao dịch Bitcoin.
Đồng thời, quyền sở hữu của Mt. Gox đã thay đổi. Vào năm 2011, McCaleb đã bán nền tảng này cho nhà phát triển người Pháp Mark Karpelès, người đã trở thành CEO của sàn giao dịch. Cùng năm đó, nền tảng này gặp khó khăn khi trải qua vụ hack đầu tiên.
Những kẻ tấn công đã giành được quyền truy cập vào máy tính của kiểm toán viên Mt. Gox và thay đổi giá Bitcoin thành 1 cent (tương đương 0.01 đô la). Họ đã nhanh chóng mua khoảng 2.000 BTC với mức giá giả này bằng cách sử dụng tài khoản của khách hàng trên nền tảng. Ngoài ra, khoảng 650 Bitcoin đã được khách hàng của Mt. Gox mua với mức giá rẻ như cho, và tất nhiên là không có Bitcoin nào được trả lại.
Sau vụ hack, Mt. Gox đã bắt đầu thắt chặt an ninh, bao gồm cả việc lấy phần lớn Bitcoin ngoại tuyến và giữ chúng trong kho lạnh. Giá mà đội ngũ quản lý của nó nhận thức được rằng biện pháp này sẽ là không đủ để bảo vệ sàn giao dịch trong thời gian dài.
Mt. Gox tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và đến năm 2013, công ty đã khẳng định vị thế là nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn nhất, xử lý hơn 70% tất cả các giao dịch Bitcoin. Với khối lượng lớn này, có thể nói Mt. Gox trở thành đại diện của thị trường tiền điện tử. Tuy nhiên, trong khi nó có vẻ phát triển mạnh trên bề nổi, các rắc rối vẫn ẩn nấp đằng sau hậu trường.
Vào tháng 5 năm 2013, Mt. Gox phải đối mặt với một vụ kiện từ đối tác kinh doanh cũ Coinlab, tuyên bố sàn giao dịch này vi phạm hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại 75 triệu đô la. Đồng thời, sàn giao dịch đã bị Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ điều tra vì hoạt động mà không có giấy phép tại quốc gia này.
Những thách thức này đã chứng tỏ rằng những vết nứt cuối cùng cũng sẽ làm vỡ đập. Vào tháng 2 năm 2014, sàn giao dịch đã đình chỉ việc rút Bitcoin, với lý do cần phải tiền hành đánh giá kỹ thuật. Nhiều tuần không chắc chắn sau đó đã dẫn đến việc đình chỉ tất cả các hoạt động giao dịch và sự biến mất của trang web và tài khoản Twitter chính thức.
Những phát hiện sau đó đã tiết lộ một sự thật đáng kinh ngạc – Mt. Gox đã trở thành nạn nhân của vụ hack tiền điện tử lớn nhất trong lịch sử. Hacker đã đánh cắp 744.408 BTC từ ví của khách hàng, cùng với 100.000 BTC thuộc sở hữu của sàn giao dịch, trị giá khoảng 473 triệu đô la vào thời điểm đó.
Hậu quả thật tàn khốc. Giá Bitcoin đã ngay lập tức giảm mạnh và niềm tin vào ngành công nghiệp này gần như đã tan thành mây khói. Mt. Gox sau đó đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Nhật Bản và Hoa Kỳ, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên huy hoàng. Các cuộc điều tra sau đó tiết lộ rằng sàn giao dịch đã mất khả năng thanh toán trong nhiều năm, với số BTC bị đánh cắp là đòn giáng cuối cùng vào tình hình tài chính vốn đã bấp bênh của nó.
Sau nhiều năm đấu tranh pháp lý và điều tra, các thủ tục phá sản phức tạp đã diễn ra. Các chủ nợ và nhà đầu tư thì liên tục đòi bồi thường, trong khi những nhân vật chủ chốt như Karpelès phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Đã gần một thập kỷ kể từ khi sàn giao dịch sụp đổ, nhưng quá trình thu hồi và phân phối tài sản vẫn đang tiếp diễn, với các chủ nợ vẫn đang chờ giải quyết.
Câu chuyện về Mt. Gox là một bài học quý giá, một lời nhắc nhở về những thách thức và lỗ hổng đi kèm với những năm đầu của thị trường tiền điện tử. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật, quy định và hoạt động minh bạch trong việc xây dựng lòng tin trong hệ sinh thái tiền điện tử. Trong khi thế giới tiền điện tử đã trưởng thành kể từ đó, những giá trị mà Mt. Gox để lại vẫn tiếp tục gây tiếng vang, định hình hiện tại và tương lai của ngành.
#2. Tháng 8 năm 2017: HardFork Bitcoin Cash
Bitcoin đã trở nên phổ biến rộng rãi nhờ lời hứa giải quyết những hạn chế của nền tài chính truyền thống. Tuy nhiên, giao thức này không phải là không có những thách thức riêng.
Khi Bitcoin đạt được sức hút, các vấn đề về khả năng mở rộng đã nảy sinh, điển hình chính là thời gian giao dịch kéo dài và chi phí tốn kém. Những vấn đề này bắt nguồn từ việc hạn chế kích thước của các block Bitcoin, được giới hạn ở mức 1 megabyte (MB). Số lượng giao dịch ngày càng tăng vượt quá khả năng của mạng lưới. Để giải quyết vấn đề này, khái niệm Bitcoin Cash đã xuất hiện.
Vào tháng 8 năm 2017, sự khác biệt về quan điểm giữa các nhà phát triển Bitcoin đã dẫn đến một hard fork blockchain Bitcoin. Hard fork là một bản nâng cấp phần mềm quan trọng giúp chia mạng blockchain thành hai chain riêng biệt. Một nhóm duy trì các quy tắc hiện có, trong khi nhóm kia chuyển hướng để tạo ra con đường riêng với phần mềm được nâng cấp.
Mặc dù hầu hết các nhà phát triển và công cụ khai thác Bitcoin đã chọn đưa vào Segregated Witness (SegWit), một layer đồng thuận được thiết kế để nâng cao khả năng mở rộng, nhưng không phải ai cũng thích bản cập nhật này. SegWit sử dụng một giải pháp mở rộng phân tách các giao dịch thành hai phân đoạn, giảm trọng lượng của chúng trên block và cho phép nhiều giao dịch hơn được đưa vào một block.
Tại block 478.558, blockchain Bitcoin đã tách ra và Bitcoin Cash chào đời. Đợt fork mới nhằm giải quyết các mối lo ngại về khả năng mở rộng bằng cách tăng kích thước khối từ 1 MB của Bitcoin lên phạm vi từ 8 MB đến 32 MB. Sự gia tăng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác thực nhiều giao dịch hơn trên mỗi block, cùng với đó thì mạng sẽ có khả năng xử lý hơn 100 giao dịch mỗi giây.
Mặc dù Bitcoin Cash hoạt động theo các quy tắc tương tự như Bitcoin, chung giới hạn nguồn cung 21 triệu và sử dụng cùng một cơ chế đồng thuận, nhưng nó đã không đạt được mức độ nổi bật tương tự trong thị trường tiền điện tử. Tuy nhiên, nó hiện đang là một trong 30 loại tiền điện tử hàng đầu trên toàn thế giới.
#3. Tháng 3 năm 2020: Covid và cú ngã của Bitcoin
Trong nhiều năm, Bitcoin được mô tả là tài sản trú ẩn an toàn và là hàng rào chống lại lạm phát, được những người đam mê nó đặt biệt danh là “vàng kỹ thuật số”. Tuy nhiên, vào năm 2020, nhận thức về tài sản như một nơi trú ẩn an toàn đã giảm sút nghiêm trọng khi nó không đạt được kỳ vọng.
Năm 2020 đã bắt đầu trên một quỹ đạo lạc quan, với giao dịch Bitcoin ở mức 7.000 đô la. Chỉ trong vòng sáu tuần, tài sản kỹ thuật số này đã tăng vọt lên 10.000 đô la. Sau đó, đại dịch COVID-19 xảy ra, khiến các nhà đầu tư tiền điện tử mất cảnh giác và tác động sâu sắc đến thị trường tiền điện tử cũng như bối cảnh tài chính toàn cầu.
Giá Bitcoin nhanh chóng giảm mạnh, lao xuống dưới 4.000 đô la trong vòng vài giờ. Các nhà phân tích thị trường cho rằng biến động giá không ổn định này chủ yếu là do ảnh hưởng của đợt bùng phát COVID-19 trên thị trường toàn cầu, khiến các nhà đầu tư phải tìm kiếm sự an toàn của tiền mặt. Sự sụt giảm mạnh làm dấy lên nghi ngờ về tiềm năng của Bitcoin như một tài sản trú ẩn an toàn đáng tin cậy.
#4. Tháng 3 năm 2021: NFT 69 triệu đô la của Beeple
Vào năm 2021, thị trường NFT nổi lên như một lĩnh vực nổi bật trong ngành tài sản kỹ thuật số, thu hút sự chú ý rộng rãi. Mặc dù các NFT đã ra đời vào năm 2014, nhưng mức độ phổ biến của chúng đã tăng vọt vào năm 2021, trùng với thời điểm thị trường tăng giá. NFT nhanh chóng chuyển từ một thị trường ngách tương đối xa lạ trở thành một “cơn sốt”, làm tăng đáng kể nhận thức về quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số.
Tuy nhiên, không ai có thể đoán trước được rằng một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số sẽ thu về con số đáng kinh ngạc là 69 triệu đô la. Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra với cuộc đấu giá NFT trị giá 69 triệu đô la của Beeple.
Trước quý 4 năm 2020, số tiền cao nhất mà Mike Winkman, còn được gọi là Beeple, từng nhận được cho tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ là 100 đô la. Beeple đã giới thiệu dòng NFT đầu tiên của mình ra thị trường vào tháng 10 năm 2020, với mỗi cặp được bán với giá hơn 66.000 đô la. Thông qua một loạt các cuộc đấu giá NFT sau đó, Beeple đã tạo sự hiện diện đáng chú ý trên thị trường NFT, mở ra một cuộc bán đấu giá lớn nhất tính đến nay.
Cuộc đấu giá diễn ra tại Christie’s, một nhà đấu giá nổi tiếng với lịch sử 257 năm bán một số tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm bức chân dung duy nhất được biết đến của Shakespeare và bức tranh được phát hiện lần cuối của Leonardo da Vinci. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý to lớn từ các nhà đầu tư tiền điện tử và phi tiền điện tử, đặc biệt khi nó đánh dấu buổi đấu giá nghệ thuật chỉ dành cho kỹ thuật số đầu tiên của Christie.
NFT của Beeple, với tựa đề “Everydays: The First 5000 Days”, bao gồm một bộ sưu tập các tác phẩm của anh ấy trong suốt 13 năm, ghi lại quá trình phát triển trong sự nghiệp nghệ thuật của anh ấy. Sau cuộc đấu giá kéo dài hai tuần, NFT này đã thu về một số tiền đáng kinh ngạc là 69,3 triệu đô la, khẳng định ông là một trong ba nghệ sĩ đắt giá nhất vẫn còn sống.
Everydays: The First 5000 Days Beeple. Nguồn: Christie’s
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin: https://t.me/tapchibitcoinvn
Theo dõi Twitter: https://twitter.com/tapchibtc_io
Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Coinbase nộp đơn kiện SEC để có sự rõ ràng về quy định tiền điện tử
- Mổ xẻ Binance sau 3 sự cố: Thất bại của FTX, lùm xùm BUSD- Paxos và vụ kiện của CFTC
Itadori
Theo CryptoPotato