Kể từ khi bùng nổ tiền điện tử và cơn sốt ICO năm 2017, nhiều quốc gia ở châu Á đã có nhiều động thái để làm rõ các quy định xung quanh tiền điện tử và token chứng khoán.
Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào ba quốc gia có các quy định rõ ràng nhất về tài sản kỹ thuật số, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thái Lan
Trong khu vực châu Á, Thái Lan cho đến nay đã có các cơ quan lập pháp được xác định rõ nhất để quản lý các dịch vụ chào bán token chứng khoán và sàn giao dịch.
Vào tháng 5/2018, chính phủ Thái Lan đã công bố Nghị định về tài sản kỹ thuật số nhằm thiết lập các yêu cầu cần thiết cho một doanh nghiệp muốn hoạt động liên quan đến các tài sản kỹ thuật số. Nghị định bao gồm cả tiền điện tử cũng như token kỹ thuật số và được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan (SEC Thái Lan) giám sát. Nghị định phân chia rõ ràng giữa các hoạt động phát hành chính (ví dụ: gây quỹ) áp dụng cho nhà cung cấp và phát hành token, hoạt động thị trường thứ cấp (ví dụ: giao dịch) áp dụng cho sàn giao dịch token và các trung gian liên quan đến thương mại.
Khi ban hành nghị định, Thái Lan cũng đã thiết lập 3 loại giấy phép:
- Giấy phép giao dịch tài sản kỹ thuật số;
- Giấy phép môi giới tài sản kỹ thuật số;
- Giấy phép đại lý tài sản kỹ thuật số.
Các giấy phép này đặt ra các hoạt động cụ thể mà doanh nghiệp có thể tham gia. Giấy phép giao dịch được áp dụng cho một trung tâm hoặc mạng được thiết lập cho mục đích giao dịch hoặc trao đổi tài sản kỹ thuật số. Ngoài ra, giấy phép môi giới được áp dụng cho bất kỳ đối tượng nào cung cấp dịch vụ như một nhà môi giới hoặc đại lý liên quan đến giao dịch hoặc trao đổi tài sản kỹ thuật số. Trong khi đó, giấy phép đại lý được áp dụng cho bất kỳ ai cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch hoặc trao đổi tài sản kỹ thuật số cho tài khoản riêng của mình ngoài sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số.
Ngoài ra, Nghị định về tài sản kỹ thuật số đã hạn chế việc phát hành token chỉ được thực hiện thông qua các cổng ICO được phê duyệt. Thái Lan cũng đặc biệt đưa ra danh sách các loại tiền điện tử đã qua phê duyệt có thể được chấp nhận làm vốn đầu tư cho ICO và được ghép cặp với các tài sản khác trên các sàn giao dịch: BTC, ETH, XRP, XLM.
Hiện tại, theo đề xuất của SEC Thái Lan, Bộ Tài chính Thái Lan đã phê duyệt 3 nhà môi giới tài sản kỹ thuật số, 1 đại lý và 3 cổng ICO.
Còn nhiều việc phải làm: Thái Lan vẫn chưa thiết lập các hướng dẫn rõ ràng về các yêu cầu custody (lưu ký) đối với các doanh nghiệp tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử. Hiện nay, không rõ các tiêu chuẩn hiện hành áp dụng cho chứng khoán có nên được áp dụng cho tài sản kỹ thuật số hay không hoặc sẽ có thêm các hướng dẫn và quy định mới được thiết lập trong tương lai hay không?
Singapore
Ngân hàng trung ương Singapore, Cơ quan tiền tệ Singapore đã ban hành bộ hướng dẫn vào tháng 11 năm ngoái có tên là Hướng dẫn về cung cấp token kỹ thuật số.
Theo đó, hướng dẫn chỉ rõ loại tài sản kỹ thuật số nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Singapore (SFA). Nếu token kỹ thuật số tạo thành các sản phẩm thị trường vốn như được định nghĩa trong SFA (nghĩa là chứng khoán, hợp đồng phái sinh, v.v.), thì phải chịu sự quy định của SFA. Trong các trường hợp này, các giấy phép có liên quan hiện có được áp dụng, dựa trên các hoạt động doanh nghiệp thực hiện, cho dù là nhà phát hành token, nền tảng trao đổi, cố vấn,…
Không giống như Thái Lan, SFA tại Singapore chỉ áp dụng cho các tài sản kỹ thuật số thuộc định nghĩa của các sản phẩm thị trường vốn. Các token kỹ thuật số khác có thể được phân loại là token thanh toán (ví dụ: Bitcoin, Ether) và thuộc quy định của Đạo luật dịch vụ thanh toán (PSA), được ước tính sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019 và có bộ giấy phép riêng.
Khi cả SFA và PSA có hiệu lực, có thể hy vọng các công ty tài sản kỹ thuật số sẽ có bộ quy định rõ ràng hơn để tuân thủ, phù hợp với các quy định về chứng khoán và thanh toán. Tuy nhiên, cũng giống như Thái Lan, các yêu cầu về custody vẫn chưa rõ ràng vào lúc này. Vì giấy phép CMS hiện tại bao gồm các dịch vụ custody cho chứng khoán nên chúng tôi hy vọng custody tài sản kỹ thuật số sẽ được quy định phải hoạt động theo giấy phép CMS.
Chính phủ Singapore và các đơn vị liên quan đã thể hiện sự cam kết và thiện chí phát triển ngành công nghiệp. Đặc biệt, vào tháng 11 năm ngoái, MAS đã cấp giấy phép khai thác thị trường (RMO) được công nhận cho 1exchange, sàn giao dịch chứng khoán tư nhân đầu tiên của Singapore, tạo điều kiện cho giao dịch token kỹ thuật số. Sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu Singapore SGX là nhà đầu tư tại 1exchange.
MAS hiện đang làm việc với các doanh nghiệp fintech trong môi trường sandbox theo quy định để tìm ra những vấn đề chưa được điều chỉnh và chúng tôi hy vọng sẽ thấy các bản cập nhật trong vòng 6 tháng tới. Rõ ràng là chính phủ Singapore ủng hộ sự phát triển của ngành tài sản kỹ thuật số và tiếp tục xây dựng hệ sinh thái.
Hồng Kông
Đóng vai trò là một trong những trung tâm tài chính quan trọng của Châu Á, Hồng Kông cũng đang thiết lập các quy định cho bối cảnh tiền điện tử. Vào tháng 9/2017, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC HK) đã đưa ra tuyên bố về ICO. Sau đó vào tháng 11, cơ quan đã công bố thông báo và thông tư về khung pháp lý áp dụng cho các nhà quản lý danh mục tài sản mã hóa, nhà phân phối quỹ và nhà điều hành nền tảng giao dịch. SFC HK sử dụng thuật ngữ “tài sản mã hóa”, được định nghĩa là một đại diện kỹ thuật số có giá trị, còn được gọi là “tiền điện tử’, “tài sản mã hóa” hay “token kỹ thuật số”.
Các ấn phẩm mới cung cấp quy định rõ ràng hơn liên quan đến đầu tư và quản lý các quỹ đầu tư vào tài sản kỹ thuật số.
Vào tháng 3/2019, SFC HK đã phát hành “Tuyên bố ưu đãi token chứng khoán”, nhắc nhở các nhà khai thác rằng token chứng khoán là chứng khoán, trừ khi được miễn trừ, bất kỳ ai marketing và phân phối token chứng khoán (dù ở Hồng Kông hoặc nhắm đến các nhà đầu tư Hồng Kông) đều phải được cấp phép hoặc đăng ký cho hoạt động loại 1 (giao dịch chứng khoán) theo Pháp lệnh Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFO).
Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn đang khái niệm hóa cách thức điều tiết các nền tảng sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số. Thông qua các ấn phẩm tháng 11/2018, SFC kêu gọi các nhà khai thác sàn giao dịch tiếp tục và tham gia sandbox theo quy định để xác định loại giấy phép sẽ được cấp cho các nhà khai thác sàn giao dịch. Các nhà khai thác sàn giao dịch có thể bị SFC điều chỉnh và yêu cầu giấy phép SFO loại 1 (giao dịch chứng khoán) và loại 7 (quy định về dịch vụ giao dịch tự động).
Theo các quy định hiện hành, các hoạt động custody không được SFC điều chỉnh nhưng các thực thể đóng vai trò là custodian phải được thành lập như một Công ty Ủy thác Công cộng (Public Trust Company) và xin cấp giấy phép Nhà cung cấp Dịch vụ cho Công ty hoặc Ủy thác (Trust or Company Service Provider – TCSP) do Cơ quan Đăng ký Công ty Hồng Kông cấp.
Vẫn chưa rõ liệu sẽ có hướng dẫn riêng cho các công ty custody tài sản kỹ thuật số hoặc có thể áp dụng các quy định hiện hành của custodian truyền thống cho custodian tài sản kỹ thuật số không?
Kết luận
Các chính phủ khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để xác định phạm vi rõ ràng hơn về các yêu cầu quy định đối với tài sản kỹ thuật số.
Ví dụ, ở Philippines, chính phủ đã thành lập Cơ quan Khu kinh tế Cagaya giám sát khu kinh tế đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp liên quan đến fintech và tiền điện tử. Đồng thời, vào tháng 2, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Philippines đã ban hành các quy định dự thảo xung quanh các dịch vụ tài sản kỹ thuật số và token cũng như các quy tắc đề xuất cho các sàn giao dịch. Malaysia có các quy định tương tự như ở Singapore và cũng đang nghiên cứu những quy định này để điều chỉnh tài sản kỹ thuật số.
Ngày nay, các tổ chức lớn hoạt động trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ chú trọng xây dựng các nền tảng tiền điện tử và blockchain. Những động thái như vậy đã làm tăng sự cấp bách cho các chính phủ trong việc hiểu và điều chỉnh các tài sản kỹ thuật số, để theo kịp với thực tế luôn thay đổi của doanh nghiệp.
Mặc dù vẫn còn phải xem cảnh tượng về tiền điện tử và STO cuối cùng sẽ hình thành như thế nào trên toàn cầu, chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy nhiều sự phát triển của quy định hơn. Một điều chúng ta có thể chắc chắn là phần lớn hành động và đổi mới sẽ được thúc đẩy từ châu Á.
- SEC phạt một công ty và nhà sáng lập hơn 10 triệu đô la vì bán token chứng khoán chưa đăng ký
- Ripple bị khiếu nại lên SEC vì nhà đầu tư tố cáo XRP là token chứng khoán chưa đăng ký
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Coindesk