Chính phủ Campuchia vừa ban hành lệnh chặn quyền truy cập vào 16 trang web sàn giao dịch tiền mã hóa lớn, bao gồm Binance, Coinbase và OKX, với lý do các nền tảng này hoạt động mà không có giấy phép từ Cơ quan Quản lý Chứng khoán Campuchia (SERC).
Động thái này diễn ra giữa lúc Campuchia đang phải đối mặt với áp lực quốc tế về tai tiếng là một trung tâm của các vụ lừa đảo trực tuyến, bao gồm cả những vụ liên quan đến tiền mã hóa. Theo Nikkei Asia, lệnh chặn được ban hành bởi Cơ quan Quản lý Viễn thông Campuchia (TRC) ngày 20/11, nằm trong chiến dịch quy mô lớn nhằm vào hơn 100 trang web, phần lớn liên quan đến cờ bạc trực tuyến.
Việc chặn các sàn giao dịch crypto được đánh giá mang tính biểu tượng hơn là thực chất, nhằm thể hiện cam kết chống lại các hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, các ứng dụng của các nền tảng đó vẫn tiếp tục hoạt động, cho thấy những thách thức trong việc kiểm soát các tài sản kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu. Điều này đặt Campuchia vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: vừa muốn khẳng định quyền kiểm soát quy định, vừa đối mặt với nguy cơ đẩy các hoạt động crypto vào thị trường ngầm.
Bức tranh tiền mã hóa tại Campuchia đầy nghịch lý. Một mặt, quốc gia này đang tích cực thúc đẩy đổi mới tài chính với hệ thống thanh toán kỹ thuật số Bakong, ghi nhận 200 triệu giao dịch trong năm 2023. Mặt khác, tiền mã hóa vẫn bị cấm chính thức, nhưng lại phát triển mạnh mẽ thông qua các thị trường ngang hàng và các nền tảng như Huione Guarantee. Nền tảng này đã xử lý hơn 49 tỷ USD giao dịch từ năm 2021 đến giữa năm 2024, chủ yếu liên quan đến cờ bạc trực tuyến và lừa đảo, chiếm phần lớn hoạt động crypto tại Campuchia.
Sự song hành mâu thuẫn này làm nổi bật những thách thức lớn hơn. Báo cáo năm 2024 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm cảnh báo rằng tiền mã hóa đang được sử dụng tại Campuchia để rửa tiền từ các hoạt động phi pháp như cờ bạc trực tuyến và gian lận. Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) cũng nhấn mạnh sự yếu kém của Campuchia trong các biện pháp chống rửa tiền, thúc đẩy yêu cầu cấp bách về việc cải thiện khung pháp lý.
Việc Binance bị đưa vào danh sách chặn đã gây nhiều chú ý, nhất là khi sàn giao dịch này từng ký kết hợp tác với chính phủ Campuchia vào năm 2022 để xây dựng các quy định về tiền mã hóa. Binance cũng đã tổ chức các buổi đào tạo cho quan chức địa phương về cách phát hiện tội phạm liên quan đến crypto. Tuy nhiên, việc chặn Binance và các nền tảng lớn khác có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Campuchia đối với các nhà đầu tư hợp pháp, đồng thời cô lập quốc gia này khỏi dòng chảy tài chính toàn cầu.
Thay vì áp dụng lệnh cấm, một khung pháp lý rõ ràng và toàn diện sẽ là giải pháp hiệu quả hơn để vừa giải quyết các hành vi phi pháp, vừa khuyến khích đổi mới. Cách tiếp cận rời rạc hiện tại—dựa vào thử nghiệm sandbox hạn chế và thực thi chọn lọc—nguy cơ làm mất lòng tin của các doanh nghiệp uy tín mà vẫn không ngăn chặn được tội phạm.
Các biện pháp mạnh tay này cũng có thể cản trở tham vọng của Campuchia trong việc trở thành trung tâm fintech khu vực. Với mức độ chấp nhận crypto của người dùng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu, nhu cầu là không thể phủ nhận. Khả năng cân bằng giữa an ninh, đổi mới và sự minh bạch trong quản lý sẽ quyết định liệu Campuchia có thể tích hợp crypto vào nền kinh tế hay mãi chật vật đối phó với một xu hướng không thể cưỡng lại.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
Tham gia Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến vụ lừa đảo hơn 350 tỉ đồng tại Campuchia
- Thị trường online liên kết với giới tinh hoa Campuchia bị liên quan đến vụ lừa đảo tiền điện tử trị giá 11 tỷ USD
Càn Long
Theo Tạp Chí Bitcoin