Vay mượn hàng trăm triệu chuyển cho Phạm Tuấn để đầu tư tiền ảo với cam kết “lãi suất 10 – 30%, rủi ro 0%”, nhiều người dân giờ đây lâm vào cảnh tán gia bại sản.
- Mời các bạn theo dõi Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Gần đây, Tạp chí Bitcoin có đưa loạt tin về việc giang hồ mạng lấn sân sang đầu tư tiền ảo. Chúng lôi kéo người dùng tham gia các dự án đa cấp, gắn mác “đầu tư tài chính 4.0”, cùng xây viễn cảnh giá trị tăng phi mã, lãi cao tới 1000x, thu về trong ngày mà điển hình nhất là Wolfbroker và BitcoinDefi. Bên cạnh đó, các dự án này cũng phát triển cộng đồng bằng cách dùng tiền của người sau trả cho người trước, tương tự như mô hình đa cấp.
Chiêu “dụ mồi” quen thuộc
Tháng 3/2021, anh Lâm Quân (28 tuổi, quê Cà Mau) lướt mạng xã hội thấy tài khoản Phạm Tuấn, sinh năm 2001, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh được mệnh danh là đàn em Khá “Bảnh”, đang livestream nói về cơ hội đầu tư sàn giao dịch có tên Wolfbroker. Trên livestream Tuấn kêu gọi nếu ai tham gia đầu tư cùng thì sẽ có lãi suất 10 – 30%, rủi ro bằng 0. Thấy hấp dẫn, anh Quân sau đó tham gia vào một nhóm do Tuấn lập ra trên ứng dụng Telegram. Nhóm này có hàng nghìn thành viên, đều là những người mới tìm hiểu về việc đầu tư sàn Wolfbroker.
Trong nhóm, khi nhà đầu tư đặt câu hỏi “kiếm lời ra sao”, thì Tuấn khẳng định chắc nịch: “Đầu tư ký gửi. 1 tháng lãi 10 – 30% nhận lãi mỗi ngày, “đều như vắt chanh” mà không phải làm gì. Đầu tư càng nhiều lãi càng cao. Tỷ lệ rủi ro bằng 0. Bảo hành 100%. Mình đứng ra bảo đảm”.
Theo đó, các nhà đầu tư chỉ cần chuyển tiền cho Tuấn theo các gói có giá trị từ 3,3 triệu – 330 triệu đồng, tài khoản sẽ được thông báo đến “ban chuyên gia”, “ban chuyên gia” sẽ đặt lệnh qua một phần mềm tự động và được khẳng định là “chỉ có thắng, không có thua”, nhà đầu tư chỉ việc rút lãi mỗi ngày, mỗi tuần.
Dù không am hiểu gì về tiền ảo và sàn Wolfbroker nhưng tin theo lời khẳng định của Phạm Tuấn, cùng việc thấy nhiều người trong nhóm cũng đầu tư, anh Quân đã vay mượn gia đình, bạn bè số tiền khoảng 300 triệu đồng, chuyển cho Tuấn thành nhiều đợt, để đầu tư tiền ảo trên sàn Wolfbroker.
“Tôi nhận lãi được đúng 2 lần với tổng số tiền là 26 triệu đồng. Đến giữa tháng 5 thì Tuấn không trả lãi như hứa hẹn nữa và đến đầu tháng 6 thì sàn chính thức sập, nhiều nhà đầu tư hoảng loạn”, anh Quân cho biết.
Theo anh Quân, sau đó Tuấn ra điều kiện cho nhà đầu tư nếu muốn bảo toàn vốn thì phải chuyển sang mua một đồng tiền khác có tên là BitcoinDefi. Tuy vậy, nếu muốn chuyển tiền sang sàn mới này thì phải mất phí 30% trong tổng số vốn cho Tuấn.
“Nhiều nhà đầu tư trong đó có tôi không đồng ý theo phương án của Tuấn và yêu cầu được nhận lại tiền đã đầu tư thì bị Tuấn kick ra khỏi nhóm không một lời giải thích”, anh Quân cho biết.
Tán gia bại sản
Trường hợp như anh Quân vẫn còn may mắn hơn anh L.V.L, một công chức ở Hà Nội. Cũng tin theo Tuấn, anh L. cho biết, anh đầu tư vào sàn này 400 triệu đồng, trong đó có 200 triệu là tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng, 200 triệu là tiền đi vay với lãi suất cao. Dịch bệnh khiến công việc kinh doanh của vợ anh phải dừng lại, trong khi vẫn phải gánh chi phí mặt bằng, số tiền tiết kiệm thì đã “nướng” hết vào tiền ảo, cuộc sống của gia đình người đàn ông này giờ đây rơi vào tuyệt vọng.
“Mới đây một chủ nợ dọa hết dịch, sẽ xuống tận cơ quan nơi tôi làm việc nếu không xoay đủ tiền trả nợ đúng hẹn”, anh L. rầu rĩ nói.
Một trường hợp khác là chị H.V.H (28 tuổi, Hà Nội) cho biết, tháng 3.2021, chị đã chuyển tiền cho Tuấn tổng cộng 6 lần là 300 triệu đồng để đầu tư với hy vọng được nhận lãi suất như hứa hẹn.
Chị H. tâm sự đó là số tiền 2 vợ chồng dành dụm để cuối năm sinh em bé nhưng nay gần như không có cơ hội nhận lại.
“Giờ mình như rơi vào trạng thái trầm cảm vì không biết giải thích với chồng như thế nào về việc mất khoản tiền đó”, chị H. chia sẻ.
Đang tuyệt vọng vì mất tiền thì mới đây 3 nhà đầu tư này ngã ngửa khi thấy trong livestream mới đây, Phạm Tuấn lại tiếp tục kêu gọi người dân đầu tư vào sàn BitcoinDefi với hứa hẹn sẽ tăng giá phi mã lên 100 USD vào cuối năm nay…
Phạm Tuấn là đại lý ủy quyền miền Bắc của BitcoinDefi. Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 7, tại một nhà hàng khá sang trọng tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Tuấn chính thức được bổ nhiệm.
Trong sự kiện kéo dài gần 1 tiếng, cả DJ Tommy (tức Mai Thế Tùng – trái) cùng Phạm Tuấn (phải) đều nhắc đi nhắc lại viễn cảnh BitcoinDeFi sẽ tăng lên 100 USD vào cuối năm nay một cách dễ dàng và “đây mới chỉ là ngưỡng bắt đầu”. Đồng thời, cặp đôi này cũng kêu gọi mọi người sớm đầu tư để nắm bắt cơ hội.
Ngoài Phạm Tuấn và DJ Tommy, Hoàng Đức Nhân (tức Hoàng Tử Gió) cũng là một nhân vật ra sức quảng bá cho BitcoinDefi trên mạng xã hội. Trong một bài đăng vào tháng 6, Hoàng Đức Nhân khoe lãi khủng khi tham gia đầu tư đồng tiền này. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, Hoàng Đức Nhân đã xây dựng được cộng đồng 1500 người tìm hiểu, đầu tư vào Bitcoin Defi.
Tuấn và Nhân thường xuyên cùng nhau xuất hiện trên các video đăng tải trên mạng với lời giới thiệu là anh em thân thiết. Sau khi Tuấn trở thành “thủ lĩnh” của dự án BitcoinDefi, Nhân cũng rất nhanh chóng hỗ trợ người anh em của mình trong việc đăng bài quảng cáo cho nền tảng đa cấp này.
Với hứa hẹn lãi suất trong mơ, hàng nghìn người đã tham gia đầu tư, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng về việc kinh doanh tiền ảo, sàn tiền ảo ở Việt Nam hiện nay là bất hợp pháp. Chỉ riêng trong một cộng đồng người chơi tiền ảo mà chúng tôi tìm hiểu, có khoảng 1500 nhà đầu tư BitcoinDefi.
Tuy nhiên, không giống như quảng cáo của các “thủ lĩnh” – với mức giá 6,4 USD, tại một số nhóm và cộng đồng đầu tư BitcoinDefi, nhiều người đang rao bán đồng tiền này với giá 4 USD, lỗ 2,4 USD so với giá mua vào nhưng cũng không có ai mua.
Theo tìm hiểu của Tạp chí Bitcoin, Phạm Tuấn, Mai Thế Tùng và một số thủ lĩnh khác hiện đã xóa các bài quảng cáo và biến mất khỏi Facebook khiến nhà đầu tư không thể liên lạc.
- Đàn em Khá ‘Bảnh’ tham gia dự án tiền số đa cấp BitcoinDefi
- Thủ lĩnh đa cấp BitcoinDeFi bốc hơi khỏi Facebook
Nguồn: T/H